SaaS là gì?
Cùng với sự phát triển của công nghệ lưu trữ đám mây, phần mềm dùng trong doanh nghiệp đã cho sự chuyển dịch từ mô hình SaaP (Software as a Product), tức là hình thức cài đặt trong máy tính, sang mô hình SaaS (Software as a Servive) – phần mềm trên nền tảng đám mây. Hiện nay hơn 70% doanh nghiệp trên thế giới đang sử dụng SaaS ở mọi quy mô.
So với SaaP, SaaS vượt trội hơn hẳn ở 4 điểm: người dùng truy cập được ở mọi nơi, mọi thiết bị; có thể nâng cấp linh hoạt theo sự nhu cầu của doanh nghiệp; người dùng cộng tác với nhau trên cùng một môi trường; và quy trình triển khai dễ dàng nhanh chóng.
Nói một cách dễ hiểu, SaaS là một dạng phần mềm chạy trên web có thể truy cập từ xa (máy tính, laptop, smartphone ..) mà người dùng phải trả tiền thuê hàng tháng. Ưu điểm lớn nhất của SaaS là mọi vấn đề về kỹ thuật, vận hành, bảo trì, bảo mật hệ thống đều do nhà cung cấp phải lo, khách hàng chỉ cần thuê dịch vụ và sử dụng, không cần phải duy trì một bộ phận IT chuyên trách.
Theo ông Dirk van Quaquebeke, đại diện quỹ đầu tư mạo hiểm BEENEXT, SaaS đang được cả doanh nghiệp vừa và nhỏ và các doanh nghiệp đa quốc gia sử dụng. Tại Đông Nam Á, việc áp dụng SaaS đã tăng số lượng người dùng lên 360% chỉ trong vòng một năm qua.
Theo nghiên cứu của BBC Research, doanh thu từ SaaS đã đạt 44 tỷ USD vào năm 2017 và đến năm 2022 ước đạt 95 tỷ USD. Điều này có nghĩa là tốc độ tăng trưởng hàng năm của thị trường SaaS là 16,4%, một con số khá cao. Nói đến SaaS, không thể không nhắc đến các nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu như Google Cloud, Amazone Web Service, Microsoft Azure...
(ảnh minh họa: beta news)
|
Thực trạng ứng dụng SaaS tại Việt Nam
Hiện nay SaaS vẫn là một thuật ngữ khá mới mẻ ở Việt Nam dù điện toán đám mây không phải là thứ quá xa lạ đối với các doanh nghiệp.
Trong một hai năm trở lại đây, Việt Nam đã xuất hiện một số công ty cung cấp dịch vụ SaaS cho các doanh nghiệp như Base.vn, Amis, MISA, 1Office, Biaki, Avoca.
Ông Phạm Kim Hùng, Giám đốc Điều hành và Nhà sáng lập của Base.vn – một công ty cung cấp dịch vụ SaaS khá nổi bật trên thị trường hiện nay cho biết, việc xây dựng phần mềm trong doanh nghiệp là một bài toán vô cùng phức tạp. Công việc này đòi hỏi sự hiểu biết sâu sát về các nghiệp vụ doanh nghiệp, nhưng đồng thời cũng phải quan tâm đến trải nghiệm của người dùng cuối là những người trực tiếp sử dụng phần mềm hàng ngày. Điều này trở thành rào cản trong việc tiếp cận công nghệ của các doanh nghiệp: con số sử dụng phần mềm chỉ ở mức 5% tại Việt Nam, thấp hơn hàng chục lần so với thế giới.
ông Phạm Kim Hùng - CEO và nhà sáng lập Base.vn
|
Nhưng cùng với sự phát triển của công nghệ đám mây, phần mềm doanh nghiệp đã có sự chuyển dịch. Các doanh nghiệp đã dần dần chuyển từ mô hình SaaP sang SaaS.
Cũng theo ông Hùng, bản thân trong ngành SaaS những năm gần đây cũng đã có sự dịch chuyển. Xuất phát từ nhu cầu giải quyết trọn vẹn từng bài toán chuyên môn, các phần mềm SaaS cũng chuyển hướng từ phần mềm all-in-one (phần mềm tổng thể, một phần mềm xử lý tất cả các bài toán) sang phần mềm chuyên biệt hóa. Từng ứng dụng đều là tốt nhất cho từng chức năng doanh nghiệp, giải quyết trọn vẹn từng bài toán; mỗi ứng dụng được phát triển một cách độc lập nhưng vẫn có thể tự do trao đổi dữ liệu trên một nền tảng chung. Đây là một bước tiến đột phá thay thế cho hệ thống ERP cồng kềnh truyền thống.
Trước những xu thế tất yếu đó, Base.vn ra đời là nền tảng SaaS đầu tiên tại Việt Nam dành cho doanh nghiệp. Hai giải pháp SaaS nổi bật của Base.vn có thể kể đến là: Base Wework - giải pháp quản lý công việc giúp giám sát và cộng tác làm việc theo phòng ban và dự án; và Base E-hiring - hệ thống quản trị tuyển dụng giúp doanh nghiệp theo dõi toàn bộ bức tranh tuyển dụng dựa trên hành trình của ứng viên.
Theo nhận định của một số chuyên gia ngành công nghệ, với tốc độ phát triển điện toán đám mây nhanh chóng cùng làn sóng ứng dụng công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ, chắc chắn sẽ có ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt sử dụng mô hình SaaS.