2 người tử vong, hàng loạt nhập viện do chơi pickleball, chuyên gia Nguyễn Mạnh Khánh khuyến cáo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong thời gian ngắn đã có 2 người đột tử và rất nhiều trường hợp chấn thương phải nhập viện khi chơi pickleball. Cách nào để chơi thể thao rèn luyện thân thể, phòng tránh được chấn thương?

VietTimes đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh - Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị (BVHN) Việt Đức, Chủ tịch Hội Chấn thương Chỉnh hình Việt Nam, chuyên gia đầu ngành về chấn thương, xung quanh chủ đề này.

VT _ Khám.jpg
PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh khám cho bệnh nhân bị chấn thương do chơi pickleball.

- Pickleball đang là môn thể thao “hot” ở Việt Nam. Nhưng trong thời gian ngắn đã có người tử vong do chơi pickleball , số nhập viện cũng nhiều. Ghi nhận của BVHN Việt Đức ra sao, thưa ông?

- Những tháng gần đây, số bệnh nhân gặp chấn thương do chơi pickleball vào BVHN Việt Đức tăng nhiều, chiếm khoảng 1/4 đến 1/5 số bệnh nhân đến khám mỗi ngày. Đáng lưu ý trong số này, bệnh nhân nữ chiếm khoảng 2/3.

- Đây là môn thể thao không khó, tại sao gây nhiều chấn thương như vậy, thưa ông?

- Pickleball là môn thể thao lai giữa tennis, bóng bàn và cầu lông, do một hạ nghị sĩ người Hoa Kỳ cùng hai người bạn sáng tạo vào 1965. Gia đình ông hạ nghị sĩ nuôi một con chó tên là Pickle và khi những người chơi, thì con chó tha quả bóng đi nên mọi người gọi là pickleball.

Gần đây, khi du nhập vào Việt Nam, pickleball phát triển rất nhanh, vì phù hợp với nhiều người, nhiều lứa tuổi, đặc biệt phụ nữ rất thích chơi. Do nhiều người chơi nên số người chấn thương cũng tỷ lệ thuận. Điều này lý giải tại sao gần đây chúng tôi gặp nhiều bệnh nhân chấn thương khi chơi pickleball.

Chính vì nhiều người nghĩ pickleball nhẹ nhàng, dễ chơi nên chủ quan, không cần chỉ dẫn. Không khởi động kỹ trước khi chơi cũng là nguyên nhân gây chấn thương.

Pickleball dễ chơi nhưng sân có kích thước tương đối rộng, người chơi chạy liên tục, bứt tốc, rồi dừng đột ngột để cứu bóng, nếu không trang bị những đôi giày phù hợp trên nền sân phù hợp rất dễ chấn thương, đặc biệt khớp cổ chân.

Bệnh nhân tôi vừa gặp do nhảy cao vụt quả bóng cũng bị chấn thương dọc theo ống tủy của xương đùi và xương chầy. Nhiều trường hợp nặng gây những ổ nhồi máu trong xương, khiến bệnh nhân đau âm ỉ, dai dẳng mà khó chẩn đoán.

- Các chấn thương thường gặp khi chơi pickleball là gì?

- Chấn thương do Pickleball rất đa dạng: Chấn thương khớp, chấn thương xương, chấn thương phần mềm…

Nhóm thứ nhất hay gặp do không khởi động kỹ là chấn thương vùng cổ, vai, gáy, giãn cơ hoặc xé cơ, chấn thương dây chằng (bong gân), khớp vai, khớp khuỷu, khớp cổ tay, khớp háng, khớp gối, khớp cổ chân….

Nhóm thứ hai là tổn thương dây chằng bên trong khớp, như đứt dây chằng chéo trước hoặc sau, hay sai tư thế có thể đứt cả hệ thống dây chằng khớp gối, dây chằng sên mác khớp cổ chân.

Những tổn thương gặp rất nhiều là căng cơ nhóm cơ chóp xoay khớp vai, nhóm khối cơ gấp và cơ duỗi ở cẳng tay; nhóm cơ khớp háng, khớp đùi, hay đứt gân gót asin khi vận động, chạy, cầm vợt.

Ngoài ra, còn nhóm nữa là đau lưng do căng cơ hay khối cơ cạnh cột sống. Hoặc khi người chơi có động tác rướn quá, xoay/vươn quá khi cố cứu bóng sẽ gây tổn thương cột sống.

Một nhóm chấn thương khác là va chạm giữa những người chơi.

Nhiều người nghĩ chạy là bình thường nên chủ quan, nhưng nhiều bệnh nhân được đưa vào BV Việt Đức trong tình trạng mạch rất nhanh, sức bóp của quả tim liên tục, như vậy dễ gây đột quỵ, ngừng tim ngay trên sân. Ngoài ra, chạy còn có thể gây gãy xương, trượt khớp cổ chân kèm gãy mắt cá chân do nhảy bị trẹo khớp cổ chân, kèm gãy mắt cá trong và ngoài ở cổ chân, chệch khớp cổ chân.

Khi xoay người hoặc chuyển hướng đột ngột cũng có thể gây đứt dây chằng chéo trước hoặc chéo sau của khớp gối. Ngoài ra, trường hợp bệnh nhân bị chấn thương cơ rất nhiều, ngày nào cũng có. Chưa kể căng cơ quá mức, giãn dây chằng ở khớp vai, làm đau khớp cổ tay, viêm điểm bám trên nửa cầu ngoài của xương cánh tay.

Không nên chủ quan với những chấn thương do pickleball, vì đã có nhiều ca nặng, thậm chí đột quỵ trên sân - biến chứng nặng nhất do gắng sức quá.

VT_ Khánh.JPG
PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh trả lời phỏng vấn của VietTimes

- Là chuyên gia đầu ngành về chấn thương, ông khuyến cáo gì mọi người khi chơi pickleball?

-Người chơi pickleball cần có nhiều kỹ năng. Đầu tiên, phải biết luật chơi, cách cầm vợt, cách di chuyển để không bị xoắn vặn, căng cơ quá mức và tránh va chạm giữa những người chơi cùng.

Thứ hai, cần phải khởi động kỹ trước khi chơi, nhất là các bài tập về hông, lưng, vai gáy, khớp vai và khớp háng, khớp cổ tay, khớp gối và khớp cổ chân, giúp mềm cơ và lực cơ sẽ quen dần với cường độ chơi. Khi ra sân chơi cần 5 phút khởi động thì chơi sẽ an toàn hơn.

Tiếp đó, nên chọn một đôi giày phù hợp, vì giày rất quan trọng. Thường có những đôi giày đặc chủng để chơi môn này. Nếu giày mỏng quá, hoặc đế mềm quá, nặng quá sẽ không phù hợp, khi người chơi chạy nhanh, phanh gấp hoặc bứt tốc đột ngột, dễ bị chấn thương.

Môn thể thao này đòi hỏi sự di chuyển linh hoạt, nên cần đôi giày mềm, đế giúp giảm chấn khi chạy nhảy, bảo vệ được khớp cổ chân, khớp gối và khớp háng.

Một lưu ý nữa mà nhiều người rất ít chú ý, phải bù đủ nước và điện giải. Khi chơi nhiều, sẽ ra nhiều mồ hôi nên bị mất nước, mất muối và điện giải, đặc biệt là trong mùa hè, nên phải bổ sung đủ nước và điện giải.

Đặc biệt lưu ý những người mới chơi phải biết mình có bị bệnh gì không. Nhiều người, đặc biệt là ở lứa tuổi từ trung niên trở lên thường có bệnh mãn tính về tim mạch, phổi... mà không biết. Vì thế, khi chơi bỗng thấy xây xẩm mặt mày, chóng mặt, hoa mắt hoặc tim đập quá nhanh nên ngừng ngay, nghỉ ngơi để nhịp tim về bình thường mới chơi tiếp.

Những trường hợp gần đây bị đột quỵ và tử vong, theo tôi phần lớn là do vấn đề về tim mạch. Vì chơi quá gắng sức và không biết có bệnh nền rất dễ tử vong và đột quỵ trên sân tập. Rất tiếc là sơ cứu ban đầu không tốt, khi đưa vào viện cũng đã muộn, hoặc khiến công tác hồi sức, cứu chữa rất vất vả.

- Khi gặp chấn thương trên sân, theo ông, người chơi và người bên cạnh nên làm gì?

- Điều rất quan trọng là người chơi phải biết tự lượng sức mình, không nên gắng. Người mới chơi chỉ nên chơi 1-2 lần/tuần và khởi động kỹ mới chơi. Lúc thích nghi rồi hãy tăng dần lên 3-4 lần/tuần.

Nếu bị chấn thương nhẹ, như xoắn vặn khớp cổ chân, khớp vai quá mức mà thấy đau là phải nghỉ ngơi, nhẹ thì chườm đá, hoặc là dùng các thuốc dạng gel bôi để giảm đau và chống viêm tại chỗ.

VT_ Khám1.jpg
PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh khám và tư vấn cho bệnh nhân bị chấn thương do chơi pickleball.

Những trường hợp tổn thương nặng, như đang chơi mà nghe thấy tiếng động bất thường, phải nghĩ đến tổn thương dây chằng. Tôi gặp rất nhiều bệnh nhân mô tả là đang chạy, nghe “rốp” một cái và chúng tôi kiểm tra thì bị đứt gân Asin. Có người nghe thấy ở chân nổ như bom, chắc chắn là bị đứt gân; hay đang chạy mà xoay người quá mức để cứu bóng sẽ nghe tiếng gãy “rắc” và “tạch”, là dấu hiệu rách sụn chêm trong khớp gối, hoặc dây chằng chéo khớp gối.

Nếu hai người chơi va chạm, hoặc người chơi khi cứu bóng bị ngã đập vai xuống sưng nề, phải nghĩ ngay đến căng cơ hoặc trật khớp vai, cần nghỉ ngơi, chườm đá.

Với những tổn thương nặng, cần phải đến cơ sở y tế để được bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ chuyên ngành chấn thương chẩn đoán chính xác là tổn thương trong khớp hoặc dọc theo đường đi của cơ hoặc vào cột sống.

Những trường hợp người chơi đột ngột kêu đau đầu, choáng váng hay bất tỉnh thì phản xạ sơ cứu đầu tiên cần sờ ngay vào mạch cổ tay họ hoặc động mạch cảnh, nếu không thấy mạch này đập, phải ép tim ngoài lồng ngực. Việc hô hấp nhân tạo trong những giây phút ban đầu rất quan trọng để cứu người bệnh.

Những trường hợp va chạm dẫn đến gãy xương, trật khớp thì phải nẹp bất động tạm thời bằng các phương tiện tại chỗ trong lúc chờ nhân viên y tế hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

- Xin cám ơn ông đã trao đổi!