The Washington Post cho biết, bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov đã yêu cầu Mỹ cung cấp 100 máy bay phản lực tấn công mặt đất A-10 Warthog chỉ vài tuần sau khi bùng phát cuộc xung đột Nga Ukraine tháng 2/2022. Mỹ thẳng thừng từ chối yêu cầu này để tránh leo thang căng thẳng giữa Moscow và Washington.
Cuộc xung đột ở Ukraine kéo dài 10 tháng với sự hỗ trợ toàn lực của Mỹ và các đồng minh NATO cho các lực lượng vũ trang Ukraine. Những gói viện trợ quân sự được chính phủ Mỹ phê duyệt cung cấp nhiều loại vũ khí đạn dược hiện đại, từ pháo phản lực – tên lửa, pháo binh, máy bay không người lái (UAV) đến hệ thống phòng không tiên tiến nhất trong kho vũ khí quốc gia. Nhưng Mỹ kiềm chế không cung cấp máy bay chiến đấu đến tham chiến.
Tuy nhiên, bài báo của Washington Post cho thấy, Ukraine đã kiểm tra kỹ lưỡng trước khi đưa ra yêu cầu. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Aleksii Reznikov cho biết, ông đã tìm kiếm thông tin công khai và ước tính, Không quân Mỹ có khoảng 100 máy bay A-10. Ông tuyên bố rằng máy bay có thể được điều chuyển đến tham chiến trên chiến trường Ukraine, giúp quốc gia này ngăn chặn cuộc tiến công của quân đội Nga, đang tiến về thủ đô Kyiv với một đoàn tăng thiết giáp dài 40 dặm (64 km).
A-10 Warthogs có thể thực hiện điều gì?
Được chế tạo bởi Công ty Fairchild Republic, hiện là thành viên của Northrop Grumman, A-10 Thunderbolt II là máy bay cường kích chiến trường, được thiết kế để yểm trợ hỏa lực đường không cho lực lượng bộ binh. Máy bay có khả năng cơ động tuyệt vời ở tốc độ và độ cao thấp, có thể bay lượn gần các khu vực chiến trường trong thời gian dài và sẵn sàng hành động khi cần thiết.
Tổng quan máy bay cường kích chiến trường A-10 Warthogs không quân Mỹ. Video SquareSpace |
A-10 Warthogs được trang bị một pháo tự động Gatling 30 mm GAU-8/A, có tốc độ bắn tới 3.900 phát/phút, được trang bị nhiều loại vũ khí không đối đất như các loại bom, tên lửa dẫn đường chính xác và bom, rockets không điều khiển.
Có biệt danh là Warthog, những chiếc A-10 Thunderbolt II được trang bị Hệ thống quan sát ban đêm quang ảnh nhiệt (NVIS), hệ thống điều khiển gắn trên kính mũ bảo hiểm và buồng lái có mái che dạng bong bóng lớn, cho phép phi công có tầm quan sát rất rộng.
Máy bay có khả năng sống sót cao nhờ những tính năng an toàn khi bị trúng đạn, thùng nhiên liệu tự phục hồi và hệ thống điều khiển thủ công khi mất khả năng kiểm soát bay thủy lực, hơn bất kỳ máy bay cường kích chiến trường nào được triển khai trước đây.
Mỹ hoàn toàn từ chối yêu cầu của Ukraine
Chiếc cường kích chiến trường một phi công có thể mang theo 16.000 pound (7.200 kg) vũ khí hỗn hợp, bao gồm bom, tên lửa và rockets dưới cánh và giá treo trên thân máy bay. Nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thẳng thừng từ chối yêu cầu của Ukraine vì nếu không có sự hỗ trợ cần thiết, những chiếc A-10 sẽ trở thành mục tiêu dễ dàng của các hệ thống phòng không Nga, ông Reznikov nói với WaPo.
Mỹ không muốn chuyển giao máy bay viện trợ cho Ukraine vì tin rằng, Ukraine có thể sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, điều đó sẽ dẫn đến sự leo thang căng thẳng với Moscow do điện Kremlin có thể cáo buộc Mỹ tấn công vào lãnh thổ Nga và các máy bay nếu bị Nga bắn rơi sẽ có tiếng vang rất lớn trên trường quốc tế.
Nhưng Mỹ và các đồng minh NATO vẫn tiếp tục xem xét khả năng gửi các máy bay chiến đấu do Liên Xô sản xuất tới Ukraine. Mặc dù động thái này không thành hiện thực, nhưng các quốc gia Đông Âu đã cung cấp phụ tùng thay thế cho những máy bay chiến đấu mà Ukraine hiện có.
Mỹ cũng tăng cường năng lực chiến đấu cho các máy bay phản lực có nguồn gốc từ Liên Xô của Ukraine bằng tên lửa chống radar tốc độ cao (HARM) AGM-88 đồng thời cung cấp các bộ phận JDAM, chuyển hóa bom thông thường thành bom có độ chính xác cao trong kế hoạch bổ sung thêm nhiều vũ khí tấn công hiện đại hơn trong tương lai.
Được triển khai lần đầu tiên vào năm 1976, A-10 Warthogs là phi đội bay già cỗi nhất mà Mỹ đang xem xét loại biên gần 300 chiếc. Trong tình huống hiện nay, khi Washington lên kế hoạch cung cấp hệ thống tên lửa phòng không Patriot, khả năng cung cấp A-10 Warthogs cho Ukraine là rất nhỏ và phải có những điều kiện đặc biệt thuận lợi.
Theo Engineering Interesting