UBS tiến gần tới việc mua lại Credit Suisse

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Tập đoàn UBS sắp đạt được thoả thuận mua lại ngân hàng Credit Suisse trong một phần nỗ lực của Thuỵ Sĩ và các cơ quan toàn cầu để vãn hồi niềm tin vào hệ thống ngân hàng.

Thoả thuận này có thể được công bố ngay trong hôm 19/3, theo Wall Street Journal. Các cuộc thảo luận về thương vụ này đã diễn ra một cách rất nhanh chóng, tuy nhiên có một vấn đề là ai sẽ là người sở hữu nhánh bán lẻ tại Thuỵ Sĩ của Credit Suisse.

Trước đó, Credit Suisse đã phải tiếp nhận khoản vay khẩn cấp của Ngân hàng Quốc gia Thuỵ Sĩ, trị giá hơn 50 tỉ USD, để vượt qua cuộc khủng hoảng.

Động thái này tuy nhiên chưa đủ để ngăn đà sụt giảm cổ phiếu của ngân hàng hay ngăn chặn khách hàng rút tiền khỏi ngân hàng, buộc ngân hàng trung ương và các quan chức tài chính chóp bu của Thuỵ Sĩ phải tổ chức đàm phán với đối thủ lớn nhất của Credit Suisse, UBS.

Theo nguồn tin của Wall Street Journal, sự cấp thiết phải đạt được thoả thuận này là do các nhà điều hành lo ngại về tương lai của Credit Suisse. Ngân hàng này trong tuần trước đối diện với dòng tiền thất thoát lên tới 10 tỉ USD mỗi ngày. Các nhà điều hành lo ngại rằng ngân hàng này sẽ sụp đổ ngay trong tuần tới nếu như không đạt được thoả thuận, gây ra cuộc khủng hoảng niềm tin đối với các ngân hàng khác.

Nhiều ngân hàng đã đưa ra một loạt viễn cảnh, trong đó có viễn cảnh UBS mua lại tất cả hoặc nhiều phần của Credit Suisse, theo một số nguồn tin được Wall Street Journal dẫn lại. UBS cũng có khả năng sẽ thu hẹp nhánh đầu tư của Credit Suisse.

Theo WSJ, giới chức Thuỵ Sĩ mong muốn hoàn tất thương vụ trước đầu tuần sau (Ảnh: Shutterstock)

Theo WSJ, giới chức Thuỵ Sĩ mong muốn hoàn tất thương vụ trước đầu tuần sau (Ảnh: Shutterstock)

Sự sụp đổ của ngân hàng có 167 năm lịch sử vận hành có thể trở thành một trong những khoảnh khắc tồi tệ nhất của ngành ngân hàng toàn cầu kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Nó cũng sẽ trở thành một nạn nhân lớn của “trận bão tố” trong ngành ngân hàng, bắt nguồn từ vụ sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) xảy ra trước đó.

UBS từ lâu đã được xem như một phần trong giải pháp được nhà nước hậu thuẫn đối với trường hợp của Credit Suisse, ngân hàng có bản cân đối kế toán gần bằng một nửa tổng tài sản của UBS (1,1 nghìn tỉ USD).

Thương vụ mua lại thành công sẽ cho phép UBS tiếp cận mảng làm ăn có tiếng của Credit Suisse, như quản lý tài sản khách hàng tại châu Á và Trung Đông, nhưng mặt khác cũng phải tiếp nhận những đơn vị mà họ không mong muốn, như mảng đầu tư. Ngoài ra, thương vụ cũng có thể ảnh hưởng tới chiến lược hiện tại của UBS.

Vốn hoá thị trường của UBS vào khoảng 65 tỉ USD, trong khi của Credit Suisse là 8 tỉ USD, theo FactSet. Lợi nhuận ròng của UBS trong năm 2022 là 7,6 tỉ USD, trong khi lỗ ròng của Credit Suisse cùng năm là 7,9 tỉ USD.

Nhánh ngân hàng bán lẻ địa phương của Credit Suisse, một vấn đề khúc mắc trong đàm phán thoả thuận, có thể có giá lên tới 10 tỉ USD, theo giới phân tích. Kết hợp trực tiếp với UBS, nhánh này có thể tạo nên một “gã khổng lồ” trong hệ thống ngân hàng, chiếm khoảng 30% tổng lượng tiền gửi và khoản vay của Thuỵ Sĩ.

Cả hai ngân hàng này đều được đánh giá là có tầm quan trọng mang tính hệ thống đối với Thuỵ Sĩ và toàn cầu, và sự kết hợp giữa chúng có thể làm tăng thêm sự kiểm soát cùng các loại chi phí vốn. Credit Suisse có khoảng 50.000 nhân viên vào thời điểm cuối năm 2022, bao gồm hơn 16.000 nhân viên tại Thuỵ Sĩ. Credit Suisse có các đơn vị ngân hàng đầu tư tại nhiều thành phố, bao gồm New York, London và Singapore; và thuê hàng nghìn nhân công trong mảng công nghệ ở Ấn Độ và Ba Lan. Về phần mình, UBS có khoảng 74.000 nhân viên trên toàn thế giới.

Nếu như hai ngân hàng đạt được thoả thuận, sẽ có khoảng trên 9.000 nhân viên bị mất việc làm, bởi trước đó Credit Suisse đã cam kết sẽ sa thải lượng nhân viên tương tự trong kế hoạch cải tổ của mình.

Chính quyền Thuỵ Sĩ hy vọng sẽ đạt được thoả thuận với UBS trước khi thị trường mở cửa trở lại trong sáng đầu tuần sau. Tuy nhiên, phát ngôn viên của các cơ quan chức năng nước này từ chối đưa ra bình luận về việc này.

UBS đương nhiên không phải lựa chọn duy nhất cho nỗ lực cứu vãn tình hình tại Credit Suisse, nhưng theo WSJ, chính quyền Thuỵ Sĩ vẫn muốn có một giải pháp trong nước hơn là nước ngoài. Nhiều tổ chức tài chính khác cũng đang xem xét kỹ lưỡng tình hình để xem liệu họ có thể mua lại một vài phần của Credit Suisse hay không./.

Theo Wall Street Journal