TS Terry F. Buss: Cuộc đua khốc liệt tiêm phòng vaccine Covid-19 giữa chính phủ các nước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nhiều người cho rằng các nước phát triển có thể được coi là hình mẫu cho các nước đang phát triển trong việc mua và phân phối vaccine Covid-19. Dự cảm này không chính xác.
Các nước đang ra sức đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng để có thể kiểm soát đại dịch Covid-19. Ảnh: Reuters
Các nước đang ra sức đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng để có thể kiểm soát đại dịch Covid-19. Ảnh: Reuters

Các nước phát triển, là khu vực đón nhận làn sóng Covid-19 từ rất sớm, đã rất lúng túng trước loại virus mới này. Truyền thông chính thống và truyền thông xã hội ngập tràn thông tin sai lệch, sai sự thật và những tin đồn vô căn cứ.

Các nhà hoạch định chính sách phải dò dẫm tìm lối đi và cho đến nay, tình trạng này vẫn đang còn tiếp diễn ở nhiều nơi.

Ở thời điểm này nhìn ngược lại người ta mới thấy rằng nhiều thứ đã có thể nên làm khác đi. Nhưng đó là đánh giá vào thời điểm hiện tại, chứ tại thời điểm khi sự việc diễn ra thì việc quyết định hành xử như vậy là hoàn toàn bình thường.

Các nước đang phát triển, một số nước trong đó mới chỉ trải qua làn sóng đầu tiên của đại dịch, có khả năng sẽ tìm ra lối đi riêng của mình để vượt qua tình thế khó khăn. Bài học quan trọng nhất rút ra từ đại dịch Covid-19, theo quan điểm của tôi, là không có gì diễn ra như chúng ta đã định, và rằng trong trường hợp này, quá khứ không phải là khởi đầu.

Vaccine không miễn phí

Nhìn ngược lại những gì đã diễn ra chúng ta sẽ thấy rằng nếu Mỹ không trả tiền để các công ty dược phẩm phát triển và thử nghiệm vaccine thì giá thành có thể đã tăng vọt. Giá bán vaccine của Pfizer cho chính phủ Mỹ là 19,50 USD /liều, và mỗi người phải tiêm đủ hai liều. Nếu không có trợ cấp của chính phủ Mỹ, giá thành thực tế có thể lên đến 150-175 USD cho mỗi liều.

Hy vọng rằng các nước đang phát triển sẽ được hưởng mức giá thấp hơn nhiều so với các nước phát triển.

Cuộc chạy đua sản xuất vaccine giữa các cường quốc. Ảnh: IE

Cuộc chạy đua sản xuất vaccine giữa các cường quốc. Ảnh: IE

Bế tắc chính trị và tranh cãi không dứt

Vaccine ở các nước phát triển không hề miễn phí. Tại Mỹ, tiền vaccine được chi trả cho người dân và người lao động thông qua bảo hiểm y tế công - Medicare và Medicaid - hoặc bảo hiểm tư nhân (do các doanh nghiệp mua cho người lao động hoặc cá nhân tự mua), hoặc các cơ quan chính phủ.

Thực tế là những người dân Mỹ nộp thuế đã chi 12,4 tỉ USD cho việc phát triển, thử nghiệm, phê duyệt và phân phối vaccine Covid-19.

Các nhà lãnh đạo của hệ thống chính trị Mỹ đã quyết định chi trả bằng khoản tiền họ không thực sự có và các thế hệ tương lai sẽ trả món nợ này - có khả năng, khi đó cách làm bây giờ lại tiếp tục được vận dụng: tạm ứng khoản tiền từ tương lai để thanh toán cho hiện tại.

Hãy nhớ lại rằng 12.4 tỉ USD chỉ là một phần của các gói chi tiêu lớn hơn thế cho đại dịch với giá trị từ 6 đến 10 nghìn tỉ USD – và tất cả đều từ nguồn tiền vay, hoặc phải in tiền mới.

Trên thực tế, đạo luật cứu trợ Covid trị giá 1,9 nghìn tỉ USD đã được thông qua vào tháng 2/2021 chỉ nhận được sự ủng hộ đơn đảng của phe Dân chủ, và sử dụng phương thức phê chuẩn rất hiếm khi được vận dụng đến, thậm chí có thể coi là bất hợp pháp. Vì vậy, chính quyền Washington đã gặp phải nhiều bất đồng chính trị về việc chi tiêu cho đại dịch.

Thực tế đó đã cho thấy, rất có thể các nước đang phát triển cũng sẽ có nhiều bất đồng đáng kể trong cách thức xác định nguồn tiền tài trợ cho chương trình tiêm chủng Covid-19.

Các chính phủ đáng lẽ phải hành động sớm hơn

Mặc dù có một số nước đã nắm được thông tin về Covid-19 từ tháng 11, 12/2019 hoặc tháng 1/2020, nhưng thông tin sai lệch, sai sự thật và cách thức làm việc thiếu hiệu quả của hệ thống chính trị đã khiến Mỹ, châu Âu và nhiều nước khác phải đến tháng 2, tháng 3 mới đưa ra được quyết định hành động.

Năm tháng sau khi Covid xuất hiện, ngày 15 tháng 5 năm 2020, Tổng thống Donald Trump đã khởi động “Chiến dịch vaccine thần tốc” nhằm rút ngắn một cách kỳ diệu quy trình thử nghiệm, sản xuất và phân phối vaccine từ 5-10 năm xuống chỉ còn 7 tháng.

Cùng lúc khi đại dịch bắt đầu nổ ra, ông Trump đang là nạn nhân của một cuộc luận tội kéo dài 2 tháng và đồng thời đang gấp rút chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử tổng thống vào ngày 7/11/2020.

Đảng Dân chủ, biến Covid-19 thành vấn đề tranh cử, tuyên bố rằng họ sẽ không sử dụng những loại vaccine của Chiến dịch vaccine thần tốc, được họ dán nhãn là "vaccine Trump".

Các nhà phê bình tin rằng chính thông điệp tuyên truyền này của đảng Dân chủ đã khiến nhiều người dân né tránh tiêm chủng.

Các công ty dược phẩm được nhận khoản tài trợ của chính phủ Mỹ thì đợi đến sau khi có kết quả bầu cử mới thông báo rằng việc sản xuất vaccine đã thành công – họ đã nhất định không đưa tin tốt sớm hơn vì không muốn điều đó giúp ông Trump tái đắc cử.

Một số nhóm phản đối tiêm vaccine ở Mỹ. Ảnh: AP

Một số nhóm phản đối tiêm vaccine ở Mỹ. Ảnh: AP

Thời gian đầu, khi đại dịch mới nổ ra năm 2020, không ai thực sự biết rõ về việc liệu có cần đến vaccine hay không, liệu vaccine có tác dụng hay không, ai sẽ chấp nhận trả tiền vaccine và ai sẽ nhận được vaccine.

Một điều ngạc nhiên là cả các nước phát triển và đang phát triển đều lúng túng về cung cách quản lý tiêm chủng.

Ngoài ra, giống như Mỹ, Nhật Bản cũng gặp vấn đề về việc nhiều người dân né tránh tiêm vaccine. Theo một nghiên cứu của đài NHK, 30% đến 40% người Nhật không muốn tiêm vì những lo ngại vô căn cứ rằng vaccine Covid-19 sẽ gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng bao gồm cả việc khiến họ lây nhiễm chéo các bệnh khác.

Do đó, tỷ lệ dân số Nhật Bản được tiêm chủng đang ở dưới mức mong đợi.

Các nước đang phát triển có thể giải quyết được vấn đề người dân từ chối tiêm vaccine vì ở thời điểm hiện nay đã có rất nhiều nghiên cứu và số liệu thống kê cho thấy vaccine có tác dụng phòng chống Covid và các tác dụng phụ của vaccine là rất ít.

Sự chậm trễ trong mua sắm vaccine

Ngay sau khi triển vọng vaccine trở nên rõ ràng hơn, các nước phát triển bắt đầu ký hợp đồng với các công ty dược phẩm để sản xuất vaccine đảm bảo việc phân phối với điều khoản rõ ràng về thời gian giao hàng và giá thành sản phẩm.

Những nước giàu đã ký hợp đồng mua nhiều hơn lượng vaccine cần thiết— đó chính là dự trữ vaccine — vì sợ trường hợp họ không có đủ. Điều này đã tạo ra cuộc cạnh tranh vắc xin hay chủ nghĩa dân tộc vaccine – đây cũng là quy trình các nước đang phát triển khó có cơ hội tham gia.

Mỹ đã phải hứng chịu nhiều chỉ trích vì độc quyền vaccine thông qua các hợp đồng với các công ty dược phẩm. Tuy nhiên, một nghiên cứu của Bloomberg cho thấy điều ngược lại.

Thực sự Mỹ chỉ đang đứng thứ 32 ở phương diện “phân bổ dự trữ” vaccine bình quân đầu người. Anh, Australia và Canada dẫn đầu về lượng dự trữ, 27 quốc gia châu Âu cũng không kém nhiều.

Trong nhiều trường hợp, các công ty đã không đánh giá đúng mức việc sản xuất vaccine theo cam kết. Họ đã không lường trước được các vấn đề phức tạp, sự phân tán của chuỗi cung ứng phát sinh ngoài dự kiến, một phần do dại dịch Covid-19 và phần khác là do có tình trạng tích trữ nguyên liệu sản xuất vaccine.

Hậu quả là việc giao hàng bị trễ và số lượng không đạt mức như các nước đã đặt hàng. Các công ty dược phẩm đã không cung cấp đủ số lượng vaccine theo cam kết hợp đồng với các nước châu Âu, gây ra sự bất ổn chính trị đáng kể.

Số lượng vaccine Pfizer đã chuyển cho các nước châu Âu vẫn còn thiếu 10 triệu liều so với hợp đồng. Vừa mới đây, J&J đã phải tiêu huỷ 60 triệu liệu vaccine do sự cố nhiễm bẩn tại một nhà máy sản xuất. Đây là số vaccine dự kiến dành cho xuất khẩu ngoài nước Mỹ.

Mới đây, Italy đã vận dụng Cơ chế Minh bạch và Kiểm soát xuất khẩu vaccine Covid-19 của EU để ngăn lô hàng 250,000 liều vaccine AstraZeneca xuất khẩu sang Australia. Đây là vấn đề liên quan đến ngoại giao, không phải là vấn đề của chuỗi cung ứng.

Tại Ấn Độ, nước sản xuất vaccine số một thế giới, các công ty sản xuất bị thiếu các nguyên liệu quan trọng để sản xuất vaccine và đã buộc phải tạm dừng các lô hàng đến các nước đang phát triển.

Ấn Độ thậm chí vẫn chưa sản xuất đủ cho nhu cầu trong nước bởi đại dịch đã vượt khỏi tầm kiểm soát tại nước này.

Tất cả các loại vaccine đều có tác dụng phụ ở một số người, thậm chí gây tử vong. Các loại vaccine Covid-19 nằm trong số những loại an toàn nhất, vì vậy lợi ích của việc tiêm vaccine lớn hơn bất kỳ rủi ro nào.

Lợi ích của tiêm vaccine Covid-19 lớn hơn bất kì rủi ro nào. Ảnh: IE

Lợi ích của tiêm vaccine Covid-19 lớn hơn bất kì rủi ro nào. Ảnh: IE

Mỹ đã đình chỉ vaccine của AstraZeneca trong một thời gian dài để nghiên cứu tính an toàn của loại vaccine này liên quan đến tác dụng phụ gây đông máu ở một nhóm nhỏ. Và đúng là có tác dụng phụ như vậy, nhưng việc đình chỉ không cần thiết đã gây hậu quả nghiêm trọng cho các quốc gia đang cần loại vaccine này.

AstraZeneca không được phân phối ở Mỹ.

Với những hỗn loạn xoay quanh việc sản xuất, phân phối, tính an toàn và hợp đồng vaccine, các nước đang phát triển rất khó xác định được chính xác thời điểm cần phải ký hợp đồng mua vaccine, và mua của công ty nào; và liệu các hợp đồng có được thực hiện nghiêm chỉnh hay không.

Sự chậm trễ trong phân phối vaccine

Việc phân phối vaccine gặp nhiều xáo trộn trong thời gian đầu năm 2021. Tại Mỹ và Nhật Bản, phần mềm được sử dụng để đặt lịch hẹn tiêm chủng liên tục gặp sự cố khiến người dân vô cùng thất vọng.

Ở Mỹ, cuối cùng người ta đã tìm ra cách giải quyết vấn đề này bằng cách tư nhân hóa hệ thống tiêm chủng và cho phép đặt lịch hẹn tiêm qua nhiều nguồn khác nhau.

Các hệ thống phân phối cũng không hiệu quả. Ở Mỹ, vaccine được phân về các Sở y tế tiểu bang và địa phương. Việc làm như thế này không hiệu quả.

Liền sau đó các khu vực tiêm chủng tập trung quy mô lớn, rất nhiều trạm tiêm nhanh cho người ngồi trên xe đã được thiết lập. Không lâu sau, các cơ sở này đều bị bỏ không.

Tiếp đó, các hiệu thuốc được huy động gia nhập quy trình và có phần nào hiệu quả hơn.

Cuối cùng, vaccine được phân bổ trực tiếp về cho các bác sỹ. Thực tế là chưa có một phương thức nào phát huy được đầy đủ chức năng và hiệu quả.

Cho đến giờ các chuyên gia vẫn chưa rõ phải làm thế nào để tổ chức tốt nhất hệ thống đặt lịch hẹn tiêm phòng, và liệu nên thực hiện phân phối vaccine theo cách tập trung hay phi tập trung. Có vẻ như điều giúp nước Mỹ vượt qua được mọi sự lúng túng này là vì Mỹ có quá nhiều vaccine nên người dân chỉ cần muốn là được tiêm.

Nhiều khả năng, các nước đang phát triển sẽ cần phải xây dựng các hệ thống đặt lịch hẹn tiêm tuỳ thuộc vào số lượng vaccine hiện có.

Công bằng trong phân phối vaccine

Dưới thời chính quyền mới của ông Joe Biden, hầu hết mọi vấn đề đều được yêu cầu nhìn nhận qua lăng kính công bằng xã hội, bao gồm cả việc tiêm vaccine Covid-19.

Ban đầu, một số tiểu bang và chính quyền địa phương dự tính ưu tiên tiêm cho “người da màu” với lý do là: sửa chữa những phân biệt đối xử trong quá khứ. Vì vậy, một thanh niên người da đen sẽ được ưu tiên tiêm trước một người da trắng lớn tuổi.

Điều này nhanh chóng khiến nhiều người phẫn nộ và có khả năng trái luật.

Những người đứng sau chính sách này lại viện dẫn một lý lẽ khác: những người da màu phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn liên quan đến Covid-19 vì họ có nhiều bệnh nền hơn và có thể đang phải sống tại các khu vực không có đủ điều kiện chăm sóc y tế.

Điều này đúng, tuy nhiên không cứ phải là người dân thuộc các nhóm thiểu số, rất nhiều người khác cũng thuộc trường hợp này.

Rất may, những người này đã không thành công trong việc áp đặt phân biệt đối xử vào tiêm chủng Covid-19. Tôi tin rằng lý do của sự thất bại là vì chính phủ có nguồn vaccine dồi dào. Cho nên, nếu có việc người da màu không tiêm chủng thì đó chỉ đơn thuần là quyết định cá nhân của họ.

Giải pháp đẩy nhanh tiêm chủng được đưa ra: khởi động các chiến dịch truyền thông lớn để tăng tỷ lệ tiêm chủng trong các nhóm thiểu số. Việc này không mang lại hiệu quả vì nhiều người dân thuộc các nhóm này không tin tưởng vào chính phủ và vaccine, tương tự như tình huống ở Nhật Bản.

Một số nhóm thì lại vận động để được ưu tiên tiêm trước, nổi bật trong số đó là giáo viên. Các công đoàn giáo viên lập luận rằng vì họ tiếp xúc với trẻ em nên có nguy cơ bị lây nhiễm Covid. Các giáo viên đã từ chối đứng lớp trực tiếp cho đến khi họ được tiêm phòng.

Các chính quyền tiểu bang đã chấp nhận yêu cầu này. Sau đó, các giáo viên lại yêu cầu học sinh phải được tiêm phòng thì họ mới quay lại lớp. Tuy nhiên, nguy cơ nhiễm virus ở trẻ em là cực kỳ thấp. Các giáo viên không nhượng bộ và phải đến tháng 8, tháng 9 năm nay họ mới quay lại trường làm việc.

Điểm quan trọng nhất: các nước đang phát triển nên xem xét cơ chế ưu tiên tiêm chủng dựa trên Đánh giá nguy cơ nhiễm Covid-19 ở các nhóm dân. Việc sử dụng bất kỳ tiêu chí nào khác sẽ chỉ gây ra vấn đề về sự công bằng.

Cho phép khu vực tư nhân tham gia phân phối vaccine

Theo một nghiên cứu của Trường Đại học Duke, nhiều quốc gia đang cho phép các công ty tư nhân tham gia vào các chương trình tiêm chủng, chủ yếu là để đẩy nhanh tiến độ và gia tăng tiếp cận cho nhiều người hơn.

Indonesia và Ấn Độ cho phép các công ty tư nhân mua vaccine để tiêm chủng cho người lao động của mình. Philippines cho phép một số công ty nhất định được mua vaccine với điều kiện một nửa số vaccine mua về sẽ được chia sẻ cho chính phủ. Nga thành lập Quỹ đầu tư để bán vaccine Sputnik V cho các công ty tư nhân và thiết lập hệ thống phân phối tư nhân ở Ai Cập, Ấn Độ và Mexico.

Một vấn đề cần cân nhắc là liệu điều này có dẫn đến việc người có tiền sẽ có lợi thế hơn người nghèo trong tiêm chủng hay không?

Ấn Độ đã có câu trả lời: bởi vì chính phủ thiếu kinh phí nên việc cho phép những người có điều kiện tự bỏ tiền mua vaccine sẽ giúp giải phóng nguồn tiền để sử dụng tiền đó mua vaccine tiêm chủng cho người nghèo. Và vào lúc này, Ấn Độ cần vận dụng đến mọi biện pháp có thể để chống đại dịch.

Việc thực hiện chính sách mở trong mua sắm vaccine để cho phép các công ty tư nhân tham gia cần phải được thực hiện một cách thận trọng. Các hệ quả có thể xảy ra: giá vaccine có thể tăng, các nhà sản xuất vaccine có thể sẽ chọn bán cho người trả giá cao nhất, hoạt động gian lận có thể gia tăng và thị trường chợ đen có thể nở rộ.

Việt Nam đang vật lộn với làn sóng Covid-19 thứ 4, với số ca nhiễm sắp tới mốc 10.000 ca, gấp nhiều lần tổng số ca nhiễm của ba đợt trước đó. Ảnh: IE

Việt Nam đang vật lộn với làn sóng Covid-19 thứ 4, với số ca nhiễm sắp tới mốc 10.000 ca, gấp nhiều lần tổng số ca nhiễm của ba đợt trước đó. Ảnh: IE

Chương trình COVAX của WHO

Nhiều nước đang phát triển sẽ được hưởng lợi từ sáng kiến ​​Covax của WHO, LHQ cung cấp vaccine cho các nước cần. Các nước có thể hy vọng sáng kiến ​​này sẽ lan rộng khi nhiều nước phát triển không còn cần nhiều vaccine nữa. Chương trình COVAX đã có 1.12 tỉ liều vaccine đã và đang sẵn sàng phân phối.

Ngoài ra, tại cuộc họp G7 mới đây ở Anh, bảy thành viên đã cam kết tài trợ 1 tỉ liều vaccine. Các nhà sản xuất ở các nước phát triển cũng đã tăng cường năng lực sản xuất nên thế giới hoàn toàn có thể hy vọng. Nhưng cũng có một thực tế là các nước phát triển thường hứa cung cấp viện trợ mà không nhất thiết phải thực hiện.

Có lẽ tất cả các quốc gia nên bắt đầu tăng cường mua thuốc điều trị Covid. Các loại thuốc này đã chứng tỏ hiệu quả cao và như vậy sẽ không cần đến vaccine nữa. Các nước đang phát triển hoàn toàn có thể nghĩ đến việc dự trữ những loại thuốc này trong khi chờ có vaccine.

Hàm ý

Tôi tin rằng bài học quan trọng nhất về tiêm chủng Covid-19 cho các nước đang phát triển là nỗ lực chống đại dịch cần có sức mạnh tổng thể của cả chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Tất cả đều là các bên liên quan có vai trò và tầm quan trọng như nhau.

Đại dịch này chưa từng có tiền lệ nên không ai thực sự biết chính xác phải làm gì. Lòng tin, đặc biệt là thông qua chiến dịch truyền thông đầy đủ thông tin, minh bạch, chính xác là điều kiện tiên quyết.

Điều quan trọng không kém là các quốc gia phải nhanh nhạy, sẵn sàng thay đổi hướng đi khi cần thiết. Đồng thời, tất cả các bên liên quan phải tự chịu trách nhiệm và các nhà lãnh đạo phải có trách nhiệm giải trình./.

(Chuyển ngữ: Đào Thuý)