Làm gì để ngăn trục lợi từ thiện, khôi phục lòng tốt đã bị tổn thương?

Lê Thọ Bình
Lê Thọ Bình

Nhà báo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Xã hội sẽ không trở nên tốt đẹp hơn nhờ vào vài lời kêu gọi đầy cảm xúc, mà nhờ vào sự tỉnh táo của cộng đồng và sự công chính của hệ thống pháp luật. Lòng trắc ẩn không thể là mảnh đất màu mỡ cho những kẻ cơ hội gieo mầm trục lợi.

Trong những năm gần đây, giữa những biến động dữ dội của đời sống xã hội, lòng trắc ẩn của cộng đồng vẫn luôn là điểm tựa tinh thần giúp con người xích lại gần nhau, san sẻ yêu thương và nâng đỡ những mảnh đời bất hạnh. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là có một số cá nhân, tổ chức đã và đang lợi dụng chính lòng tốt ấy để trục lợi cá nhân. Đó không chỉ là hành vi vi phạm đạo đức, mà còn là một hiểm họa âm thầm nhưng nghiêm trọng, làm xói mòn niềm tin và bào mòn các giá trị xã hội.

Vụ việc vừa xảy ra tại Ninh Thuận là một ví dụ điển hình. Một công dân (từng ủng hộ tiền cho bé Bắp) đã gửi đơn tố cáo lên cơ quan chức năng, nghi ngờ bà L.T.T.H (được biết đến là mẹ cháu M.H thường gọi là bé Bắp) có dấu hiệu sử dụng sai mục đích số tiền từ thiện mà nhiều người quyên góp nhằm hỗ trợ điều trị bệnh cho con mình. Dù vụ việc đang được cơ quan điều tra xác minh, nhưng sự tổn thương tinh thần của cộng đồng đã bắt đầu hiển hiện. Đằng sau hành vi có vẻ cá biệt ấy là cả một chuỗi hệ lụy đang ngày càng phổ biến và nguy hiểm hơn bao giờ hết.

Don 01.jpg
Một công dân (từng ủng hộ tiền cho bé Bắp) đã gửi đơn tố cáo lên cơ quan chức năng, nghi ngờ bà L.T.T.H có dấu hiệu sử dụng sai mục đích số tiền từ thiện mà nhiều người quyên góp nhằm hỗ trợ điều trị bệnh cho con mình.

Hiện tượng trục lợi từ thiện không còn là điều mới mẻ. Không ít người đã tận dụng sự nổi tiếng trên mạng xã hội để kêu gọi từ thiện, rồi sau đó sử dụng nguồn tiền ấy một cách tùy tiện, không minh bạch. Có người dùng tiền để tiêu xài cá nhân, đầu tư kinh doanh, thậm chí du lịch xa hoa.

Một số nghệ sĩ từng bị tố cáo không minh bạch trong các đợt kêu gọi ủng hộ đồng bào miền Trung lũ lụt năm 2020, dù không phải tất cả đều vi phạm pháp luật, nhưng hình ảnh cá nhân và niềm tin công chúng đã sứt mẻ nghiêm trọng. Niềm tin, vốn là thứ khó gây dựng nhất, đang ngày một mong manh trong một xã hội ngày càng bị nhiễu loạn bởi tin giả, truyền thông cảm xúc và những “màn diễn lòng tốt”.

Điều khiến hành vi trục lợi từ thiện trở nên nguy hiểm hơn cả chính là nó không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn tấn công trực tiếp vào nền tảng đạo đức cộng đồng. Bởi từ thiện không đơn thuần là hoạt động kinh tế hay hành vi xã hội, mà là biểu hiện cao đẹp của lòng nhân ái. Khi hành vi đẹp đẽ ấy bị lợi dụng để mưu cầu lợi ích cá nhân, thì xã hội không chỉ mất đi một giá trị, mà còn phải đối mặt với hệ quả lớn hơn: sự nghi kỵ, lạnh lùng và hoài nghi giữa người với người.

Không những thế, những cá nhân trục lợi còn đang làm méo mó khái niệm “từ thiện”. Từ chỗ là hoạt động tự nguyện, xuất phát từ tâm, từ thiện ngày nay đôi khi biến thành công cụ đánh bóng tên tuổi, xây dựng hình ảnh, hoặc thậm chí là chiêu trò thao túng đám đông. Cộng đồng bị dẫn dắt bởi những bức ảnh đẫm nước mắt, những câu chuyện thương tâm có chọn lọc, mà ít ai đủ tỉnh táo để kiểm chứng tính xác thực. Hệ quả là càng nhiều người tốt thật sự, những người cần giúp đỡ, bị quay lưng, bởi công chúng không còn đủ lòng tin để tiếp tục sẻ chia.

Trước thực trạng ấy, câu hỏi đặt ra là: Cần làm gì để ngăn chặn hành vi trục lợi từ thiện và khôi phục niềm tin đã bị tổn thương?

Thứ nhất, cần xây dựng một khung pháp lý rõ ràng, cụ thể về hoạt động kêu gọi từ thiện, đặc biệt là các cá nhân, tổ chức không thuộc hệ thống chính thức của nhà nước hay các quỹ xã hội. Luật cần quy định cụ thể quy trình kêu gọi, sử dụng, công khai tài chính và cơ chế xử lý nếu có dấu hiệu vi phạm. Từ thiện không thể mãi là hoạt động “tự phát hợp đạo đức” mà phải nằm trong một khuôn khổ minh bạch và có trách nhiệm.

Thứ hai, cần ứng dụng công nghệ để minh bạch hóa hoạt động từ thiện. Các khoản quyên góp nên được thực hiện thông qua các nền tảng kỹ thuật số do nhà nước cấp phép, có tính năng công khai số tiền, người quyên góp, lộ trình giải ngân và báo cáo tài chính rõ ràng theo thời gian thực. Minh bạch là liều vaccine hiệu quả nhất để ngăn chặn sự lạm dụng.

Thứ ba, cần nâng cao nhận thức cộng đồng, giúp người dân phát triển khả năng "miễn dịch cảm xúc" trước những thông tin trên mạng xã hội. Sự tử tế không thể trao gửi một cách mù quáng. Lòng tốt cần đi kèm với sự tỉnh táo, trách nhiệm và thẩm định thông tin.

Cuối cùng, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm minh, công khai và kịp thời những trường hợp trục lợi, dù là cá nhân nổi tiếng hay vô danh. Khi luật pháp không đủ sức răn đe, thì cái xấu sẽ luôn tìm được đường đi.

Xã hội sẽ không trở nên tốt đẹp hơn nhờ vào vài lời kêu gọi đầy cảm xúc, mà nhờ vào sự tỉnh táo của cộng đồng và sự công chính của hệ thống pháp luật. Lòng trắc ẩn không thể là mảnh đất màu mỡ cho những kẻ cơ hội gieo mầm trục lợi. Và niềm tin, nếu đã mất đi, thì không thể kêu gọi lại bằng một bài viết xin lỗi hay một đoạn video đính chính. Giữ gìn lòng tốt là trách nhiệm chung, nhưng bảo vệ niềm tin lại càng cần sự quyết liệt, tỉnh táo và có hệ thống.