Vì sao châu Âu quay lưng với sáng kiến liên minh hàng hải của Mỹ ở Vịnh Ba Tư?

VietTimes -- Chính phủ các nước châu Âu coi Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng những người trong chính quyền của ông như thủ phạm gây ra cuộc khủng hoảng Iran. Bởi vậy, Mỹ phải chịu trách nhiệm dọn dẹp mớ hỗn độn mà họ gây ra.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tự đẩy mình vào thế khó do chính sách sức ép cực đại nhằm vào Iran (Ảnh: National Interest)
Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tự đẩy mình vào thế khó do chính sách sức ép cực đại nhằm vào Iran (Ảnh: National Interest)

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mới đây có bài xã luận đăng tải trên tờ USA Today để rêu rao về hiệu quả của chính sách gây sức ép cực đại với Iran, nhưng trên thực tế chính sách này đã thất bại trên nhiều mặt. Lượng dầu thô mà Iran xuất khẩu ra thế giới dù đã giảm tới 95% trong 15 tháng qua, khiến cho chính quyền Tehran mất đi nguồn thu ngay trong bối cảnh nền kinh tế của họ đang trải qua giai đoạn cùng cực nhất.

Thế nhưng đòn giáng kinh tế này đến nay vẫn chưa thể khiến Iran thay đổi chính sách ngoại giao của họ theo hướng mà Washington mong muốn. Trên thực tế, Iran ngày càng hành động hung hăng, liều lĩnh hơn so với thời điểm cách đây 1 năm.

Đối với những người theo dõi sát sao diễn biến về Iran thì điều đó chẳng có gì bất ngờ. Hành động của Iran, trên thực tế, là một trong số những nguyên nhân khiến cho rất nhiều nhà quan sát tin rằng bài xã luận của ông Pompeo chỉ là một bài tuyên truyền vô căn cứ. Tuy nhiên, điều gây sốc nhất là chính sách sức ép cực đại đang cản trở các sáng kiến tốt đẹp của chính quyền Trump trên Vịnh Ba Tư.

Dù có cái tên khá đáng sợ, nhưng Chiến dịch Canh gác (Operation Sentinel) mà Bộ Quốc phòng Mỹ đề xuất thực chất là toàn diện và cần thiết. Bịnh Ba Tư vốn là một khu vực rất nhộn nhịp và dày đặc; 6 tàu chở dầu đã bị tổn thất và ít nhất 2 tàu chở dầu khác bị hải quân Iran bắt giữ trong vòng 3 tháng qua trên vùng biển này.

Trong tháng 7, hải quân Iran đã bắt giữ tàu chở dầu mang cờ Anh Steno Impero dường như là nhằm đáp trả việc Anh bắt giữ tàu chở dầu của họ ở Gibraltar trước đó. Mỹ và Iran đều bắn hạ máy bay không người lái của nhau, suýt làm bùng phát một cuộc xung đột vũ trang giữa hai nước. Tình trạng hiện nay nói một cách chung nhất là Căng thẳng.

Và trong bối cảnh căng thẳng đó thì việc tăng cường bảo an cho tuyến hàng hải quan trọng ở Vịnh Ba Tư là điều cần thiết - Chiến dịch Canh gác được Mỹ đề xuất. Các doanh nghiệp không muốn hứng rủi ro, bởi vậy mà việc giảm thiểu được rủi ro bằng cách đảm bảo tự do hàng hải ở vùng biển chiến lược đương nhiên là việc tốt. Việc thành lập một liên minh hàng hải rộng lớn nhất có thể cũng là điều cần thiết, bởi việc gián đoạn tuyến đường vận chuyển dầu quan trọng ở eo biển Hormuz sẽ ảnh hưởng tới toàn cầu, đặc biệt là với các nước dựa dẫm vào nguồn cung từ Trung Đông.

Các nước tiêu thụ năng lượng lớn ở khu vực châu Á và châu Âu đặc biệt dễ bị ảnh hưởng nếu như nguồn cung dầu bị gián đoạn. Ví dụ, 63% lượng dầu thô của Ấn Độ đến từ Trung Đông, gần 50% lượng dầu nhập khẩu vào Trung Quốc cũng đến từ Trung Đông. Hàn Quốc còn phụ thuộc nhiều hơn vào dầu thô từ Vùng Vịnh, tới 70%. Còn đối với Nhật Bản, con số này là 80%. Trong tổng số lượng hàng mà EU nhập khẩu từ các nước thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), 65% là nhiên liệu và các nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Ngược lại, lượng dầu thô mà Mỹ nhập từ Vịnh Ba Tư đã giảm dần trong thập kỷ qua. Theo thống kê của Cục Thông tin Năng lượng Mỹ, Washington nhập 2,664 triệu thùng dầu mỗi ngày trong năm 2001. Đến năm 2018, con số này xuống còn 1,472 triệu thùng/ngày, giảm gần 48%. Sự bùng nổ của ngành năng lượng trong nước giúp cho Washington phần nào bớt phụ thuộc hơn vào các nguồn nhập khẩu.

Bởi vậy, nếu như có ai đó thực sự có động lực đảm bảo an ninh tuyến hàng hải ở Vùng Vịnh, thì đó chính là những nước vẫn đang phải dựa vào nguồn cung dầu thô từ khu vực này để giúp vận hành nền kinh tế của họ. Washington hiểu rõ được tâm lý này, bởi vậy họ đang ra sức vận động các nước trên tham gia vào sáng kiến thành lập liên minh hàng hải của họ.

Nhưng vấn đề duy nhất ở đây lại chính là hướng tiếp cận quá cứng rắn của chính quyền Trump đối với Iran đang cản trở sáng kiến chia sẻ gánh nặng này đi vào hiện thực. Dù cụm từ "sức ép cực đại" có thể mang lại cho giới chức chính quyền Trump cảm giác cứng rắn và thỏa mãn; nhưng nó lại gây bất bình cho các nước EU và châu Á. Dù giới chính trị gia ở Anh, Pháp, Đức và EU đều coi hướng tiếp cận "cây gậy, không có cà-rốt" mà chính quyền Trump áp dụng với Iran là đúng đắn; nhưng họ lại phẫn nộ trước việc ông Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran mà phải mất rất nhiều năm mới có được. Họ tỏ ra bối rối khi chính quyền Trump sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân còn tìm cách hủy hoại thỏa thuận này bằng cách trừng phạt bất cứ công ty hay cá nhân nước ngoài nào dám làm ăn với Iran.

Như một hệ quả, Pháp tỏ ra không hứng thú về sáng kiến lập liên minh hàng hải của Mỹ, thay vào đó sử dụng các kênh ngoại giao hậu trưởng với hy vọng kết nối đường dây liên lạc giữa Washington và Tehran. Đức - nước coi Chiến dịch Canh gác của Mỹ như sự mở rộng chiến lược gây sức ép cực đại đối với Iran - cũng thẳng thừng bác bỏ lời mời của Mỹ. Nhìn chung, châu Âu xem ông Trump và những người xung quanh ông như Ngoại trưởng Mike Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton là thủ phạm gây ra khủng hoảng Iran. Bởi vậy, Washington phải chịu trách nhiệm dọn dẹp mớ hỗn độn.

Ông Trump như đang sống trong một vở bi-hài kịch: Một vị Tổng thống tận dụng mọi cơ hội để thúc ép các nước khác chia sẻ gánh nặng về an ninh bị đẩy vào thế khó xử do một chính sách mà gần như mọi người - trừ những người có quan điểm diều hâu với Iran - cực lực lên án là nguy hiểm và phản tác dụng.

Hãy xem cách mà châu Âu phản ứng trước các hành động của Iran: Họ tìm cách giảm căng thẳng trước khi tình hình trở nên vượt tầm kiểm soát. Đó là hướng tiếp cận mà Mỹ nên ủng hộ thay vì tẩy chay.