Về bộ tri thức công cụ trong dạy văn và học văn

Minh Tuấn
Minh Tuấn

Nhà giáo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Lao động phải gắn với công cụ mới sinh ra năng suất cao. Người đi học cần được trang bị bộ tri thức công cụ, và bằng chứng giá trị của một bộ công cụ phải là năng lực giải quyết vấn đề nơi học trò.

Năm 2019 tôi tham gia đợt tập huấn tại Đà Nẵng về đổi mới giáo dục dành cho các trường Chuyên, nằm trong tổng thể của chương trình đổi mới 2018. Trong đợt tập huấn này, chúng tôi được nghe các giáo sư đại học hướng dẫn đọc hiểu một số tác phẩm trong chương trình mới. Ở đó tôi nhìn ra một số bất hợp lý lớn, đến giờ còn gây hoang mang cho chính tôi về tương lai của đợt “đổi mới” lần này.

Một vị là PGS-TS, người của khoa Ngữ văn, đại học Sư phạm Hà Nội hướng dẫn các giáo viên chuyên văn cách đọc hiểu tác phẩm “Muối của rừng” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp dưới góc nhìn của phê bình Sinh thái.

Mở đầu, vị ấy nhấn mạnh “không cần trang bị kiến thức lý luận, không cần nói gì đến phê bình Sinh thái mà chỉ cần yêu cầu học sinh tìm ra các “từ khóa”, các từ “quan trọng” trong văn bản “Muối của rừng” để từ đó đi đến khái quát về ý nghĩa của tác phẩm này và hình thành quan niệm trong học sinh về phê bình Sinh thái.

Tôi quá bất ngờ và đứng dậy xin được thắc mắc. Tôi hỏi, Làm sao để xác định được đâu là “từ khóa”, từ “quan trọng” trong văn bản ấy? Lấy tiêu chí gì để tìm ra nó? Rõ ràng rằng thầy tìm thấy các từ ấy là từ quan niệm có sẵn của thầy về phê bình Sinh thái, tức trước đó đã được trang bị về tri thức công cụ đối với phê bình Sinh thái; nhưng tôi với tư cách là một người hiểu và thích về Phân tâm học tôi sẽ tìm ra một hệ thống từ hoàn toàn khác thầy, như các “cổ mẫu”: “rừng”, “khỉ” “con người trần truồng” v.v..; một người khác dưới góc nhìn của Thi pháp học lại thấy những từ về không gian, thời gian, nhân vật; cũng như thế, dưới góc nhìn Văn hóa học, Ngữ học, Hiện sinh, Tiếp nhận v.v.. sẽ cho ra những kết quả khác nhau. Vậy nếu ngay từ ban đầu đã không trang bị tri thức nền về phê bình Sinh thái cho học sinh thì làm sao thầy có thể hướng dẫn các em đi đến một kết quả mong muốn từ tác phẩm này? Và hệ quả là gì? Là thầy sẽ phủ nhận những kết quả mà những em học sinh khác nhau tìm ra, và từ đó áp đặt những “từ khóa” của thầy vào. Đấy chẳng phải là đọc hiểu nhưng lại cưỡng bách ư? Trong khi học sinh phổ thông gần như chưa được trang bị tri thức về bất kỳ một “trường phái” phê bình nào; như vậy khi thầy yêu cầu học sinh tìm “từ khóa”, chúng hoàn toàn có thể dựa trên những trải nghiệm và kinh nghiệm cá nhân để nói. Lúc đó thầy xử lý thế nào? Thầy có định phủ nhận chúng hay không?

Vấn đề tôi đặt ra, thầy PGS không giải quyết được. Thầy ấy chỉ nói “Rất đáng suy nghĩ”. Sau đó, cho đến hết buổi “báo cáo” thầy đã vẫn tiến hành y như trong tài liệu đã chuẩn bị từ trước. Rõ ràng, nó vẫn là lối dạy học áp đặt, không khuyến khích tư duy độc lập và sáng tạo. Đấy là chưa nói tới tính phi lý về mặt tư duy và một “quy trình ngược” khi kết luận đã có trước quá trình. Cái kết luận ấy nằm sẵn trong đầu ông thầy và ông sẽ gạt ra tất cả những gì không phù hợp với quan niệm có trước của mình để “mớm cung” cho người học, hòng dẫn chúng tới cái mà ông đang có sẵn. Nó giống như một thứ “án bỏ túi” vậy. Đây chính là tình trạng “đẽo chân cho vừa giày” đang phổ biến trong dạy và học một số môn ở nhà trường phổ thông của ta. Điều này rất nguy hại vì nó sẽ triệt tiêu cá tính và không phát triển được tư duy độc lập nơi người học.

Từ câu chuyện nêu trên, trong một buổi khác của đợt tập huấn tôi có trao đổi trước cả “lớp học” ấy rằng đầu tiên, phải trang bị công cụ cho học sinh. Anh không thể kêu người khác đi cuốc đất mà lại không trao cho họ cái cuốc được (ít nhất là phải hướng dẫn họ cách kiếm lấy một cái cuốc). Khi mà những người biên soạn chương trình đang phủ nhận/coi nhẹ lịch sử văn học, triết học, lý luận và phê bình v.v.. như là những công cụ của tư duy và là phương pháp giải quyết (đọc hiểu) các văn bản thì chính là đang trực tiếp chặt tay chặt chân người học.

Tôi không những nhìn thấy điều ấy ở đây, trong đợt tập huấn này, mà quan trong nhất là nhìn thấy ngay trong Chương trình 2018.

Trải nghiệm dạy học và tìm hiểu về các nền giáo dục cho tôi thấy học sinh Việt Nam trước đây ở cả hai miền từng có lúc, cũng như học sinh thế giới, đều được học triết học và các lý thuyết/tư tưởng/trường phái văn chương. Việc “xem nhẹ” năng lực tiếp thu của người học như Chương trình 2018 đang làm là vừa không hợp lý vừa không hữu ích; nó có thể khiến lặp lại những sai lầm của những chương trình cũ nếu chúng ta còn giữ cái quan niệm này.

Xin chớ hiểu lầm rằng ở đây chúng tôi đang đề xướng một lối giáo dục hàn lâm cho học sinh phổ thông để biến họ thành những nhà nghiên cứu chuyên sâu. Việc trang bị tri thức công cụ cho người học là yêu cầu bắt buộc, còn những tri thức ấy ở mức độ nào, cách thức tiếp cận ra sao lại là một chuyện khác. Môn văn trong giáo dục trung học của Mỹ gần như không dạy “phân tích tác phẩm” một cách chi li theo hướng chuyên sâu chuyên ngành để nhớ và thuộc như ở ta. Việc học theo Dự án, theo Chủ đề đòi hỏi người học phải đọc sách rất nhiều và trình bày quan điểm của mình về một vấn đề văn học trong sự tổ chức thảo luận, chứ không hề có chuyện đọc chép hay ghi nhớ lời thầy rồi tái hiện kiến thức như trong cách học ở ta. Cái họ dạy chủ yếu là lịch sử văn học, tất nhiên như chúng ta đã biết, lịch sử thì bao hàm trong nó cả tiến trình văn học.

Giáo dục phổ thông ở miền Nam trước đây dạy triết học rất bài bản, gồm Đạo đức học, Luận lý học (tức Logic học), Tâm Lý học, Triết học tổng quát và Triết học Đông phương. Tất cả những tri thức này chính là nền tảng về thế giới quan và nhân sinh quan có tính “công cụ”, tất nhiên không phải chỉ dành cho môn Văn, nhưng là có ý nghĩa nhất đối với việc khám phá văn chương. Trường Bưởi của miền Bắc trước đây cũng rất chú trọng môn Triết: sau khi tốt nghiệp Cao đẳng tiểu học (lớp 6-9) thì thi lấy bằng Thành chung, những ai tiếp tục học lên Tú tài thì chỉ còn 2 môn là Toán và Triết học, có thể chọn 1 trong 2 hoặc cả 2. Như thế, rõ ràng, trước đây môn Triết đóng một vai trò rất quan trọng trong giáo dục phổ thông cả 2 miền.

Ở đây, chúng ta cũng cần lưu ý, việc dạy - học các tri thức triết học (và tri thức công cụ nói chung) đối với phổ thông sẽ không có tính chất như là những chuyên ngành chuyên sâu, mà chỉ dừng lại ở việc trang bị phương pháp tư duy phân tích, tổng hợp, biết đưa ra phán đoán và lập luận bảo vệ phán đoán ấy.

Ngay trong bản thân môn Văn cũng không lấy văn chương làm cứu cánh. Học văn là để hình thành quan niệm của cá nhân, hoàn thiện khả năng lập luận và năng lực biểu đạt (dưới dạng nói hoặc viết). Chính vì thế, mọi sự thiết kế trong môn học cũng như chương trình đều phải hướng vào mục đích này.

Có 3 phương diện quan trọng nhất đối với việc quyết định năng lực “đọc” một tác phẩm văn học: tri thức về ngữ học để bám sát vào văn bản; tri thức về lịch sử, văn hóa, tâm lý, triết lý… để xác định thế giới quan và nhân sinh quan; và thứ ba là những trải nghiệm, kinh nghiệm và đặc điểm tinh thần con người cá thể của người học.

Như vậy, việc học xét một cách cùng kiệt là để phát triển con người trong lý tưởng nhân bản của giáo dục, ở một mức độ cao hơn là để thủ đắc những công cụ nhằm phục vụ cho lý tưởng ấy. Cho nên, ở đây không có môn học nào là cứu cánh cả, chỉ có con người là mục đích tối hậu mà thôi. Vì thế, lấy việc “thuộc lòng” các đơn vị kiến thức để đánh giá năng lực là một điều hết sức sai lầm.

Sản phẩm của việc học sẽ phải là năng lực giải quyết vấn đề. Chính vì thế, mọi tri thức (công cụ) có thể không cần phải “hiển thị” trên “bài làm”, mà thông qua quan điểm, qua tư duy, qua lập luận và năng lực sử dụng ngôn từ để đánh giá. Chúng ta có thể hình dung như sau: không ai lại đi “xếp loại” một người nông dân dựa trên cái cuốc của anh ta cả, mà phải xem thóc lúa anh ta làm ra có tốt tươi hay không. Chính thóc lúa phải là thước đo của cày cuốc. Ấy thế mà, chúng ta đã thực hiện theo cách thứ nhất suốt mấy thập kỷ qua. Vấn đề là, trong hiện tại và tương lai, chúng ta vẫn có nguy cơ mắc phải sai lầm ấy nếu không có những điều chỉnh kịp thời.

Tôi nhớ cách đây 8 năm tờ Vietnamnet có đăng một bài báo phân tích cụ thể vì sao cùng là thi tốt nghiệp Trung học môn Văn nhưng ở Đức thì thí sinh được sử dụng tài liệu khi làm bài còn ở nước ta thì không. Sau khi so sánh biện giải tỉ mỉ cách ra đề thi môn Văn ở hai nước, tác giả bài báo đã nêu lên một nhận định tuy có phần khắc nghiệt nhưng rất đáng suy ngẫm về môn Văn ở nhà trường phổ thông nước ta, rằng “nó thất bại không phải vì quá khó, quá nặng, mà vì quá nhẹ và nông”(*).

_________________________________

(*) https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/muon-thuo-vo-chong-a-phu-124143.html