Tiến sĩ khoa học quân sự Nga, thiếu tướng Boris Solovyov cho biết: “Đưa hệ thống vũ khí răn đe chiến lược vào trực chiến – đây là một thông tin quân sự rất bất ngờ. Tình hình hiện nay bắt buộc tổng thống Putin phải quyết định như vậy. Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, tổng thống Mỹ J. Biden đã đưa ra tuyên bố: Nếu không áp đặt những lệnh trừng phạt mạnh đối với Moscow, thì chỉ có thể là chiến tranh thế giới thứ 3.
Nước Nga đã bị đe dọa, đã bị áp đặt những lệnh trừng phạt mới. Nước Nga đã miễn nhiễm với các lệnh trừng phạt về kinh tế. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từng thề sẽ phá tan nền kinh tế Nga thành những mảnh vụn. Bao nhiêu năm đã trôi qua, kinh tế Nga vẫn hoạt động và phát triển. Dường như phương Tây đã thấy được điều đó. Vì vậy, nhiều lãnh đạo cấp cao trong NATO đã đưa ra quan điểm, đừng hy vọng nhiều vào các lệnh trừng phạt, mà phải “nói chuyện” với Moscow bằng sức mạnh. Vì vậy, đặt vũ khí răn đe chiến lược vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu cao là việc nên làm vào thời điểm này.
Mỹ và NATO có thể “động binh” bất cứ lúc nào để thay thế các lệnh trừng phạt về kinh tế. Tổng thống Biden từng đe dọa: hành động của Nga ở Ukraine sẽ phải trả giá đắt trong tương lai ngắn hạn và tương lai lâu dài. Điện Kremlin đã thấu hiểu ngụ ý của Tổng thống Biden. Với sắc lệnh đưa hệ thống vũ khí răn đe chiến lược vào trực chiến, Tổng thống Putin muốn gửi đến Washington một thông điệp: “Nước Nga đã sẵn sàng cho mọi thách thức”".
Ông Solovyov chia sẻ tiếp: “Hệ thống vũ khí răn đe chiến lược của Nga bao gồm những vũ khí hạt nhân mạnh nhất, và vũ khí thông thường mạnh nhất. Để tránh sai lầm khi đưa ra quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân, ngoài vali hạt nhân của Tổng thống Putin, Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu và tổng tham mưu trưởng Gerasimov cũng được nắm giữ chiếc vali này”.
Cách đây 2 năm, ông Putin đã đưa ra học thuyết về vũ khí hạt nhân của Nga. Theo học thuyết này, Nga có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả trong những trường hợp sau:
- Khi nước Nga và các đồng minh của mình bị đối phương tấn công bằng vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt.
- Khi nước Nga bị tấn công bằng vũ khí thông thường, cuộc tấn công đe dọa đến sự tồn vong của nước Nga.
Sắc lệnh đưa vũ khí răn đe chiến lược của Nga vào trực chiến là lời nhắc nhở đối với Mỹ và NATO.
Trong những ngày gần đây, tại trụ sở NATO, lãnh đạo các nước thành viên của khối này đã bàn tới việc cung cấp vũ khí hạng nặng, như xe tăng, các hệ thống phòng không cho Ukraine qua Ba Lan và Romania. Mỹ chuẩn bị đưa 4.500 lính dù tới Mariupol – nơi các phần tử dân tộc cực đoan của trung đoàn Azov đang cố thủ. Việc chi trả cho 4.500 lính dù Mỹ do giới nhà giàu của Ukraine chịu trách nhiệm. Các kế hoạch trên của NATO và Mỹ đã bị hủy ngay sau khi Tổng thống Putin đưa ra sắc lệnh đưa vũ khí răn đe hạt nhân vào trực chiến.
Theo KP.ru