TS. Thái Văn Tài: GS. Hồ Ngọc Đại chưa có ý kiến chính thức về sách giáo khoa công nghệ giáo dục!

VietTimes -- Tại cuộc họp công bố quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa (SGK) lớp 1 do Bộ GD&ĐT tổ chức chiều 22/11, TS. Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học - cho biết, đến nay, Bộ GD&ĐT vẫn chưa nhận được bất kỳ ý kiến phản hồi nào từ GS. Hồ Ngọc Đại – tác giả bộ SGK công nghệ giáo dục.
TS. Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học
TS. Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học

Theo ông Tài, sau khi nhận được bức tâm thư của PGS. TS. Nguyễn Kế Hào thay mặt cho Trung tâm Công nghệ giáo dục kiến nghị về bộ SGK của GS. Hồ Ngọc Đại, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã có văn bản trả lời, đồng thời, gửi báo cáo tới Thủ tướng Chính Phủ về bộ sách này.

Với báo cáo gửi Thủ tướng, Bộ GD&ĐT đã nêu rõ lý do vì sao bộ SGK công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại bị loại.

GS. Hồ Ngọc Đại
GS. Hồ Ngọc Đại

Trong quá trình thẩm định SGK, Hội đồng thẩm định đã đối thoại với GS. Hồ Ngọc Đại 2 lần.

Lần đầu tiên, tác giả trình bày nội dung bản thảo SGK, Hội đồng đã trao đổi về quan điểm, phân tích bộ sách.

Lần thứ hai, Hội đồng tiếp tục mời tác giả lên để thông báo kết quả thẩm định bộ sách. Khi được thông báo kết quả thẩm định, tác giả không có ý kiến gì thêm. Do đó, quá trình thẩm định diễn ra công khai, minh bạch theo đúng quy định, đảm bảo quyền lợi của tác giả.

“Đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT chưa nhận được bất kỳ ý kiến chính thức nào từ GS. Hồ Ngọc Đại” – ông Tài nhấn mạnh.

Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục làm việc trực tiếp với những người có liên quan, nếu tác giả có nhu cầu đối thoại, Bộ sẽ xin ý kiến tham mưu của Bộ trưởng để tiếp tục tiến hành”.

Về vấn đề đánh giá lại chương trình thực nghiệm theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, trong năm 2017, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã thành lập Hội đồng đánh giá các nội dung liên quan tới cuốn sách Tiếng Việt 1 của GS. Hồ Ngọc Đại. Thời điểm đó, Hội đồng đã kết luận SGK Tiếng Việt 1 chỉ phù hợp với chương trình hiện hành, được điều chỉnh cho đến triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.