UAV tự sát Lancet của Nga và đòn đối phó đơn giản của Ukraine

VietTimes – Những hình ảnh do Bộ Quốc phòng Ukraine mới công bố cho thấy lưới thép một lần nữa chặn được đòn tấn công của UAV tự sát "Lancet" của Nga, khẩu pháo tự hành 2S1 "Gvozdika" 122mm cùng kíp pháo thủ đã sống sót.
Lưới thép được quân đội Ukraine giăng phía trên khẩu pháo xe kéo để bảo vệ nó khỏi bị UAV tự sát Lancet-3 tiêu diệt (Ảnh: QQ).

Máy bay không người lái tự sát (còn gọi là "đạn lảng vảng", "đạn tuần kích" hay "đạn lượn thông minh") "Lancet-3" của Nga đã phá hủy gần 45% số pháo xe kéo và pháo tự hành mà NATO đã cung cấp cho Ukraine – đó là thông tin được hãng tin RIA Novosti dẫn sau một cuộc họp trực tuyến giữa Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu với các chỉ huy quân đội Nga ngày 4/4. Theo ông Shoigu, kể từ tháng 1/2023 đến nay, quân Nga đã phá hủy 59 khẩu pháo lựu M777, 13 pháo tự hành M109 Paladin, 14 hệ thống pháo phản lực đa nòng cơ động cao M142 HIMARS và 30 pháo tự hành khác do Mỹ, Ba Lan, Đức, Pháp và Cộng hòa Czech cung cấp cho Ukraine. Một số khá lớn trong đó bị loại khỏi vòng chiến bởi UAV tự sát Lancet-3.

Dù bị UAV Lancet đánh trúng nhưng khẩu pháo tự hành vẫn an toàn

(Ảnh: QQ).

Trong khi các UAV Geran-2 của Nga (mà phương Tây cho rằng thật ra là loại Shahed-136 do Iran cung cấp), được Nga sử dụng nhắm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine, thì UAV tự sát “Lancet” là thứ vũ khí chiến trường nhằm vào các mục tiêu quân sự, địa bàn là pháo binh và phương tiện thiết giáp.

Loại UAV tự sát hiện được Nga dùng phổ biến là “Lancet-3”, nặng khoảng 15kg và có tốc độ bay hơn 110km/s. Một camera gắn trên mũi thiết bị cho phép người điều khiển nó tìm kiếm và xác định mục tiêu, sau đó UAV sẽ tăng tốc và lao xuống với vận tốc 305km/s, kích nổ đầu đạn xuyên giáp. Tầm bay tối đa được cho là khoảng 40 km. Thông thường các UAV trinh sát sẽ định vị mục tiêu trước khi Lancet được triển khai.

Lực lượng Vũ trang Ukraine đã tháo dỡ UAV “Lancet-3” không nổ, phát hiện chúng được trang bị đầu đạn xuyên giáp hình chữ nhật nặng 3 kg, với lượng 1,8 kg thuốc nổ mạnh nạp bên trong, có thể xuyên thủng lớp thép đồng chất dày 215 mm, nếu bắn trúng mục tiêu và phát nổ thành công, chưa nói đến pháo tự hành, ngay cả xe tăng chiến đấu chủ lực cũng khó chống đỡ được đòn tấn công từ trên xuống của nó.

Hình ảnh cho thấy pháo tự hành và pháo thủ vẫn an toàn sau khi bị UAV tự sát Lancet tấn công (Ảnh: NetEasy).

Ngoài ra, ở phần đuôi "Lancet-3" đã được cài đặt thuốc nổ nhằm phá hủy mảnh xác còn lại của đạn để không bị quân đội Ukraine bẻ khóa, nhưng thật không may là nó cũng đã không phát nổ và một số quả đạn “Lancet-3” nguyên vẹn đã rơi vào tay quân đội Ukraine.

Thực tế chiến đấu cho thấy, các UAV tự sát “Lancet-3” đã trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với các trang thiết bị hạng nặng của Ukraine như pháo binh và xe tăng, cho đến khi quân đội Ukraine bắt đầu sử dụng chiêu đối phó đơn giản và hiệu quả là…lưới thép.

Từ những hình ảnh và video do quân đội Ukraine công bố, lực lượng quân đội Ukraine thực hiện các nhiệm vụ pháo kích, dù là xe tăng, pháo tự hành hay pháo kéo, đều dựng lên một lưới thép kiêm lưới ngụy trang ở phía trên nếu pháo kích một lượng đạn trong một thời gian nhất định ở một vị trí. Lưới thép đã trở thành biện pháp phòng vệ quan trọng nhất chống lại UAV tự sát “Lancet" của Nga. Ngay cả khi "Lancet" có thể được kích nổ thuận lợi, nhưng vì nó ở cách xa mục tiêu nên xung lực do nó tạo ra cũng bị suy giảm khiến nó khó uy hiếp được mục tiêu.

UAV tự sát Lancet-3 của Nga (Ảnh: NetEasy).

UAV tự sát “Lancet-3” là một trong số ít loại vũ khí được quân đội Nga chứng minh là cực kỳ hiệu quả trong cuộc chiến Nga-Ukraine, nhưng hiện nay, với sự xuất hiện của lưới thép, tác dụng của nó cũng giảm đi rất nhiều.

Trên thực tế, không chỉ ở Ukraine, cơ sở hạt nhân Iran bị máy bay không người lái tấn công cách đây không lâu cũng khẳng định tác dụng phòng vệ của lưới thép đối với máy bay không người lái tốc độ thấp. Hiện đã có tập đoàn công nghiệp Quốc phòng nghiên cứu sản xuất hàng loạt lưới thép chuyên dụng chống UAV tự sát hoặc “đạn lảng vảng”máy bay không người lái hoặc bom lảng vảng; trong đó tập trung vào việc sử dụng vật liệu mới và lắp đặt nhanh chóng.

Đương nhiên, quân đội Nga cũng không ngừng đạt được tiến bộ trong chiến tranh, ngoài việc không ngừng cải tiến "Lancet", đặc biệt là nâng cao uy lực đầu đạn, họ còn không ngừng thay đổi chiến thuật sử dụng. Do số lượng ít và khả năng thu hồi không cao nên quân đội Nga thường huy động các loại máy bay không người lái khác trước, sau khi phát hiện thấy mục tiêu của quân đội Ukraine mới thông báo cho đơn vị UAV "Lancet" của Nga ở gần đó để tiến hành phóng vũ khí này, để đảm bảo mỗi UAV "Lancet" đều có thể đánh trúng mục tiêu.

Quân đội Ukraine tìm ra cách khắc chế UAV tự sát "Lancet" của Nga

(Nguồn: Sina).

Ngoài ra, để đối phó với quân Ukraine lắp đặt giáp phản ứng nổ trên đỉnh tháp pháo xe tăng nhằm giảm sức công phá của đầu nổ trong "Lancet", những người vận hành UAV "Lancet" tấn công của Nga cũng cố gắng điều khiển UAV lao vào các vị trí dễ bị tổn thương như cửa ra vào của lính lái hoặc pháo thủ.

Tuy nhiên, dường như vẫn chưa có cách nào giải mã được lưới thép do quân đội Ukraine dựng lên, mặc dù trong những lưới thép này luôn có lỗ hổng, nhưng những lỗ hổng này quá thấp so với mặt đất, lại rất khó phát hiện; thường chỉ khi bắn trúng mục tiêu, người điều khiển UAV “Lancet” mới phát hiện thấy sự tồn tại của lưới thép chứ đừng nói đến việc tìm ra lỗ hổng để lách vào.

Theo Sina