|
Jack Ma - Chủ tịch Alibaba và Ant Group |
Tỉ phú Jack Ma đã ‘im hơi lặng tiếng’ trên truyền thông hơn 2 tháng qua, sau khi lên tiếng chỉ trích cơ chế quản lý tài chính của Trung Quốc tại một diễn đàn cuối tháng 10/2020.
Không những vậy, Alibaba Group và Ant Group - những tập đoàn có liên quan tới vị tỉ phú này - cũng rơi vào tầm ngắm của chính quyền Bắc Kinh.
Ant Group: Từ chú kiến bé nhỏ đến gã khổng lồ fintech
Ant Group khởi nguồn từ Alipay - một trong những nền tảng thanh toán điện tử phổ biến nhất tại Trung Quốc. Alipay được thành lập vào năm 2004 để phục vụ riêng cho khách hàng mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử của Alibaba - công ty do Jack Ma đồng sáng lập.
“Khi tôi thành lập Alipay, mọi người đều nói đây là mô hình ngớ ngẩn nhất và sẽ chẳng có ai dùng nó đâu”, nhà đồng sáng lập Jack Ma chia sẻ.
Ứng dụng di động Alipay ra mắt vào năm 2009 và tính đến nay đã chiếm hơn 55% thị trường thanh toán di động tại Trung Quốc. Alipay nhanh chóng mở rộng quy mô với 711 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, xử lý các giao dịch thanh toán trị giá 118.000 tỉ NDT (17,2 tỉ USD) trong 12 tháng tính tới tháng 6/2020, theo báo cáo của Ant Group.
Năm 2011, Alipay tách ra khỏi Alibaba và từ đó hoạt động như một dịch vụ thanh toán điện tử độc lập, phát triển cả ở Trung Quốc lẫn quốc tế.
Năm 2017, trong một cuộc phỏng vấn với Think Business, Eric Jing - CEO của Ant (công ty mẹ trực tiếp của Alipay) cho biết công ty đặt tên Ant (nghĩa là những chú kiến) bởi nó có sứ mệnh phục vụ "những người nhỏ bé". Năm 2018, Ant huy động được 14 tỉ USD từ các nhà đầu tư để mở rộng dịch vụ Alipay ra toàn cầu, đưa định giá công ty lên 150 tỉ USD.
Tháng 6/2020, Ant đổi tên từ Ant Financial Services sang Ant Group với định hướng trở thành nhà cung cấp dịch vụ công nghệ cho các tổ chức tài chính truyền thống. Fred Hu, người sáng lập Primavera Capital Group - một trong những nhà đầu tư sớm nhất của Ant, từng cho biết sở hữu cổ phần của Ant "giống như nắm giữ cổ phiếu Apple trên sàn Nasdaq vậy".
Bên cạnh đó, startup này cũng thành lập một quỹ thị trường tiền tệ, đến nay đã thu hút hơn 600 triệu nhà đầu tư - tương đương 1/3 dân số Trung Quốc. Hiện tỉ phú Jack Ma vẫn nắm giữ 50% cổ phần startup này.
Số người dùng hoạt động mỗi tháng của ứng dụng thanh toán di động Alipay tăng từ 711 triệu trong tháng 6/2020 lên 731 triệu vào tháng 9/2020. Trong thời gian từ 6/2019-6/2020, Alipay đã xử lý số lượng giao dịch thanh toán có giá trị lên tới khoảng 17.600 tỉ USD. Khối lượng giao dịch này còn nhiều hơn hai đại gia thẻ Visa hay Mastercard.
Trước thời điểm tháng 11/2020, “gã khổng lồ fintech” của nhà sáng lập Jack Ma vẫn đang là tâm điểm chú ý của giới tài chính khi công bố kế hoạch chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Thượng Hải và Hồng Kông - được dự báo sẽ là một trong những đợt IPO lớn nhất lịch sử.
Theo nguồn tin trên tờ South China Morning Post, nhóm ngân hàng chủ chốt trong IPO của Ant Group đã gửi tài liệu tới các nhà đầu tư, trong đó nhận định Ant có thể đạt giá trị khoảng 350-450 tỉ USD sau khi IPO. Theo đó, nếu Ant IPO với định giá 450 tỉ USD, công ty này sẽ vượt qua hãng tài chính khổng lồ JPMorgan Chase (vốn hóa 391 tỉ USD) của Mỹ và thậm chí lớn hơn quy mô nền kinh tế của Nigeria hoặc Áo.
Ở thời điểm trước IPO, startup này được định giá khoảng 200 tỉ USD, là hãng công nghệ tài chính giá trị nhất thế giới.
Sóng gió
“Lời nói chẳng mất tiền mua” và “Uốn lưỡi 7 lần trước khi nói” - có lẽ là lời khuyên đúng đắn dành cho tỉ phú Jack Ma khi ông đứng trên sân khấu hội nghị ngày 24/10 tại Thượng Hải. Tại đây, ông chỉ trích hệ thống quy định cản trở đổi mới của chính quyền Trung Quốc và mạnh mẽ yêu cầu phải cải cách để thúc đẩy tăng trưởng. Theo nhận định của Reuters, bài phát biểu “thẳng như ruột ngựa” của ông chính là nguồn cơn cho những sóng gió ập tới với Alibaba và Ant Group thời gian vừa qua.
Có thể nói, nhà sáng lập Alibaba không hề “e dè” trước những lời phát biểu của mình. Ngay từ một thập kỷ trước, ông từng khẳng định “Nếu hệ thống ngân hàng không thay đổi, chúng tôi sẽ thay đổi hệ thống ngân hàng. Chúng ta cần phải tái thiết lại các doanh nghiệp nhà nước”.
Những phát ngôn của của Jack Ma dường như khiến giới chức Trung Quốc không hài lòng và quyết định phải “kìm cương con ngựa bất kham”, bắt đầu từ việc hủy vụ IPO lịch sử trị giá 35 tỷ USD của Ant Group tại Thượng Hải và Hồng Kông chỉ 2 ngày trước khi dự kiến niêm yết. Đến ngày 27/12, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) buộc công ty phải "điều chỉnh" những mảng kinh doanh thuộc lĩnh vực fintech, từ quản lý tài sản, bảo hiểm cho đến cho vay tiêu dùng. Ant sẽ phải tập trung vào mảng thanh toán trực tuyến cốt lõi.
Không những thế, nguồn tin của Bloomberg còn tiết lộ Ant Group sẽ phải gói các dịch vụ tài chính (bao gồm dịch vụ quản lý tài sản, cho vay tiêu dùng, bảo hiểm, thanh toán và MYbank) trong một công ty holding và thực thể này sẽ bị quản lý như một ngân hàng truyền thống.
Cơ quan quản lý bắt đầu tập hợp báo cáo về cách Ant dùng các sản phẩm tài chính kỹ thuật số, báo cáo về phản ứng của công chúng trước phát ngôn của Jack Ma và nộp lên những nhân vật cao cấp, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Dường như báo cáo cho thấy công chúng phản hồi tiêu cực với Jack Ma.
Sau đó, các lãnh đạo quan tâm hơn và yêu cầu điều tra toàn diện hoạt động kinh doanh của Ant Group, dẫn tới việc hủy bỏ IPO. Lẽ ra, Jack Ma đã có thể bỏ túi thêm ít nhất 27 tỉ USD nếu IPO diễn như suôn sẻ.
Mới đây nhất, Trung Quốc tuyên bố điều tra chống độc quyền đối với Alibaba. Đây là vụ điều tra chống độc quyền đầu tiên vào một công ty công nghệ lớn của Trung Quốc. Theo Financial Times, cuộc điều tra đánh dấu hành động quyết liệt nhất của nhà chức trách nhằm xử lý quyền lực ngày một lớn của các hãng công nghệ nước này.
Một trong các mục tiêu của chính phủ Trung Quốc năm nay là củng cố khu vực tài chính, thắt chặt quy định giám sát để ngăn ngừa rủi ro mang tính hệ thống trong nền kinh tế bị ảnh hưởng vì dịch bệnh. Trước bài phát biểu của Jack Ma, nhà chức trách đã dần tăng cường theo dõi Ant, nền tảng công nghệ phát triển mạnh mẽ với các dịch vụ tài chính nhưng không bị trói buộc bằng thủ tục ngân hàng đắt đỏ.
Theo Reuters, bài phát biểu ngày 24/10 chỉ là “giọt nước tràn ly”, châm ngòi cho những sóng gió nối tiếp tới Alibaba và Ant Group. Kể từ đó tới nay, giá trị vốn hóa của Alibaba đã bị thổi bay gần 200 tỉ USD. Ngay cả tỉ phú Jack Ma cũng giữ im lặng và dường như hoàn toàn “biến mất trước công chúng” suốt 2 tháng qua.
Theo nguồn tin của Bloomberg, đây là lời cảnh báo rằng Bắc Kinh đã mất kiên nhẫn với sức mạnh ngoại cỡ của các ông lớn công nghệ, ngày càng được xem là nguy cơ đối với ổn định tài chính và chính trị mà Chủ tịch Tập Cận Bình xem trọng hàng đầu.
"Mỏ vàng" dữ liệu tín dụng nửa tỉ người dùng của Alipay
Theo nguồn tin từ Thời báo phố Wall, đòn trừng phạt của chính quyền Bắc Kinh nhằm mục đích muốn Jack Ma chia sẻ kho dữ liệu khổng lồ về tín dụng người dùng của Alipay. Ứng dụng này hiện được sử dụng bởi hơn 1 tỉ người. Nhờ đó họ nắm trong tay kho dữ liệu khổng lồ về thói quen chi tiêu, vay nợ và lịch sử thanh toán hóa đơn của người dùng.
Tận dụng khối lượng thông tin đó, Ant đã thực hiện các khoản vay cho nửa tỉ người. Tuy nhiên, cách thức của họ là cho vay thông qua nguồn vốn của 100 ngân hàng thương mại. Như vậy, các ngân hàng sẽ phải chịu hầu hết rủi ro nợ xấu từ người vay trong khi Ant chỉ đứng giữa hưởng lợi nhuận.
Hiện tại, các nhà chức trách Trung Quốc đang tìm cách chỉnh đốn lại mô hình kinh doanh này khi nó chỉ mang lại lợi ích cho Ant nhưng sẽ đi kèm với những tiềm năng rủi ro cho hệ thống tài chính của đất nước.
Để làm được điều đó, các nhà chức trách sẽ không chỉ thiết lập các quy định dành cho mảng cho vay của Ant như một ngân hàng – yêu cầu họ phải cung cấp nhiều hơn vốn riêng của mình cho các khoản vay mà họ cũng phải lên kế hoạch phá vỡ thế độc quyền của công ty về dữ liệu người dùng.
Theo nhiều nguồn tin, một kế hoạch đang được cân nhắc là yêu cầu Ant phải chia sẻ dữ liệu vào hệ thống báo cáo tín dụng quốc gia được điều hành bởi Ngân hàng trung ương Trung Quốc. Ngoài ra, Ant còn một lựa chọn khác là chia sẻ dữ liệu thông tin đó với công ty xếp hạng tín dụng cũng được điều hành bởi Ngân hàng trung ương Trung Quốc.
Năm 2015, Ant thiết lập hệ thống chấm điểm tín dụng riêng của mình gọi là Zhima Credit. 3 năm sau, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho ra đời công ty báo cáo tín dụng cá nhân gọi là Baihang Credit và Ant, Tencent cùng 6 công ty khác đã được mời làm cổ đông chính của công ty này.
Ý tưởng được đưa ra là khiến Ant và những công ty khác phải chia sẻ dữ liệu tín dụng khách hàng sau đó có thể được truy cập bởi các tổ chức tài chính trên khắp cả nước. Tuy nhiên kế hoạch này đã thất bại. Ant từ chối đóng góp dữ liệu của họ để duy trì khả năng cạnh tranh.
Trong một tuyên bố bởi Ngân hàng trung ương Trung Quốc, người đại diện cơ quan này đã công khai chỉ trích Ant vì “hoạt động quản trị yếu kém, không chấp hành đầy đủ những yêu cầu của chính quyền và có hành vi độc quyền”.
Tương lai của “chú kiến bé nhỏ” sẽ đi về đâu?
Hiện các cơ quan quản lý Trung Quốc, bao gồm Ủy ban Ổn định và Phát triển Tài chính, đã thành lập một lực lượng đặc biệt nhằm giám sát Ant. Nhóm làm việc với ban lãnh đạo Ant để thu thập dữ liệu và tài liệu, nghiên cứu tái cơ cấu và soạn thảo thêm quy tắc cho ngành.
Tuy chưa có hướng dẫn cụ thể, song Ant phải xem xét lại hoạt động kinh doanh, tuân thủ quy tắc mới và tăng cường giám sát. Trong quá trình này, gã khổng lồ fintech cần bổ sung hàng tỉ USD vốn. Ngoài ra, Ant có thể bị tước một trong hai giấy phép cho phép hoạt động các nền tảng tín dụng vi mô là Huabei (Just Spend) và Jiebei (Just Lend).
Các tổ chức tín dụng cũng buộc phải báo cáo về những khoản cho vay đối với Ant. Trước đó, Ant chỉ giữ khoảng 2% khoản vay trên bảng cân đối kế toán. Phần còn lại được tài trợ bởi bên thứ ba.
"Fintech là ngành công nghiệp 'kẻ thắng ăn tất'. Với lợi thế độc quyền dữ liệu, các công ty công nghệ lớn có xu hướng cản trở cạnh tranh bình đẳng và thu lời quá mức", ông Guo Shuqing - quan chức quản lý ngân hàng hàng đầu Trung Quốc, khẳng định.
Như vậy, không có gì để bàn cãi khi khẳng định đế chế của tỉ phú Jack Ma đang rơi vào khủng hoảng. Các giám đốc cao cấp trở thành một phần của “đội đặc nhiệm” gần như phải tiếp xúc hàng ngày với nhà giám sát. Trong khi đó, các nhà quản lý như Ủy ban Điều tiết Ngân hàng và Bảo hiểm đang cân nhắc xem Ant Group nên từ bỏ kiểm soát mảng kinh doanh nào để ngăn chặn rủi ro cho nền kinh tế. Những thay đổi trong quy định gần đây khiến cánh cửa IPO trước năm 2020 của Ant trở nên hẹp lại.
Theo Andrew Polk, đồng sáng lập công ty nghiên cứu kinh tế Trivium China, chính phủ Trung Quốc muốn nhắc nhở lứa doanh nhân tiếp theo: “Bạn có thể làm giàu và sở hữu công ty hùng mạnh nhưng phải chơi theo luật của chúng tôi”.
Trong khi đó, Scott Yu, chuyên gia chống độc quyền tại hãng luật Zhong Lun, cho rằng kịch bản xấu nhất là Alibaba có thể bị phạt tối đa 10% doanh thu năm 2019 (tương đương 7 tỉ Nhân Dân Tệ - khoảng 1,1 tỉ USD).
“Chính quyền Bắc Kinh thực sự không muốn giết Ant Group hay Alibaba, họ chỉ muốn dạy cho chú kiến bé nhỏ bài học rằng “Ai mới thực sự là chủ” ở đất nước tỉ dân này”, luật sư Yu nhận định.
Ở một diễn biến khác, nguồn tin của Reuters cho hay Alibaba Group Holding Ltd có kế hoạch huy động ít nhất 5 tỉ USD thông qua việc bán trái phiếu định giá bằng đồng USD trong tháng này, giữa lúc nhà đồng sáng lập Jack Ma và Ant Group đang bị điều tra.
Nếu được triển khai thành công, đây sẽ là đợt chào bán trái phiếu quốc tế thứ ba của Alibaba. Trước đó, tập đoàn này đã có một đợt mở bán trái phiếu trị giá 8 tỉ USD vào năm 2014 và một đợt khác trị giá 7 tỉ USD vào năm 2017. Với thông tin về đợt bán trái phiếu mới nhất, Alibaba sẽ gia nhập hàng ngũ các công ty châu Á tận dụng chi phí đi vay rẻ hơn và thanh khoản dồi dào trên thị trường toàn cầu trong những tháng gần đây.
Theo dữ liệu của Bloomberg, vốn hoá thị trường của Alibaba đã bị thổi bay gần 200 tỉ USD và tài sản ròng của Jack Ma - vị tỉ phú 56 tuổi từng nhiều năm liền đứng đầu danh sách là người giàu nhất Trung Quốc, cũng giảm gần 10 tỉ USD kể từ sau khi “sóng gió” ập tới.
Tham khảo: Bloomberg, Financial Times, Wall Street Journal….