“Phá vây” ngoại giao
“Với vai trò của Bộ trưởng Quốc phòng, rồi Chủ tịch nước, đồng chí Lê Đức Anh cùng với tập thể lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đã có những đóng góp quan trọng. Anh là người có tầm nhìn sâu và rộng trong các vấn đề chiến lược của đất nước”- Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt viết.
“Giai đoạn tôi làm Tổng Bí thư, anh Lê Đức Anh làm Chủ tịch nước, anh Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng, anh Đoàn Khuê làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Đây là thời kỳ ta triển khai công tác đổi mới rất mạnh, mà trọng tâm là đổi mới về kinh tế... Khi anh Lê Đức Anh làm Chủ Tịch nước thì ta thật sự mở rộng quan hệ với nước ngoài”- nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười viết.
Nhận xét, đánh giá về vai trò, công lao của ông Lê Đức Anh vẫn còn có những ý kiến khác nhau. Tôi là kẻ hậu sinh, không được tiếp xúc nhiều với Tướng Lê Đức Anh, không dám luận bàn nhiều, tuy nhiên những gì mà tôi biết, tôi chứng kiến qua những lần tiếp xúc với ông cả trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng và Chủ tịch nước, tôi thấy không ai có thể hiểu hơn và nhận xét chính xác hơn về ông Lê Đức Anh như là nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Thời kỳ ông Lê Đức Anh làm Chủ tịch nước (23/9/1992- 23/9/1997) là một trong những giai đoạn sôi động và phức tạp nhất của hoạt động ngoại giao nước nhà.
Với vai trò là Chủ tịch nước, ông Lê Đức Anh cùng với tập thể lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đã có những đóng góp quan trọng. Ông là người có tầm nhìn sâu và rộng trong các vấn đề chiến lược của đất nước. Tham gia giải quyết các vấn đề lớn thuộc thẩm quyền Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương, “nghiêng về phía “chắc”, “cứng” trong chủ trương và giải pháp” (lời của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt).
Việc bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ và Trung quốc, đưa Việt Nam lên một tầm cao mới trên trường quốc tế là công lao của nhiều tập thể và cá nhân trong Đảng và Nhà nước, nhất là ngành ngoại giao. Tuy nhiên không thể không nhắc đến vai trò của ông Lê Đức Anh. Nếu cố Thủ tướng Võ văn Kiệt nổi lên như một chính khách cải cách, đổi mới trong con mắt của quốc tế, nhất là phương Tây, thì trong “cái mạch ngầm” của công tác “phá vây” ông Lê Đức Anh đóng một vai trò quan trọng.
Việc giải quyết tốt vấn đề tù nhân và người Mỹ mất tích (POW/MIA) là bước đi cực kỳ quan trọng trong tiến trình Hoa Kỳ bỏ cấm vận và bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Tôi có may mắn là trên cương vị phóng viên báo Quân đội nhân dân được chứng kiến cuộc họp của Bộ trưởng Quốc phòng thời bấy giờ là ông Đoàn Khuê với Thượng nghị sỹ Mỹ John Kerry. Khi ông John Kerry gợi ý với ông Đoàn Khuê về việc cho phái đoàn Mỹ đi thăm những nơi “nhạy cảm” nhất để gỡ bỏ hoài nghi của dư luận Mỹ về việc Việt Nam vẫn còn giấu tù binh Mỹ. Trong vấn đề “nhạy cảm” mà ít ai dám quyết này thì Chủ tịch nước Lê Đức Anh đảm nhận trách nhiệm.
Một lần chúng tôi (cán bộ Tổng công ty VTC) đến thăm và chúc Tết nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh. |
“Tôi đã đích thân dẫn ông John Kerry và ông John MacCain đi thăm những nơi mà phía Mỹ nghi là Việt Nam còn giấu tù binh là quân nhân của họ. Những nơi đó rất nhạy cảm. Ông Kerry, ông John MacCain được chứng kiến tận nơi các địa điểm đó và xác nhận không hề có chuyện giấu tù binh” – Tướng Lê Đức Anh viết trong hồi ký của mình.
Ông Thomas Vallely, nguyên hạ nghị sĩ bang Massachusetts, người bạn thân luôn sát cánh cùng ông John Kerry trong suốt tiến trình vận động bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ từng khẳng định: “quyết định của phía Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch nước Lê Đức Anh, cho phép phía Mỹ được đi bất cứ đâu, thậm chí đến những nơi “cực kì nhạy cảm”, vào bất cứ thời điểm nào khi có thông tin dù bịa đặt về việc Việt Nam còn giam giữ tù nhân là cực kỳ dũng cảm về mặt chính trị. Nhờ đó, nhóm nghị sĩ Mỹ đã có được bằng chứng xóa bỏ hoàn toàn huyền thoại về POW/MIA, thoát khỏi bóng ma quá khứ về tù nhân chiến”.
Không chỉ được giao phó trọng trách bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, trước đó, Chủ tịch nước Lê Đức Anh cũng là người nhận trọng trách mở đường bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc.
Tháng 8/1991, Tướng Lê Đức Anh với tư cách là “đặc phái viên của Bộ Chính trị” sang thăm nội bộ Trung Quốc để bàn bạc những vấn đề cụ thể việc bình thường hóa quan hệ hai nước.
Sau khi ông Lê Đức Anh đi “tiền trạm” về, từ ngày 3 đến ngày 10/11/1991, Tổng Bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã thăm chính thức Trung Quốc. Hai bên Hội đàm, ra thông cáo chung và kí kết Hiệp định chính thức quan hệ bình thường giữa hai nước trên cơ sở 5 nguyên tắc hòa bình, đồng thời kí cả quan hệ bình thường giữa hai Đảng, khép lại 15 năm đối đầu căng thẳng.
Một con người nghĩa khí
Năm 1991, khi còn là phóng viên báo Quân đội nhân dân, trong một chuyến công tác ở miền Đông Nam Bộ, tình cờ trong một lần “trà dư tửu hậu” với một số cựu binh từng là thuộc cấp của Đại tướng Lê Đức Anh ở Quân khu 9 (Lúc này Đại tướng Lê Đức Anh vừa được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng). Khi kể chuyện về ông một cựu sĩ quan tác chiến từng tháp tùng ông trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến tranh kể rằng, có trận đánh cơ quan tham mưu cấp trên nhất trí đánh ở hướng này, nhưng riêng anh Lê Đức Anh thì không, kiên quyết rút bỏ để đón đánh địch ở hướng khác. Có lần tôi hỏi: “Làm thế anh không sợ cấp trên biết sẽ kỷ luật sao?”. Anh bảo, ai mà chẳng sợ “quân lệnh như sơn mà”. Nhưng cậu đừng quên tướng ngoài biên ải có quyền hành động. Đánh địch ở nơi chúng không ngờ mới bớt tổn hao máu xương chiến sĩ. Nói thật với cậu, điều mà tớ sợ nhất là nước mắt của những bà mẹ mất con. Cậu có con trai, tớ cũng có con trai, chúng nó đang ở độ tuổi ăn, tuổi lớn mà lại đi trao vào tay những “vị tướng” nướng quân thì đau xót lắm”. Đây là những lời tâm sự của anh giữa đại ngàn, giữa cái sống và cái chết chỉ trong gang tấc, chứ không phải nói với nhà báo các anh đâu. Rồi ông kết luận: “Anh Lê Đức Anh là một vị tướng trí, dũng, nhưng trên hết anh là một người nghĩa khí”.
Thú thật câu chuyện của vị cựu sĩ quan này đã ảnh hướng rất nhiều đến cái nhìn của tôi sau này về ông Lê Đức Anh. Trong cuộc đời làm báo chuyên nghiệp của mình, nhiều lần tôi cố gắng tiếp cận ông, cả trên cương vị Bộ trưởng Quốc phòng lẫn Chủ tịch nước để được trò chuyện cùng ông, để tìm ra cái nghĩa khí từ ông.
Ở bất cứ cương vị nào, những việc làm của ông, tôi không dám phán xét đúng sai, nhưng có điều tôi dám chắc rằng, những việc làm ấy đều mang tính nhân văn, hay như cách nói của vị cựu sĩ quan tác chiến quân khu 9, là hành động của một “nhân tướng”.
Ai cũng biết một trong những việc lớn thử thách bản lĩnh của ông ở cương vị Bộ trưởng Quốc phòng là giảm một nửa số quân nhân tại chức để giảm nguồn chi cho Quốc phòng.
Về vấn đề này, có lần ông kể: “Lúc làm Tổng Tham mưu trưởng, rồi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, tôi đã nhận thấy bộ máy của mình rất cồng kềnh. Có lần nói chuyện với anh Lê Đức Thọ (lúc ấy là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương), anh nói sẽ cho tôi 4 thứ trưởng. Tôi nói, nếu cho tôi đến 4 phó thì bộ trưởng làm gì? Sau đó, anh nói lại cho tôi 2 thứ trưởng, tôi nói tôi chỉ cần 1 phó. Cấp trưởng phải làm tất cả các việc của bộ, cấp phó chỉ là người giúp việc cho bộ trưởng. Thời đó, quân đội được tổ chức sắp xếp lại biên chế, giảm 1 triệu quân nhưng vẫn sẵn sàng chiến đấu lâu dài bảo vệ Tổ quốc. Tôi xử lý vấn đề này rất dứt khoát”.
Nhưng rồi không phải ai cũng biết, cũng trong thời gian ấy, ngoài những việc về vấn đề chiến lược quốc phòng mà tôi không dám lạm bàn, có một việc ông làm mà tôi nghĩ được nhiều quân nhân đánh giá cao, nếu không nói là biết ơn. Đó là việc chia đất cho sĩ quan quân đội, những người hầu như không có gì cả sau khi các cuộc chiến kết thúc. Cuộc sống của họ rõ ràng có sự thay đổi, có “nơi ăn, chốn ở”.
Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng kể lại rằng: “Có một kỷ niệm khó quên có phần riêng tư giữa tôi và anh Sáu Nam. Năm 1972, đó là lúc động viên thanh niên vào quân chủ lực của Khu. Võ Dũng, con trai lớn của tôi, từ miền Bắc xin được về cùng tôi xuống Khu 9. Dũng đang công tác trong lực lượng bảo vệ, cũng hưởng ứng và tha thiết xin ra chủ lực Khu, tôi chấp thuận. Sau đó, anh Sáu Nam được tin, anh ra lệnh hỏa tốc cho Trung đoàn đưa cháu về ngay Quân khu bộ (ý định cho Võ Dũng học pháo binh). Nhưng lệnh đến đơn vị thì cháu Dũng đã hy sinh trong một trận chiến đấu. Anh gửi thư chia buồn và cứ trách tôi mãi là không cho anh biết trước”.
Rồi thì, ông từng “bị cho” là thân Mỹ. Không ít người làm cùng ông giai đoạn đó bị “tai bay vạ gió”. Trường hợp bác sĩ Nguyễn Huy Phan (Quân y viện 108) là một ví dụ điển hình. Ông Phan là phẫu thuật viên chỉnh hình rất giỏi, từng làm trong Nhóm bác sĩ hỗn hợp Việt- Mỹ về phẫu thuật nụ cười” cho trẻ em Việt Nam bị hở “hàm ếch”.
“Anh Phan không tránh khỏi bị quy kết và anh Thạch (Nguyễn Cơ Thạch) cũng bị một chút. Anh Phan bị đơn vị cho nghỉ việc và tước bỏ các quyền lợi, các danh hiệu. Đặc biệt là thời kỳ tôi bị xuất huyết não phải nằm viện giữa nhiệm kỳ Chủ tịch nước, anh Phan chỉ còn biết khóc bởi bất lực. Ra viện, trở lại Phủ Chủ tịch, tôi đã khôi phục lại danh dự cho anh Phan, tặng Huân chương cho anh, nhưng lúc đó anh đã suy sụp, đổ bệnh và qua đời”- ông Lê Đức Anh có lần bùi ngùi kể lại.
Đoạn đời bình dị
Tháng 4 năm 2001, Tướng Lê Đức Anh chính thức nghỉ hưu. Ông bà ở trên tầng hai của khu nhà quân đội ở số 5, Hoàng Diệu. Căn phòng hết sức đơn sơ, mang dáng dấp của một sĩ quan quân đội thời chiến. Từ ngày ông nghỉ, cánh phóng viên chúng tôi thi thoảng lại chạy qua nhà ông khi có những sự kiện quan trọng. Bao giờ ông cũng niềm nở, chân tình
Lúc thì ông kể về những ngày tháng ông cùng đồng đội của mình làm nhiệm vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia xóa bỏ thảm họa diệt chủng, lúc ông nói về việc bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của dân tộc… Ông nói ngày càng khó khăn, mặc dù những đánh giá, nhận xét của ông vẫn rất sắc sảo và đầy trí tuệ. Việc nói năng khó khăn là di chứng của những lần bạo bệnh.
Năm 1997, sau hai lần ông bị xuất huyết não, thầy thuốc nói với gia đình: “Nếu thuốc thang tốt, ông có thể sống được 5 năm nữa”. 21 năm đã trôi qua. Đó thực sự là một kỳ tích về ý chí, sự rèn luyện và giữ gìn trong chế độ ăn uống của ông.
Bà bảo ông dậy vào lúc 6 giờ sáng, tập luyện một tiếng đồng hồ, 7 giờ ăn sáng. Bữa cơm trưa và chiều đều đặn một ly rượu nhẹ, thức ăn không nhiều thịt mà chủ yếu là cá và rau. Món ông thích nhất là cá kho kiểu Huế. Hầu như rất ít khi ông đi ngủ sau 9 giờ tối và thường là “ngủ rất ngon, rất thanh thản”. Tất nhiên, với một người đã từng giữ nhiều trọng trách và chưa lúc nào thôi quan tâm đến đất nước như ông, rèn luyện được điều đó cũng là một kỳ tích.
Ông ra đi, ở tuổi 99- tuổi xưa nay hiếm, để lại nỗi tiếc thương cho Đảng, quân đội và nhiều người dân. Bởi“Với vai trò của Bộ trưởng Quốc phòng, rồi Chủ tịch nước, đồng chí Lê Đức Anh cùng với tập thể lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đã có những đóng góp quan trọng. Anh là người có tầm nhìn sâu và rộng trong các vấn đề chiến lược của đất nước” (lời Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt).