Tại sao tỉ phú Elon Musk lại khao khát kiếm tiền từ Twitter?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Mặc dù mới chỉ nắm quyền cách đây không lâu nhưng tỉ phú Elon Musk đã áp dụng một loạt thay đổi cho Twitter nhằm nhanh chóng kiếm tiền từ nền tảng này.
Ảnh: The Verge
Ảnh: The Verge

Mới chỉ gần một tuần kể từ khi tỉ phú Elon Musk nắm quyền sở hữu Twitter, nhưng ông đã đưa ra hàng loạt quyết định một cách gấp rút. Theo đó, ông Musk ấy đã đề xuất việc sa thải nhân sự - khoảng từ 50% đến 75% nhân viên của công ty, tùy thuộc vào báo cáo được đưa ra. Vị tỉ phủ này còn thiết lập một tùy chọn đăng ký hoàn toàn mới, theo đó người dùng sẽ trả 8 USD một tháng để nhận được sự hỗ trợ của thuật toán và có tích xanh.

Theo The Verge, Twitter cũng lên kế hoạch cho phép người dùng bán các video của mình trên mạng xã hội. Nền tảng này còn ấp ủ tính phí các tin nhắn trực tiếp.

Các ý tưởng tới nhanh đến mức khó có thể theo dõi tất cả, chưa nói đến việc phân tích một chiến lược cặn kẽ. Nhiều chuyên gia cho rằng hàng loạt những chiến lược này giúp Twitter có thể sớm tìm được nguồn doanh thu mới thay cho lĩnh vực quảng cáo.

Điều này có lẽ đã làm nhiều người bất ngờ, bởi trước đó ông Elon Musk đã liên tục khẳng định việc mua lại Twitter hoàn toàn không phải vì tiền. Trong một cuộc phỏng vấn của TED hồi tháng 4, ông Musk đã nói thẳng: “Đây không phải là một cách để kiếm tiền…. Có một nền tảng được tin cậy tối đa và bao trùm rộng rãi là điều vô cùng quan trọng đối với tương lai của nền văn minh. Điều này hoàn toàn không liên quan đến lĩnh vực kinh tế.”

Theo The Verge, có một vài lý do khiến Elon Musk cần nhanh chóng kiếm tiền từ nền tảng này. Trong báo cáo thu nhập hàng quý cuối cùng trước khi mua lại, Twitter đã báo cáo khoản lỗ 344 triệu USD. Nền tảng đã vướng phải hàng loạt vấn đề như người dùng tăng trưởng kém, các nhà đầu tư ngày càng trở nên bi quan về triển vọng tài chính của nền tảng.

Giờ đây, sự tiếp quản của Musk đã khiến Twitter phải chịu thêm hàng tỉ USD nợ. Theo đó, để hoàn thành thỏa thuận này, Musk đã đứng ra vay các khoản trị giá 13 tỉ USD. Theo ghi nhận của DealBook, điều này làm tăng lãi suất hàng năm của công ty lên khoảng 1 tỉ USD một năm - nhiều hơn tổng lợi nhuận của Twitter cho năm 2021.

Có thể thấy, ngành quảng cáo trên toàn cầu đã bất ổn hơn đáng kể từ khi Musk đề xuất thỏa thuận vào tháng 4. Theo đó, tổng chi tiêu cho quảng cáo đã giảm trong suốt mùa hè và ngay cả những công ty lâu đời hơn như Facebook và Google cũng gặp khó khi thị trường kỹ thuật số đi xuống.

Sau khi ông Musk tiếp quản, một số công ty quảng cáo lớn đã khuyên khách hàng nên tạm dừng quảng cáo trên Twitter, vì sự hỗn loạn của nền tảng này. Ông Musk đã cố gắng tăng cường hỗ trợ cho các nhà quảng cáo - đáng chú ý nhất là việc xuất bản một bức thư ngỏ để đảm bảo với họ rằng nền tảng sẽ sớm ổn định trong thời gian tới. Tuy nhiên, khó có thể đảm bảo lời nói của ông sẽ thành sự thật.

Do đó, vị tỉ phủ này phải tìm mọi cách kiếm tiền ngoài quảng cáo, nhưng các biện pháp được đề xuất hiện nay chưa đủ lấp khoảng trống. Kế hoạch tham vọng nhất của ông là thu phí 8 USD/tháng với Twitter Blue. Tuy nhiên, với 400.000 tài khoản tham gia, Twitter cũng chỉ thu về 38 triệu USD/năm, quá nhỏ so với tiền lãi cả tỷ USD mà công ty phải trả hàng năm.

Không thể phủ nhận, ông Musk cũng có nhiều ý tưởng thực sự về cách vận hành Twitter, và việc mua lại nền tảng này là để thử nghiệm. Tuy nhiên, các công ty tư nhân cũng có thể phá sản dễ dàng như các công ty đại chúng, và thậm chí những người rất giàu cũng có thể phải phá sản.

Theo The Verge