Tập đoàn Phúc Sơn nộp 768 tỷ đồng khắc phục thay Nguyễn Văn Hậu trước ngày tuyên án

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tập đoàn Phúc Sơn đã lập ủy nhiệm chi cho ngân hàng, chuyển 768 tỷ đồng vào cơ quan thi hành án để khắc phục hậu quả vụ án thay cho bị cáo Nguyễn Văn Hậu, theo luật sư.

Ngày mai (4/7), TAND TP Hà Nội sẽ tuyên án bị cáo Nguyễn Văn Hậu – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phúc Sơn, cùng 40 bị cáo khác, trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn và các đơn vị liên quan.

Trước thời điểm tuyên án, luật sư Bùi Đình Ứng, người bào chữa cho bị cáo Hậu, cho biết Tập đoàn Phúc Sơn đã nộp thêm 768 tỷ đồng với nội dung “khắc phục hậu quả thay cho Nguyễn Văn Hậu”.

Trong giai đoạn điều tra và truy tố, bị cáo Hậu đã nộp hơn 84 tỷ đồng. Bị cáo bị thu giữ 534 lượng vàng SJC, phong tỏa 24 tài khoản ngân hàng trị giá hơn 247 tỷ đồng và kê biên hơn 1.000 bất động sản...

Theo luật sư, tính tổng số tiền đã nộp và bị phong tỏa, cộng với khoản 768 tỷ đồng vừa nộp, toàn bộ hậu quả vụ án đã được khắc phục.

Luật sư Ứng cho hay, Nguyễn Văn Hậu có nguyện vọng xin tòa án giải tỏa kê biên, phong tỏa với các tài sản còn lại và tuyên trả toàn bộ vàng, USD bị thu giữ.

Trong các ngày làm việc trước, cả Nguyễn Văn Hậu và đại diện Tập đoàn Phúc Sơn đều xin tòa án tạo điều kiện cho bán đất hoặc để “đối tác” nộp tiền khắc phục hậu quả vụ án.

Nguyễn Văn Hậu trình bày tại toà, từ trước khi bị khởi tố, bị cáo đã nhận thức rất rõ hành vi phạm tội của mình nên yêu cầu luật sư không trình bày thêm.

Trong phần luận tội, viện kiểm sát đề nghị tòa tuyên phạt Nguyễn Văn Hậu 17-18 năm tù về tội đưa hối lộ, 15-16 năm tù về tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng và 11-12 năm tù về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp hình phạt Hậu bị đề nghị 30 năm tù.

Anh 1.jpeg
Bị cáo Nguyễn Văn Hậu tại phiên tòa. Ảnh: M.H.

Trong phần luận tội, đại diện cơ quan công tố nhận định, bị cáo Hậu trong quá trình thực hiện 14 dự án, gói thầu tại Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Phú Thọ, đã trực tiếp thực hiện, chỉ đạo nhân viên cấp dưới hoặc cấu kết với các đơn vị khác thực hiện các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu, kế toán. Hành vi sai phạm của Hậu và các đồng phạm gây hậu quả thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước, với tổng số tiền hơn 1.160 tỷ đồng.

Cơ quan công tố cáo buộc Hậu đã đưa tiền cho các lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, các sở ngành tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi với tổng số tiền là 132 tỷ đồng. Mục đích của việc đưa tiền để những người này lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện công việc theo đề nghị của Hậu, giúp Hậu cùng Tập đoàn Phúc Sơn trúng thầu.

Cựu bí thư Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan bị cáo buộc chỉ đạo cán bộ dưới quyền thực hiện các thủ tục giúp Phúc Sơn trúng thầu các dự án, nhận hối lộ 25 tỷ đồng và 1 triệu USD, bị đề nghị mức án cao thứ hai từ 14-15 năm tù.

Cựu chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành bị đề nghị 9-10 năm tù. Bị cáo Nguyễn Văn Khước (cựu phó chủ tịch UBND tỉnh) bị đề nghị 7-8 năm tù.

Cũng bị cáo buộc tội Nhận hối lộ, viện kiểm sát đề nghị các ông: Lê Viết Chữ (cựu bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi), Đặng Văn Minh (cựu chủ tịch UBND tỉnh), Cao Khoa (cựu chủ tịch tỉnh) cùng mức án 7-8 năm tù.

Ở nhóm bị cáo phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gồm các ông: Phạm Văn Vọng (cựu bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc), Phùng Quang Hùng (cựu chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc), Hà Hòa Bình (cựu phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc) bị đề nghị từ 4 năm đến 4 năm 6 tháng tù.

Các ông Ngô Đức Vượng (cựu bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ), Nguyễn Doãn Khánh (cựu chủ tịch, cựu bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ) cùng bị đề nghị 24-30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Trong vụ án này, duy nhất bị cáo Đặng Trung Hoành (cựu chánh Văn phòng Huyện ủy huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) bị cáo buộc Lợi dụng ảnh hưởng với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi. Bị cáo Hoành bị đề nghị từ 24-30 tháng tù.