Cuộc điện thoại ngắn khi Anh hùng Lao động (AHLĐ) thời kỳ Đổi mới Trần Ngọc Sương (Ba Sương, nguyên Giám đốc Nông trường Sông Hậu (NTSH) đang trên đường từ Đồng Nai về gấp Sài Gòn trưa 3/5/2019, bà cho hay đang vội về để kịp thắp nén nhang đưa tiễn Đại tướng Lê Đức Anh.
Gần 10 năm trước, khi vụ án NTSH xảy ra, trước khi phiên phúc thẩm được Tòa án Nhân dân TP. Cần Thơ đưa các bị cáo vốn là cựu cán bộ của mô hình kinh tế nông trường gần như thành công nhất cả nước này ra xét xử về tội “Lập quỹ trái phép”, từ đầu Hà Nội, Đại tướng Lê Đức Anh có cuộc gặp ngắn với TBT báo VietNamNet lúc đó là ông Nguyễn Anh Tuấn.
Đại tướng rất thắc mắc là tại sao lại có chuyện đau lòng như vậy xảy ra?
Đoàn đại biểu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng đoàn vào viếng nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh
|
10 năm sau, qua điện thoại, bà Ba Sương xác nhận rằng vốn dĩ cha bà, AHLĐ thời kỳ Đổi mới Trần Ngọc Hoằng (ông Năm Hoằng) trước đó có mối quan hệ thâm tình với Đại tướng Lê Đức Anh. Khi tướng Lê Đức Anh đang là Tư lệnh Quân khu 9, thì ông Trần Ngọc Hoằng là lính trực tiếp dưới quyền của tướng Anh.
Thậm chí, vợ chồng Đại tướng Lê Đức Anh từng ghé thăm NTSH và ở lại ăn bữa cơm do bà Ba Sương nấu. Gọi thân tình trong gia đình, bà Ba Sương vẫn quen với cách xưng hô của miền Tây Nam Bộ: cô – chú Sáu Nam.
Tại phiên xét xử phúc thẩm, AHLĐ Trần Ngọc Sương bị tuyên y án 8 năm tù giam, buộc bồi thường số tiền 4,3 tỷ đồng. Bà khiếu nại lên cấp giám đốc thẩm, rồi lặng lẽ ra Hà Nội kêu oan.
Tiếng kêu cứu của bà Ba Sương nhanh chóng được lắng nghe từ cấp cao nhất của đất nước. Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình thậm chí còn phẫn nộ lên tiếng về bản án. Trong những ngày kiệt quệ về kinh tế, bệnh tật đầy mình, bà Trần Ngọc Sương có một cuộc hẹn kín tới số 5A Hoàng Diệu (Ba Đình, Hà Nội).
Người phụ nữ miền Tây Nam Bộ, là AHLĐ, cũng đột nhiên trở nên dè dặt. Một chiều tối rất muộn, bà nhấc máy điện thoại và tìm tới địa chỉ nêu trên. Quà của người phụ nữ năm đó đã 61 tuổi, từ miền Nam xa xôi lặn lội tìm ra Trung ương chỉ là chiếc bị cói đựng ít sản phẩm đặc trưng của vùng sông nước Nam Bộ: Ít hoa quả tươi, vài ký khô cá lóc.
10 năm sau, bà Ba Sương còn nhớ như in thói quen sinh hoạt của Đại tướng Lê Đức Anh: Thích xoài, mãng cầu…, những món trái cây đặc trưng của miền Tây sông nước. Hôm đó, Đại tướng yêu cầu bà Ba Sương xuống bếp, nấu giúp ông mấy món đưa cơm của miền Tây Nam Bộ mà lâu rồi ông không nếm lại.
“Cận vệ của chú Sáu Nam kiểm tra kỹ lắm. Không phải trực tiếp chú yêu cầu, người lạ đừng hòng bước vào bếp”, bà Ba Sương nhớ lại.
Bà Trần Ngọc Sương tại phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án "Lập quỹ trái phép" ở NTSH, do Tòa án Nhân dân TP. Cần Thơ xét xử ngày 19/11/2009. Ảnh: GVT.
|
Bữa cơm thân tình đó cũng là lúc người phụ nữ can trường, là gương mặt “Phụ nữ ấn tượng châu Á – Thái Bình Dương” năm nào bật khóc, kể cho Đại tướng nghe quãng thời gian cơ cực từ 2005 đến 2009 của mình. Đại tướng chỉ ngồi im lặng và lắc đầu, rồi xoa đầu bà Ba Sương như đón một đứa con gái vừa trở về nhà sau nhiều biến cố.
Đại tướng Lê Đức Anh vào Sài Gòn, bà Ba Sương ghé thăm, ông lại bắt bà vào bếp. “Ông khoái nhất là món pa tê nấu kiểu Pháp. Tính ông rất tiết kiệm, bữa trưa ăn không được nhiều, ông kêu cận vệ cất vào tủ lạnh để chiều ông ăn tiếp”, bà Ba Sương nhớ lại.
Cũng Tết năm 2010 đó, ông lẳng lặng, nhẹ nhàng kêu vợ mang ra cái túi ni-lông, trong đó đựng tiền mừng tuổi mà các tổ chức, cá nhân biếu ông. Đại tướng chỉ nhỏ nhẹ dặn vợ: “Mang đưa cho Ba Sương, để nhỏ có tiền chữa bệnh”.
“Cả đời tôi chỉ biết giúp người, không ngờ một ngày chính Đại tướng đưa tiền mừng tuổi của ông giúp tôi chữa bệnh. Ân tình đó, không cách nào tôi diễn tả được thành lời, trong những ngày khó khăn đó”, bà Ba Sương chân thành kể lại.
Bà Trần Ngọc Sương cũng cho hay: “Không biết ông làm cách nào. Nhưng để bảo vệ tôi, ông đã rất quyết liệt. Cũng như thời điểm hồi thập niên 90 của thế kỷ trước, khi nông trường gặp khó khăn, chính Quân khu 9 đã can thiệp, giúp đỡ, bảo vệ cho mô hình của NTSH”.
Hôm nay, 3/5/2019, trọn vẹn gần 10 năm sau bữa cơm ân tình đó, Đại tướng đang trở về với Sài Gòn, nơi ông luôn gắn bó suốt tuổi thanh xuân, an nghỉ tại nghĩa trang TP.HCM. Trên một chuyến xe vội xuôi Sài Gòn, bà Trần Ngọc Sương nói rằng đang đi rất nhanh để kịp thắp nén hương kính viếng Đại tướng Lê Đức Anh và đồng ý để VietTimes viết lại câu chuyện này, mà bà là một nhân chứng, cũng là một người hàm ơn đúng nghĩa.