Ứng dụng CNTT vào dạy và học là một trong những nội dung được ưu tiên của ĐH Hà Nội. Ảnh: Lê Minh. |
Đó là kinh nghiệm được giáo sư David Nunan -- trường Đại học Hồng Kông (Trung Quốc), chuyên gia giáo dục nổi tiếng, nhà ngôn ngữ quốc tế uy tín, chia sẻ tại Hội thảo khoa học quốc tế do trường Đại học Hà Nội tổ chức mới đây.
Khoảng 200 giáo viên và cán bộ trường Đại học Hà Nội cùng các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu giáo dục trong và ngoài nước đã tham dự hội thảo khoa học "Đổi mới phương pháp và kinh nghiệm dạy - học ngoại ngữ" diễn ra ngày 20/10 tại Hà Nội. Đây cũng là một diễn đàn mở giúp các giảng viên của trường chia sẻ những ý tưởng mới trong dạy và học, cập nhật những phương pháp mới, trong đó công nghệ thông tin, nhằm tăng cường khả năng tương tác giữa thầy và trò trong thế giới ngôn ngữ mới.
Tại hội thảo, các giảng viên giảng dạy ngoại ngữ đã nghe tham luận và bàn luận xung quanh nhiều chủ đề hấp dẫn như nội địa hóa thông tin trong nghề dịch, phát triển khả năng sáng tạo của sinh viên thông qua các nhóm, câu lạc bộ học tập cộng đồng.
Đặc biệt, hội thảo đã nghe giáo sư David Nunan đến từ trường Đại học Hồng Kông (Trung Quốc), chuyên gia giáo dục nổi tiếng, nhà ngôn ngữ lừng danh thế giới, chia sẻ những kinh nghiệm về dạy và học ngoại ngữ trong thời đại kỹ thuật số.
“Để giảng dạy ngoại ngữ tốt trong một lớp có sĩ số học sinh đông, việc áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy là biện pháp đạt hiệu quả cao nhất. Có những chương trình tiếng Anh được ứng dụng bằng công nghệ thông tin một cách bài bản vừa giúp các em học sinh luyện tập tiếng Anh hàng ngày, vừa có được kết quả ngay lập tức. Ngoài ra, qua Internet các em cũng có thể liên hệ được với các bạn học tiếng Anh cùng chương trình trên thế giới", giáo sư David Nunan nói.
Theo ông Nguyễn Văn Trào, phó hiệu trưởng trường Đại học Hà Nội, hội thảo nhằm tổng kết, đánh giá công tác giảng dạy nghiên cứu khoa học đồng thời đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy và nghiên cứu khoa học của trường Đại học Hà Nội. “Kết quả hội thảo hôm nay có giá trị thực tiễn rất cao vì tôi thấy sự hiện diện của các nhà khoa học, những gương mặt tôi thực sự ngưỡng mộ ở đây như giáo sư David Nunan", ông Trào nói.
“Ngôn ngữ được ghi nhận là một tài sản, theo tôi, tài sản ấy còn có giá trị hơn nữa nếu nó được chia sẻ cho những người quan tâm tại những diễn đàn có ý nghĩa như thế này”, ông Trào đánh giá.
Theo thầy Đoàn Quang Trung, trường Đại học Hà Nội, CNTT đã mang lại những thay đổi tích cực trong hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống và đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong giáo dục. Một trong những thay đổi tích cực đó là CNTT đã góp phần làm tăng hiệu quả trong việc dạy và học, nhất là dạy và học ngoại ngữ, cũng như giúp các giáo viên linh hoạt và hiệu quả hơn trong các giờ trên lớp.
“Nhờ công nghệ thông tin, các giáo viên sẽ nắm chắc hơn từng đối tượng sinh viên và trình độ của họ. Mối quan hệ giữa giáo viên và sinh viên sẽ được cải thiện và sinh viên sẽ tham gia tích cực hơn vào các hoạt động học tập, góp phần hình thành môi trường giảng dạy, học tập hài hòa, hiệu quả”, thầy Trung chia sẻ.
Được biết, Đại học Hà Nội là một trong những trường đại học có đội ngũ giáo viên tích cực tham gia vào nghiên cứu khoa học, phục vụ hiệu quả cho công tác giảng dạy. Nhiều đề tài nghiên cứu của trường tập trung vào ứng dụng CNTT trong dạy và học ngoại ngữ, ví dụ như sử dụng CNTT nhằm tăng hiệu quả các giờ học phát âm, giờ thực hành tiếng, phát triển phần mềm học trực tuyến.