Tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên có thể đạt được hay không?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc đã có cuộc gặp với cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc trong hôm 2/12, trong lúc Seoul thúc đẩy chấm dứt chiến tranh Triều Tiên.
Binh sĩ Trung Quốc tiếp nhận di hài những chiến sĩ chết trận trong Chiến tranh Triều Tiên ở sân bay Incheon, Hàn Quốc (Ảnh: EPA)
Binh sĩ Trung Quốc tiếp nhận di hài những chiến sĩ chết trận trong Chiến tranh Triều Tiên ở sân bay Incheon, Hàn Quốc (Ảnh: EPA)

Tuyên bố chấm dứt chiến tranh

Ông Dương Khiết Trì, cố vấn chính sách ngoại giao được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hết mực tin tưởng, đã tiếp đón ông Suh Hoon, Giám đốc Văn phòng An ninh Quốc gia Hàn Quốc, ở Thiên Tân. Đây là cuộc gặp thứ hai của họ kể từ tháng 8/2020, thời điểm mà ông Dương tới Busan, Hàn Quốc.

Chuyến công du kéo dài 2 ngày của ông Suh là một chuyến thăm qua lại, theo Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc. Các cuộc thảo luận với ông Dương bao gồm “quan hệ song phương nói chung, bởi năm tới đánh dấu kỷ niệm lần thứ 30 ngày thiết lập quan hệ ngoại giao”, ông Suh nói với giới truyền thông Hàn Quốc sau khi tới Thiên Tân.

Chuyến thăm diễn ra trong lúc mà Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang thúc đẩy một thỏa thuận nhằm chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên. Những hành động thù địch giữa hai bên đã ngừng lại bằng một hiệp định ngừng bắn năm 1953, nhưng không có hiệp định hòa bình, bởi vậy Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh xét về mặt kỹ thuật, dù đã trải qua hơn 70 năm.

Binh sĩ Trung Quốc từng tham gia cùng các lực lượng Triều Tiên chống lại Hàn Quốc và Bộ Tư lệnh LHQ do Mỹ dẫn đầu trong cuộc chiến đó, mà sự phân mảnh địa chính trị vẫn còn dư âm đến tận ngày nay.

Tổng thống Moon – người có nhiệm kỳ 5 năm sẽ kết thúc vào tháng 5/2022 – vào tháng 9 vừa qua đã đưa ra đề xuất tuyên bố chấm dứt chiến tranh trước Đại hội đồng LHQ, trong đó có thể liên quan tới 3 bên – Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ, hoặc có thể là 4 bên, nếu bao gồm Trung Quốc.

Ông Moon được cho là muốn đạt được một tuyên bố như vậy – một bước tiến sát tới hiệp định hòa bình – để bổ sung vào di sản của ông, và Seoul đã ra sức thúc đẩy tái khởi động tiến trình hòa bình tại Thế vận hội mùa Đông tổ chức ở Bắc Kinh vào tháng 2/2022.

Tháng trước, Ngoại trưởng Hàn Quốc Chung Eui-yong nói trước các nhà lập pháp ở Seoul rằng các cuộc thảo luận với Washington về tuyên bố kết thúc chiến tranh đang trong “giai đoạn cuối”, và định dạng này cùng với nội dung của nó gần thành hình.

Cheng Xiaohe – Giáo sư đến từ trường ĐH Renmin ở Bắc Kinh – nói rằng ông Dương Khiết Trì có khả năng sẽ đưa ra quan điểm của Trung Quốc liên quan tới tuyên bố này trong cuộc gặp với ông Suh.

“Đương nhiên là Trung Quốc có quan điểm riêng về vấn đề này, ví dụ như làm thế nào để họ có thể tham gia vào các vòng thảo luận” – ông Cheng nói – “Và cũng có câu hỏi về việc, liệu Mỹ có muốn Trung Quốc tham gia hay không, mặc dù tôi nghĩ rằng Hàn Quốc sẽ thuyết phục Mỹ về điều đó.”

“Và nếu có một tuyên bố thật, thì nó cần phải được tất cả 4 bên nhất trí, bằng không nó sẽ không chỉ gây ảnh hưởng tới tầm quan trọng của tuyên bố, và vai trò của Trung Quốc trong Chiến tranh Triều Tiên, mà còn khiến Trung Quốc cách xa cả Hàn Quốc lẫn Triều Tiên” – vị chuyên gia nói thêm.

Hàn Quốc có thể tìm sự giúp đỡ của Trung Quốc trong việc đàm phán với Triều Tiên – vốn đã bị đình trệ kể từ sau các vòng đàm phán giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un và cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, mặc dù đường dây nóng giữa hai miền Triều Tiên đã được nối lại trong tháng 10.

Ông Dương Khiết Trì (trái) và ông Suh Hoon trong cuộc gặp hồi năm ngoái (Ảnh: AP)

Ông Dương Khiết Trì (trái) và ông Suh Hoon trong cuộc gặp hồi năm ngoái (Ảnh: AP)

Thái độ của các bên ra sao?

Về phần mình, Bình Nhưỡng vẫn chưa thể hiện nhiều sự hứng thú với đề xuất của ông Moon.

Vài ngày sau bài phát biểu của ông Moon tại Đại hội đồng LHQ, bà Kim Yo-jong, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, nói rằng Bình Nhưỡng sẽ cân nhắc về việc tham gia vào một hội nghị thượng đỉnh liên Triều khác và tuyên bố chấm dứt chiến tranh chỉ khi Seoul đồng ý hủy bỏ những chính sách thù địch.

Do Mỹ có khả năng cao là sẽ không chấp nhận một tuyên bố chấm dứt chiến tranh với những điều kiện tiền đề mà Bình Nhưỡng đặt ra, nên chính quyền ông Moon giờ phải đặt hết hy vọng vào Trung Quốc, ông Cheng nhận định.

Bắc Kinh đã thể hiện rằng họ sẵn sàng sử dụng tầm ảnh hưởng của mình về vấn đề này. 4 ngày trước chuyến thăm của ông Suh, ông Dương Khiết Trì đã gặp gỡ Đại sứ Triều Tiên Ri Ryong-nam tại Bắc Kinh, cam kết sẽ tiếp tục tăng cường “cộng tác chiến lược”. Hai bên cũng “trao đổi quan điểm về những vấn đề cùng quan tâm, trong đó có vấn đề trên bán đảo Triều Tiên, và nhất trí tiếp tục tăng cường liên lạc và cộng tác”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho hay.

Kể từ sau cuộc chiến, Mỹ đã duy trì binh sĩ đồn trú ở Hàn Quốc như một phần trong liên minh an ninh với Seoul.

Chuyến thăm của ông Suh tới Thiên Tân diễn ra trong lúc các tướng lĩnh quốc phòng Hàn Quốc và Mỹ tổ chức đối thoại an ninh thường niên ở Seoul, nơi mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cam kết sẽ tăng cường khối liên minh với các đối tác để giải quyết những thách thức đến từ Trung Quốc cũng như mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên.

Lu Chao – Giáo sư đến từ ĐH Liêu Ninh – nói rằng việc lực lượng Mỹ tiếp tục đồn trú trên bán đảo Triều Tiên sẽ trở thành một vấn đề gây ra sự ngờ vực nếu như cuộc chiến được tuyên bố chính thức chấm dứt.

Bắc Kinh đang quan sát một cách thận trọng để xem liệu Hàn Quốc có thay đổi chính sách trung lập chiến lược và tiến gần hơn tới Mỹ để chống lại tầm ảnh hưởng của Trung Quốc hay không sau khi ông Moon hết nhiệm kỳ, ông Lu nói. Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng Hàn Quốc khó có thể hoàn toàn đứng về phe Mỹ, bởi Trung Quốc đến nay vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của họ.