GS TS Nguyễn Thanh Thủy - Trưởng ban Vận động thành lập CLB các Khoa, Trường, Viện CNTT-TT Việt Nam (FISU) (ảnh: Hội Tin học Việt Nam) |
Trước hết, xin ông cho biết vài nét tổng thể về hoạt động đào tạo CNTT ở bậc đại học ở nước ta cùng nhu cầu ra đời FISU.
Nói về đào tạo CNTT ở bậc đại học, cần phải nhấn mạnh việc ra đời 7 khoa CNTT trọng điểm ở trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TPHCM), Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG Hà Nội), trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TPHCM), trường ĐH Khoa học (ĐH Huế), trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) và trường ĐH Cần Thơ vào năm 1995. Tuy nhiên, những chuẩn bị quan trọng đã có những năm trước đó, với sự ra đời của Chương trình Quốc gia về CNTT tới năm 2000 theo Nghị quyết 49/CP của Thủ tướng Chính phủ, được phê duyệt năm 1993. Về mặt truyền thống, cần phải nhắc đến: ngay đầu những năm 70 ở Việt Nam đã có đào tạo ngành Toán máy tính -Toán Tính, Đảm bảo toán học cho máy tính, Điện toán tại các trường đại học hàng đầu của Việt Nam ở thời điểm đó như: Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Sài Gòn, Trường Đại học Kỹ thuật Sài Gòn, gắn liền với tên tuổi của các bậc thầy, các giáo sư hàng đầu. Tin học xuất hiện vào cuối những năm 80, đầu những năm 90 gắn liền với với các tên các đơn vị hàng đầu khác, bên cạnh 7 khoa CNTT trọng điểm như Học viện Kỹ thuật Quân sự, sau đó là Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.
Đến bây giờ, số lượng các trường có khoa CNTT là khá lớn. Hiện nay, có khoảng 150 trường đại học có khoa CNTT và nếu kể cả khối cao đẳng, con số lên tới 250. Số lượng các đơn vị đào tạo như vậy đã đáp ứng về cơ bản nhu cầu nhân lực CNTT ở Việt Nam. Bên cạnh đào tạo đại học và sau đại học ở các trường, hiện nay cũng có khoảng 10 viện nghiên cứu về CNTT, tham gia vào hoạt động đào tạo trình độ sau đại học như Viện CNTT (Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam), Viện CNTT (ĐHQGHN), Viện Công nghiệp Phần mềm & Nội dung số (Bộ Thông tin và Truyền thông), Viện Khoa học Tính toán (TPHCM)... Trong tổng thể chung đó, các trường, viện hàng đầu đã đáp ứng được các yêu cầu khá khắt khe về đào tạo nhân lực CNTT trình độ cao. Việc đáp ứng nhu cầu rất lớn về nguồn nhân lực cho các phân khúc khác nhau trong thị trường lao động CNTT-TT vẫn đang là một yêu cầu cấp bách.
Sự thật là trong vòng 10 năm trở lại đây, các trường công lập và ngoài công lập có một sự cạnh tranh rất khốc liệt về đào tạo CNTT để đáp ứng thị trường nhân lực. Một số trường đại học tư thục, dân lập đã có sự vươn lên đáng kể trong đào tạo CNTT. Và trong bối cảnh như thế, việc hình thành FISU là một tất yếu, cho phép tụ hội, kết nối, chia sẻ giữa các khoa, viện, trường về đào tạo và nghiên cứu CNTT. Nhờ vậy, tất cả các sáng kiến, kinh nghiệm đều được lan tỏa trong toàn bộ hệ thống. Việc cập nhật, đổi mới chương trình đào tạo của các trường thành viên cũng sẽ được chia sẻ. Đó cũng chính là mục đích và thông điệp FISU hướng tới: Kết nối, tập hợp, tụ hội, chia sẻ và định hướng. Khác với nhiều ngành học khác, CNTT phát triển rất nhanh. Ở những trường hàng đầu, chương trình đào tạo luôn có sự cập nhật về kiến thức, kỹ năng. Thông qua FISU, công việc này sẽ được chia sẻ cho toàn hệ thống.
Về các hoạt động của FISU sau khi thành lập, với tư cách là chi hội trong Hội Tin học Việt Nam đương nhiên sự phát triển của FISU phải đóng góp vào việc nâng cao hơn nữa hình ảnh chung của Hội. Trong các thành viên của Hội Tin học Việt Nam hiện có Viện Tin học Nhân dân, hoạt động của Viện chắc chắn cần có sự phối hợp của FISU. Và FISU cũng quan tâm đến mảng tin học trong nhà trường và có thể đồng hành với ấn bản Tin học & Nhà trường thuộc tạp chí Tin học & Đời sống. Tiếp đó là việc đào tạo CNTT theo các chứng chỉ chuyên sâu. Thực ra, việc này đã được nhiều nơi làm, nhưng nếu các khoa trường của FISU hợp tác thực hiện thì chắc chắn sẽ hiệu quả và hoàn toàn đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực CNTT ngày càng cao của các tập đoàn và doanh nghiệp.
Ngoài ra, FISU rất quan tâm đến việc tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề để cập nhật và chia sẻ những kiến thức mới. Sự ra đời và hoạt động của FISU sẽ làm tăng thêm vị thế và hình ảnh của Hội Tin học Việt Nam không chỉ ở trong nước mà cả với quốc tế. Thành quả đầu tiên của sự kết hợp này là hội nghị về Trí tuệ nhân tạo AI4Life 2018 sẽ được tổ chức từ ngày 9 đến ngày 11 tháng 5 năm 2018 tại Trường ĐH Công nghệ (ĐHQG Hà Nội), nhằm hưởng ứng Ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam 18/5, dưới sự bảo trợ của Bộ Khoa học Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam, ĐHQG Hà Nội, với sự phối hợp chuyên môn của các tổ chức quốc tế như IEEE CIS (Computational Intelligence Society), IEEE ComSoc (Communications Society), Mỹ và Tin học Việt Nam, cùng FISU.
Cũng cần nói thêm, FISU sẽ góp phần đáng kể giúp các trường thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực CNTT-TT kết hợp với doanh nghiệp thông qua kết nối nhiều bên: Cơ quan quản lý Nhà nước (Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông) – FISU – Hội Tin học Việt Nam và 11 hội, hiệp hội khác trong lĩnh vực CNTT-TT.
Bên cạnh hoạt động đào tạo chính thức ở các đại học, chúng ta còn có hệ thống đào tạo phi chính quy với sự tham gia của các đối tác nước ngoài như Aptech, NIIT, Cisco… Ông nghĩ gì về mô hình đào tạo này cũng những sự hợp tác có thể với hệ thống chính quy?
Có thể nói, với sinh viên trong lĩnh vực CNTT-TT, để có thể làm việc một cách chuyên nghiệp sau khi ra trường, các kiến thức và kỹ năng được nhà trường cung cấp không bao giờ là hoàn toàn đủ. Họ phải tự học, tự trang bị thêm rất nhiều kiến thức công nghệ cập nhật mới, cùng các kỹ năng mềm, kỹ năng xã hội… Ngay khi còn ở trường đại học, các sinh viên cần phải tiếp thu kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó có các đợt kiến tập, thực hành và thực tập tại các doanh nghiệp hay học kỹ năng các trung tâm đào tạo chuyên biệt như Aptech, NIIT, Cisco... Ngoài chương trình đào tạo chính thức, việc sinh viên theo học ở bên ngoài để có các chứng chỉ của các Trung tâm đào tạo CNTT chuyên sâu và chuyên biệt cũng là tự nhiên, không khác gì việc học thêm ngoại ngữ tiếng Anh ở các trung tâm bên ngoài, nhằm nâng cao các kỹ năng giao tiếp tiếng Anh trong công sở khi đi làm. Cũng cần nói thêm một điểm là các trung tâm đào tạo chuyên sâu và chuyên biệt do các doanh nghiệp thực hiện, nên họ có đầu tư lớn để trang thiết bị với những công nghệ mới nhất. Và điều này cũng là rất tốt cho người học, nhất là đối với lĩnh vực CNTT-TT với tốc độ công nghệ phát triển và thay đổi rất nhanh.
Điểm này còn cho thấy sự kết hợp đào tạo của nhà trường với các doanh nghiệp cần được tiến hành càng sớm càng tốt. Các doanh nghiệp có thể hỗ trợ nhà trường các phòng thí nghiệm, phòng thực hành chuyên đề, chuyên sâu để đào tạo sinh viên các kỹ năng theo các chuẩn yêu cầu của thực tiễn. Cũng có thể là các chuyên gia của doanh nghiệp tham gia giảng dạy trong nhà trường, cùng với việc hướng dẫn sinh viên thực tập, làm khóa luận, luận văn, đồ án tốt nghiệp. Ngay trong các trường cũng rất nên có những trung tâm đào tạo chuyên sâu và chuyên biệt có thể theo các hình thức xã hội hóa khác nhau để đáp ứng nhu cầu này. Chúng ta đang nói nhiều đến “hệ sinh thái” phối hợp và phân công trong đào tạo nhà trường với doanh nghiệp, trong xu thể xã hội hóa và tự chủ đại học thì FISU là một gạch nối cần thiết.
Chúng ta đang bước vào thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) và trong cuộc cách mạng đó, mọi lĩnh vực đều có nhu cầu ứng dụng CNTT. Xin ông cho biết, chúng ta phải làm gì để đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực CNTT cho chính các lĩnh vực có nhu cầu?
CMCN 4.0 hướng đến chuyển đổi số hóa về mọi khía cạnh phát triển kinh tế và xã hội và sản xuất thông minh dựa trên nền tảng Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây…. Các khoa, trường đại học đào tạo CNTT-TT ở nhóm trên đang rất tích cực và chủ động cập nhật và điều chỉnh chương trình đào tạo, định hướng tới CMCN 4.0. Thông qua FISU, cùng với sự hỗ trợ của khoa trường nhóm trên, quá trình này sẽ trở nên thuận lợi hơn với các trường thuộc nhóm dưới.
Nhìn tổng thể chung, chuyển đổi số cũng đòi hỏi tích hợp liên ngành giữa CNTT và các lĩnh vực khác. Đây là vấn đề hết sức cần thiết. Những năm 1990, nhiều trường đại học hàng đầu đã đào tạo văn bằng 2 về CNTT cho những người đã tốt nghiệp đại học của khối kinh tế - kỹ thuật. Đó là điều tất yếu, đáp ứng nhu cầu nhân lực CNTT những năm đó. Một mặt, đào tạo văn bằng 2 CNTT đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ ứng dụng CNTT tại chỗ cho các ngành. Mặt khác, đào tạo văn bằng 2 CNTT đem lại một cơ hội tốt cho “chuyển đổi ngành nghề” cho những người có chuyên môn ngành nghề nào đó, say mê CNTT để chuyển sang làm về CNTT. Còn ngày nay, chương trình đào tạo các lĩnh vực khác cũng đã đưa vào nhiều kiến thức về CNTT, phục vụ nhu cầu ứng dụng. Bản thân sinh viên các ngành cũng rất chủ động học các kiến thức CNTT. Ngoài ra, thực tế cũng có rất nhiều nguồn học liệu mở, cho phép kết nối mang tính liên ngành nhiều hơn trước đây. Mô hình đào tạo sau đại học liên ngành CNTT với các lĩnh vực chuyên môn khác sẽ là một lựa chọn trong CMCN 4.0. Ở bậc đại học, xu thế học bằng kép một ngành chuyên môn chính và CNTT hiện đang là một lựa chọn được nhiều trường thực hiện và được sinh viên rất quan tâm.
Xin cám ơn ông!