Vì sao Tổng thống Ukraine bất ngờ trừng phạt 4 công ty Trung Quốc?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Sau khi bị từ chối mua lại công ty Motor Sich, phía Trung Quốc đã đệ đơn lên trọng tài quốc tế đòi chính phủ Ukraine bồi thường. Tổng thống Zelensky ngày 29/1 đã trừng phạt 4 công ty và 1 người Trung Quốc.
Ngày 29/1, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký lệnh trừng phạt 4 công ty và 1 công dân Trung Quốc (Ảnh: Dwnews).
Ngày 29/1, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ký lệnh trừng phạt 4 công ty và 1 công dân Trung Quốc (Ảnh: Dwnews).

Theo Hãng thông tấn Nga Sputnik ngày 30/1, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã thông qua quyết định của Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine về việc xử phạt các pháp nhân và cá nhân đầu tư vào công ty Motor Sich, lệnh trừng phạt có hiệu lực ngay lập tức. Thông tin này đã được công bố trên trang web của Văn phòng Tổng thống Ukraine vào ngày 29/1.

Các công ty và cá nhân Trung Quốc bị xử phạt bao gồm Tianjiao Aircraft Holdings Co., Ltd. (Công ty Thiên Kiêu), Hong Kong Tianjiao Holdings Co., Ltd. (Công ty Thiên Kiêu Hồng Kông), Beijing Tianjiao Aviation Industry Investment Co., Ltd. (Công ty Hàng không Thiên Kiêu Bắc Kinh), Beijing Xinwei Technology Group Co., Ltd. (Tập đoàn Công nghệ Tín Uy Bắc Kinh) và công dân Trung Quốc Vương Tĩnh (Chủ tịch Tập đoàn Tín Uy) đã bị áp dụng các biện pháp hạn chế trong thời hạn ba năm.

Sau khi mua Motor Sich không được, phía Trung Quốc kiện đòi chính phủ Ukraine bồi thường 3,5 tỷ USD (Ảnh: Dwnews).

Sau khi mua Motor Sich không được, phía Trung Quốc kiện đòi chính phủ Ukraine bồi thường 3,5 tỷ USD (Ảnh: Dwnews).

Theo quyết định trừng phạt được công bố, Ukraine đã đặc biệt áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Vương Tĩnh gồm phong tỏa tài sản, tạm thời hạn chế ông sử dụng và xử lý tài sản, hạn chế giao dịch, đình chỉ một phần hoặc hoàn toàn nguồn lực, cấm sử dụng máy bay và phương tiện vận tải nhập cảnh hoặc quá cảnh lãnh thổ Ukraine, ngăn cản chuyển tiền vốn của ông và các công ty ra khỏi Ukraine; cấm hoàn toàn việc xử lý theo pháp luật chứng khoán của tổ chức phát hành bị trừng phạt theo “Luật trừng phạt” của Ukraine; hủy bỏ và từ chối mọi thị thực nhập cảnh của nước ngoài, áp đặt lệnh cấm nhập cảnh lãnh thổ Ukraine và cấm các hoạt động lũng đoạn của các công ty này.

Điều đáng nói là Công ty Thiên Kiêu (Skyrizon) của Trung Quốc là nhà đầu tư tại Motor Sich.

Trước đó, vào ngày 7/12/2020, văn phòng báo chí của công ty Đại Xương (DCH Group Co., Ltd.), một trong những cổ đông Trung Quốc của Motor Sich, thông báo rằng các nhà đầu tư Trung Quốc của Motor Sich đã đệ đơn lên tòa trọng tài quốc tế và yêu cầu chính phủ Ukraine bồi thường cho họ 3,5 tỷ USD.

Các nhà đầu tư Trung Quốc của Motor Sich đã thuê ba công ty luật quốc tế là WilmerHale, DLA Piper và Bird & Bird để thu hồi các khoản lỗ của họ ở Ukraine, đồng thời thuê công ty Arzinger của Belarus làm cố vấn pháp lý tại Ukraine.

Motor Sich hiện có quan hệ hợp tác với nhiều đối tác Trung Quốc (Ảnh: Dwnews).

Motor Sich hiện có quan hệ hợp tác với nhiều đối tác Trung Quốc (Ảnh: Dwnews).

Motor Sich là một trong những nhà máy sản xuất động cơ hàng không quan trọng nhất trên thế giới. Là một công ty quốc phòng quan trọng thời kỳ Liên Xô cũ, Motor Sich chủ yếu kinh doanh động cơ cho máy bay quân sự, tên lửa hành trình và máy bay trực thăng. Công ty này từng thiết kế động cơ cho máy bay vận tải lớn nhất thế giới An-225.

Ngoài ra, Motor Sich luôn là nhà sản xuất độc quyền động cơ sử dụng cho tất cả các loại trực thăng ở Liên Xô cũ và Nga hiện nay. Motor Sich cũng là nhà cung cấp chính của nhiều động cơ trực thăng dòng MI và Kamov được sử dụng trên toàn thế giới.

Chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin chỉ ra rằng một khi Trung Quốc nắm quyền kiểm soát nhà sản xuất động cơ Ukraine, họ sẽ đơn giản hóa và giảm thiểu chi phí bảo trì đội máy bay trực thăng lớn của họ, đồng thời cung cấp khả năng nâng cấp và khống chế việc thiết kế và sản xuất động cơ. Ý nghĩa của nó là rất hiển nhiên.

Máy bay huấn luyện cao cấp L-15 của Trung Quốc được lắp động cơ AI-222-25F do Motor Sich cung cấp (Ảnh: Dwnews).

Máy bay huấn luyện cao cấp L-15 của Trung Quốc được lắp động cơ AI-222-25F do Motor Sich cung cấp (Ảnh: Dwnews).

Hãng tin Anh Reuters đưa tin, Mỹ và Trung Quốc trước đó đã tranh cãi về công ty Motor Sich của Ukraine. Mỹ kiên quyết phản đối việc các nhà đầu tư Trung Quốc mua lại công ty này. Điều này đặt Ukraine vào tình thế khó xử, vì Ukraine một mặt dựa vào sự viện trợ quân sự nhiều nhất của Mỹ, mặt khác lại tìm cách thiết lập mối quan hệ kinh doanh sâu sắc hơn với Trung Quốc.

Hiện nay Ukraine áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thiên Kiêu Bắc Kinh, bao gồm phong tỏa tài sản, hạn chế thương mại và cấm chuyển tiền ra khỏi Ukraine trong thời hạn 3 năm, cho đến tháng 1 năm 2024.

Theo Wikipedia, Motor Sich là một trong những nhà sản xuất máy bay và động cơ trực thăng lớn nhất thế giới, đồng thời là nhà sản xuất máy bay và động cơ trực thăng cũng như động cơ tuabin khí công nghiệp duy nhất ở Ukraine.

Hãng thông tấn Ukrainian News Agency đưa tin, ngoài các công ty liên quan đến Thiên Kiêu Bắc Kinh nằm trong danh sách trừng phạt, còn có Tập đoàn Tín Uy là công ty kiểm soát Thiên Kiêu Bắc Kinh. Ông Vương Tĩnh, Chủ tịch Tập đoàn Tín Uy cũng nằm trong diện bị trừng phạt.

Máy bay vận tải An-225 lớn nhất thế giới sử dụng động cơ do Motor Sich thiết kế và chế tạo (Ảnh: Sputnik).

Máy bay vận tải An-225 lớn nhất thế giới sử dụng động cơ do Motor Sich thiết kế và chế tạo (Ảnh: Sputnik).

Vào cuối nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, Washington đã đưa Thiên Kiêu vào danh sách "Người dùng cuối quân sự" (MEU), hạn chế các công ty Mỹ xuất khẩu hàng hóa có khả năng phát triển động cơ máy bay và các vật tư quân sự khác cho công ty này.

Thiên Kiêu Bắc Kinh nắm giữ một số cổ phần của Motor Sich, nhưng số cổ phần này đã bị phong tỏa vào năm 2017 do cuộc điều tra của Cục An ninh Ukraine (SBU). Do bị phong tỏa cổ phiếu, phía Trung Quốc đã đệ đơn kiện lên trọng tài quốc tế đòi chính phủ Ukraine bồi thường 3,5 tỷ USD.

Đầu tháng này, Đại sứ quán Mỹ đã tuyên bố rằng các khoản đầu tư mang tính cướp đoạt và mua lại công nghệ của Thiên Kiêu Bắc Kinh ở Ukraine có nguy cơ bị chuyển giao cho mục đích quân sự của Trung Quốc, điều này là không thể chấp nhận được.

Bộ Thương mại Trung Quốc thì tuyên bố rằng Mỹ "thêu dệt nhiều lý do khác nhau" để đàn áp các công ty Trung Quốc ở nước ngoài và thúc giục Washington sửa chữa một loạt sai lầm trước đó.