VDCA quy tụ lực lượng tiên phong, kết nối cộng đồng công nghệ số

Hội Truyền thông số Việt Nam không chỉ phát huy vai trò kết nối chuyên gia, mà còn trở thành trung tâm của những sáng kiến, mô hình mới với đóng góp cụ thể trong giai đoạn Việt Nam vươn mình trở thành quốc gia số tiên tiến.
Chủ tịch Nguyễn Minh Hồng (đứng), Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vũ Kiêm Văn (trái), Phó Chủ tịch Hồ Quang Lợi (thứ hai, trái sang) và Phó Chủ tịch Lê Đức Sảo chủ trì Hội nghị.

Nhiều góp ý, định hướng, mong muốn được các chuyên gia đầu ngành khoa học và công nghệ, truyền thông trao đổi tại Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng lần thứ 7, nhiệm kỳ III của Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), diễn ra ngày 12/7.

Các chuyên gia đều ghi nhận đóng góp thiết thực của VDCA đối với việc thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia và mong muốn Hội tiếp tục có nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực trong giai đoạn mới.

Phát biểu tại Hội nghị về cơ cấu nội tại của VDCA, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam Nguyễn Minh Hồng cho biết trong bối cảnh cả nước đang triển khai mạnh mẽ công cuộc tinh gọn bộ máy, Hội đã chủ động rà soát và dừng hoạt động của nhiều đơn vị, kiện toàn cơ cấu tổ chức, nhằm thúc đẩy hiệu quả hoạt động của Hội, thiết thực góp phần đột phá phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số quốc gia.

Trong dịp này, ông Nguyễn Hữu Thái Hòa được bầu bổ sung làm Ủy viên Ban Chấp hành Hội Truyền thông số Việt Nam, nhiệm kỳ III (2022–2027) với sự đồng thuận tuyệt đối đại biểu. Dự kiến ông Hòa sẽ giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản lý Trung tâm Thông tin Truyền thông số Việt Nam (VDIC), trực thuộc Hội.

VDCA có nhiều đóng góp cụ thể, tạo uy tín trong cộng đồng công nghệ số

Tại phần thảo luận, đóng góp cho hoạt động Hội, ông Đỗ Trung Tá, nguyên Ủy viên Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn thông, Chủ tịch Hội đồng cố vấn của VDCA - người đã gắn bó, theo dõi toàn diện các hoạt động của VDCA, ghi nhận Hội đã có nhiều đóng góp cụ thể giá trị, với chuyển mình mạnh mẽ.

Ông Đỗ Trung Tá cho rằng cần phấn đấu xây dựng hệ thống AI thuần Việt, để tạo sự phát triển đột phá, giúp Việt Nam ngang tầm thế giới.

Theo ông Tá, những hành động cụ thể đó sẽ hình thành những hoạt động mang giá trị thực tiễn, giúp Hội nâng cao uy tín và tạo được niềm tin từ cộng đồng. Uy tín ấy chính là tài sản quan trọng nhất, là nguồn lực bền vững trong giai đoạn mới

Đánh giá về thực tế phát triển và ứng dụng công nghệ tại Việt Nam hiện nay, ông Tá nhắc tới việc thế giới phát triển và ứng dụng mạnh mẽ trí tuệ nhân tạo. Ông cho rằng Việt Nam cần phấn đấu xây dựng AI Việt Nam thay vì chỉ sử dụng các công cụ sẵn có. Đây là con đường tạo sự phát triển đột phá, giúp Việt Nam ngang tầm thế giới.

Ông Nguyễn Quân, nguyên Ủy viên Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, cũng cho rằng trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, Hội Truyền thông số Việt Nam giữ vai trò ngày càng quan trọng, tổ chức thành công nhiều hoạt động sự kiện hữu ích đối với cộng đồng công nghệ số, đặc biệt là trong việc kết nối, dẫn dắt và phản biện chính sách truyền thông số quốc gia.

VDCA không chỉ đại diện cho tiếng nói của cộng đồng truyền thông số, công nghệ số mà còn là cầu nối giữa doanh nghiệp, cơ quan quản lý và người dân trong việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào truyền thông hiện đại.

Ông Nguyễn Quân cho rằng VDCA đóng vai trò nòng cốt trong truyền thông chính sách, nâng cao nhận thức cộng đồng và lan tỏa các mô hình truyền thông số hiệu quả.

Việc này đặc biệt có ý nghĩa trong giai đoạn thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số quốc gia. VDCA đóng vai trò nòng cốt trong truyền thông chính sách, nâng cao nhận thức cộng đồng và lan tỏa các mô hình truyền thông số hiệu quả.

Dẫn thực tế triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW ở các địa phương, ông Quân cho rằng sau 6 năm thực hiện Quyết định 749 về chuyển đổi số, tiến độ vẫn chậm. Hệ thống hành chính sau khi thực hiện tinh gọn từ chính quyền 3 cấp chuyển thành chính quyền 2 cấp đã xuất hiện một số bất cập, đặc biệt là việc thiếu liên thông giữa các nền tảng dịch vụ công.

Ông Nguyễn Quân nhận định rằng thực tế này bắt nguồn từ việc truyền thông chưa đủ mạnh để tạo áp lực quan tâm, tạo sự cải cách đối với các địa phương và các bộ ngành.

TS Nguyễn Quân gợi ý thời gian tới, ngoài tăng cường phản biện chính sách, Hội Truyền thông số Việt Nam chủ động góp ý xây dựng các luật, đặc biệt là Luật Chuyển đổi số, và theo sát quá trình xây dựng chính sách, nhất là trong bối cảnh các quy trình lập pháp đang rút gọn.

"Tin tưởng vào khả năng đóng góp mạnh mẽ của VDCA"

Tại Hội nghị, ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hội Kỷ lục gia Việt Nam (VietKings), nêu quan điểm trong giai đoạn phát triển hiện nay, đất nước đang đứng trước những thách thức không nhỏ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong thời kỳ mới. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn thiếu một tổng công trình toàn diện để dẫn dắt quá trình phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong thời kỳ mới. Phần lớn nỗ lực hiện nay mới chỉ tập trung xử lý từng nhiệm vụ riêng lẻ.

Từ thực tế đó, ông Phúc cho rằng Hội Truyền thông số Việt Nam cần mạnh dạn vào cuộc, bằng cách làm đổi mới, không bị bó hẹp bởi những cách làm cũ. Việc trở thành đầu mối đề xuất, kiến nghị và thúc đẩy hành động là nhiệm vụ cần thiết, và cũng là trách nhiệm mà Hội có thể đảm nhận.

Ông Thang Văn Phúc khẳng định sự tin tưởng vào năng lực và khả năng đóng góp mạnh mẽ của Hội Truyền thông số Việt Nam trong thời gian tới.

Trong bối cảnh Việt Nam bước vào thời kỳ mà 3 trụ cột chiến lược - khoa học công nghệ, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo - cùng hiện diện như những định hướng chủ lực, Hội Truyền thông số đã và đang tham gia đầy đủ vào cả 3 lĩnh vực này. Vì thế, VDCA cần tiếp tục phát huy, nắm bắt đúng vị trí, vai trò và sứ mệnh của mình.

“Bản thân tôi cảm thấy rất thú vị và tin tưởng vào khả năng đóng góp mạnh mẽ của Hội Truyền thông số Việt Nam”, ông Thang Văn Phúc bày tỏ về khả năng đóng góp bền bỉ và mạnh mẽ của VDCA, đặc biệt trong giai đoạn mới.

Hội nghị Ban Chấp hành mở rộng lần thứ 7, nhiệm kỳ III của VDCA được tổ chức trực tiếp tại Hà Nội và kết hợp trực tuyến, thu hút sự quan tâm, tham gia của nhiều đại biểu ở nước ngoài và các địa phương khác.

Trao đổi trực tuyến từ Mỹ, nhà báo Nguyễn Anh Tuấn, đồng sáng lập kiêm Giám đốc Diễn đàn Toàn cầu Boston & Viện Michael Dukakis về Lãnh đạo và Sáng tạo (BGF-MDI), nhà sáng lập và là Tổng Biên tập đầu tiên của Báo điện tử VietNamNet, đặt vấn đề về xu hướng mới về tài sản số.

Ông nhấn mạnh rằng Việt Nam đang có những bước phát triển về sàn giao dịch, và cần chú trọng vào việc tạo giá trị, xây dựng uy tín, bởi trong thị trường toàn cầu, uy tín là nền tảng thiết yếu để phát hành tài sản số. Đây không chỉ được xem là hướng phát triển tiềm năng, mà còn là cơ hội để Việt Nam vươn lên trong môi trường cạnh tranh toàn cầu về công nghệ số.

Ông Tuấn phân tích rằng đây là lĩnh vực mới mẻ nhưng phát triển nhanh, đòi hỏi phải có định hướng chiến lược từ các cơ quan quản lý. Trong đó, cần tạo hành lang pháp lý linh hoạt, kịp thời, đủ sức bao quát cho sự phát triển nhanh chóng của lĩnh vực tài sản số và blockchain.

Để tạo ra các giá trị mới trong thời đại chuyển đổi số, Việt Nam không chỉ cần cải tiến công nghệ mà còn phải thay đổi cả tư duy về mô hình kinh doanh, chính sách và cách tiếp cận thị trường. Những ý tưởng mới mẻ, đột phá và dám khác biệt là chìa khóa để Việt Nam tận dụng tốt các cơ hội mở ra từ công nghệ mới.

Trong bối cảnh đó, ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh rằng Hội Truyền thông số Việt Nam có thể đóng vai trò tư vấn, truyền thông chính sách để lan tỏa nhận thức và thúc đẩy hành động cụ thể.

Tổng Biên tập VietTimes Nguyễn Bá Kiên (trái) và Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm tại Hội nghị.

Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch VDCA nhấn mạnh rằng, để phát huy vai trò thực chất của Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) trong giai đoạn chuyển đổi số quốc gia, cần đẩy mạnh thêm nhiệm vụ và trách nhiệm theo hướng cụ thể hóa từng đầu việc. Theo ông, có ít nhất 10 nhóm hoạt động trọng tâm mà Hội cần tập trung triển khai.

Trong đó, ông nhấn mạnh việc tổ chức các chương trình đào tạo, hội thảo chuyên đề nhằm nâng cao năng lực đội ngũ nhân sự, cả trong Hội lẫn cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, Hội cần tiếp tục khẳng định vai trò là cầu nối giữa cộng đồng chuyên gia với Chính phủ thông qua việc tham gia góp ý xây dựng luật, phản biện chính sách với các bộ, ban, ngành liên quan.

Một trong những nhiệm vụ cấp thiết khác là tuyên truyền và xây dựng mạng lưới gắn kết các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Hội cần chủ động kết nối với các tổ chức chuyên ngành, viện nghiên cứu và các trường đại học để triển khai các hoạt động hợp tác thực chất, tránh tình trạng kế hoạch đặt ra nhưng không được thực hiện hiệu quả.

Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam và các giải thưởng chuyên ngành khác do Hội chủ trì cần tiếp tục phát huy nhằm khích lệ các doanh nghiệp tiên phong, từ đó truyền cảm hứng cho cộng đồng.

Đặc biệt, ông Thắng đề xuất việc thực hiện Sách trắng về chuyển đổi số, nhằm giúp doanh nghiệp, đặc biệt là khối nhỏ và vừa, có thêm tư liệu, kinh nghiệm và định hướng rõ ràng. Việc này đồng thời thể hiện vai trò dẫn dắt của Hội trong việc thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số thực chất trong thời kỳ Việt Nam đang nỗ lực vươn mình trở thành quốc gia số tiên tiến.

Tập hợp lực lượng tiên phong, có tiếng nói chuyên môn và khả năng kết nối cộng đồng

Trong bối cảnh đất nước đang chuyển động mạnh mẽ cả về thể chế lẫn công nghệ, Nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số, cho rằng Hội đang có nhiều điều kiện thuận lợi để triển khai các hoạt động thiết thực. Thời gian tới, khối lượng công việc mà Hội cần đảm nhận là rất lớn, đa dạng và đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ.

Nhắc tới chủ trương của Nhà nước về tinh gọn bộ máy các hội nghề nghiệp và các cơ quan báo chí thuộc hội, ông Lợi khẳng định rằng dù tinh gọn đến đâu, thì trong quan điểm cá nhân của ông, không thể thiếu vai trò của Hội Truyền thông số Việt Nam và Tạp chí điện tử VietTimes, cơ quan ngôn luận của Hội.

Định hướng hoạt động cho 6 tháng cuối năm, ông Lợi đề nghị Hội điều chỉnh, bổ sung thêm một số chương trình hành động, tập trung vào 2 việc trọng tâm. Thứ nhất, tiếp tục tổ chức thật tốt Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam, giải thưởng thường niên, quan trọng, danh giá và là dấu ấn riêng của Hội.

Và thứ hai là chuẩn bị kỹ lưỡng cho hội thảo “Tái cấu trúc quốc gia 2025”, dự kiến tổ chức tại TP.HCM và Hà Nội với sự tham dự của khoảng 1.000 đại biểu. Đây là những l sự kiện lớn, đòi hỏi Hội phải huy động cao độ nguồn lực và sự phối hợp để tổ chức thành công.

Ông Hồ Quang Lợi nhấn mạnh quan điểm trong quá trình thay đổi của quốc gia, Hội Truyền thông số Việt Nam không chỉ là người đi cùng mà cần trở thành nơi tập hợp lực lượng tiên phong, có tiếng nói chuyên môn, trách nhiệm xã hội và khả năng kết nối cộng đồng để chuyển hóa các xu hướng thành hành động cụ thể.

Hội nghị thu hút sự tham gia của đại diện nhiều tổ chức hoạt động trong lĩnh vực công nghệ số.

Với mục tiêu góp phần hiện thực hóa các chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc thu hút, phát triển đội ngũ nhân tài quốc gia trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Tạp chí điện tử VietTimes mở diễn đàn diễn đàn “CHỌN VÀ PHÁT TRIỂN NHÂN TÀI” và trân trọng mời quý độc giả, chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học, trí thức trong và ngoài nước gửi ý kiến, đề xuất chính sách hoặc chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn.

Đề cập vấn đề thu hút chất xám, đặc biệt là từ cộng đồng người Việt ở nước ngoài đang được xem là một nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, nhà báo Lê Đức Sảo, Phó Chủ tịch VDCA, nhắc tới việc Tổng Bí thư mời gọi ít nhất 100 trí thức Việt kiều tiêu biểu trở về đóng góp cho quê hương. Phó Chủ tịch Lê Đức Sảo cho rằng Hội Truyền thông số Việt Nam nên có bằng hành động cụ thể, thiết thực tuyên truyền hưởng ứng chủ trương này.

“Đây là cơ hội để Hội Truyền thông số Việt Nam thể hiện vai trò kết nối quan trọng của mình. Hội không chỉ làm nhiệm vụ truyền thông lan tỏa lời kêu gọi, mà cần chủ động triển khai các đề án cụ thể, ví dụ như thiết kế chương trình thu hút chuyên gia Việt kiều trong lĩnh vực công nghệ số, tổ chức các hội nghị, diễn đàn mang tính chuyên môn, nhằm giới thiệu các chính sách ưu đãi, tiềm năng hợp tác và lĩnh vực quốc gia đang cần trí tuệ Việt”, nhà báo Lê Đức Sảo nói.

Thực tế hiện nay, có rất nhiều người Việt ở nước ngoài giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm quốc tế, nhưng chưa có cơ chế hoặc chưa được tạo điều kiện thuận lợi để tham gia đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Điều này đặt ra trách nhiệm cho Hội không chỉ giới thiệu, mà phải chủ động tổ chức, thúc đẩy, gắn kết những gương mặt tiêu biểu, để họ thấy rõ con đường về nước không chỉ rộng mở mà còn có ý nghĩa thiết thực.

Ông Lê Đức Sảo cho rằng bằng cách lựa chọn những việc cụ thể, ưu tiên những vấn đề nóng, Hội Truyền thông số Việt Nam có thể trở thành điểm tập hợp trí tuệ của cộng đồng chuyên gia, khẳng định vị thế trong kiến tạo chính sách, dẫn dắt xu hướng và góp phần đột phá vào quá trình phát triển của quốc gia. Đây chính là cách để Hội tạo dấu ấn, và giúp lời kêu gọi trở thành hành động có sức lan tỏa mạnh mẽ, lâu dài.

VDCA hoàn thành nhiều nhiệm vụ trọng tâm, kết quả đáng khích lệ

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Vũ Kiêm Văn báo cáo kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm của Hội với nhiều kết quả đáng khích lệ, với sự nỗ lực của toàn bộ các đơn vị trực thuộc Hội.

Ông Vũ Kiêm Văn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VDCA, báo cáo tại hội nghị.

Ngoài các hoạt động kết nạp và phát triển hội viên, kết nối và thúc đẩy hợp tác, bảo trợ tổ chức và truyền thông cho hàng loạt hoạt động lớn nhỏ, VDCA đã tích cực tham gia phản biện chính sách, góp ý các dự thảo Luật Quảng cáo, Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Dữ liệu và Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân,...

Cùng với đó, Hội tham gia tọa đàm, hội thảo tham vấn chuyên gia do Ủy ban Văn hóa Xã hội, Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Ủy ban Khoa học Công nghệ & Môi trường, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) và các cơ quan liên quan đến các dự thảo luật trên tổ chức; Góp ý dự thảo Chương trình phát triển Chính phủ số của Bộ Khoa học và Công nghệ…