TS Nguyễn Chí Công hiện đang được Hội Tin học Việt Nam giao trách nhiệm chủ trì viết sử để hướng đến kỷ niệm 30 năm thành lập Hội trong năm 2019. Tuy nhiên theo ông, nếu chỉ viết sử là chưa đủ vì để minh chứng cho những trang sử đó thì phải bằng các hiện vật, hình ảnh, tư liệu.
Vì thế, ông rất mừng là những mong muốn của mình đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của cộng đồng tin học. Và rất nhiều công việc cũng vì thế mà đã nảy sinh trong quá trình sưu tập. Cụ thể như dữ liệu trong các máy tính cũ thì phải được khôi phục. Rồi các bức ảnh tư liệu cũng phải được số hóa. Đó là cả một núi công việc phải có nhân lực thực hiện song rất may là chính trong những người đã đóng góp tư liệu, hiện vật đã có người tình nguyện làm những công việc này.
Tuy nhiên, ông cũng không khỏi buồn vì có không ít hiện vật nay không còn nữa vì những máy tính cỡ lớn Minsk do Liên Xô sản xuất xưa kia của các cơ quan như Viện Công nghệ Thông tin, Ủy ban Khoa học Nhà nước (nay là Bộ Khoa học Công nghệ), Trung tâm Máy tính Quân đội… vì các chủ nhân của nó đã thanh lý cho đồng nát từ nhiều năm trước.
Theo TS Nguyễn Chí Công, nếu như mỗi người trong ngành tin học đều có ý thức về lưu giữ lịch sử thì ý định sưu tầm hiện vật cho Bảo tàng Tin học chắc chắn sẽ thành công và ý nghĩa hơn. Khi đó, các thế hệ kế cận sẽ dễ dàng biết đến thuở hàn vi của các thế hệ đi trước nếu có dịp ghé thăm bảo tàng này.
Dẫu sao những nỗ lực của cá nhân TS Nguyễn Chí Công cùng những người đã đóng góp kỷ vật là điều rất đáng được trân trọng. Song vấn đề đặt ra là những kỷ vật đó phải có nơi trưng bày đủ rộng để mọi người có nhu cầu tìm hiểu đều có thể dễ dàng tìm đến. Về điều này, TS Nguyễn Chí Công tiết lộ là đã có một người sẵn sàng cho sử dụng một căn nhà 3 tầng của mình ở vị trí không xa trung tâm Hà Nội để làm trụ sở cho Bảo tàng. Tuy nhiên, ông chưa thể tiết lộ cụ thể về địa điểm này song mọi việc đang được xúc tiến để Bảo tàng Tin học chính thức khai trương trước Tết Âm lịch 2019.