Từ “xin- cho” đến “hậu kiểm” - cách mạng hành chính vì doanh nghiệp

Chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về cải cách hành chính thể hiện quyết tâm chính trị cao nhằm chuyển từ tư duy kiểm soát sang phục vụ, tháo gỡ điểm nghẽn thể chế để khu vực kinh tế tư nhân phát triển bứt phá.
Nhà báo

Ngay sau khi Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân được ban hành, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết quan trọng: “Động lực mới cho phát triển kinh tế”. Không chỉ xác lập rõ vai trò trung tâm của kinh tế tư nhân trong sự phát triển đất nước, người đứng đầu Đảng ta còn chỉ ra một điểm nghẽn then chốt cản trở doanh nghiệp bấy lâu nay: tư duy hành chính từ “quản lý” cần chuyển sang “phục vụ”. Đây không chỉ là một mệnh lệnh chính trị, mà là lời hiệu triệu cho một cuộc cải cách thể chế toàn diện, bắt đầu từ cải cách thủ tục hành chính, khâu thường được gọi là “giao diện” giữa Nhà nước và doanh nghiệp.

Tổng Bí thư cũng yêu cầu Chính phủ “có hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm công vụ của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong hỗ trợ doanh nghiệp, gắn với công tác thi đua, khen thưởng”.

Tư duy hành chính kiểu cũ, nơi chính quyền đóng vai trò giám sát, xét duyệt, cấp phép và kiểm soát doanh nghiệp theo hướng tiền kiểm, đã tồn tại hàng thập kỷ như một mặc định của mô hình quản trị công. Nhưng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mô hình ấy ngày càng bộc lộ nhiều bất cập. Các thủ tục nhiêu khê, quy trình chồng chéo, và tinh thần "xin- cho" len lỏi trong từng bước của quá trình phê duyệt đã khiến không ít doanh nghiệp mỏi mòn, nhụt chí.

Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu “chuyển toàn bộ quy trình hành chính sang hậu kiểm”, trừ một số lĩnh vực đặc thù như quốc phòng, an ninh, là sự khẳng định quyết tâm chính trị ở cấp cao nhất. Hậu kiểm, thay vì tiền kiểm, đồng nghĩa với việc Nhà nước tin tưởng và trao quyền chủ động cho doanh nghiệp, để họ phát triển trong khuôn khổ pháp luật, và chỉ bị kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Đây là tinh thần thị trường đúng nghĩa: Nhà nước không đứng cản trước cánh cửa, mà đứng sau để hỗ trợ và bảo vệ sự minh bạch, công bằng.

Một điểm sáng khác trong chỉ đạo của Tổng Bí thư là việc “chuẩn hóa toàn bộ quy trình cấp phép đầu tư theo mô hình điện tử, rút ngắn thời gian công bố kết quả”. Đây không chỉ là cải cách kỹ thuật, mà còn là cải cách thể chế ở cấp sâu, nơi mà minh bạch, tự động hóa và đo lường hiệu suất hành chính được đặt lên hàng đầu.

Một hệ thống thủ tục hành chính điện tử, có thể đo đếm được thời gian xử lý, có thể truy vết trách nhiệm cá nhân, và có thể so sánh năng lực phục vụ giữa các đơn vị, chính là cơ sở để thi đua công vụ thực chất, chứ không phải kiểu hình thức.

Tổng Bí thư cũng yêu cầu Chính phủ “có hướng dẫn cụ thể về trách nhiệm công vụ của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong hỗ trợ doanh nghiệp, gắn với công tác thi đua, khen thưởng”. Điều này cho thấy, cải cách hành chính không chỉ là việc của sở, ban, ngành mà là trách nhiệm chính trị của cả hệ thống, từ cấp ủy đến bộ máy hành chính. Khi sự phát triển của doanh nghiệp trở thành tiêu chí thi đua của lãnh đạo địa phương, thì động lực cải cách sẽ trở nên thực chất, bền vững.

Có thể nói, chỉ đạo của Tổng Bí thư là sự tiếp nối nhất quán tinh thần cải cách đã được khởi xướng trong nhiều năm qua, đặc biệt là từ nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay. Từ Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, đến Nghị quyết 02 về cải thiện môi trường kinh doanh: tất cả đều hướng đến mục tiêu tháo gỡ rào cản thể chế, tạo không gian cho doanh nghiệp phát triển.

Từ việc yêu cầu doanh nghiệp “đủ điều kiện rồi hãy đến xin phép”, chuyển sang “cho phép làm trước, kiểm tra sau”.

Nhưng rõ ràng, trên thực tế, cải cách vẫn diễn ra chưa đồng đều, thậm chí có nơi còn “cải lùi”. Chỉ đạo mới của Tổng Bí thư là một lời nhắc nhở rằng: Khi cả nền kinh tế đang trong giai đoạn cần bứt phá, thì không thể để bộ máy hành chính trì trệ, chậm chạp, thậm chí là vô cảm. Tư duy “quản lý như thể đang cai trị” cần được thay bằng tư duy “đồng hành, phục vụ”.

Muốn như vậy, phải thay đổi cách tiếp cận. Từ việc yêu cầu doanh nghiệp “đủ điều kiện rồi hãy đến xin phép”, chuyển sang “cho phép làm trước, kiểm tra sau”. Từ việc coi cán bộ là người “có quyền quyết định”, sang vai trò là “người hỗ trợ thực thi đúng pháp luật”. Từ đó, mới hình thành một nền hành chính thân thiện, năng động, hiệu quả – một điều kiện không thể thiếu cho một quốc gia phát triển.

Không thể phát triển đất nước nếu thiếu sự bứt phá từ khu vực kinh tế tư nhân. Như Tổng Bí thư khẳng định: “Phát triển kinh tế tư nhân là yêu cầu khách quan, cấp thiết, là một động lực quan trọng của nền kinh tế”. Vấn đề là làm sao để khơi thông động lực ấy? Câu trả lời bắt đầu từ thể chế, nơi mà “quyền được làm ăn chân chính” của doanh nghiệp cần được bảo đảm, không bị hành chính kìm hãm.

Trong nhiều năm qua, doanh nghiệp tư nhân luôn trong tình trạng “tự bơi”, thiếu sự hỗ trợ thực chất từ thể chế. Trong khi đó, không ít địa phương vẫn chạy theo thành tích thu hút FDI, dành nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư nước ngoài, mà quên rằng khu vực tư nhân trong nước mới là xương sống lâu dài của nền kinh tế. Chỉ đạo của Tổng Bí thư vì thế là một sự điều chỉnh quan trọng trong cách nhìn nhận: không có khu vực kinh tế nào là “phụ”, “chính”, miễn là hoạt động minh bạch, đóng góp cho xã hội thì đều cần được đối xử công bằng.

Vấn đề hiện nay không phải là thiếu chủ trương, mà là thiếu thực thi quyết liệt. Để biến tinh thần “nói đi đôi với làm” thành hiện thực, cần có cơ chế giám sát mạnh mẽ từ nhân dân, từ báo chí, và từ chính doanh nghiệp. Mỗi bộ, ngành, địa phương cần có báo cáo định kỳ về cải cách hành chính; mỗi cán bộ công vụ cần được đánh giá không chỉ qua hồ sơ, mà qua sự hài lòng thực sự của người dân và doanh nghiệp.

Chúng ta đang đứng trước thời điểm quan trọng: nền kinh tế cần một cú hích mạnh mẽ để tăng tốc, bứt phá, và đột phá. Sự vào cuộc của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư, là lời cam kết mạnh mẽ nhất cho một cuộc cải cách thể chế toàn diện. Nhưng cam kết đó chỉ trở thành hiện thực khi các cấp, các ngành cùng hành động, quyết liệt, hiệu quả, vì một mục tiêu chung: xây dựng một nền hành chính phục vụ, giải phóng sức sáng tạo, và làm cho đất nước vững bước trên con đường hiện đại hóa.