Vì sao Việt Nam tiếp cận nguồn vaccine COVID-19 sớm mà vaccine lại về muộn?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, nên mặc dù Việt Nam tiếp cận nguồn vaccine COVID-19 sớm, nhưng vaccine lại về muộn.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn trước Quốc hội (Ảnh - MT)
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn trước Quốc hội (Ảnh - MT)

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Phan Thị Thanh Mai – Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội - về đề chiến lược vaccine COVID-19, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội diễn ra vào sáng nay, ngày 10/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: “Việt Nam tiếp cận vaccine COVID-19 sớm, nhưng vaccine lại về muộn hơn so với các nước. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này, trong đó có lý do khách quan và chủ quan”.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, ngay từ tháng 9/2020, Bộ Y tế đã làm việc, thoả thuận với cơ chế COVAX để có nguồn cung vaccine COVID-19. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo về vấn đề này.

Vào tháng 11/2020, Bộ Y tế đã có thoả thuận đầu tiên với Astrazeneca để cung ứng 30 triệu liều vaccine COVID-19 cho Việt Nam.

Sau đó, Bộ Y tế đã chủ động làm việc với các công ty để thúc đẩy việc nghiên cứu, sản xuất vaccine COVID-19 trong nước. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan – tình trạng khan hiếm vaccine trên toàn cầu, 1 số nước phát triển đặt hàng mua vaccine COVID-19 với số lượng lớn so với nhu cầu sử dụng, dẫn đến sự bất bình đẳng trong cung ứng vaccine.

Bên cạnh đó, người dân còn có tâm lý từ chối việc sử dụng vaccine COVID-19 không chỉ ở Việt Nam mà còn trên quy mô toàn cầu khi dịch COVID-19 bùng phát.

Ngoài ra, Bộ Y tế đã gặp phải rất nhiều khó khăn khi đàm phán, thoả thuận mua vaccine COVID-19. Khi Bộ Y tế cam kết, thoả thuận mua vaccine đã phải vượt qua rất nhiều rào cản về mặt pháp luật. Ví dụ như việc nước ta phải chấp nhận tất cả các điều kiện của bên bán và không có cơ hội để thương thuyết. Bộ Y tế đã tổ chức hơn 200 cuộc họp để thương thuyết với các hàng sản xuất vaccine, tuy nhiên, hầu hết các điều kiện mà nhà sản xuất vaccine đưa ra đều không thể thay đổi được.

“Khi đàm phán mua vaccine COVID-19, Bộ Y tế phải chấp nhận tất cả những rủi ro như: giao hàng chậm, không đúng thời hạn, chênh lệch giá mua,… đặc biệt là việc không được trả lại vaccine kể cả trong trường hợp vaccine không đảm bảo, trừ khi quốc tế công nhận vaccine COVID-19 không đảm bảo thì Việt Nam mới được trả lại” – ông Long nói.

Chính những khó khăn trên đã khiến Bộ Y tế gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, mua vaccine COVID-19.

Sau khi có Nghị quyết của Bộ Chính trị vào tháng 2, Nghị quyết của Chính phủ, bắt đầu từ tháng 5, Bộ Y tế đã nỗ lực thúc đẩy tiến trình mua vaccine COVID-19 và tổ chức tiêm vaccine nhanh nhất cho người dân.