Vì sao Hội Tin học Việt Nam không thể duy trì IT Week?

VietTimes -- Cùng với Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam, Hội Tin học Việt Nam (VAIP) là tổ chức có tuổi đời 30 năm lịch sử. Nhân buổi Gặp gỡ ICT đầu xuân 2019 vừa được tổ chức mới đây, ông Nguyễn Long – Tổng thư ký VAIP đã có đôi lời tâm sự với VietTimes.
Khách tham quan nghe giới thiệu về thiết bị camera giám sát tại một triển lãm về thiết bị công nghệ
Khách tham quan nghe giới thiệu về thiết bị camera giám sát tại một triển lãm về thiết bị công nghệ

Trước hết, xin ông có đôi lời tổng kết về những việc lớn mà VAIP đã làm được từ khi thành lập đến nay cùng những thực tế chưa được như mong muốn và cần có biện pháp, quyết sách để làm được tốt hơn.

30 năm qua là một chặng đường dài, VAIP đã luôn đồng hành cùng sự lớn mạnh của cộng đồng CNTT-TT Việt Nam và trưởng thành cùng sự khẳng định vai trò của ngành kinh tế quan trọng CNTT-TT. Tuân thủ điều lệ Hội Tin học VN từ ngày thành lập 17/12/1988, VAIP đã xây dựng được một lực lượng dùng hậu với gần 50.000 hội viên từ 41 Hội Tin học thành viên cả nước trong đó có 2 Câu lạc bộ tầm vóc quốc gia như CLB Phần mềm Nguồn mở Tự do (VFOSSA) và CLB Khoa – Viện – Trường CNTT-TT VN (FISU) cùng nhiều Chi hội Bộ - Ngành và hàng ngàn Doanh nghiệp Hội viên.

VAIP đã làm tốt sứ mệnh tư vấn, phản biện các chủ chương, chính sách, các dự án quan trọng về CNTT góp phần hình thành các chủ chương lớn của Đảng và Chính phủ về CNTT như: Nghị quyết 49/CP phát triển CNTT ở nước ta trong những năm 90, Chỉ thị 58-CT/TW, Nghị quyết số 36-NQ/TW, các bộ luật: Luật Giao dịch Điện tử, Luật CNTT, Luật An toàn Thông tin, Luật An ninh mạng... cùng các nghị định, thông tư thúc đẩy phát triển ứng dụng CNTT-TT.

Các hoạt động hội cũng mang nhiều dấu ấn và trở thành thương hiệu ngành CNTT–TT quen thuộc như : IT Week, Vietnam ICT Index, Gặp gỡ ICT đầu Xuân, Hội thảo Hợp tác phát triển CNTT-TT Việt Nam, Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam, Kỳ thi lập trình ICPC quốc tế, Hội thi Tin học trẻ, Hội thi Cán bộ Công chức trẻ về CNTT, tham gia tổ chức cuộc thi Nhân tài đất Việt...  Sự lớn mạnh của VAIP cũng đồng hành cùng sự tăng trưởng nhanh chóng của các Doanh nghiệp CNTT-TT, chỉ riêng Hội Tin học TPHCM đã có tới gần 400 hội viên Doanh nghiệp.

Trong thời gian tới VAIP cần phải nỗ lực nhiều hơn với các hoạt động theo phương châm “đoàn kết, hợp tác cùng phát triển” với trọng tâm chính tăng cường năng lực tổ chức hoạt động xã hội cho các Hội Tin học thành viên và các tổ chức hội, nâng cao hiệu quả và tích cực hơn trong các hoạt động tư vấn phản biện, tích cực và chủ động trong các hoạt động GD-ĐT về CNTT-TT (nguồn nhân lực) và Nghiên cứu phát triển. Với những định hướng mới cùng các thành công qua chặng đường 30 năm phát triển tin tưởng rằng VAIP ngày càng có uy tín và hiệu quả trong các hoạt động xã hội nghề nghiệp của mình.    

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng (bên phải) trao Bằng khen cho Hội Tin học Việt Nam
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng (bên phải) trao Bằng khen cho Hội Tin học Việt Nam

Với VAIP, Tuần lễ Tin học (IT Week) từng là một hoạt động hết sức có ý nghĩa vì đó là sinh hoạt không chỉ của cộng đồng những người làm tin học mà cả với những ai quan tâm đến CNTT nước nhà. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây thì IT Week đã không tổ chức được. Xin ông cho biết, nguyên nhân vì đâu và liệu VAIP có định khôi phục lại IT Week nữa không?

Triển lãm – Hội thảo IT Week Việt Nam là một thương hiệu có uy tín do VAIP xây dựng từ ngày thành lập, nhưng IT Week đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình vào năm 2010. Mọi hoạt động không thể khiêm cưỡng duy trì, xu thế phát triển CNTT và Viễn thông Internet cùng sự thay thế của các thương hiệu phần cứng như IBM, Compaq,.... trước kia chuyển sang xu thế thống trị ngày nay của phần mềm, di động, dịch vụ và dịch vụ Internet với các thương hiệu lớn như Microsoft, Oracle, Google, Face Book, Amazon... nên thế giới cũng thay đổi các mô hình quảng bá như IT Week cũng chỉ còn 1 vài sự kiện. Ngay Hội chợ IT lừng danh như:  Canton Fair (Trung Quốc), CeBIT, ... cũng mất dần tầm quan trọng. Computerworld Expo của Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDG), Comdex (Đài Loan), ... cũng thu nhỏ, ngay cả khi tổ chức Mobi World VN cũng chỉ tồn tại sau 2 lần mở cửa, chưa kể các thiết bị công nghệ tràn ngập các Siêu thị máy tính với quy mô gần như một triển lãm, chính vì thế VAIP phải tuân thủ theo quy luật toàn cầu, chính là lý do có thể nói rằng IT Week đã hoàn thành tốt sứ mệnh lịch sử của mình.

VAIP vẫn tiếp tục đồng hành và ủng hộ duy trì các hoạt động mới phù hợp với xu thế chung ngành CNTT như: đồng tổ chức các sự kiện như VietnamComm, ComunicsAsia ... tổ chức các triển lãm quy mô phù hợp bên cạnh các Hội thảo, diễn đàn như Hội thảo Hợp tác phát triển CNTT-TT, Diễn đàn đầu tư CNTT-TT .... với cách tổ chức mới sẽ thiết thực và hiệu quả hơn cho cộng đồng CNTT-TT.

Như ông đã biết, năm 2009 Chính phủ đã cho xây dựng Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT và cuối năm 2010, Đề án này đã được Chính phủ chính thức ký ban hành. Xin ông cho biết, quan điểm của VAIP về phát triển CNTT của đất nước sau khi chính thức có Đề án chiến lược này.

ông Nguyễn Long - Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam (ảnh: XHTT)
ông Nguyễn Long - Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam (ảnh: XHTT)

VAIP hoan nghênh và là một thành viên tích cực tham gia soạn thảo và phản biện xây dựng “Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT” và đã được Chính phủ ban hành cuối năm 2010. Là một tổ chức xã hội nghề nghiệp lớn của ngành CNTT-TT vì vậy VAIP cũng ước mơ và mong muốn Việt nam trở thành nước mạnh “về CNTT-TT” và “bằng CNTT-TT”. Tuy nhiên đến nay các cấp, ngành và cộng đồng chỉ nhắc tới cụm từ theo tên đề án còn mục tiêu, nội hàm trong đề án đã dần đưa vào các chủ chương quan trọng khác (theo mục tiêu cụ thể) của Đảng và Nhà nước vì vậy nhắc đến đề án này chỉ còn là những kỷ niệm!

Những năm gần đây, chúng ta đang nói rất nhiều về Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0). Xin ông cho biết, ngành CNTT có thể làm gì và các lĩnh vực có nhu cầu cần phải làm gì để thúc đẩy CMCN 4.0?

Cụm từ CMCN 4.0 quá to tát và hoành tráng nên không thể tránh bị lạm dụng khi phát ngôn, dẫn đề. Mọi nơi, mọi chỗ trong các  tiêu đề và chủ đề CMCN 4.0 cũng đều được gắn vào trong khi thật sự chúng ta đã hiểu đúng và thấu đáo về CMCN 4.0?.  Đối với ứng dụng CNTT-TT thì phải cụ thể, khả thi và hiệu quả là cái cần nhất, nếu không rủi ro, trách nhiệm sẽ thuộc về ngành CNTT-TT.

Chúng ta không thể có giao thông thông minh, xe tự lái... khi môi trường giao thông của chúng ta còn thấp kém lộn xộn, thiếu cả ý thức người tham gia lẫn môi trường chính sách cho giao thông! Trí tuệ nhân tạo (AI) chỉ được ứng dụng có hiệu quả khi tích hợp đủ dữ liệu và dữ liệu được chia sẻ cùng việc nắm bắt được xu thế phát triển AI kể cả chuyên gia AI. Ngay cả 3 cơ sở dữ liệu quốc gia cơ bản cũng chưa có, chúng ta thiếu đủ thứ mà đâu cũng áp AI theo cách không khoa học chắc chắn lợi bất cập hại.

Hãy tuân thủ quy luật chung, ứng dụng AI cho những gì có hiệu quả ngay, kết hợp với năng lực thực sự của các chuyên gia Việt thì từng bước, từng bước chúng ta sẽ hướng tới CNCN 4.0 một cách hiệu quả và thiết thực!   

Xin cám ơn ông!     

ThS Đào Kiến Quốc – nguyên Phó Viện trưởng Viện CNTT ĐHQG Hà Nội: Các Tuần lễ Tin học đã đi vào lịch sử

Ngay từ khi thành lập, các IT Week đã trở thành sinh hoạt quan trọng nhất của Hội Tin học Việt Nam với nguồn lực tài chính từ các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước. Các IT Week khi đó đã thu hút rất đông người tham dự vì CNTT là rất mới với nhiều người cả trong và ngoài ngành CNTT. Tuy nhiên, khi mà CNTT đã trở nên phổ biến tới mọi người, mọi nhà thì IT Week với cách làm cũ không còn sức hấp dẫn nữa và đành đi vào lịch sử. Các doanh nghiệp CNTT cũng có nhiều kênh khác để quảng bá sản phẩm của mình đến cộng đồng mà không cần tham gia vào các sự kiện lớn nữa.

TS Nguyễn Quang A – nguyên Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam: Để khôi phục được các Tuần lễ Tin học là điều rất khó và đòi hỏi phải có sự năng động, sáng tạo rất lớn

Trong những nhiệm kỳ đầu tiên, các IT Week là điểm nhấn rất quan trọng của ngành CNTT mà Hội Tin học Việt Nam đã làm được. Tuy nhiên, cũng như nhiều hoạt động khác mà điển hình là đào tạo tin học thì IT Week đã không duy trì được nữa. Theo cách nói của một số người, IT Week đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử nhưng chúng ta phải nhìn vào thực tế của Hội Tin học TPHCM là họ vẫn duy trì được hội thảo thường niên cho dù không còn triển lãm Vietnam Computerworld Expo nữa. Theo tôi, nếu có cố gắng khôi phục các IT Week thì đó là điều rất khó và đòi hỏi phải có sự năng động, sáng tạo rất lớn.

Nhìn lại lịch sử từ khi thành lập của VAIP chỉ với vài trăm người làm tin học trong cả nước thì nay đã có những doanh nghiệp CNTT có hàng chục ngàn nhân viên thì phải thấy ngành CNTT của chúng ta đã có những bước tiến rất lớn. VAIP và các hội, hiệp hội về CNTT cần thể hiện lớn hơn vai trò của mình trong bối cảnh hiện nay với rất nhiều việc phải làm.