Tự chủ tài chính trong hoạt động báo chí: Có thêm những yếu tố mới của kỷ nguyên 4.0

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes –  Ngày 14/4/2021, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đã tổ chức hội thảo “Giải pháp tự chủ tài chính của các cơ quan báo chí trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam”.
Báo chí hiện đại cần tiến tới việc tự chủ tài chính
Báo chí hiện đại cần tiến tới việc tự chủ tài chính

Phát biểu khai mạc, ThS Đặng Vũ Cảnh Linh – Trưởng Ban Truyền thông và Phổ biến Kiến thức Liên hiệp Hội Việt Nam - cho biết, tự chủ tài chính không phải là vấn đề mới với các cơ quan báo chí trong hệ thống của Liên hiệp Hội Việt Nam. Tuy nhiên, đây vẫn là vấn đề cần được tiếp tục thảo luận nhằm để các cơ quan báo chí không ngừng nâng cao chất lượng và có nguồn thu hợp lý.

PGS. TS Nguyễn Thành Lợi – Uỷ viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Người Làm báo khẳng định, trên thế giới, kinh tế báo chí được coi là một ngành kinh tế, thậm chí là ngành kinh tế mũi nhọn, bởi các cơ quan báo chí không dừng lại ở mức độ phục vụ nhu cầu thông tin, giải trí của công chúng, mà còn tạo nguồn thu từ các sản phẩm văn hoá. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh và mạnh của hệ sinh thái truyền thông số, báo chí đã và đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có để tồn tại và phát triển, từng bước tìm ra mô hình kinh tế mới cho mình.

Theo ông Lợi, mặc dù ở nước ta, vấn đề kinh tế báo chí đã được đề cập nhiều năm qua nhưng vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào về lĩnh vực này. Với sự phát triển mạnh mẽ của xã hội, sản phẩm của người làm báo phải được coi là một loại hàng hoá đặc biệt, có đầy đủ thuộc tính của một loại hàng hoá. Nghĩa là có nhà sản xuất không phải để tự phục vụ mình, mà để đáp ứng nhu cầu xã hội và có thể trao đổi, mua bán.

Ông cũng đề cập, nếu chúng ta vẫn còn loay hoay với thuật ngữ “nội dung là vua” thì nay với những yêu cầu mới, quan niệm mới như “kỹ thuật số là 1” hay “công chúng là số 1” đã và đang chi phối thị trường báo chí toàn cầu, trong đó Việt Nam không là ngoại lệ.

Có thể thấy, sự phát triển của mạng Internet đã khiến “môi trường sinh thái” của các phương tiện truyền thông phải thay đổi mạnh mẽ. Các phương tiện truyền thông mới đã “càn quét” thế giới, tạo ra sự cộng hưởng và tính tương tác trong “không gian ảo”, hình thành mô hình “công chúng ý kiến”… Những thông tin do công chúng sản xuất được xã hội đón nhận một cách tích cực, trở thành dữ liệu quan trọng cho các nhà quảng cáo quyết định sẽ “đầu tư” vào đâu. Đây chính là thách thức sống còn cho nguồn thu của các cơ quan báo chí.

ThS Đặng Vũ Cảnh Linh và PGS TS Nguyễn Thành Lợi chủ trì hội thảo

ThS Đặng Vũ Cảnh Linh và PGS TS Nguyễn Thành Lợi chủ trì hội thảo

Vì thế, trong kỷ nguyên 4.0, các cơ quan báo chí ngoài việc chú trọng phát triển nội dung còn phải quan tâm nhiều đến yếu tố kỹ thuật để tận dụng lợi thế của Internet, tăng doanh thu nhờ đa dạng hoá thông tin trên môi trường Internet…

Nhà báo Nguyễn Văn Tông – Biên tập viên cao cấp của chuyên trang Tầm Nhìn – báo Tri thức và Cuộc sống cũng khẳng định, vấn đề sống còn đầu tiên của báo chí là nội dung và công nghệ. Trong bất cứ giai đoạn nào, nhất là trong kỷ nguyên 4.0, các cơ quan báo chí đều buộc phải quan tâm đến yếu tố kỹ thuật. Công nghệ đã thay đổi nhanh đến mức báo chí truyền thống không biết nền tảng nào là quan trọng nhất trong việc tiếp cận công chúng.

Nhà báo Phạm Hữu Quang – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Ngày Nay thuộc Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam - cho biết, đây là cơ quan báo chí thứ hai sau Vietnam Plus của Thông tấn xã Việt Nam thực hiện việc cung cấp thông tin có thu phí với bạn đọc với các gói tin theo yêu cầu. Tuy nhiên, việc này gặp không ít khó khăn từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước. Để thực hiện chính thức việc này đòi hỏi cơ quan báo chí phải có giấy phép hoạt động về thương mại điện tử và may mắn là cuối cùng thì Tạp chí Ngày Nay cũng được cấp giấy phép tạm thời để thử nghiệm dịch vụ.

Không ít đại biểu đã đề cập đến một thực tế là nhiều cơ quan báo chí và trang thông tin điện tử tổng hợp đã copy lại nguyên văn không ít nội dung của báo khác để đăng mà không hề được sự cho phép. Đây là thực tế nhức nhối vì để làm được một phóng sự điều tra có giá trị thì bản thân các nhà báo phải mất rất nhiều công sức và thời gian, nhưng trong khi đó lại bị các đồng nghiệp vô tư vi phạm bản quyền.

Về thực tế này, PGS. TS Nguyễn Thành Lợi cho biết, Hội Nhà báo Việt Nam chỉ có thể có tiếng nói với các đồng nghiệp về việc tôn trọng bản quyền báo chí chứ khó có thể làm được nhiều hơn. Nên chăng, chính cơ quan quản lý Nhà nước là Cục Phát thành, Truyền hình và Thông tin Điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông cần đứng ra xử lý với những chế tài đủ mạnh.

Kết luận hội thảo, ThS Đặng Vũ Cảnh Linh khẳng định, trong cơ chế thị trường thì lãnh đạo các cơ quan báo chí ngoài việc giỏi chuyên môn còn phải có trình độ và năng lực về kinh doanh. Kinh doanh báo chí là kinh doanh sản phẩm tri thức. Đương nhiên, trong kỷ nguyên 4.0 thì ngoài các năng lực trên, lãnh đạo cơ quan báo chí còn phải rành cả về công nghệ. Về cơ bản, tuyệt đại đa số các cơ quan báo chí trong hệ thống của Liên hiệp hội Việt Nam đều đã và đang tự chủ tài chính. Vì thế, chính lãnh đạo các cơ quan này càng phải chủ động hơn về kinh doanh và công nghệ.