Trong Thư ngỏ gửi Bộ Trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn về việc cô Trần Thị Thơ bị trường Đại học Duy Tân sa thải, những người khởi xướng đã rất cân nhắc khi dùng từ ngữ trong lá thư. Thư viết: "Quyết định sa thải này đã khiến chúng tôi vô cùng lo lắng và bất an bởi nó không những tác động trực tiếp vào cá nhân cô giáo Trần Thị Thơ, vi phạm quyền tự do biểu đạt của công dân, mà do đó còn hệ trọng hơn, gián tiếp đe dọa đến cả nền giáo dục và tự do học thuật của bậc đại học".
Đề xuất của những người ký tên là "khẩn thiết đề nghị Bộ trưởng sớm có tiếng nói đối với sự kiện sa thải cô giáo Trần Thị Thơ để lập lại tôn nghiêm và sự lành mạnh trong ngành", "bảo vệ sự tự chủ và tự do cũng như quyền của nhà giáo - nhà khoa học Việt Nam".
Lá thư không đề xuất Bộ GD-ĐT can thiệp vào vấn đề này, mà chỉ là "có tiếng nói", tức là, muốn biết ý kiến chính thức của Bộ về sự kiện đó. Như thế là vì, sa thải một giảng viên là thẩm quyền của các trường, và quyền này được điều chỉnh bằng Luật Lao động. Bộ GD-ĐT không cần, và không nên can thiệp vào quyết định này của nhà trường.
Câu hỏi đặt ra qua vụ việc này là:
1. Xưa nay, khi nói tới tự chủ Đại học, người ta hầu như chỉ luôn đề cập đến quan hệ giữa nhà trường và nhà nước, hay nói hẹp hơn, là quan hệ với cơ quan chủ quản. Nhưng có một khía cạnh khác rất ít khi được đề cập, là quyền tự do/tự chủ của nhà giáo, nhà khoa học trong mối quan hệ với nhà trường và nhà nước. Đâu là ranh giới của quyền này?
2. Chúng ta nhắc đi nhắc lại nhiều lần "Tự chủ Đại học phải gắn với trách nhiệm giải trình", nhưng rất ít khi trả lời câu hỏi: "Các nhà quản lý Đại học phải giải trình với ai và bằng cách nào?". Dường như người ta mặc định, các trường chỉ cần "giải trình trách nhiệm" với cơ quan chủ quản. Liệu các trường có cần giải trình trách nhiệm trước thầy cô giáo, sinh viên, và đặc biệt là công chúng?
3. Với tư cách là công chúng, là giảng viên/sinh viên của trường, chúng ta có quyền đòi hỏi trách nhiệm giải trình của nhà trường hay không, và bằng cách nào?
Tự chủ – hai mặt của một vấn đề
Khi đòi hỏi quyền tự chủ cho trường Đại học, không thể mặc định rằng đó là cây đũa thần sẽ giúp cải thiện chất lượng của nhà trường và đem lại lợi ích cho xã hội. Với tư cách là người đóng thuế nuôi các trường công và đóng học phí nuôi các trường tư, lẽ đương nhiên chúng ta mong muốn điều đó. Nhưng các trường cũng đồng thời là các tổ chức xã hội cực kỳ phức tạp trong đó đan xen lợi ích của nhiều bên, kể cả lợi ích cá nhân, mà những lợi ích đó có chỗ thống nhất, có chỗ mâu thuẫn với nhau. Vì thế chúng ta không thể mong đợi rằng một trường Đại học nào đó đương nhiên sẽ phục vụ tốt lợi ích của xã hội, chỉ cần trao cho họ quyền tự chủ.
Khi cổ vũ cho tự chủ Đại học, chúng ta cũng cần nhìn thấy mặt trái của nó. Trường Đại học Duy Tân quyết định sa thải một giảng viên, chưa bàn đến quyết định đó đúng hay sai, là đang thực hiện quyền tự chủ của họ. Quyết định đó đúng hay sai, thì phải xét về nhiều mặt. Về mặt luật pháp, phải đối chiếu hợp đồng lao động của giảng viên với Luật Lao động, mới có thể đánh giá được. Giả sử như việc đó không trái luật, thì không ai có quyền can thiệp trực tiếp để nhà trường thay đổi quyết định. Đó chính là một nội dung của tự chủ Đại học, mà chúng ta cần nhất quán.
Nhưng trường Đại học là một thực thể phức tạp, không đơn giản chỉ là một tổ chức nhà nước hay là một doanh nghiệp tư nhân. Hoạt động theo luật và trong khuôn khổ của luật pháp là một nội dung quan trọng, nhưng không phải là tất cả.
Drew Faust, Hiệu trưởng Harvard phát biểu trong lễ nhậm chức năm 2007 rằng, Đại học "là một tổ chức lạ lùng với nhiều mục đích khác nhau chưa được phát biểu rõ ràng mà cũng chưa được biện minh một cách thỏa đáng. Hệ quả của việc đó là sự hỗn loạn trong nhận thức của công chúng". Bà nói: "Các trường Đại học thực chất phải chịu trách nhiệm trước xã hội. Bản chất của một trường Đại học là trách nhiệm độc nhất vô nhị của nó với quá khứ và tương lai, chứ không chỉ đơn giản với hiện tại. Một trường Đại học phải vừa nhìn về tương lai phía trước, vừa nhìn lại quá khứ theo những cách đôi khi bắt buộc phải mâu thuẫn với những mối bận tâm hoặc đòi hỏi nhất thời của công chúng". "Chúng ta theo đuổi giáo dục Đại học bởi vì nó đem lại cho chúng ta với tư cách một cá nhân và cả với tư cách xã hội, một tầm nhìn sâu rộng mà chúng ta không thể tìm thấy bằng cách chỉ nhìn vào hiện tại".
Chính cái trách nhiệm với tương lai, trách nhiệm lưu giữ và truyền tải văn hóa qua nhiều thế hệ này của trường Đại học đã biến nó thành một nơi tôn nghiêm, thành cột trụ tinh thần cho xã hội. Coi nó là một tổ chức nhà nước chỉ có nghĩa vụ làm những gì chính phủ yêu cầu, hay một doanh nghiệp tư nhân chỉ có bổn phận tạo ra lợi nhuận cho chủ, mà không quan tâm đến cái định nghĩa đặc thù này là tự tước bỏ những gì cốt yếu đã làm cho nó trở thành một trường Đại học, một thực thể đáng được xã hội kính trọng.
Trách nhiệm xã hội đó nhấn mạnh rằng các nhà quản lý Đại học cần giữ được sự cân bằng giữa lợi ích của nhiều bên liên quan, đặc biệt là khi những lợi ích đó có mâu thuẫn với nhau. Đã có người nhận xét rằng các trường Đại học Việt Nam vẫn đang chật vật xoay trở trước những đòi hỏi ngày càng cao của thị trường và những áp lực quản lý đang thay đổi quá chậm của nhà nước. Hai nhân tố này nhiều lúc mâu thuẫn nhau như hai vector ngược hướng, và trường hợp Trường Đại học Duy Tân có thể coi là một ví dụ minh họa.
Trách nhiệm giải trình của nhà trường & Quyền của giảng viên và người học
Phải chăng một trường Đại học chỉ cần tuân thủ các văn bản quy định và hướng dẫn, là đã thực hiện xong trách nhiệm giải trình?
Trường Đại học có cần thực hiện trách nhiệm giải trình trước giảng viên, sinh viên của mình hay không? Hay chỉ cần báo cáo với cơ quan chủ quản, thậm chí, cơ quan "chức năng" là đủ?
Cần hiểu đúng: trách nhiệm giải trình không phải chỉ là trách nhiệm báo cáo và tuân thủ các quy định. Nó là khả năng biện minh cho những quyết định và hành động của mình, cũng như khả năng gánh chịu hậu quả từ những quyết định và hành động đó.
Các nhà quản lý Đại học Việt Nam vốn quen với lối tư duy từ thời bao cấp, quen phụ thuộc vào nhà nước, quen với quan hệ "xin-cho". Các nhà quản lý trường tư phần đông cũng xuất thân từ trường công, có rất ít người thật sự thích ứng được với sự cạnh tranh của thị trường và vươn lên bằng cách tạo ra những giá trị mới. Một số nhà quản lý xuất thân từ doanh nghiệp thì đem nguyên cách quản lý doanh nghiệp vào nhà trường, bất chấp những đặc thù của một trường Đại học.
Vì thế, khái niệm "trách nhiệm giải trình với giảng viên và sinh viên" có lẽ là khá xa lạ với nhiều người. Sao lại phải "giải trình" với giảng viên, khi giảng viên là người làm thuê, còn nhà quản lý thay mặt cho ông chủ, có quyền ban phát lương bổng, chức vụ, quyền lợi? Sao lại phải "giải trình" với sinh viên, khi sinh viên là đối tượng nhà trường phải "quản lý", phải uốn nắn cách suy nghĩ của họ theo một định hướng bất thành văn và kiểm soát hành động của họ?
Sở dĩ có hiện tượng đó, một phần cũng là vì giảng viên và sinh viên không ý thức được quyền của mình. Với tư cách là người lao động, họ có quyền đòi hỏi nhà trường tuân thủ Luật Lao động và khởi kiện nếu có vi phạm. Với tư cách là giảng viên, trong bối cảnh giới giảng viên không có một tổ chức nào độc lập với nhà trường để bảo vệ họ, dường như họ chỉ có một lựa chọn: hợp tác hay không hợp tác với nhà trường. Mỗi lựa chọn đều có cái giá phải trả. Một người chủ động chấm dứt hợp tác với trường có thể không đủ làm bức tranh thay đổi, nhưng người thứ hai, thứ ba sẽ làm cho uy tín của nhà trường xuống thấp. Mà uy tín là tài sản quan trọng bậc nhất của một trường Đại học. Thứ mà các trường đem "bán", chưa chắc đã là kiến thức, kỹ năng, mà trước hết là uy tín và niềm tin.
Mới đây, vào tháng 5 năm 2021 đã xảy ra vụ các học giả quốc tế uy tín đồng loạt tẩy chay trường Đại học Toronto, vì một giảng viên khoa Luật của trường này bị sa thải, do một nhà tài trợ của trường tỏ ý quan ngại về quan điểm của giảng viên đó trong vấn đề nhân quyền ở Palestine. Hiệp hội Giảng viên Đại học ở Canada vào cuộc điều tra sự việc và kết luận là vụ sa thải này có "động cơ chính trị", và hành động đó vi phạm nghiêm trọng tự do học thuật. Hiệp hội ra văn bản trừng phạt bằng cách đề nghị 72 ngàn thành viên của hội trong cả nước không chấp nhận hợp tác với trường này.
Đối với trường tư, quyền lựa chọn hướng đi là quyền của những người sở hữu. Nhưng may thay, thị trường luôn có cơ chế tự điều chỉnh: việc chọn học và làm việc với trường là quyền của người dạy và người học. Người học có khả năng to lớn trong việc định hình hướng đi của nhà trường. Nếu người học cảm thấy việc báo cáo cơ quan an ninh và sa thải giảng viên chỉ vì một phát biểu tuy thiếu chuyên nghiệp nhưng chân thành và không có ác ý, là không có vấn đề gì cả, thì họ xứng đáng với một trường Đại học ở đó chỉ có một loại ý kiến giống nhau, không ai dám nói lên ý nghĩ của mình và không ai dám suy nghĩ những gì "không được phép". Một trường Đại học như thế sẽ đào tạo ra những người như thế nào, hẳn ai cũng có thể hình dung được.
Các doanh nghiệp thuê người, chắc chắn sẽ cần những người biết suy nghĩ độc lập, có thể suy nghĩ một cách sáng tạo để giải quyết vấn đề, chứ không cần những người hành động như một cái máy. Một người không có khả năng nghĩ khác đi, thì cũng không thể trở thành một người khởi nghiệp.
Vì thế, hãy để người học quyết định hướng đi của nhà trường thông qua cuộc "bỏ phiếu bằng chân" của họ. Không ai bắt bạn phải theo học trường Đại học Duy Tân cả. Bạn có quyền chọn một trường Đại học tôn trọng sự đa dạng, khuyến khích những cuộc thảo luận lành mạnh để người học có thể tiếp xúc với những góc nhìn khác nhau, một trường Đại học cổ vũ tinh thần khoan dung. Bạn cũng có thể chọn một trường Đại học mà người ta có thể gửi thư nói xấu các trường khác nhằm lôi kéo bạn vào đó học, và khi bạn đã vào đó, thì hãy cẩn thận, một chút sơ suất hay lời nói trái ý ai đó có thể mang đến rủi ro và bất trắc không lường hết được cho chính bạn. Nếu bạn may mắn ra khỏi trường bình an, hãy chuẩn bị đón nhận những cái nhìn thiếu thiện cảm với cái tên trường trên tấm bằng của bạn.
Uy tín là tài sản lớn nhất của một trường Đại học, cũng là giá trị của tấm bằng. Hãy để nhà trường chịu trách nhiệm về việc làm của họ, bằng hậu quả của những cuộc bỏ phiếu bằng chân.
Vai trò của Bộ GD-ĐT
Nếu như không cần, và không nên can thiệp trực tiếp vào quyết định này của Trường Đại học Duy Tân, thì vai trò của Bộ GD-ĐT nên là gì?
Thái độ của Bộ GD-ĐT sẽ cho thấy nhà nước mong muốn các trường trở nên như thế nào. Có thể thông cảm với mong muốn giữ gìn ổn định xã hội của nhà nước, đặc biệt trong hoàn cảnh đại dịch. Nhưng điều đó không nhất thiết phải thực hiện bằng cách ngăn cản, cấm đoán những nhận xét tiêu cực, trái chiều. Chính bằng cách thẳng thắn tiếp nhận sự chỉ trích xác đáng, phê bình công tâm của người dân mà nhà nước trở nên mạnh mẽ, được sự ủng hộ của dân và bằng sự ủng hộ đó mà làm sâu dày, vững bền tính chính danh.
Thay cho ngăn cản, cấm đoán, chế tài, những cuộc thảo luận cởi mở và thiện chí sẽ biến nhà trường thành cầu nối giữa nhà nước và nhân dân. Nhà nước, nhà trường và công chúng đều sẽ có lợi trong những hoạt động đó. Càng trong những hoàn cảnh khủng hoảng, nhà nước càng cần có sự ủng hộ của công chúng, và sự ủng hộ chân thành sẽ đến từ sự thấu hiểu sẻ chia chứ không thể đến từ sự ngăn cản thô bạo.
Nhất là khi chúng ta mong muốn quốc tế hóa khu vực giáo dục Đại học. Thử tưởng tượng, các học giả của thế giới văn minh sẽ nghĩ như thế nào về câu chuyện này?