"Mỹ không dính líu gì tới vụ tai nạn thảm khốc xảy ra trong quá trình chuẩn bị phóng tên lửa đẩy mang vệ tinh Safir SLV tại bãi phóng Semnan ở Iran" - ông Trump viết, và không quên thêm một câu mỉa mai - "Tôi gửi Iran những lời chúc tốt đẹp và chúc may mắn trong việc điều tra xem điều gì đã xảy ra tại đó".
Trong lúc giới phân tích không gian địa lý cho rằng mức độ chi tiết của bức ảnh này vượt quá mức độ mà các bức ảnh Mỹ từng công bố trước đây hoặc công khai thừa nhận trong quá khứ, thì các nhà quan sát lại chỉ ra một điểm bất thường khác. Một vùng tối và một vùng sáng trong bức ảnh này cho thấy có ai đó - có khả năng là ông Trump - đã chụp lại bức ảnh gốc mà đáng lẽ ra không được công bố trước cộng đồng.
"Đủ thẩm quyền"
Bản thân ông Trump sau đó né tránh các câu hỏi liên quan tới việc liệu bức ảnh này có được phép công bố trước dư luận hay không. Khi được phóng viên Kaitlan Collins của CNN hỏi rằng có phải ông đã công bố một bức ảnh mật, ông Trump trả lời: "Tôi chỉ hy vọng điều tốt lành với Iran. Họ có một vấn đề lớn. Tôi đã công bố một bức ảnh mà tôi hoàn toàn đủ thẩm quyền làm vậy".
Và sau đó, ông Trump nhắc lại thông điệp mà ông đưa ra trong đoạn tweet rằng Mỹ không dính líu tới vụ phóng thất bại của Iran.
CNN dẫn lời một quan chức mỹ nói rằng bức ảnh trên dường như được chụp lại bởi một vệ tinh vận hành bởi các cơ quan tình báo Mỹ, đồng thời nhấn mạnh rằng nó không phải bức ảnh chụp từ máy bay không người lái. Mỹ khó có thể triển khai một máy bay không người lái hoặc có người lái đi vào không phận Iran trong bối cảnh căng thẳng hiện nay - theo vị quan chức.
John Sipher - một cựu quan chức CIA - nói với CNN rằng bức ảnh trên "hoàn toàn đủ tiêu chuẩn trở thành một sản phẩm mật. Tôi chắc chắn về điều này". Đề cập tới Cơ quan Tình báo Không gian địa lý (NGA), ông Sipher nói rằng: "Bức ảnh có thể chỉ có mức độ bảo mật thấp. NGA có thể cung cấp các sản phẩm mật ở nhiều mức độ, thậm chí là các sản phẩm không bảo mật".
Bức ảnh mà ông Trump đăng tải trên Twitter cùng đoạn bình luận về vụ nổ tên lửa đẩy của Iran (Ảnh: Twitter)
|
Không bình luận
Ông Sipher nhấn mạnh rằng Tổng thống Trump có thể đã nhận được một sản phẩm có chất lượng tốt hơn và sau đó đề nghị một phiên bản không bảo mật của nó để đăng lên Twitter.
"Nếu ông ấy lấy luôn bản gốc và đăng tải nó lên Twitter, đó sẽ là điều thực sự tồi tệ" - ông Sipher nói - "Nhưng theo tôi, khi ông ấy hỏi rằng liệu ông có đang thực hiện điều gì đó làm lộ bí mật hay không, các cơ quan chuyên trách đã nói "Không"".
CIA, Giám đốc Tình báo Quốc gia và Bộ Ngoại giao Mỹ đều đẩy các câu hỏi liên quan tới vụ việc này sang phía Nhà Trắng. Tại Nhà Trắng, Hội đồng An ninh Quốc gia cũng từ chối bình luận.
Dave Burbach - Giáo sư tại Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ - nhận định rằng "chất lượng của bức ảnh mà ông Trump đăng tải vượt quá chất lượng các bức ảnh mà Mỹ sẵn lòng công khai trước dư luận trước đây".
Đoạn tweet của ông Trump xuất hiện chỉ 1 ngày sau khi một tên lửa đẩy của Iran phát nổ ngay trên bệ phóng tại Trung tâm Vũ trụ Khomeini - theo một quan chức Mỹ phụ trách việc đánh giá về vụ nổ này. Vị quan chức nói rằng, vụ nổ rất có khả năng xảy ra trong lúc tiếp nhiên liệu.
Phía Mỹ đã theo dõi sát sao các hoạt động tại bãi thử này, mà phía Iran tuyên bố là nhằm phóng một vệ tinh lên quỹ đạo. Mỹ thì tin rằng các vụ phóng kiểu này nhằm mục đích phát triển tên lửa của Tehran, bởi chương trình không gian sử dụng cùng một loại công nghệ với việc phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Theo thỏa thuận hạt nhân mà Tehran ký với các nước Mỹ, Nga, Trung Quốc, Đức, Pháp, Anh và EU năm 2015; Iran không bị cấm phóng tên lửa. Hiện nay, dù Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận, nhưng Iran phần lớn - chứ không hoàn toàn - tuân thủ thỏa thuận này.
Eric Brewer - cựu quan chức của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ chuyên trách các vấn đề hạt nhân Iran và Triều Tiên - nói rằng ông cũng nằm trong số những người tin rằng bức ảnh trên là sản phẩm của cơ quan tình báo.
"Theo lẽ thông thường, các cơ quan tình báo luôn phê chuẩn việc công khai các bức ảnh như vậy" - ông Brewer viết trên Twitter - "Nhưng đúng, Tổng thống có quyền lực để giải mật nó, nhưng điều này rất hiếm khi xảy ra mà chưa thông qua sự tham vấn của các cơ quan tình báo để hiểu được sự rủi ro của hành động đó. Việc công khai mà chưa qua tham vấn có thể vẫn hợp pháp, nhưng là một hành động vô trách nhiệm".
Được biết, nhiều công ty vệ tinh thương mại cũng thường theo dõi các bãi thử của Iran và Triều Tiên, cũng cấp hình ảnh mà họ chụp được cho các hãng phân tích và giới truyền thông nhằm mục đích nghiên cứu và sử dụng.
Theo giới chuyên gia, việc công khai công bố ảnh chụp vệ tinh mà các cơ quan tình báo sử dụng không chỉ khiến cho các bên địch thủ hiểu rằng họ đang bị theo dõi, mà còn làm lộ thông tin cho một quốc gia thù địch để rồi giúp họ che giấu tốt hơn các hoạt động của mình trong tương lai.
Hans Kristensen - Giám đốc Dự án Thông tin Hạt nhân thuộc Hiệp hội Các nhà khoa học Mỹ - nói ông tin rằng bức ảnh mà ông Trump đăng tải trên Twitter được chụp lại từ một cuốn sách thông báo vắn về thông tin tình báo - một dạng tài liệu mà Tổng thống Mỹ được đọc trong các buổi thông báo tin vắn tình báo, chứ không phải ảnh chụp bởi các vệ tinh thương mại.
Ông Kristensen nhấn mạnh rằng, các vệ tinh do thám có khả năng chụp những bức ảnh có độ phân giải thậm chí còn cao hơn bức ảnh mà ông Trump đăng tải.
"Bức ảnh dường như được lấy từ một bản thông báo vắn" - ông Kristensen nói, thêm rằng người ta có thể nhìn thấy rõ đốm sáng nằm giữa bức ảnh, dường như là do đèn flash khi chụp lại bức ảnh này.
Ông Kristensen thêm rằng, những bức ảnh như vậy thường tự động được phân loại. Dù ông Trump có đủ thẩm quyền để giải mật các tài liệu, nhưng bức ảnh như trên buộc phải trải qua một quy trình nhiều lớp mới được phép công bố.
Những vấn đề tiềm ẩn
Và quy trình đó thường bắt đầu bằng một lời đề xuất cấp cao tới các cơ quan tình báo. Giới chuyên gia sau đó sẽ xem xét kỹ lưỡng xem liệu có khía cạnh nào của bức ảnh tiềm ẩn nguy cơ hay không: Bức ảnh lột tả điều gì, độ phân giải của nó, hay các chi tiết khác có thể chỉ ra được cách vận hành của vệ tinh và nó hoạt động vào thời điểm nào...
"Đó là quy trình chính thức cần thực hiện để công bố bức ảnh kiểu này" - ông Kristensen nói.
Ông Kristensen nói rằng, trong số hàng loạt câu hỏi liên quan tới việc ông Trump công khai bức ảnh, có một câu hỏi hết sức cơ bản đó là về mục đích của ông.
Động thái trên của ông Trump xuất hiện chỉ vài ngày sau khi ông tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Pháp, nơi mà Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif có sự xuất hiện đầy bất ngờ và ông Trump tuyên bố rằng ông sẵn lòng gặp gỡ trực diện người đồng cấp Iran.
Phát biểu tại Biarritz (Pháp) trong hôm đầu tuần, ông Trump nói rằng ông có thể gặp gỡ Tổng thống Iran Hassan Rouhani dưới các điều kiện nhất định và rằng đó là một khả năng thực tế trong vài tuần tới. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói ông hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh như vậy sẽ được tổ chức trong vài tuần tới, đó là cơ hội hiếm hoi khi mà các nhà lãnh đạo thế giới tụ họp tại thành phố New York để tham dự kỳ họp Đại hội đồng LHQ vào cuối tháng 9.
Tổng thống Rouhani hôm thứ Ba trong tuần nói rằng Iran sẵn sàng đối thoại - nếu Mỹ gỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt. Hôm thứ Sáu trong tuần, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu - người có quan điểm phản đối cực lực thỏa thuận hạt nhân Iran - đã điện đàm với ông Macron để cảnh báo ông về việc đối thoại với Iran, cho rằng giờ "không phải thời điểm chính xác" để tiếp xúc với Tehran.