Từ 1/1/2025, bỏ thủ tục chuyển tuyến với một số bệnh hiếm, hiểm nghèo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bệnh nhân mắc một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo sẽ được đến thẳng cơ sở điều trị chuyên sâu, không phải chuyển tuyến, nhằm giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân.

Ngày đầu tiên của năm 2025, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), do Thứ trưởng Trần Văn Thuấn ký, có hiệu lực ngay từ 1/1/2025.

Thông tuyến cuối một số bệnh hiếm, hiểm nghèo

Thông tư ban hành danh mục một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao, được 100% mức hưởng BHYT theo quy định được khám và điều trị tại cơ sở y tế chuyên sâu mà không cần phải xin giấy chuyển tuyến như trước.

vt_gsmtk7179279_2182019.jpg
Một số bệnh ung thư sẽ được thông tuyến BHYT. Ảnh minh hoạ.

Theo bà Trần Thị Trang - Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) - danh mục bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo gồm 42 bệnh, nhóm bệnh, như: ung thư, nhồi máu cơ tim lần đầu, phẫu thuật động mạch vành, phẫu thuật động mạch chủ, hôn mê, mù 2 mắt, bệnh cơ tim, mất 2 chi, hôn mê, mất thính lực, bại liệt, lupus ban đỏ, ghép tạng, bỏng nặng, bệnh xơ cứng rải rác, phẫu thuật thay van tim, đột quỵ, bệnh Alzheimer, sa sút trí tuệ, suy thận, thương tật vĩnh viễn...

Đây là cải cách rất quan trọng của Bộ Y tế vì thông thường, bệnh nhân BHYT khi chuyển viện sẽ phải chuyển từ cơ sở đăng ký khám, chữa bệnh (KCB) ban đầu qua các cấp theo trình tự, như qua tuyến huyện, rồi tuyến tỉnh mới lên được bệnh viện tuyến Trung ương.

Việc làm thủ tục chuyển tuyến cho những bệnh nhân này chiếm nhiều thời gian và lãng phí tiền bạc của người bệnh, do mỗi cấp họ đều phải làm các xét nghiệm, khám chẩn đoán, trong khi có những bệnh yêu cầu phải chuyển ngay, càng sớm càng tốt, trong khi và tuyến dưới không điều trị được.

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên “không loại trừ còn có chuyện nọ, chuyện kia trong chuyện xin giấy chuyển tuyến”.

Việc bỏ thủ tục chuyển tuyến với một số bệnh, nhóm bệnh sẽ giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi tiền túi cho người dân, tiết kiệm chi phí cho Quỹ BHYT.

Tuy nhiên, để tránh quá tải cho tuyến trên, Thông tư cũng quy định rõ, chỉ một số trường hợp được thông tuyến, như người bị bệnh nan y, bệnh ở dưới không chữa được. Quy định này cũng đồng thời buộc y tế tuyến dưới phải nâng cao chất lượng KCB để đảm bảo phục vụ người dân.

Theo Bộ Y tế, Việt Nam có khoảng 100 căn bệnh hiếm với 6 triệu người đang mắc, trong đó có tới 58% bệnh hiếm ở trẻ em, 30% trẻ mắc bệnh hiếm tử vong trước 5 tuổi. Việc tiếp cận với liệu pháp điều trị bệnh hiếm còn chậm và gặp nhiều thách thức. Bên cạnh đó, cả nước có gần 400 nghìn bệnh nhân ung thư.

VT_ BN bao rhieemr.JPG
Bỏ giấy chuyển tuyến với nhiều bệnh, sẽ tạo thuận lợi cho người dân

Nhiều bệnh chỉ cần giấy chuyển tuyến một năm/lần

Bên cạnh đó, những người mắc các bệnh, nhóm bệnh được sử dụng Phiếu chuyển cơ sở KCB có giá trị sử dụng trong một năm kể từ ngày ký, thay vì mỗi lần đi KCB phải chuyển tuyến như trước.

Đó là các bệnh nhiễm nấm chromoblastomycosa (nấm màu) và áp xe do phaeomyces, các thiếu máu tan máu di truyền, suy tủy xương và các bệnh thiếu máu khác, đông máu nội mạch rải rác (hội chứng tiêu fibrin), ban xuất huyết và các tình trạng xuất huyết khác, hội chứng thực bào tế bào máu liên quan đến nhiễm trùng, rối loạn thượng thận sinh dục, các rối loạn khác của tuyến thượng thận, rối loạn chuyển hóa sắt, bệnh lý võng mạc tăng sinh, cơn hen ác tính, viêm loét đại tràng chảy máu, viêm da dạng herpes, vảy nến, bệnh lý tăng huyết áp, hen [suyễn], á vảy nến, lupus ban đỏ, thoái hóa khớp háng, thoái hóa khớp gối, thoái hóa cột sống vv…

Trường hợp hết thời hạn của phiếu chuyển cơ sở KCB mà người bệnh vẫn đang trong lần KCB, cần tiếp tục điều trị tại cơ sở thì phiếu chuyển có giá trị sử dụng đến hết đợt điều trị đó.