Theo đó, 1 năm qua, ngành Công thương Hà Nội đã tập trung cho công tác thanh tra, kiểm tra xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là một phần trong nỗ lực triển khai kế hoạch 119 của thành phố.
Về số liệu cụ thể, thanh tra Sở Công thương đã thanh, kiểm tra tại 43 doanh nghiệp, xử phạt 11 doanh nghiệp 54,7 triệu đồng. Tuy nhiên, chủ công trong hoạt động này là Chi cục Quản lý thị trường thành phố đã kiểm tra xử lý 1.113 vụ, phạt hành chính hơn 5,33 tỷ đồng, buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm với trị giá hơn 3,3 tỷ đồng.
Hoạt động đáng chú ý nữa là ngành đã rà soát, xây dựng mạng lưới sản xuất, chế biến, phân phối và quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 124 siêu thị, 22 trung tâm thương mại, 454 chợ và đại lý, cửa hàng kinh doanh thực phẩm phân bố tại 30 quận, huyện, thị xã.
Ngành Công thương đã tập trung kết nối, hướng dẫn các cơ sở sản xuất thực phẩm đưa các sản phẩm vào hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn tạo thành chuỗi khép kín từ nhà sản xuất - phân phối - người tiêu dùng. Hiện, Hà Nội đãcó 48 cơ sở sơ chế RAT cũng là 48 chuỗi tiêu thụ RAT theo liên kết dọc.
Bên cạnh đó là việc kết hợp với nhiều cơ quan, đơn vị triển khai chương trình truy xuất nguồn gốc thực phẩm trên địa bàn thành phố bằng công nghệ thông minh. Tại các siêu thị, trung tâm thương mại và một số cửa hàng, đại lý có ứng dụng phần mềm mã vạch mã hóa sản phẩm để tính tiền tự động QR code. Hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc bằng điện thoại thông minh đang được thực hiện trên một số loại sản phẩm tại siêu thị Metro, Fivimart...