|
Mẹ Lê Thị Lan xúc động tại Lễ cầu siêu, tưởng niệm các liệt sĩ Gạc Ma do Hội Cán bộ chiến sỹ Trường Sa 83 (CQ88) tại Đà Nẵng tổ chức sáng ngày 13/3. |
Mẹ lại khóc bên bài vị con
Sáng 13/3, tại Đà Nẵng, Hội Cán bộ chiến sỹ Trường Sa 83 (CQ88) tại Đà Nẵng là các cựu chiến binh, nguyên là cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 83 Công binh (E83), Quân chủng Hải quân Việt Nam đã tổ chức Lễ tưởng niệm 64 liệt sĩ trong trận chiến giữ đảo Gạc Ma (quần đảo Trường Sa, Việt Nam) cách đây 30 năm.
Lễ Cầu siêu và tưởng niệm diễn ra tại Trung tâm đào tạo thuyền viên, thuộc Cty TNHH Kỹ thuật và dịch vụ hàng hải Nguyễn Tiến (Đà Nẵng) với sự tham gia của các cựu binh Hội Cán bộ chiến sỹ Trường Sa 83, cùng thân nhân các liệt sĩ.
Bà Lê Thị Lan, mẹ của liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc đã khóc nấc khi tìm bài vị của con tại Lễ cầu siêu, tưởng niệm. Đôi mắt mờ và bàn tay run rẫy như vỡ òa khi tìm thấy bài vị của con tại lễ tưởng niệm.
Không thể nói được câu gì, mẹ chỉ biết khóc nấc. Và suốt 30 năm qua, mẹ đã khóc cạn nước mắt khi nghĩ về sự ra đi của anh. “Con cho mẹ biết, bài vị thằng Lộc, Nguyễn Hữu Lộc ở đâu, chỉ mẹ với”, giọng mẹ Lê Thị Lan run lên.
Sau khi được anh em phóng viên dẫn về phía bài vị liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc, mẹ Lê Thị Lan đã khóc nấc. Và có lẽ, tiếng khóc nghẹn đã đeo đuổi mẹ suốt 30 năm qua… kể từ cái ngày lịch sử khó quên ấy.
Cũng giống mẹ Lê Thị Lan, hàng chục người là đồng đội, thân nhân của 64 liệt sĩ Gạc Ma nước mắt ngấn lệ, cùng chắp tay cầu nguyện cho linh hồn các anh được siêu thoát, đất nước bình an… Và nhất là sẽ không còn những tổn thất xương máu khi đất nước thanh bình.
Gạc Ma luôn trong tim
Trong không khí trang nghiêm, các cựu binh đã cùng cầu nguyện cho linh hồn các liệt sĩ được siêu thoát, đồng thời ôn lại lịch sử hào hùng của trận chiến bảo vệ Gạc Ma năm xưa.
9h00 sáng ngày 13/3/1988 là thời khắc định mệnh của 64 liệt sĩ Gạc Ma năm ấy. Tàu HQ 604 của thuyền trưởng Vũ Phi Trừ và HQ 505 của thuyền trưởng Vũ Huy Lễ nhận lệnh từ đảo Đá Lớn đến đóng giữ đảo Gạc Ma và Cô Lin, phối hợp với các phân đội công binh Trung đoàn Công binh 83, Đoàn 6 Bộ tham mưu Hải quân và Lữ đoàn 146 Vùng 4 Hải quân do đồng chí Trần Đức Thông, Lữ đoàn Phó chỉ huy giữ đảo.
Khi 2 tàu vừa thả neo được 30 phút thì chiến hạm hải quân Trung Quốc từ đảo Huy Gơ tiến đến và áp sát. Đến 17h ngày 13/3/1988 tàu Trung Quốc áp sát HQ 604 và gọi loa bắt bội đội ta rời đảo, đồng thời cơ động di chuyển quanh đảo để huy hiếp bộ đội ta. Nhưng cả 2 tàu 604 và 505 vẫn kiên quyết bám giữ đảo.
Trước tình hình căng thẳng do phía Trung Quốc gây ra, Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam chỉ thị đồng chí Trần Đức Thông, Vũ Huy Lễ, Vũ Phi Trừ chỉ huy bộ đội kiên quyết giữ đảo. Lực lượng công binh khẩn trương hạ xuồng đưa vật liệu lên Gạc Ma và cắm cờ Tổ quốc.
Lúc này, phía Trung Quốc điều thêm 2 tàu chiến hạm đội Nam Hải với trang bị vũ khí hạng nặng yêu cầu bộ đội ta rút khỏi nhưng các cán bộ chiến sĩ vẫn kiên cường. Trong giây phút ấy, tàu hải quân Trung Quốc bất ngờ nã pháo khiến tàu 604 hư hỏng nặng, chìm xuống biển, đồng chí Vũ Phi Trừ và Trần Đức Thông cùng nhiều chiến sĩ hy sinh.
Trước trận chiến không cân sức, các cán bộ chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã nắm tay nhau, tạo vòng tròn máu giữ đảo. Và 64 cán bộ chiến sĩ đã dũng cảm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, vĩnh viễn ra đi trong cuộc đụng độ khốc liệt ngày 14/3/1988.
“Gạc Ma là một phần cuộc sống của chúng tôi và sẽ mãi như vậy. Dù trong hoàn cảnh nào thì cứ đến ngày này, anh em chúng tôi cũng sẽ tổ chức để tưởng nhớ đến các anh, tưởng nhớ đến sự chiến đấu kiên cường và hy sinh anh dũng ấy.
Đó không chỉ là tâm niệm, mà còn là một phần trách nhiệm của chúng ta để răn dạy con cháu và nhắc nhở phải luôn gìn giữ biển đảo quê hương, nơi cha anh ta đã hy sinh xương máu để bảo vệ mới có được ngày hôm nay”, một thành viên Hội Cán bộ chiến sỹ Trường Sa 83 chia sẻ.
Sau lễ cầu siêu, tưởng niệm, các thành viên sẽ giong thuyền hướng ra sông Hàn, đi về phía cửa biển để thả đèn, hoa ngưỡng vọng linh hồn 64 cán bộ chiến sỹ, đồng đội đồng chí đang nằm lại với biển mẹ bao la.
Một số hình ảnh trong buổi Lễ cầu siêu và tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma năm 1988: