Nga áp đảo trận thế Syria, Mỹ chỉ “gót chân Asin” của Mátxcơva

VietTimes -- "Mặc dù chiến dịch quân sự của Nga ở Syria được cho là sắp kết thúc thắng lợi, các lực lượng được triển khai sẽ không có động thái rút quân đáng kể", chuyên gia quân sự Nga Pavel E. Felgenhauer nhận định trong bài viết trên Jamestown mới đây.
Phi công Nga tham chiến tại Syria
Phi công Nga tham chiến tại Syria

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu mới đây đã tuyên bố chiến dịch quân sự của Nga ở Syria đang "gần kết thúc" (EDM, ngày 17/10). Nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo, trước kia là một chủ thể gần giống quốc gia (quasi-state) khá lớn, trải dài từ vùng ngoại ô Bagdad, Iraq tới Aleppo thuộc Syria, đã mất quyền kiểm soát tất cả các thành phố lớn, bao gồm cả Mosul ở Iraq và "thủ đô" tự xưng Raqqa ở bên sông Euphrates, Syria.

Tất nhiên, các tay súng IS ở cả Mosul lẫn Raqqa đều bị lực lượng được Mỹ hỗ trợ và trang bị vũ khí đánh bại, nhưng quân đội Nga vẫn không có bất kỳ e ngại nào khi tuyên bố mình là người chiến thắng thật sự. Và điểm đáng chú ý là: Khi Nhà nước Hồi giáo mất lãnh thổ và suy yếu từ một chủ thể gần giống quốc gia theo luật Sharia hà khắc trở thành một tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan, ảnh hưởng của Nga ở Trung Đông tăng lên đáng kể. Ông Shoigu đã tuyên bố về chiến thắng trong tầm tay tại Syria trong một chuyến thăm thu hút nhiều sự chú ý của truyền thông đến Israel, nơi ông có cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Avigdor Lieberman và Thủ tướng Benjamin Netanyahu (Interfax, ngày 17/10).

Ba tuần trước, Quốc vương Ả Rập Xê-út Salman bin Abdulaziz Al Saud đã thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước đến Matxcơva, và kết quả của chuyến thăm này là một số hợp đồng vũ khí, bao gồm thỏa thuận mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 do Nga sản xuất của Ả Rập Xê-út (EDM, ngày 10-11/10). Kremlin đã thông báo rằng Tổng thống Vladimir Putin sẽ có chuyến thăm Iran trước cuối năm để tham dự hội nghị thượng đỉnh ba bên Iran-Nga-Azerbaijan (TASS, ngày 12/10).

Ông Shoigu đến Israel cùng với một phái đoàn quân sự đông đảo và đã mặc quân phục khi xuất hiện ở cương vị chính thức. Các sĩ quan hàng đầu của Nga có thể mặc quân phục ở nước ngoài chỉ khi có mệnh lệnh cụ thể từ điện Kremlin - trong phần lớn trường hợp, nghi thức ngoại giao này được dành riêng cho những chuyến thăm bạn bè và đồng minh thân thiết. Vào tháng 10/2013, trong chuyến thăm gần nhất của Shoigu tới trụ sở chính của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại Brussels, Bỉ, phái đoàn quân sự Nga đã mặc thường phục.

Ở Israel, tướng Shoigu đã thảo luận về các vấn đề người Kurd, Syria, hợp tác quân sự và buôn bán vũ khí. Trong khi các quan chức Israel tìm kiếm sự hợp tác của Nga trong việc ngăn chặn không cho quân đội Iran tiếp cận các căn cứ ở Syria để có thể đe dọa tới Nhà nước Do Thái.

Matxcơva theo đuổi việc tiếp cận các công nghệ quân sự tiên tiến của Israel. Máy bay do thám không người lái của Nga trong chiến dịch ở Syria là loại Forpost (Searcher II) do Israel thiết kế và giữ bản quyền. Nếu không có Forpost, toàn bộ chiến dịch không kích của Nga sẽ kém hẳn hiệu quả. Matxcơva đã hành động khôn khéo đưa mình vào vị trí kiếm được hàng tỷ USD nhờ bán vũ khí cho Iran và Ả Rập Xê-út, rồi sau đó sử dụng tiền thu được để mua bí quyết tiên tiến của Israel, trong khi cả ba nước thù địch đều tìm kiếm sự trợ giúp của Nga để kiểm soát hành động của nhau. Nga dường như đã thành công trong việc biến mình thành một trung gian quyền lực ở Trung Đông (Kommersant, ngày 18/10).

Hệ thống S-400 của Nga được một số đồng minh của Mỹ rất quan tâm
Hệ thống S-400 của Nga được một số đồng minh của Mỹ rất quan tâm

Mặc dù chiến dịch quân sự của Nga ở Syria được cho là sắp kết thúc thắng lợi, các lực lượng được triển khai sẽ không có động thái rút quân đáng kể. Phó chủ tịch thứ nhất của Ủy ban Quốc phòng Hội đồng Liên bang, ông Frants Klinstevitch đã tuyên bố: “Ngày đầu năm mới là thời điểm muộn nhất chúng tôi sẽ quyết định mọi thứ liên quan đến Syria và chủ nghĩa khủng bố, nhưng các căn cứ quân sự của chúng tôi sẽ ở lại và các lực lượng cũng không cần cắt giảm”. Trong bài phát biểu tại St Petersburg ngày 14/10, Tổng thống Putin đã ca ngợi những thắng lợi của Nga tại Syria và kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng nhau cung cấp gói tài chính toàn diện để bắt đầu xây dựng lại cơ sở hạ tầng bị tàn phá nặng nề của Syria.

Theo các quan chức nhà nước, Nga sẵn sàng tham gia tái thiết Syria bằng cách "ký các hợp đồng đôi bên cùng có lợi". Theo một cuộc thăm dò gần đây, phần lớn người Nga đồng ý rằng Nga phải cung cấp một khoản viện trợ nhân đạo cho Syria sau khi chiến thắng trong cuộc chiến, nhưng phản đối viện trợ vật chất quy mô lớn. Điều này được Matxcơva hiểu rằng chừng nào mà ông Bashar al-Assad vẫn là tổng thống ở Damascus, Liên minh châu Âu sẽ từ chối cung cấp tài chính cho công cuộc tái thiết nền kinh tế và cơ sở hạ tầng của Syria (Interfax, ngày 17/10).

Sự sụp đổ nhanh chóng của Nhà nước Hồi giáo được xây dựng bởi Taliban ở Afghanistan, sau cuộc xâm lược của Mỹ vào năm 2001, đã không chấm dứt chiến tranh. Taliban tập hợp lại thành một tổ chức khủng bố nổi dậy và đang tỏ ra không có dấu hiệu mệt mỏi do chiến đấu trong năm 2017. Tương tự, IS và các nhóm chiến binh thánh chiến khác cũng sẽ rất khó biến mất hoàn toàn tại Syria hay Iraq nếu có hàng triệu người Sunni bất mãn coi các lực lượng giải phóng họ như những kẻ ngoại đạo và chiếm đóng.

Các lực lượng ủng hộ ông Assad, với sự hỗ trợ của Nga và Iran, có vẻ đã phân tán quá mỏng khi IS rút lui, và lãnh thổ mà họ đang đoạt lại là nơi có đông người thù địch. Nhờ sử dụng hỏa lực dữ dội từ trên không, Nga đã giành được thắng lợi về quân sự, nhưng dường như Nga không có đủ nguồn lực để giữ chắc chiến thắng hoặc cung cấp nguồn tài chính khổng lồ để tái thiết và bình ổn Syria, như đã tiến hành thành công ở Chechnya sau khi giành thắng lợi trong cuộc chiến năm 2001.

Binh sĩ Nga làm nhiệm vụ ở  Syria
Binh sĩ Nga làm nhiệm vụ ở Syria
Kiểm tra kỹ thuật chiến đấu cơ Su-30SM tham gia chiến dịch quân sự tại Syria
Phi công lên chiến đấu cơ Su-30SM trước giờ xuất kích tại Syria

Khi Matxcơva dẹp yên Chechnya, giá dầu đang tăng đều đặn và ngân sách Nga bội thu. Kể từ đó, quân đội Nga đã kiểm soát Nam Ossetia và Abkhazia sau khi đánh thắng Gruzia năm 2008, rồi chiếm đóng và sáp nhập Crimea vào năm 2014. Matxcơva đã bắt đầu một chiến dịch vô thời hạn ở Donbass vào năm 2014 và gia nhập cuộc chiến ở Syria vào năm 2015. Nhưng giá dầu đã giảm trong những năm gần đây và đang tiếp tục ở mức thấp. Ngoài ra, theo cựu Bộ trưởng Tài chính Alexei Kudrin, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã làm vốn đầu tư giảm 7 lần (RBC, ngày 12/10). Dòng vốn tiếp tục chạy khỏi Nga (Kommersant, ngày 03/7). Thu nhập của các hộ gia đình, đã điều chỉnh theo lạm phát, tiếp tục giảm trong mùa thu này, bất chấp những tuyên bố lạc quan của chính phủ rằng kinh tế đang tăng trưởng trở lại.

Năm 2017 là năm thứ tư liên tiếp mà thu nhập của các hộ gia đình sụt giảm ở Nga (Gks.ru, ngày 18/10). Những nỗ lực nhằm giảm thâm hụt ngân sách năm 2017 đã thất bại. Giá dầu tăng nhẹ, và ngân sách liên bang đã nhận được khoảng 7 tỷ USD thu bổ sung trong năm 2017. Nhưng đồng rúp đã tăng giá một chút so với đồng USD, khiến cho khoản thu bổ sung gần như bị bù trừ hết. Ngoài ra, trên thực tế tất cả khoản thu ngân sách bổ sung đều được dùng để trợ cấp ngành công nghiệp quốc phòng (Kommersant, ngày 19/10).

Trong một bài nói chuyện gần đây ở Matxcơva, Bộ trưởng Tài chính Anton Syluanov đã cảnh báo rằng các cam kết phòng thủ quá mức, kết hợp với sự sụt giảm giá dầu, đã khiến Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, và nước Nga ngày nay cũng có thể phải chịu những hậu quả nghiêm trọng (RIA Novosti, ngày 06/10). Kremlin đang tiến hành một chương trình hiện đại hóa vũ khí quân sự kiểu chiến tranh lạnh khổng lồ đã được khởi động từ sau cuộc chiến năm 2008 với Gruzia khi giá dầu vượt quá mức 100 USD/thùng.

Matxcơva đang tham gia một trò chơi toàn cầu có kẻ thắng, người thua chống lại Mỹ ở Trung Đông, Ukraine và Đông Âu, thực hiện liên tiếp các cam kết vô thời hạn tốn kém, và ngày càng làm cạn kiệt các nguồn lực khan hiếm. Nga có thể tiếp tục hành động này cho đến khi đạt tới điểm giới hạn của mình, chuyên gia Felgenhauer dự đoán.