Lịch sử “nhập, tách” các tỉnh tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Việt Nam đã trải qua nhiều đợt sắp xếp, chia tách và sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh theo từng giai đoạn lịch sử, điều này phản ánh những yêu cầu chính trị, kinh tế, xã hội khác nhau qua từng thời kỳ.

Điều chỉnh để làm gì?

Ngày 14/02/2025, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 126-KL/TW năm 2025 "về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025". Theo đó, Bộ Chính trị giao Đảng bộ Chính phủ chủ trì "nghiên cứu định hướng tiếp tục sắp xếp, bỏ cấp hành chính trung gian (cấp huyện); định hướng sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, báo cáo Bộ Chính trị trong quý III/2025".

Trong lịch sử, Việt Nam đã trải qua nhiều đợt sắp xếp, chia tách và sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh theo từng giai đoạn lịch sử, điều này phản ánh những yêu cầu chính trị, kinh tế, xã hội khác nhau qua từng thời kỳ. Việc điều chỉnh này có tác động sâu rộng đến sự phát triển của các địa phương cũng như cơ cấu hành chính của cả nước.

thanhphothanhhoa-1696316888417151745164.jpg
Việc chia tách hay sáp nhập các đơn vị hành chính là một xu hướng tất yếu, phản ánh sự thay đổi trong chiến lược quản lý của Nhà nước qua từng thời kỳ. Ảnh minh họa.

Trước năm 1975, Việt Nam bị chia cắt thành hai miền với hai cơ cấu hành chính khác nhau. Miền Bắc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam), đã thực hiện một số điều chỉnh hành chính để phù hợp với mô hình quản lý kinh tế tập trung. Trong khi đó, chính quyền Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam cũng có những thay đổi về địa giới nhằm kiểm soát và quản lý hành chính hiệu quả hơn.

Sau ngày thống nhất đất nước (30/4/1975), Nhà nước Việt Nam tiến hành sáp nhập nhiều tỉnh để tinh gọn bộ máy quản lý và tạo điều kiện thuận lợi cho công tác điều hành. Điển hình là việc hợp nhất các tỉnh miền Nam nhằm giảm số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh. Chẳng hạn, Sài Gòn và Gia Định được sáp nhập thành TP. Hồ Chí Minh vào năm 1976.

Bước vào thời kỳ đổi mới và phát triển kinh tế thị trường, nhu cầu điều chỉnh đơn vị hành chính lại tiếp tục đặt ra. Nhiều tỉnh lớn được chia tách để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với đặc điểm từng khu vực. Việc chia tách này nhằm tăng cường khả năng quản lý, tạo động lực phát triển cho các địa phương có tiềm năng riêng biệt.

Trong những năm gần đây, xu hướng sáp nhập lại diễn ra nhằm tinh gọn bộ máy quản lý, giảm bớt sự cồng kềnh của hệ thống hành chính. Một số địa phương đã thực hiện việc sáp nhập cấp xã, huyện, đồng thời có những đề xuất về việc gộp các tỉnh để nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn lực.

Việc chia tách hay sáp nhập các đơn vị hành chính là một xu hướng tất yếu, phản ánh sự thay đổi trong chiến lược quản lý của Nhà nước qua từng thời kỳ.

Những lần chia tách, sáp nhập

Việt Nam đã trải qua nhiều đợt sắp xếp, chia tách và sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh theo từng giai đoạn lịch sử. Dưới đây là các mốc quan trọng về số lượng tỉnh, thành phố qua các thời kỳ:

1. Trước năm 1945 (Thời Pháp thuộc): Dưới thời nhà Nguyễn (trước khi thực dân Pháp cai trị hoàn toàn), cả nước có 31 tỉnh và 1 phủ Thừa Thiên (tương đương cấp tỉnh).

Sau khi Pháp thiết lập bộ máy cai trị, Việt Nam được chia thành ba kỳ: Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ. Mỗi kỳ có hệ thống hành chính riêng.

Bắc Kỳ (Tonkin) - thuộc quyền bảo hộ của Pháp, duy trì hệ thống quan lại triều Nguyễn nhưng chịu sự kiểm soát của Pháp. Trung Kỳ (Annam) - cũng là vùng bảo hộ nhưng có vua nhà Nguyễn cai trị dưới sự giám sát của Khâm sứ Trung Kỳ. Nam Kỳ (Cochinchine)- là thuộc địa của Pháp, chịu sự cai trị trực tiếp của chính quyền Pháp.

Tổng số tỉnh thay đổi theo từng giai đoạn. Dưới đây là một số mốc quan trọng:

-Năm 1887: Khi Đông Dương thuộc Pháp được thành lập, tổng số tỉnh như sau: Bắc Kỳ: 13 tỉnh; Trung Kỳ: 11 tỉnh; Nam Kỳ: 20 tỉnh. Tổng cộng: 44 tỉnh

-Năm 1900: Hệ thống hành chính có điều chỉnh: Bắc Kỳ: 25 tỉnh; Trung Kỳ: 14 tỉnh; Nam Kỳ: 20 tỉnh. Tổng cộng: 59 tỉnh

-Những năm 1930 - 1945: Bắc Kỳ: 26 tỉnh; Trung Kỳ: 14 tỉnh; Nam Kỳ: 21 tỉnh. Tổng cộng: 61 tỉnh

2. Giai đoạn 1945 – 1954: (Kháng chiến chống Pháp): Năm 1945, sau khi giành độc lập, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa duy trì hệ thống tỉnh cũ nhưng có điều chỉnh.

Đến năm 1954, cả nước có 70 tỉnh, thành phố (bao gồm các tỉnh ở Bắc Bộ, Trung Bộ và một số tỉnh ở Nam Bộ).

3. Giai đoạn 1954 – 1975: (Chia cắt hai miền Bắc - Nam): Miền Bắc: Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiến hành một số điều chỉnh. Giai đoạn này có khoảng 30 - 32 tỉnh/thành phố. Miền Nam: Chính quyền Việt Nam Cộng hòa cũng thực hiện các thay đổi hành chính. Đến năm 1975, miền Nam có 44 tỉnh và 1 thủ đô (Sài Gòn).

4. Giai đoạn 1975 đến nay

Theo thông tin tổng hợp từ Bộ Nội vụ (năm 2017) và các nguồn khác, có thể thấy bức tranh tổng thể về các đơn vị hành chính cấp tỉnh/thành phố như sau:

Sau khi thống nhất đất nước (tháng 4-1975), Việt Nam có 72 đơn vị hành chính cấp tỉnh, trong đó miền Bắc có 25 đơn vị và miền Nam có 47 đơn vị.

Đến tháng 12/1975, Quốc hội khóa V ra nghị quyết về việc bãi bỏ cấp khu, giải thể các khu tự trị, hợp nhất đơn vị hành chính và sáp nhập hàng loạt tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ.

Năm 1976, tiếp tục thực hiện việc sáp nhập các đơn vị hành chính trên diện rộng từ Bắc Trung Bộ đến các tỉnh Tây Nam Bộ và Tây Nguyên. Lúc này, cả nước còn 38 đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Đầu năm 1978, Quốc hội phê chuẩn việc mở rộng địa giới Hà Nội, sáp nhập thêm 5 huyện; đồng thời tách tỉnh Cao Lạng thành hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn. Cả nước lúc này có 39 tỉnh, thành. Một năm sau, vào năm 1979, cả nước có 40 đơn vị hành chính sau khi thành lập Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (tương đương cấp tỉnh).

Năm 1989, tiếp tục có sự điều chỉnh: Tỉnh Bình Trị Thiên được tách thành ba tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Tỉnh Nghĩa Bình được tách thành Quảng Ngãi và Bình Định. Tỉnh Phú Khánh được tách thành Phú Yên và Khánh Hòa.

Như vậy, thời điểm này cả nước có 44 tỉnh, thành và đặc khu, gồm 40 tỉnh, 3 thành phố và Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo.

Tới năm 1991, hàng loạt tỉnh được tách trở lại: Tỉnh Hà Sơn Bình tách thành Hà Tây và Hòa Bình. Tỉnh Hà Nam Ninh tách thành Nam Hà và Ninh Bình. Tỉnh Nghệ Tĩnh tách thành Nghệ An và Hà Tĩnh. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được thành lập trên cơ sở ba huyện tách từ tỉnh Đồng Nai hợp nhất với Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (giải thể đặc khu). Tỉnh Thuận Hải tách để tái lập tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận.

Như vậy, cả nước có 53 tỉnh, thành vào thời điểm này.

Năm 1997, một số tỉnh tiếp tục được chia tách: Tỉnh Bắc Thái tách thành Bắc Kạn và Thái Nguyên. Tỉnh Hà Bắc tách thành Bắc Giang và Bắc Ninh. Tỉnh Nam Hà tách thành Hà Nam và Nam Định. Tỉnh Hải Hưng tách thành Hải Dương và Hưng Yên. Tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tách thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng (trực thuộc Trung ương). Tỉnh Sông Bé tách thành Bình Dương và Bình Phước.

Lúc này, cả nước có 61 tỉnh, thành.

Năm 2004, Việt Nam tách thêm ba tỉnh, nâng tổng số đơn vị hành chính cấp tỉnh lên 64: Tỉnh Đắk Lắk tách thành Đắk Nông và Đắk Lắk. Tỉnh Cần Thơ tách thành tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ (trực thuộc Trung ương). Tỉnh Lai Châu tách thành Lai Châu và Điện Biên.

Đến năm 2008, Quốc hội thông qua nghị quyết sáp nhập tỉnh Hà Tây, bốn xã của tỉnh Hòa Bình và huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) vào thành phố Hà Nội.

Như vậy, từ năm 2008 đến nay, Việt Nam duy trì 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm 57 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng và TP Huế (được chuyển từ tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2024).

Tính đến hết năm 2024, theo báo cáo của Bộ Nội vụ, sau sắp xếp, số lượng đơn vị cấp huyện trong cả nước giảm từ 705 đơn vị xuống còn 696 đơn vị (giảm 9 đơn vị).
Số lượng đơn vị hành chính cấp xã giảm từ 10.598 đơn vị xuống còn 10.035 đơn vị (giảm 563 đơn vị).

Địa giới hành chính cấp tỉnh sẽ được điều chỉnh như thế nào?

Việc nghiên cứu để bỏ cấp trung gian (cấp huyện) và điều chỉnh địa giới hành chính cấp tỉnh không chỉ đơn thuần là thay đổi về mặt quản lý mà còn có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều lĩnh vực như kinh tế, xã hội, văn hóa và tổ chức bộ máy hành chính. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh còn mang lại nhiều lợi ích như tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách, nâng cao hiệu quả quản lý và tạo động lực phát triển.

Vậy địa giới hành chính cấp tỉnh sẽ được điều chỉnh như thế nào? Chính phủ sẽ nghiên cứu và trình Bộ Chính trị theo yêu cầu của Kết luận 126-KL/TW. Tuy nhiên, căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành và các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, có thể thấy định hướng sắp xếp sẽ diễn ra theo một số nguyên tắc nhất định.

Theo Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị quyết 27/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội), tiêu chuẩn đối với cấp tỉnh được quy định như sau:

-Tỉnh miền núi, vùng cao: Dân số từ 900.000 người trở lên và diện tích tự nhiên từ 8.000 km² trở lên.

1-TPBN.jpg
Nhiều tỉnh hiện nay không đạt đồng thời cả hai tiêu chí về diện tích và dân số theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh minh họa.

- Các tỉnh còn lại: Dân số từ 1,4 triệu người trở lên và diện tích tự nhiên từ 5.000 km² trở lên. Số đơn vị hành chính cấp huyện trực thuộc tỉnh: Tối thiểu 9 đơn vị, trong đó có ít nhất một thành phố hoặc một thị xã.

- Đối với thành phố trực thuộc trung ương, tiêu chuẩn bao gồm: Dân số từ 1 triệu người trở lên. Diện tích từ 1.500 km² trở lên. Có từ 9 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên. Tỉ lệ số quận, thị xã, thành phố trực thuộc trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện từ 60% trở lên, trong đó có ít nhất hai quận.

Đã được công nhận là đô thị loại đặc biệt hoặc loại I, hoặc khu vực dự kiến thành lập thành phố trực thuộc trung ương đã đạt tiêu chí của đô thị loại đặc biệt hoặc loại I.

Tình hình thực tế các tỉnh không đạt tiêu chí:

Như vậy, dựa trên số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê tính đến năm 2024, có nhiều tỉnh không đạt đồng thời cả hai tiêu chí về diện tích và dân số theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cụ thể:

- 8 tỉnh miền núi là: Bắc Kạn (0,3 triệu người, diện tích 4.859 km2), Tuyên Quang (0,8 triệu người, 5.867 km2), Lào Cai (0,8 triệu người, 6.364 km2), Đắk Nông (0,7 triệu người, 6.509 km2), Cao Bằng (0,5 triệu người, 6.700 km2), Yên Bái (0,7 triệu người, 6.887 km2), Hà Giang (gần 0,9 triệu người, 7.929 km2), Hòa Bình (gần 0,9 triệu người, 4.591 km2).

-13 tỉnh khác là: Quảng Trị (0,6 triệu người, 4.739), Hậu Giang (0,8 triệu người, 1.621 km2), Hà Nam (gần 0,9 triệu người, 860 km2), Bạc Liêu (1 triệu người, 2.669 km2), Ninh Bình (0,9 triệu người, 1.387 km2), Trà Vinh (1 triệu người, 2.358 km2), Vĩnh Long (1,1 triệu người, 1.475 km2), Bà Rịa - Vũng Tàu (1,2 triệu người, 1.980 km2), Vĩnh Phúc (1,2 triệu người, 1.235 km2), Tây Ninh (1,2 triệu người, 4.041 km2), Sóc Trăng (1,3 triệu người, 3.311 km2), Hưng Yên (1,3 triệu người, 930 km2), Bến Tre (1,3 triệu người, 2.394 km2).

Riêng Hà Nội và TP.HCM là hai thành phố có quy mô dân số lớn nhất, tương ứng là hơn 8 triệu người và hơn 9 triệu người. Chênh lệch về dân số giữa địa phương đông dân nhất cả nước (TP.HCM) và địa phương ít dân số nhất cả nước (Bắc Kạn) là trên 29 lần (dân số của Bắc Kạn là 328.609 người).

Tiêu chí sáp nhập tỉnh ngoài diện tích và dân số:

Liên quan đến việc sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, trong văn bản gửi Bộ Công an vào cuối tháng 11/2024, Bộ Nội vụ nhấn mạnh rằng việc sáp nhập không chỉ dựa vào tiêu chí diện tích và dân số mà còn phải xét đến các yếu tố khác, bao gồm:

An ninh - quốc phòng, bảo vệ chủ quyền; Vị trí địa chính trị, quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia; Văn hóa của cộng đồng dân cư; Đảm bảo sự ổn định để phát triển kinh tế - xã hội.

Như vậy, việc điều chỉnh địa giới hành chính cấp tỉnh đòi hỏi một cách tiếp cận toàn diện, không chỉ dựa vào các con số mà còn phải tính đến các yếu tố quan trọng khác để đảm bảo sự phát triển bền vững và hiệu quả của bộ máy hành chính.