Trong vụ án có tới 5 cựu Bí thư và nhiều cựu Chủ tịch tỉnh tại Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi vướng lao lý liên quan đến chủ doanh nghiệp Tập đoàn Phúc Sơn - Nguyễn Văn Hậu. Hậu quả của vụ án do sai phạm của Nguyễn Văn Hậu và các bị cáo có chức vụ quyền hạn gây ra được xác định là hơn 1.100 tỷ đồng.
Sau khi xem xét toàn diện vụ án, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt các bị cáo như sau:
Nguyễn Văn Hậu, cựu Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn 7 năm tù về tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng; 9 năm tù về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và 14 năm tù về tội Đưa hối lộ. Tổng hợp hình phạt chung cho cả 3 tội danh, bị cáo Hậu bị tuyên phạt 30 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Văn Hậu. Ảnh: N.H.
Nhóm tội Nhận hối lộ
Hoàng Thị Thúy Lan (cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc) bị tuyên phạt 14 năm tù (VKS đề nghị 14-15 năm tù).
Lê Duy Thành (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc) bị tuyên phạt 12 năm tù (VKS đề nghị 9-10 năm tù).
Phạm Hoàng Anh (cựu Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc) bị tuyên phạt 8 năm tù (VKS đề nghị 7-8 năm tù).
Nguyễn Văn Khước (cựu Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh Vĩnh Phúc) bị tuyên phạt 7 năm tù (VKS đề nghị 7-8 năm tù).
Hoàng Văn Nhiệm (cựu Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Vĩnh Phúc) bị tuyên phạt 4 năm tù (VKS đề nghị 4-5 năm tù).
Chu Quốc Hải (cựu Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc) bị tuyên phạt 4 năm tù (VKS đề nghị 4-5 năm tù).
Cao Khoa (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi) bị tuyên phạt 7 năm tù (VKS đề nghị 7- 8 năm tù).
Lê Viết Chữ (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi) bị tuyên phạt 7 năm tù (VKS đề nghị 7- 8 năm tù).
Đặng Văn Minh (cựu Giám đốc Sở Giao thông Vận tải, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi) bị tuyên phạt 8 năm tù (VKS đề nghị 7- 8 năm tù).
Tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ:
Phạm Văn Vọng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc) bị tuyên phạt 3 năm tù (VKS đề nghị 4- 4 năm 6 tháng tù).
Phùng Quang Hùng (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc) bị tuyên phạt 3 năm tù (VKS đề nghị 4- 4 năm 6 tháng tù).
Hà Hòa Bình (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc) bị tuyên phạt 3 năm tù (VKS đề nghị 4- 4 năm 6 tháng tù).
Ngô Đức Vượng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ) bị tuyên phạt 30 tháng tù treo (VKS đề nghị 24- 30 tháng tù treo).
Nguyễn Doãn Khánh (cựu Chủ tịch UBND tỉnh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ) bị tuyên phạt 30 tháng tù treo (VKS đề nghị 24- 30 tháng tù treo).
Đinh Thị Thu Hương (cựu Trưởng phòng giá đất bồi thường tái định cư, Chi cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc) bị tuyên phạt 3 năm tù treo (VKS đề nghị 30- 36 tháng tù treo).
Cao Đại Nghĩa (cựu Phó phòng giá đất, Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường) bị tuyên phạt 2 năm tù (VKS đề nghị 18- 24 tháng tù).
Nguyễn Ngọc Huy (Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn TN&MT Nam Hà) bị tuyên phạt 2 năm tù treo (VKS đề nghị 18- 24 tháng tù treo).
Tội Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi:
Đặng Trung Hoành (cựu Chánh văn phòng huyện ủy Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) bị tuyên phạt 30 tháng tù (VKS đề nghị 24- 30 tháng tù).
Tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng:
Phạm Ngọc Cương (cựu Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn) bị tuyên phạt 6 năm tù (VKS đề nghị 6-7 năm tù).
Đỗ Hữu Vinh (cựu Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn) bị tuyên phạt 5 năm tù (VKS đề nghị 4 năm 6 tháng- 5 năm 6 tháng tù).
Phan Văn Vị bị (cựu Phó tổng giám đốc, Kế toán trưởng Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn) bị tuyên phạt 4 năm 6 tháng tù (VKS đề nghị 4- 5 năm tù).
Đỗ Ngọc Hóa (cựu Giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn APEC) bị tuyên phạt 3 năm tù treo (VKS đề nghị 3-4 năm tù).
Nguyễn Minh Ân (cựu Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Kiểm toán và định giá Vạn An - Hà Nội) bị tuyên phạt 3 năm tù treo (VKS đề nghị 3-4 năm tù).
Bùi Minh Hồng (cựu Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) bị tuyên phạt 4 năm tù (VKS đề nghị 5-6 năm tù).
Hoàng Quốc Trị (cựu Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) bị tuyên phạt 3 năm 6 tháng tù (VKS đề nghị 3 năm 6 tháng- 4 năm 6 tháng tù).
Khổng Văn Thuyết (cựu Phó chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) bị tuyên phạt 3 năm tù treo (VKS đề nghị 36 tháng tù treo).
Đàm Hữu Tuấn (cựu Trưởng ban quản lý dự án huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) bị tuyên phạt 3 năm tù treo (VKS đề nghị 36 tháng tù treo).
Nguyễn Xuân Nhâm (cựu Hiệu trưởng trường Trung học VHNT tỉnh Vĩnh Phúc) bị tuyên phạt 30 tháng tù treo (VKS đề nghị 24- 30 tháng tù treo).
Nguyễn Tiến Khôi (cựu Giám đốc khu di tích lịch sử Đền Hùng) bị tuyên phạt 30 tháng tù (VKS đề nghị 30- 36 tháng tù).
Lưu Quang Huy (cựu Trưởng ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Đền Hùng, Bí thư huyện ủy Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ) bị tuyên phạt 30 tháng tù (VKS đề nghị 30- 36 tháng tù).
Lê Đức Thọ (cựu Trưởng ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Đền Hùng) bị tuyên phạt 2 năm tù (VKS đề nghị 24- 30 tháng tù).
Trần Xuân Nghĩa (cựu Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng nông nghiệp và phát triển nông thôn Phú Thọ) bị tuyên phạt 30 tháng tù treo (VKS đề nghị 24- 30 tháng tù).
Hà Hoàng Việt Phương (cựu Phó giám đốc Sở GTVT, cựu Trưởng ban quản lý khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi) bị tuyên phạt 2 năm tù (VKS đề nghị 24- 30 tháng tù).
Lê Quốc Đạt (cựu trưởng phòng, Sở GTVT, cựu Giám đốc Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi) bị tuyên phạt 2 năm tù (VKS đề nghị 24- 30 tháng tù).
Phạm Ngọc Thủy (cựu Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi) bị tuyên phạt 30 tháng tù (VKS đề nghị 30- 36 tháng).
Tội Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng:
Nguyễn Thị Hằng (cựu Phó TGĐ Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn) bị tuyên phạt 4 năm 6 tháng tù (VKS đề nghị 4-5 năm).
Đỗ Thị Mai (cựu Kế toán trưởng Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn) bị tuyên phạt 4 năm tù (VKS đề nghị 4-5 năm).
Hoàng Thị Tuyết Hạnh (cựu Kế toán Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn) bị tuyên phạt 2 năm tù (VKS đề nghị 24- 30 tháng tù).
Nguyễn Hồng Sơn (cựu Trưởng phòng kinh doanh, Công ty CP Tập đoàn Phúc Sơn) bị tuyên phạt 2 năm tù (VKS đề nghị 24- 30 tháng tù).
Trần Hữu Định (cựu Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Á Group) bị tuyên phạt 3 năm tù (VKS đề nghị 3-4 năm tù).
Nhận định của HĐXX về vụ án
HĐXX đánh giá đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước. Hành vi của các bị cáo gây ảnh hưởng xấu tới môi trường đầu tư, kinh doanh; gây bất bình, bức xúc trong dư luận.
Bị cáo Nguyễn Văn Hậu đưa hối lộ làm ảnh hưởng xấu tới cách hành xử của các bị cáo là lãnh đạo, cán bộ các địa phương. Hành vi của các bị cáo trong vụ án khác nhau, sai phạm của bị cáo này lại là tiền đề cho bị cáo khác thực hiện sai phạm; mỗi người là một mắt xích. Do đó, HĐXX đề nghị cần xử lý nghiêm các bị cáo, những đối tượng đi ngược lại lợi ích của Nhà nước, nhân dân.
Về các tình tiết giảm nhẹ, HĐXX cho biết quá trình điều tra, các bị cáo đều nhận thức được sai phạm, đặc biệt là bị cáo Nguyễn Văn Hậu, các bị cáo thuộc Tập đoàn Phúc Sơn và bị cáo Đặng Trung Hoành. Sự hợp tác của nhóm này giúp làm sáng tỏ vụ án.
Theo HĐXX, trong vụ án nhiều bị cáo cao tuổi, có bị cáo đang nuôi con nhỏ, các cựu cán bộ có nhiều thành tích công tác được tặng thưởng nhiều bằng khen giấy khen, có đóng góp với sự phát triển địa phương, gia đình có công, tích cực tham gia hoạt động thiện nguyện và được nhiều người dân, đơn vị có đơn xin giảm nhẹ hình phạt.
Một số bị cáo cấp dưới, làm theo chỉ đạo, phục tùng, phạm tội với vai trò thứ yếu không có động cơ vụ lợi, không được hưởng lợi hoặc hưởng lợi rất ít, cũng được tòa đánh giá là tình tiết giảm nhẹ, cân nhắc giữa công và tội để đưa ra mức án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt và khung hình phạt liền kề đối với tất cả các bị cáo, trừ tội Đưa hối lộ của Hậu.
HĐXX nhận định, trong vụ án bị cáo Nguyễn Văn Hậu phải chịu trách nhiệm chính trong các hành vi phạm tội dù bị cáo đã thành khẩn, rất tích cực khắc phục hậu quả nhưng sai phạm của bị cáo đã “thao túng, làm tha hóa, biến chất nhiều lãnh đạo địa phương, nên cần phải nghiêm trị.
Đối với các khoản tiền nhận hối lộ hoặc hưởng lợi trái phép, HĐXX buộc nộp lại toàn bộ xung công quỹ, xác nhận các bị cáo đã nộp lại đủ 132 tỷ đồng.
Tổng thiệt hại từ các sai phạm trong đấu thầu và kế toán tại Tập đoàn Phúc Sơn lên tới hơn 1.164 tỷ đồng. Về nguyên tắc, các bị cáo cùng thực hiện hành vi phạm tội và gây hậu quả thì phải liên đới bồi thường.
Tuy nhiên, bị cáo Nguyễn Văn Hậu là người trực tiếp hưởng lợi và sử dụng toàn bộ số tiền trên, do đó HĐXX quyết định buộc Hậu phải nộp toàn bộ số tiền thiệt hại để khắc phục hậu quả vụ án.
HĐXX đánh giá, chưa kể 501 cây vàng đã thu giữ của Hậu, đến nay, tổng bị cáo này đã khắc phục khoảng 1.174 tỷ đồng, thừa so với nghĩa vụ phải thực hiện. Do vậy đến nay các bị cáo không còn cần thực hiện nghĩa vụ dân sự.
Với các tài sản gồm vàng, bất động sản, giấy tờ bất động sản, giấy tờ có giá và các tài sản khác đã thu giữ, kê biên, phong tỏa, cấm giao dịch chuyển nhượng trong quá trình điều tra, HĐXX tuyên gỡ bỏ các biện pháp hạn chế này, trả chủ sở hữu.
Cáo trạng xác định bị cáo Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn, đã vi phạm pháp luật về kế toán, đấu thầu khi thực hiện các dự án tại Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi và Vĩnh Long, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 1.168 tỷ đồng
Cụ thể, sai phạm về kế toán gây thiệt hại 504 tỷ đồng, xác định giá đất sai 204 tỷ đồng, vi phạm đấu thầu 459 tỷ đồng. Ngoài ra, ông Hậu bị cáo buộc đưa hối lộ hơn 132 tỷ đồng, gồm tiền mặt và USD, để tạo điều kiện cho các công ty thuộc hệ sinh thái Phúc Sơn trúng thầu.
Trong đó, cựu Bí thư tỉnh Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan nhận 25 tỷ đồng và 1 triệu USD (tương đương hơn 47,9 tỷ đồng); cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành nhận 20 tỷ đồng và 1,3 triệu USD.
Ngoài ra, Hậu còn đưa hối lộ 22,6 tỷ đồng và 240.000 USD cho Đặng Văn Minh, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi. Thông qua Minh, ông ta tiếp tục đưa 6 tỷ đồng và 20.000 USD cho Cao Khoa, cựu Chủ tịch tỉnh Quảng Ngãi, và 6 tỷ đồng cho Lê Viết Chữ, cựu Bí thư tỉnh Quảng Ngãi.

Chủ tịch Phúc Sơn khóc nghẹn: Đêm chỉ ngủ 1-2 tiếng, ướt gối vì nước mắt

Tập đoàn Phúc Sơn nộp 768 tỷ đồng khắc phục thay Nguyễn Văn Hậu trước ngày tuyên án
