Cùng với cả nước, từ 1/7, mô hình chính quyền 2 cấp ở Đà Nẵng chính thức được triển khai. Để đảm bảo công tác quản lý điều hành, phục vụ người dân được đảm bảo, chuyển đổi số và đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin là các nhiệm vụ rất quan trọng.
VietTimes có cuộc phỏng vấn với ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, để thấy được sự chuẩn bị của thành phố, nhằm phục vụ người dân tốt hơn.

Chuẩn bị tốt nhất cho hoạt động của chính quyền 2 cấp
- Cùng với cả nước, từ 1/7, Đà Nẵng chính thức vận hành mô hình chính quyền 2 cấp, ông có thể chia sẻ một số kết quả bước đầu về công tác chuyển đối số, hạ tầng công nghệ phục vụ quản lý điều hành và nhu cầu của người dân?
- Đến nay, Đà Nẵng đã hoàn thành hạ tầng Trung tâm dữ liệu phục vụ cài đặt, vận hành các hệ thống chỉ đạo, điều hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp; bố trí trang thiết bị, hạ tầng mạng tại các Trung tâm Phục vụ hành chính công; nâng cấp băng thông đường truyền từ TP đến cấp xã; bảo đảm an toàn thông tin hạ tầng, hệ thống thông tin.
Thành phố đã nâng cấp hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ chính quyền địa phương 2 cấp; hoàn thành mã định danh điện tử của các cơ quan, đơn vị; hoàn thiện hệ thống quản lý văn bản; cấu hình cơ quan, đơn vị; cấp tài khoản cho cán bộ, công chức; hoàn thành đăng nhập một lần; tra cứu dữ liệu văn bản cũ…

Đà Nẵng đã hoàn thành hệ thống tích hợp, chia sẻ dữ liệu thành phố (LGSP), tạo tài khoản cho cán bộ, công chức mới… Đặc biệt, việc kết nối, tích hợp hệ thống họp trực tuyến của 2 địa phương (Đà Nẵng và Quảng Nam cũ) thành một hệ thống thống nhất dùng chung; kết nối từ thành phố đến 93 phường, xã cũng đã xong.
- Để vận hành chính quyền 2 cấp, chuyển đổi số và ứng dụng CNTT là những yếu tố rất quan trọng. Cấp xã phường đã triển khai ra sao, kết quả ghi nhận thế nào, thưa ông?
- Đà Nẵng đã chủ động thành lập các đường dây nóng, tổ ứng phó sự cố, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, công chức. Cụ thể, về nhân lực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, chúng tôi đã thiết lập đường dây nóng (Tổng đài 1022); đội ngũ tổng đài viên và lực lượng vận hành sẽ hoạt động 24/7 để tiếp nhận thông tin và hướng dẫn cán bộ, công chức; đã tổ chức 2 cán bộ hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp/xã, phường để hỗ trợ.
Đoàn thanh niên, tổ công nghệ số cộng đồng, nhân viên bưu điện sẽ hỗ trợ người dân tại tất cả các Trung tâm Phục vụ hành chính công các xã, phường (Trung tâm PVHCC); nhận hồ sơ thủ tục hành chính. UBND các phường, xã thành lập tổ ứng cứu công nghệ và nghiệp vụ, bảo đảm cấp xã là “pháo đài” tại cơ sở.

Đà Nẵng cũng công khai các thông tin cơ bản trên bản đồ số (https://bando.danang.gov.vn), như địa chỉ trụ sở UBND, Trung tâm PVHCC... để người dân dễ dàng tìm kiếm.
Còn nhiều khó khăn
- Sau hợp nhất, Đà Nẵng là một trong những địa phương có diện tích rộng, quy mô dân số lớn. Ông có thể chia sẻ những khó khăn mà cấp xã, phường gặp phải trong quá trình vận hành, phục vụ người dân?
Bên cạnh những thuận lợi, chúng tôi cũng đối mặt với những khó khăn nhất định.
Thứ nhất, sự thiếu hụt và không đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng công nghệ thông tin. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, hạ tầng tại các Trung tâm Hành chính công hầu hết đã cũ, cần tiếp tục được đầu tư, bổ sung để đáp ứng nhu cầu phục vụ người dân trong tình hình mới
Thứ hai, vị trí công tác của nhiều cán bộ công chức viên chức thay đổi, đòi hỏi yêu cầu chuyển dữ liệu, tài khoản.
Thứ ba, khó khăn trong đào tạo, tập huấn, hướng dẫn bổ sung kĩ năng cho cán bộ và người dân, để đáp ứng với hệ thống mới.
Cuối cùng là chính sách và quy định pháp luật về triển khai chuyển đổi số cần được rà soát ngay để bảo đảm đồng bộ giữa 2 địa phương.
- Trước đây, Đà Nẵng đã đầu tư lớn cho hạ tầng kỹ thuật phục vụ chính quyền 3 cấp, nay chuyển sang 2 cấp, áp lực lên hạ tầng sẽ như thế nào. Hạ tầng có nguy cơ mất an toàn dữ liệu khi đưa về cấp xã không, thưa ông?
Sau sáp nhập, các xã/phường mới phải đảm nhận một khối lượng lớn thủ tục hành chính (TTHC) trước đây do cấp huyện xử lý và các TTHC phân cấp về địa phương. Điều này đòi hỏi hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) cấp xã phải được nâng cấp mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu xử lý, lưu trữ và kết nối dữ liệu.
Tuy nhiên, nhiều xã, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, có thể gặp khó khăn do thiếu thiết bị, đường truyền không ổn định hoặc hạ tầng chưa đồng bộ. Mô hình 2 cấp yêu cầu hệ thống dữ liệu phải liên thông thông suốt, vì vậy hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin cần được nâng cấp để đảm bảo tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia và các nền tảng dữ liệu quốc gia, đồng thời duy trì tính ổn định và không gián đoạn.

Việc chuyển giao toàn bộ nhiệm vụ hành chính về cấp xã, đặc biệt là các TTHC liên quan đến dữ liệu nhạy cảm (dữ liệu công dân, hộ tịch, kinh doanh), làm gia tăng nguy cơ mất an toàn dữ liệu.
Nguyên nhân, do cấp xã thiếu đội ngũ chuyên môn về an ninh mạng và hạ tầng bảo mật đủ mạnh; việc giám sát và ứng phó sự cố an ninh mạng có thể chưa được triển khai đầy đủ, dẫn đến nguy cơ rò rỉ dữ liệu hoặc tấn công mạng; các thiết bị đầu cuối tại cấp xã (máy tính, máy chủ) thường không được trang bị các giải pháp bảo mật tiên tiến; cán bộ cấp xã, dù đã được tập huấn về sử dụng phần mềm, có thể chưa được đào tạo đầy đủ về các quy trình bảo mật dữ liệu...
Để giảm thiểu áp lực lên hạ tầng kỹ thuật và nguy cơ mất an toàn dữ liệu, trong thời gian tới Đà Nẵng sẽ đầu tư đồng bộ hạ tầng số; tăng cường đầu tư vào hạ tầng đường truyền, các thiết bị CNTT tại cấp xã, đặc biệt ở các khu vực vùng núi, vùng sâu, vùng xa.
Thành phố tiếp tục tổ chức các khóa tập huấn thực chiến về chuyển đổi số và an ninh mạng cho cán bộ cấp xã, như đã thực hiện với phần mềm quản lý văn bản, tập trung vào kỹ năng nhận diện và xử lý các mối đe dọa an ninh mạng. Các cơ quan chuyên môn về an ninh mạng như Công an thành phố, Sở Khoa học và Công nghệ, cần phối hợp để xây dựng phương án ứng phó sự cố kịp thời về an ninh mạng và an toàn thông tin.
Tiếp tục hỗ trợ cấp xã phường
- Tại cuộc họp với các bộ ngành về vận hành chính quyền 2 cấp, Tổng Bí thư Tô Lâm có chỉ đạo, tất cả các yêu cầu của người dân phải được chính quyền cấp xã phường đáp ứng, giải quyết. Ở cấp thành phố, các cơ quan tham mưu đã và sẽ làm gì để hỗ trợ cấp xã phường, cũng như khắc phục những khó khăn, để phục vụ người dân tốt hơn?
- Bên cạnh những sự chuẩn bị kĩ lương như trên, thành phố tổ chức các đoàn kiểm tra thực tế vận hành chính quyền 2 cấp tại xã, phường để kịp thời hỗ trợ cho địa phương.
Về hạ tầng trang thiết bị: Sở KH&CN đã làm việc và có văn bản gửi Viettel và VNPT về việc hỗ trợ nâng cấp đường truyền cho các hệ thống thông tin phục vụ chính quyền 2 cấp và sáp nhập tỉnh. Sở KH&CN cũng đã có văn bản việc hướng dẫn về đảm bảo đường truyền, trang thiết bị công nghệ thông tin cho hoạt động của cấp xã, phường.

Hiện tại, đường truyền, trang thiết bị CNTT cơ bản đáp ứng vận hành chính quyền 2 cấp. Trên cơ sở chỉ đạo của Thành ủy và UBND TP, Sở KH&CN tiếp tục tổng hợp các nhu cầu đề xuất của UBND các xã phường liên quan đến việc nâng cấp, mở rộng hạ tầng công nghệ thông tin tại các Trung tâm, các trụ sở làm việc để đề xuất UBND TP nội dung đầu tư tổng thể.
Để phục vụ người dân ngày càng tốt hơn, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay, chúng tôi tiếp tục tăng tốc trong việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho người dân về chuyển đổi số. Triển khai nhanh, rộng khắp và lan tỏa Phong trào "Bình dân học vụ số" và "Học tập số" trên địa bàn thành phố; đồng thời triển khai các nền tảng học trực tuyến về chuyển đổi số nhằm trang bị cho người dân những kỹ năng số cơ bản, hướng dẫn tiếp cận và sử dụng các ứng dụng, nền tảng công nghệ mới phục vụ vào đời sống.
Đặc biệt, thành phố sẽ nghiên cứu và ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong các lĩnh vực để nâng cao chất lượng phục vụ và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.
Tiếp đến, thành phố nâng cấp hạ tầng viễn thông và Internet hiện đại, rộng khắp; nỗ lực để đảm bảo phủ sóng toàn diện và đồng bộ; triển khai các chính sách hỗ trợ, hướng tới mục tiêu 100% hộ gia đình được trang bị các thiết bị thông minh… nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân tiếp cận thông tin và các dịch vụ số.

Đà Nẵng tiếp tục nâng cấp và hoàn thiện các nền tảng, ứng dụng dùng chung, xem đây là ưu tiên hàng đầu để phục vụ tốt hơn nhu cầu đa dạng của người dân và các tổ chức. Tiếp tục đầu tư vào Trung tâm IOC, Phần mềm một cửa điện tử, Hệ thống báo cáo điện tử và ứng dụng Danang Smartcity… nhằm mang lại sự tiện lợi và hiệu quả cao nhất cho người dân trong quá trình sử dụng.
Thành phố sẽ tiếp tục rà soát thủ tục hành chính, chú trọng đào tạo bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ công chức viên chức để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.
Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn dữ liệu, thành phố sẽ triển khai đầy đủ phương án an toàn hệ thống thông tin chính quyền điện tử theo cấp độ. Đà Nẵng sẽ chú trọng các biện pháp bảo vệ dữ liệu trong hoạt động quản lý vận hành ứng dụng, hệ thống Chính quyền điện tử của thành phố, từ kiểm soát truy cập, sao lưu, rà soát lỗ hổng 24/7… để nâng cấp, cập nhật xử lý kịp thời
- Cảm ơn ông!

Người dân Đà Nẵng sẽ được cấp biển số xe ở đâu sau sáp nhập?

Đà Nẵng có tiềm năng gì để trở thành trung tâm tài chính hấp dẫn?
