Sắp tới ngành y tế sẽ hướng đến kế hoạch đặt khám bệnh qua điện thoại, qua internet, nhất là tại các thành phố lớn theo giờ nhằm giải quyết vấn đề tránh người bệnh phải chờ đợi và mất thời gian.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhằm tổng kết lại một năm.
Tháo gỡ quá tải
- Một năm qua nhìn lại ngành y tế, Bộ trưởng cảm thấy hài lòng về thành tựu nào nhất?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Trong năm qua, ngành y tế cố gắng phấn đấu cùng với sự chỉ đạo của các cấp, các ngành đã có nhiều kết quả nổi bật.
Đầu tiên là tình trạng quá tải của các bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến cuối, từ nhiều năm nay đã là nỗi bức xúc rất lớn của người dân, nhưng giờ đã có bước cải thiện rõ rệt.
Điển hình như, một số bệnh viện tuyến trung ương trước kia phải nằm ghép 2-3 người thậm chí có tình trạng bệnh nhân phải nằm cả xuống gầm giường như Bệnh viện K, Nội tiết, Nhi Trung ương, Chợ Rẫy, các bệnh viện chấn thương, ung bướu… Đến nay, tại nhiều bệnh viện không còn tình trạng nằm ghép và cam kết thực hiện mỗi bệnh nhân một giường, thậm chí nằm trong phòng đầy đủ tiện nghi.
Chăm sóc bệnh nhân ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)
Thứ hai là lần đầu tiên ngành y tế có một quyết tâm đổi mới toàn diện thái độ, phong cách phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Đây không phải là sự hô hào, cam kết mà kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó có biện pháp là phản ánh qua đường dây nóng tự động của bệnh viện huyện, bệnh viện tỉnh, bệnh viện trung ương, Sở Y tế, Bộ Y tế.
Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, trong năm qua, ngành y tế đã xử lý 6.000 cán bộ y tế, nhẹ nhất là nhắc nhở toàn bệnh viện đến đuổi việc, hạ chức và các hình thức kỷ luật khác. Đây là sự răn đe rất lớn để cảnh tỉnh cho các cán bộ y tế.
Y tế cũng là một ngành dịch vụ, nhưng là dịch vụ cao cấp trên con người. Người bệnh không phải đến xin để chữa bệnh mà họ cũng phải chi trả dịch vụ đó hoặc họ có thẻ bảo hiểm y tế thì bảo hiểm phải trả chi phí dịch vụ đó.
Vì vậy người thầy thuốc muốn làm tốt dịch vụ, để bệnh viện có nguồn thu nhằm duy trì hoạt động thì phải coi bệnh nhân là trung tâm. Nhân viên y tế cần thay đổi quan niệm trong tư duy, trong suy nghĩ và từ đó thay đổi trong hành động. Điều này ngành y tế không phải làm khẩu hiệu hay cam kết mà làm quyết liệt lâu dài.
Thành tựu thứ ba là ngành y tế đổi mới cơ chế tài chính gắn với cải cách thủ tục hành chính. Đổi mới cơ chế tài chính với ngành y tế là điều chỉnh giá dịch vụ y tế để nó quay về giá trị thực của dịch vụ, giá thật, đặc biệt là giá dịch vụ y tế phải tiến tới lộ trình tính đúng-tính đủ trước năm 2020.
Thực chất, khi giá dịch vụ không tính đúng, tính đủ, cái thiệt nhất lại là người dân. Nếu tính đúng-tính đủ, lợi nhất là người có thẻ bảo hiểm, nhà nước không phải bao cấp, ngân sách không phải chi trực tiếp thường xuyên về lương cho cán bộ y tế, trả đúng chi phí thực thì bệnh viện mới tốt được.
Tiếp đó là các thành tựu về ứng khoa học công nghệ mới như ghép tạng, sản xuất vắcxin đạt tiêu chuẩn…
- Để có được kết quả giảm tải bệnh viện, theo bà, ngành y tế đã có những biện pháp gì?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Để làm được điều đó, thời gian qua đã có một loạt bệnh viện được xây mới hoặc là đưa vào hoạt động cơ sở 2, tòa nhà mới kỹ thuật cao tăng thêm giường bệnh, kể cả tuyến tỉnh và tuyến huyện nhờ vào nguồn vốn trái phiếu và nguồn xã hội hóa kết hợp công và tư.
Bệnh viện Bạch Mai đưa vào hoạt động Trung tâm Ung bướu và Trung tâm Tim mạch trẻ em. (Ảnh: TTXVN)
Trong thời gian qua, có khoảng 600 bệnh viện huyện, trong đó có một số xây mới, một số nâng cấp và gần 100 bệnh viện tuyến tỉnh, cả chuyên khoa và nhiều bệnh viện tuyến trung ương cơ sở mới như Bệnh viện K Tân Triều, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Tòa nhà kỹ thuật cao của Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Châm cứu, Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bệnh viện Thái Nguyên Trung ương… nhiều cơ sở mới phát triển.
Đây là niềm vui đối với cả ngành y tế và đặc biệt là người dân được đến cơ sở mới rộng rãi, khang trang, sạch đẹp.
“Còn phải phấn đấu lâu dài”
- Trong nỗ lực để tiến tới có được sự hài lòng của người bệnh. Trong quá trình đó, Bộ trưởng thấy còn tồn tại những khó khăn gì?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng tăng. Mọi người đi kiểm tra sức khỏe thường xuyên nên không thể tránh được sự quá tải, trong khi cơ sở hạ tầng, nhân lực, sự chuẩn bị của cả hệ thống hạ tầng chưa kịp đáp ứng về mặt số lượng và chất lượng.
Thứ hai là tài chính, cơ chế tài chính còn khó khăn, có đổi mới, nguồn thu và đầu tư của nhà nước có đầu tư rồi nhưng chúng ta vẫn chưa huy động hết các lực lượng xã hội và tư nhân. Không phải ai cũng thích đầu tư mở bệnh viện.
Thứ ba là sự chênh lệch khoảng cách về khả năng tiếp cận các dịch vụ chất lượng cao giữa vùng thành thị, thành phố lớn với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa còn khoảng cách khá lớn. Chính vì vậy, các chỉ số về sức khỏe như chiều cao, cân nặng, suy dinh dưỡng, tỷ lệ tử vong bà mẹ, tử vong trẻ sơ sinh, tuổi thọ trung bình,… còn phải phấn đấu lâu dài mới được.
Khó khăn nữa là nhân lực, đầu tư cơ sở vật chất cho y tế cơ sở còn khiêm tốn, thậm chí còn khó khăn, do nguồn kinh phí hạn hẹp. Tôi dẫn chứng như việc đầu tư cho trạm y tế xã, bệnh viện huyện không ai muốn đầu tư, tư nhân cũng không muốn đầu tư. Vì vậy, chỉ có nguồn vốn từ nhà nước, trong khi nguồn ngân sách của nhà nước rất hạn hẹp.
Nguồn vốn đầu tư cho y tế cơ sở còn rất khiêm tốn. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)
Đặt khám qua điện thoại, internet
Thưa Bộ trưởng, trong năm tới, ngành y tế sẽ tập trung vào những nhiệm vụ gì để đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của người dân?
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Thời gian tới chúng tôi vẫn tiếp tục một số nhiệm vụ trong 7 nhiệm vụ trọng tâm từ đầu nhiệm kỳ. Trong đó, sẽ quyết liệt giảm tải bệnh viện gắn với nâng cao chất lượng khám chữa bệnh theo các tiêu chí hội nhập với quốc tế để giảm tử vong, rút ngắn thời gian khám chữa bệnh.
Sắp tới chúng tôi làm thí điểm ở các thành phố lớn, với những trường hợp đến khám bệnh mà không cấp cứu sẽ hẹn khám sau vài ba ngày, thậm chí một tuần đến khám, trừ khi cấp cứu để tránh tình trạng người bệnh phải tới bệnh viện xếp hàng chờ đợi quá lâu.
Vì vậy, sắp tới ngành y tế sẽ hướng đến kế hoạch đặt khám bệnh qua điện thoại, qua internet, nhất là tại các thành phố lớn theo giờ để tránh chờ đợi và mất thời gian.
Tiếp đó, ngành y tế tiếp tục thực hiện nhiệm vụ thay đổi thái độ phục vụ, đầu tư về hạ tầng, phát triển hạ tầng cả về dự phòng và điều trị khám chữa bệnh với tầm nhìn hội nhập.
Bộ Y tế cũng tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính, tiếp tục lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân, hỗ trợ người nghèo, giao tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp, huy động xã hội, khuyến khích phát triển tư nhân cũng như kết hợp công tư.
Xin trân trọng cảm ơn bà!.