Thất bại trong vụ mua hãng chế tạo động cơ Motor Sich, Trung Quốc kiện Ukraine ra trọng tài quốc tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc

VietTimes – Sau nhiều lần lan truyền thông tin cho rằng công ty Trung Quốc đã mua lại thành công hãng chế tạo động cơ hàng không khổng lồ Motor Sich của Ukraine; ngày 7/12, truyền thông Nga tiết lộ, các nhà đầu tư Trung Quốc của Motor Sich đã đệ đơn kiện chính phủ Ukraine ra trọng tài quốc tế để đòi bồi thường.

Thương vụ mua Motor Sich của Thiên Kiêu Bắc Kinh thất bại, phía Trung Quốc đã kiện đòi chính phủ Ukraine bồi thường (Ảnh: Dwnews).
Thương vụ mua Motor Sich của Thiên Kiêu Bắc Kinh thất bại, phía Trung Quốc đã kiện đòi chính phủ Ukraine bồi thường (Ảnh: Dwnews).

Yêu cầu bồi thường 3,5 tỷ USD

Hãng tin Hoa ngữ Đa Chiều (Dwnews) ngày 9/12 dẫn tin Thông tấn Nga Sputnik ngày 7/12 cho biết văn phòng báo chí của Công ty TNHH Tập đoàn Đại Xương (DCH), một trong những cổ đông Trung Quốc của công ty Motor Sich cho biết, các nhà đầu tư Trung Quốc của Motor Sich đã nộp đơn ra tòa trọng tài quốc tế, yêu cầu chính phủ Ukraine bồi thường cho họ số tiền lên tới 3,5 tỷ USD.

Văn phòng báo chí của tập đoàn DCH nêu trong thông báo: “Vào ngày 5 tháng 12, các nhà đầu tư Trung Quốc của Công ty cổ phần đại chúng Motor Sich đã thông báo với chính phủ Ukraine rằng, theo hiệp định kí giữa chính phủ Ukraine và chính phủ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về xúc tiến đầu tư và bảo vệ lẫn nhau, họ đã kiện Ukraine ra trọng tài quốc tế".

Hãng thông tấn Nga Sputnik đề cập đến việc nhà đầu tư Trung Quốc của Motor Sich đã thuê ba công ty luật quốc tế là WilmerHale, DLA Piper và Bird & Bird để thu hồi các thiệt hại ở Ukraine, đồng thời thuê công ty luật Arzinger của Belarus làm cố vấn pháp luật ở Ukraine.

Motor Sich và các đối tác Trung Quốc đã hợp tác trong nhiều dự án quan trọng (Ảnh: Dwnews).

Motor Sich và các đối tác Trung Quốc đã hợp tác trong nhiều dự án quan trọng (Ảnh: Dwnews).

Trước đó, hãng thông tấn quốc gia Ukraine Ukrinform cho biết công ty Trung Quốc đã mua lại hơn 50% cổ phần tại Motor Sich, nhưng vẫn còn hơn 25% cổ phần do Tập đoàn Công nghiệp Quốc phòng Ukraine (Ukroboronprom) kiểm soát. Ông Vyacheslav Boguslayev, chủ tịch của Motor Sich, cho biết công ty không có lựa chọn nào khác, nếu không, nhà máy sẽ buộc phải đóng cửa.

Theo ông Boguslayev, ngoài việc mua cổ phần, công ty Trung Quốc còn hứa đầu tư 250 triệu đô la Mỹ vào nhà máy này trong vòng hai năm. Ngoài ra, sau khi bán cổ phần của nhà máy Motor Sich, một số bằng sáng chế sẽ vẫn thuộc sở hữu của Ukraine, đặc biệt là công nghệ động cơ do Cục Thiết kế Tiến bộ Ivchenko phát triển.

Đơn xin mua lại công ty của Trung Quốc bị từ chối

Vào ngày 4 tháng 8 năm 2020, Tập đoàn Công ty công nghệ Tân Khoa Bắc Kinh (Xinwei Group) ra thông báo nói, công ty con của họ là Thiên Kiêu Bắc Kinh (Beijing Skyrizon) và DCH đã cùng nhau đệ đơn lên Ủy ban chống độc quyền Ukraine về việc đề nghị mua lại cổ phần của Motor Sich.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã quyết định ngăn cản thương vụ thôn tính Motor Sich của các công ty Trung Quốc (Ảnh: Dwnews).

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã quyết định ngăn cản thương vụ thôn tính Motor Sich của các công ty Trung Quốc (Ảnh: Dwnews).

Tuy nhiên, Ủy ban chống độc quyền của Ukraine đã từ chối đơn của họ, cấm các công ty Trung Quốc thu mua Motor Sich. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đưa ra quyết định trên căn cứ cái gọi là “rủi ro địa chính trị” và chỉ thị cho các quan chức chính phủ phải bảo vệ lợi ích kinh tế của Ukraine, đánh giá thiệt hại mà nước này phải gánh chịu khi bán các doanh nghiệp chiến lược, đặc biệt là cổ phần ở Motor Sich.

Motor Sich là một trong những nhà máy sản xuất động cơ máy bay quan trọng nhất trên thế giới. Là một công ty quốc phòng quan trọng ở Liên Xô cũ, Motor Sich chủ yếu kinh doanh động cơ dùng cho máy bay quân sự, tên lửa hành trình và máy bay trực thăng. Công ty này từng thiết kế động cơ cho loại máy bay vận tải An-225 lớn nhất thế giới.

Máy bay huấn luyện cao cấp L-15 của Trung Quốc được lắp động cơ AI-222-25F do Motor Sich cung cấp (Ảnh: Dwnews).

Máy bay huấn luyện cao cấp L-15 của Trung Quốc được lắp động cơ AI-222-25F do Motor Sich cung cấp (Ảnh: Dwnews).

Ngoài ra, Motor Sich luôn là nhà sản xuất độc quyền động cơ sử dụng cho tất cả các loại trực thăng ở Liên Xô cũ và Nga hiện nay. Motor Sich cũng là nhà cung cấp chính động cơ cho máy bay trực thăng dòng "Mi" và "Ka" được sử dụng nhiều nhất trên toàn thế giới.

Chuyên gia quân sự Nga Vasily Kashin chỉ ra rằng một khi Trung Quốc nắm quyền kiểm soát hãng sản xuất động cơ hàng không Ukraine, họ sẽ đơn giản hóa và giảm thiểu chi phí bảo trì phi đội máy bay trực thăng khổng lồ của mình, đồng thời có khả năng nâng cấp và kiểm soát việc thiết kế và sản xuất động cơ. Ý nghĩa của nó lớn như thế nào thì khỏi cần bàn tới.

Theo giới quan sát quốc tế, tính ra các nhà đầu tư Trung Quốc đã bằng nhiều cách khác nhau nắm giữ được khoảng 75% cổ phần của Motor Sich, nhưng 25% còn lại vẫn do Tập đoàn Công nghiệp Quốc phòng Ukraine (Ukroboronprom) kiểm soát.

Cổ phiếu của Motor Sich đã bị phong tỏa từ tháng 4/2018 sau khi Ukraine khởi động một cuộc điều tra hình sự về hành vi bán công ty bất hợp pháp cho người nước ngoài.

Máy bay vận tải An-225 lớn nhất thế giới sử dụng động cơ do Motor Sich thiết kế và chế tạo (Ảnh: Sputnik).

Máy bay vận tải An-225 lớn nhất thế giới sử dụng động cơ do Motor Sich thiết kế và chế tạo (Ảnh: Sputnik).

Mỹ đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về vụ mua cổ phiếu và tìm cách ngăn chặn việc Trung Quốc thôn tính hãng sản xuất động cơ hàng không quan trọng này. Cựu Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng John Bolton nói trong chuyến thăm tháng 8/2019 tới Kiev rằng, Washington lo ngại "việc công nghệ quân sự của Ukraine bị Trung Quốc đánh cắp".

Các nỗ lực của các nhà đầu tư Trung Quốc nhằm giải phóng số cổ phần bị tòa án Ukraine phong tỏa đã không thành công và họ đã quyết định đưa vụ việc ra trọng tài quốc tế. Vụ việc sẽ đi đến đâu, liệu chính phủ Ukraine có phải bồi thường cho các công ty Trung Quốc số tiền khổng lồ 3,5 tỷ USD hay không, chúng ta hãy chờ xem. Nhưng bất kể kết quả như thế nào thì mối quan hệ Trung Quốc – Ukraine đã không thể còn được như trước.