Ván bài Syria: Nga-Mỹ nguy cơ đối đầu sau khi diệt IS

VietTimes -- “Chúng ta phải đối mặt với viễn cảnh xảy ra xung đột giữa hai liên minh lớn do Mỹ và Nga dẫn đầu trong việc định hình lại một Syria thời hậu IS”, ông Nikolas K. Gvosdev, giáo sư địa lý kinh tế và an ninh quốc gia tại trường Đại học Hải chiến Mỹ nhận định trên tạp chí Mỹ National Interest mới đây. 
Máy bay ném bom chiến lược Tu-160 của Nga đã nhiều lần tham gia chiến dịch tiêu diệt phiến quân khủng bố tại Syria
Máy bay ném bom chiến lược Tu-160 của Nga đã nhiều lần tham gia chiến dịch tiêu diệt phiến quân khủng bố tại Syria

Hai năm trước khi Adolf Hitler thất bại hoàn toàn - vào thời điểm mà quân đội Đức Quốc xã vẫn chiếm đóng phần lớn vùng châu Âu của Liên bang Xô Viết, và đối với phe Đồng minh phương Tây thì Festung Europa (Pháo đài châu Âu) dường như không thể bị xuyên thủng - Franklin D. Roosevelt, Winston Churchill và Josef Stalin đã bắt đầu các cuộc thảo luận về số phận của châu Âu sau chiến tranh. Ngay cả khi chiến thắng cuối cùng vẫn đang bị hoài nghi, phe Đồng minh đã bắt đầu phân chia khu vực và vẽ lại các đường biên giới.

Điều đáng ngạc nhiên là khi nói đến thất bại sau cùng của IS ở cả Syria lẫn Iraq, việc loại bỏ cái gọi là "Nhà nước Hồi giáo" như một thực thể địa lý và vật chất riêng biệt, tất cả các cuộc thảo luận quan trọng về tương lai nên được diễn ra giữa tất cả các bên liên quan đã bị hoãn lại nhiều lần. Cuộc khủng hoảng người Kurd là biểu hiện nghiêm trọng đầu tiên của các vấn đề đang bàn đến bởi vì những câu hỏi quan trọng về "những ngày sau này" không được trả lời. Theo Giáo sư Gvosdev, nghiêm trọng hơn là viễn cảnh tiếp diễn một cuộc xung đột giữa hai liên minh chính - một bên do Mỹ lãnh đạo, còn bên kia do Nga - trong việc định hình lại Syria thời hậu IS.

Dưới thời chính quyền Obama, Mỹ từng hy vọng là Nga - nước ủng hộ chế độ Bashar al-Assad nhiều nhất, sẽ nhận ra rằng cần phải nhượng bộ để đáp ứng điều kiện tiên quyết của Mỹ là "Assad phải ra đi", và Matxcơva sẽ bằng cách nào đó thuyết phục hoặc bắt buộc Iran phải chấp nhận thực tế này. Để rồi sau đó, Mỹ có thể tổ chức họp bàn về một tiến trình thành lập một chính phủ đối lập rộng rãi cho Syria. Tuy nhiên, tham vọng này của Mỹ đã phải đối mặt với hai thực tế khó khăn, Giáo sư Gvosdev phân tích.

Thứ nhất, Iran và Nga sẵn sàng đưa quyền lực cứng (vũ khí, quân đội và kinh tế) đến cuộc chiến ở Syria và sẵn sàng gánh chịu tổn thất để bảo vệ chế độ Assad. Thứ hai, Mỹ không có khả năng xây dựng một lực lượng đối lập hiệu quả có thể chiến đấu với Assad mà không cần triển khai một số lượng lớn lực lượng bộ binh Mỹ. Vì thế đã buộc Washington phải giao phó thêm các mục tiêu chính sách cho lực lượng người Kurd ở Syria, chấp nhận tất cả những rủi ro mà hành động này gây ra cho mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.

Matxcơva cũng tỏ ra lão luyện trong ngoại giao đa phương hơn dự đoán của Mỹ. Lợi dụng những lo ngại của Thổ Nhĩ Kỳ khi Mỹ viện trợ quân sự cho người Kurd, và tham gia vào các thỏa thuận thực dụng với các nước Ả Rập vùng Vịnh và Ả Rập Xê-út, Nga đã giành được sự ủng hộ cho giải pháp ưu tiên của mình: bảo vệ ông Assad là người đứng đầu chính thức của Syria (và chính quyền Assad vẫn giữ quyền kiểm soát các vùng trọng điểm của đất nước), nhưng phát triển các vùng ảnh hưởng hiệu quả (dưới danh nghĩa của "vùng giảm xung đột"), nhờ đó các bên bảo trợ chủ chốt của phe đối lập Syria, bắt đầu là Thổ Nhĩ Kỳ, có thể đảm bảo lợi ích của họ và đem đến các vùng an toàn cho những người ủng hộ.

Nga đã triển khai ít nhất 2 hệ thống tên lửa S-400 khét tiếng tại chiến trường Syria
Nga đã triển khai ít nhất 2 hệ thống tên lửa S-400 khét tiếng tại chiến trường Syria
Su-34 Nga hạ cánh sau khi xuất kích làm nhiệm vụ tại Syria
Su-34 Nga hạ cánh sau khi xuất kích làm nhiệm vụ tại Syria

Tiến trình Astana (được đặt theo tên thủ đô của Kazakhstan, nơi các nhà đồng tổ chức Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Nga họp mặt với cả chính phủ Syria và phe đối lập) đã đạt được một số thành công. Tuy nhiên, Mỹ chưa bao giờ ký vào tiến trình này và xem nó như một hình mẫu ưa thích để dàn xếp tương lai của Syria, và các đối tác chủ chốt khác trong khu vực, đặc biệt là Israel cùng với Ả Rập Xê-út, cũng nghi ngại về tiến trình này.

Khi IS từ bỏ gieo rắc bóng ma khủng bố trên những phần lãnh thổ nhỏ bé cuối cùng mà chúng còn kiểm soát, Giáo sư Gvosdev cho rằng cách tiếp cận này của Nga lại đang phải đối mặt với một số thử thách nghiêm trọng. Đầu tiên và quan trọng nhất là số phận của tỉnh Deir Ezzor, trung tâm của ngành công nghiệp dầu mỏ Syria. Ai sẽ kiểm soát tài nguyên quan trọng này - chính phủ Syria được không quân Nga hậu thuẫn, hay lực lượng đối lập Syria được Mỹ hỗ trợ quân sự?

Nếu nằm trong tay chính phủ, những mỏ dầu này sẽ mang lại nguồn thu quan trọng cho ngân sách của chế độ Assad, nhưng nếu do phe đối lập nắm giữ, chúng sẽ giúp củng cố vị thế đàm phán của phe này. Cả quân đội Nga và Mỹ được cho là vẫn luôn liên lạc để ngăn chặn bất kỳ cuộc xung đột nào giữa các đồng minh, trên mặt đất và cả trên không, nhưng các sự cố ngoài ý  muốn luôn có thể xảy ra.

Thử thách thứ hai là câu hỏi của Iran về "đường hành lang tới Địa Trung Hải" khi chính phủ Syria bắt đầu chiếm lại các đồn biên phòng quan trọng dọc biên giới Iraq. Một mục tiêu chiến lược then chốt của Tehran khi đưa lục quân thuộc lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran tới chiến đấu ở Syria là để bảo vệ cầu lục địa kết nối Iran qua Iraq, qua các khu vực của người Shia và Alawi ở Syria, với Hezbollah ở Lebanon. Đây là tuyến đường tiếp vận quan trọng để Vệ binh Cách mạng tiếp tế cho Hezbollah, là một lý do khiến Israel mở các cuộc tấn công phá hủy các đoàn xe đến Lebanon trong những năm gần đây.

Với sự thay đổi trong chính sách của chính quyền Donald Trump đối với Iran, xóa bỏ nỗ lực hòa giải dưới thời Obama và hướng tới một lập trường đối đầu hơn, việc ngăn chặn những hành động củng cố đường hành lang sẽ là một ưu tiên chiến lược lớn của Mỹ. Tuy nhiên, nỗ lực ngăn chặn quân đội Syria (và đặc biệt là các đơn vị Iran được đưa vào quân đội chính phủ) hoặc đưa các binh sĩ phe đối lập về lại đúng vị trí sẽ làm tăng nguy cơ về một cuộc đụng độ ngẫu nhiên với Nga.

Lực lượng đặc nhiệm Mỹ đang trực tiếp hậu thuẫn người Kurd tại Syria
Lực lượng đặc nhiệm Mỹ đang trực tiếp hậu thuẫn người Kurd tại Syria

Cuối cùng là câu hỏi về số phận của ông Assad. Chính quyền ông Trump chưa bao giờ chính thức bác bỏ quan điểm "Assad phải ra đi", ngay cả khi cho rằng sự ra đi ngay lập tức của ông Assad không phải là điều kiện tiên quyết tuyệt đối cho các cuộc đàm phán về tương lai của Syria. Nhưng Matxcơva dường như đã quyết định rằng câu hỏi đã được giải quyết: ông Assad sẽ vẫn là tổng thống của Syria.

Vào ngày 24/10, Nga đã bỏ phiếu phủ quyết kéo dài điều tra của Liên Hợp Quốc về việc sử dụng vũ khí hoá học ở Syria, cho thấy Matxcơva coi vấn đề này đã kết thúc và không cần phải điều tra tiếp. Tuy nhiên, theo quan điểm của Mỹ, khả năng Assad tiếp tục sở hữu và sử dụng các loại vũ khí này gây ra một mối đe dọa, điều này nghĩa là ngay cả sau khi lãnh thổ Syria thoát khỏi sự kiểm soát của IS, Washington sẽ không coi như cuộc nội chiến Syria đã kết thúc và được giải quyết.

Đối với Nga, nước đã đưa ra quan điểm là sự can thiệp của họ phần lớn đã hoàn thành, việc Mỹ tiếp tục can dự vào Syria không chỉ ngăn cản Nga rút quân và chuyển các nguồn lực quân sự sang các vấn đề khác, mà còn khiến Syria vẫn là một vùng có xung đột tiềm tàng với Mỹ.

IS được cho là vẫn đang kiểm soát chưa đến 5% lãnh thổ của Syria. Nhưng một khi mối đe dọa chung với cả Nga và Mỹ này được loại trừ, khả năng xảy ra đối đầu giữa hai bên sẽ ngày càng lớn, Giáo sư Gvosdev cảnh báo.