Sau khi Elon Musk thâu tóm Twitter, vị tỷ phú người Mỹ lại đối mặt với những hoài nghi về khả năng điều hành 'đế chế' tỷ đô của mình, đặc biệt là Tesla. Musk thích được xem như là người giải quyết các vấn đề một cách hiệu quả, và ông đang có một vấn đề lớn cần giải quyết: Twitter.
Musk đã chấp nhận vay nợ để mua lại Twitter trong khi mạng xã hội này được tin rằng còn lâu mới đem lại lợi nhuận.
Việc tìm cách cắt giảm chi phí, đồng thời tạo ra nguồn thu cho Twitter là phép thử đối với kỹ năng giải quyết vấn đề của Musk. Nó cũng sẽ khiến sự tập trung của vị tỷ phú này cho Tesla, SpaceX, The Boring Co., và Neuralink suy giảm. Nhưng giai đoạn mà các công ty này cần sự điều hành sát sao của Musk đang dần qua đi.
Twitter - 'phép thử' mới cho khả năng điều hành của Elon Musk (Ảnh: Fox Business) |
'Đế chế' của Musk
Tesla giờ là một hãng sản xuất xe hơi mang lại nhiều lợi nhuận. SpaceX đã trở thành một tay chơi thống trị trong cuộc đua không gian. Neuralink và Boring là những 'sai số đã được làm tròn' trong danh mục đầu tư khổng lồ của Musk.
Musk có năng khiếu quản lý tốt hơn nhiều so với nhiều người nghĩ, và thứ văn hóa mà ông đã tạo dựng trong các công ty của mình đủ mạnh để tiếp tục vận hành mà không có sự quan tâm của ông.
“Đây là một sự cân bằng rất khó đạt được, nếu xét về quy mô và sự đa dạng trong 'đế chế' của Musk”, Dan Ives - chuyên gia phân tích đến từ Wedbush Securities - đánh giá, đồng thời thêm rằng “trận cuồng phong rồi sẽ qua đi.”
'Đế chế' của Elon Musk rất đồ sộ, theo Barron's.
Đầu tiên phải kể tới Tesla, hiện có vốn hóa thị trường khoảng 700 tỉ USD, gấp 3 lần so với giá trị của hãng sản xuất xe hơi đứng ngay sau nó.
Trong khi đó, SpaceX - công ty đi tiên phong trong việc chế tạo các tên lửa đẩy có thể tái sử dụng và Internet tốc độ cao trên không gian- có giá trị 125 tỉ USD và là một trong số 5 công ty không gian có giá trị lớn nhất hành tinh.
The Boring Co. - công ty đặt mục tiêu giải quyết vấn đề ách tắc giao thông trong đô thị bằng cách đào các đường hầm nhanh hơn, chi phí rẻ hơn - có giá trị khoảng 6 tỉ USD. Trong khi đó, Neuralink đang nghiên cứu brain–computer interface (phương thức giao tiếp trực tiếp giữa bộ não và thiết bị bên ngoài) có giá trị khoảng 1 tỉ USD.
Tổng vốn hóa thị trường của các công ty vừa nêu ước tính rơi vào khoảng 832 tỉ USD tính đến thời điểm trước khi Musk quyết định thêm Twitter vào 'đế chế' của mình.
Giá trị thị trường của các công ty do Elon Musk sở hữu không phải điều duy nhất được tính đến.
Tesla thuê khoảng 110.000 nhân công, trong khi SpaceX có 12.000. Neuralink và The Boring Co mỗi công ty có 200 nhân viên.
Twitter, thậm chí sau khi cắt giảm nhân công đến gần một nửa dưới thời của Musk, vẫn sẽ phải trả lương cho khoảng 4.000 người.
Tính tổng, có khoảng hơn 125.000 nhân viên làm việc cho Musk, gần tương đương với lượng nhân công 157.000 người của General Motors hay 142.000 của Boeing.
Nhân viên của Tesla làm việc ở những vị trí cách xa nhau như Fremont, California; Nevada, Austin, Texas; Buffalo, New York; Berlin, Đức; và Thượng Hải, Trung Quốc.
Elon Musk sở hữu 5 công ty có giá trị vốn hóa thị trường trên 1 tỉ USD (Ảnh: Bloomberg) |
'Phép thử' dành cho Musk
Trường hợp của Musk được cho là chưa từng có tiền lệ. Steve Jobs từng điều hành Pixar và Apple cùng lúc, nhưng Pixar có kích thước khá nhỏ và được Walt Disney mua lại với giá 7 tỉ USD vào năm 2006.
John Malone của hãng Liberty Media kiểm soát nhiều công ty cùng lúc, bao gồm Formula One, Giải bóng chày Atlanta Braves Major League Baseball, công ty radio vệ tinh SiriusXM và công ty mua sắm tại gia QVC, cùng với các công ty truyền thông khác của Liberty. Nhưng nếu tính tổng lại, các công ty này chỉ thuê 45.000 nhân công và có giá trị vốn hóa thị trường ước tính đạt 27 tỉ USD.
Berkshire Hathaway của tỉ phú Warren Buffet có lẽ là một ví dụ so sánh tốt hơn. Berkshire sở hữu hơn 60 công ty, số lượng nhân viên 370.000 người, và có giá trị 625 tỉ USD.
Nhưng có sự khác biệt quan trọng giữa Musk và Buffet.
Tỉ phú Buffet là một nhà đầu tư và là một người ủy thác. Ông mua nhiều công ty có đội ngũ quản lý hiệu quả, sau đó để họ tự vận hành. Ông cũng có cánh tay phải đắc lực Charlie Munger hỗ trợ, và nhiều nhân tài để sử dụng – nhiều đến nỗi các nhà đầu tư bỏ ra nhiều năm đồn đoán xem ai sẽ điều hành Berkshire một khi Buffet từ chức.
Trái lại, Elon Musk không có người để ủy quyền như Buffet hay Malone.
Khi Tesla còn là một công ty ít danh tiếng, bàn làm việc của ông đặt ngay tại nhà máy ở Fremont, và ông vẫn tham gia vào khâu đưa ra quyết định về mặt kỹ thuật của Tesla.
Ngoài hãng SpaceX còn có vị quản lý tên tuổi là Gwynne Shotwell, phần lớn các nhà quan sát đều khó đưa ra được một tên tuổi điều hành hay người quản lý nào mang tầm quan trọng đối với Tesla, Neuralink và The Boring Co.
Đối với những công ty cỡ nhỏ như Boring hay Neuralink thì điều này còn hiểu được, nhưng Tesla lại khác. Đến nay hãng sản xuất xe hơi này chỉ có 3 cái tên quản lý hay được nhắc đến nhất – Elon Musk, Giám đốc tài chính Zachary Kirkhorn và Giám đốc kỹ thuật Drew Baglino.
Sự xao lãng liên quan tới Twitter xuất hiện ngay giữa thời điểm được cho là chủ chốt đối với Tesla, công ty hiện đang đẩy mạnh sản xuất tại 2 nhà máy lắp ráp mới, tại Berlin và Austin. Tesla muốn tăng 50% số lượng xe hơi mỗi năm, có nghĩa rằng họ phải phân phối khoảng 5 triệu xe hơi trong năm 2025.
Elon Musk trong lễ ra mắt nhà máy Tesla tại Berlin (Ảnh: NYTimes) |
Đạt được con số này đòi hỏi Tesla phải xây thêm một nhà máy mới, khả năng của pin mà công ty sở hữu, và rất có khả năng là phải cho ra mắt một mẫu xe điện mới có giá thấp.
Ngoài ra còn có nguy cơ nhu cầu đối với các dòng sản phẩm của Tesla không đủ, mặc dù họ đã đạt được số lượng xe sản xuất; bởi các dòng xe điện cạnh tranh khác đến từ Ford Motor, GM hay các hãng khác.
Tuy nhiên, sự toàn tâm của Elon Musk có lẽ không còn đóng vai trò quá quan trọng như trước kia.
Tại SpaceX, Shotwell không ngại đưa ra những quyết định khó khăn và đây là nhân vật vốn nổi tiếng là có sức thuyết phục – bà từng bán dịch vụ phóng của SpaceX cho những khách hàng như NASA trước khi công ty này phóng thành công một tên lửa.
The Boring Co. và Neuralink được quản lý bởi Jared Birchall, người từng kinh qua các vị trí làm việc ở Merrill Lynch, Morgan Stanley và Goldman Sachs trước khi chuyển sang quản lý các khoản đầu tư của Musk vào năm 2016.
Ông là người được Musk hết mức tin tưởng trong mọi lĩnh vực, từ việc quản lý khối tài sản đồ sộ cho tới quản lý cuộc sống.
Tại Tesla, Musk đã gây dựng được một đội ngũ – và một văn hóa làm việc – đủ khả năng để hoạt động mà không cần sự có mặt của ông.
Musk luôn thích tạo ra những đội ngũ đa chức năng để giải quyết các vấn đề. Đó là một môi trường hợp tác, nhưng Musk cũng đặt ra kỳ vọng rất cao và ít khi bỏ qua lỗi lầm. Musk cũng là một người có suy nghĩ cực kỳ logic, theo một nhân viên điều hành của một công ty công nghiệp lớn từng làm việc với ông tại SpaceX.
Khi Musk giải quyết vấn đề, “không có chuyện đoán, không có sự chủ quan. Ông ta luôn cố gắng nắm bắt được gốc rễ của vấn đề.”
Musk cũng đòi hỏi nhân viên giải quyết vấn đề ngoài chuyên môn của họ. Nhiều kỹ sư được thuê về làm việc cho SpaceX chưa từng làm việc trong ngành công nghiệp không gian.
Quyết định này hóa ra lại là một lợi thế cho SpaceX, bởi những người ngoài ngành giải quyết vấn đề theo cách mà người trong cuộc khó có thể tưởng tượng nổi.
Cũng giống như vậy, Konstantinos Laskaris, trưởng nhóm thiết kế động cơ của Tesla, chính là người được chọn để giải thích về thiết kế trợ động cho các khớp của robot dạng người của Tesla tại sự kiện Artificial Intelligence Day lần thứ hai của công ty này.
Trên thực tế, đội ngũ của Tesla có năng lực mạnh hơn so với nhiều người nghĩ. Giám đốc tài chính Kirkhon là một nhà quản lý “cực kỳ có năng lực” và “rất thông minh”, theo nhận xét của Chủ tịch hãng Gerber Kawasaki Wealth Management, Ross Gerber.
Baglino – người còn kiêm nhiệm vị trí Phó chủ tịch cao cấp của Hệ thống truyền động và Kỹ thuật Năng lượng tại Tesla – đã đảm nhiệm vị trí của người đồng sáng lập kiêm cựu Giám đốc công nghệ J.B Straubel vào năm 2019, và đóng vai trò quan trọng trong các hội thảo báo cáo tài chính và tại sự kiện Battery Technology Day 2020 của Tesla, mặc dù ông vẫn còn là một ẩn số đối với các nhà đầu tư.
Giới đầu tư và chuyên gia phân tích chủ yếu biết đến vị giám đốc quan hệ nhà đầu tư Martin Viecha, người mà ông Gerber mô tả là “không khác gì chánh văn phòng” của Tesla.
Những nhân vật khác có thể chịu trách nhiệm quản lý khi Elon Musk chuyển hướng sang Twitter còn có Franz von Holzhausen, Giám đốc thiết kế của Tesla; Ashok Elluswamy, người quản lý phần mềm hỗ trợ lái; và Lars Moravy, Phó giám đốc kỹ thuật.
“Tesla giờ là một công ty quy mô lớn với rất nhiều nhân tài, và có thể vận hành một cách tự động,” nhà phân tích Pierre Ferragu đến từ hãng New Street Research, nhận định. “Điều này khiến cho sự xao lãng từ Twitter chỉ là một rủi ro nhỏ đối với Tesla.”
Tạo dựng thương hiệu tách rời với thương hiệu cá nhân của Elon Musk có lẽ là nhiệm vụ cấp thiết của Tesla hiện nay (Ảnh: Getty Images) |
Tuy nhiên, tổn hại về thương hiệu mà Tesla phải hứng chịu hậu thương vụ thâu tóm Twitter của Musk lại có thể là một vấn đề lớn.
Tesla đã trở thành công ty xe hơi có giá trị lớn nhất thế giới mà không cần chi tiền vào quảng cáo truyền thống. Điều này là nhờ thương hiệu cá nhân của Elon Musk với tư cách một người nỗ lực cải thiện môi trường.
Giờ đây, danh tiếng của Musk đang chịu rủi ro bởi ông lao vào lĩnh vực quản lý mạng xã hội – và thường xuyên tung ra những thuyết âm mưu. Để đối phó với vấn đề này, Tesla có thể cần phải làm sao đó để tách mình khỏi thương hiệu cá nhân của Musk.
“Điều tốt nhất mà Tesla có thể làm ngay bây giờ là tập trung vào xây dựng thương hiệu của chính nó,” Gerber nói. “Tesla không nên là Elon.”
Nhưng làm vậy có thể sẽ rất hao tiền tốn của, bởi cần tới quảng cáo. GM và Ford đã chi hơn 6 tỉ USD để tiếp thị trong năm 2021, trong khi thu về khoảng 24 tỉ USD trong lợi nhuận hoạt động kinh doanh từ doanh số bán 253 tỉ USD.
Nếu xét theo tỷ lệ tương ứng, Tesla có thể phải chi từ 3-4 tỉ USD mỗi năm cho quảng cáo, hoặc khoảng 15% lợi nhuận 22 tỉ USD từ hoạt động kinh doanh (ước tính trong năm 2023).
Nếu các nhà đầu tư tin rằng Tesla chỉ là một công ty sản xuất xe hơi như bao công ty khác, giá cổ phiếu của nó có thể sát hơn với của Porsche – gấp 18 lần so với lợi nhuận ước tính trong năm 2023 – hay Toyota Motor – gấp khoảng 9 lần – thay vì 37 lần như hiện tại.
Xét về mọi rủi ro mà Tesla đang phải đối diện, việc duy trì sức mạnh thương hiệu có lẽ là vấn đề lớn nhất của họ./.
Tại sao tỉ phú Elon Musk lại khao khát kiếm tiền từ Twitter?
Những 'sói già Phố Wall' đằng sau thương vụ thâu tóm Twitter của Elon Musk
Nhân viên Twitter đồng loạt đệ đơn kiện Elon Musk về việc sa thải hàng loạt
Theo Barron's