Cơ quan Quản lý Dược phẩm Châu Âu (EMA) trong một tuyên bố ngắn được công bố trên trang web của mình ngày hôm qua (10/12) cho biết, cơ quan này là “đối tượng của một cuộc tấn công mạng”. EMA đã phối hợp với các cơ quan thực thi pháp luật khởi động cuộc điều tra xem ai là kẻ đứng đằng sau vụ tấn công này.
EMA không thông tin chi tiết về cuộc tấn công, nhưng hãng BioNTech (Đức) công bố rằng các tài liệu về vắc xin của mình vốn được đệ trình lên EMA để xin cấp phép – nằm trên máy chủ của EMA – đã bị truy cập trái phép. Chưa rõ chính xác tài liệu nào đã bị truy cập và ai đã truy cập.
“Điều quan trọng cần lưu ý là máy chủ của BioNTech và Pfizer không liên quan đến sự cố này, và chúng tôi chưa rõ có nhà nghiên cứu nào liên quan đến việc truy cập vào dữ liệu đó”, đại diện BioNTech cho biết.
Công ty công nghệ sinh học của Đức cho biết họ đã quyết định công bố thông tin chi tiết về vụ hack “dựa trên những cân nhắc quan trọng về sức khỏe cộng đồng và tầm quan trọng của tính minh bạch”.
EMA là cơ quan cấp phép việc sử dụng thuốc trên toàn châu Âu. Hiện cơ quan này đang xem xét cấp phép cho 2 dòng vắc xin ngừa Covid-19, một là từ hãng Pfizer và BioNTech, hai là từ hãng Moderna. Chưa rõ các tài liệu của Moderna có bị truy cập trái phép không. EMA dự kiến sẽ công bố quyết định về việc vắc xin Covid-19 có an toàn để sử dụng trên toàn châu Âu hay không trong vài tuần tới.
“EMA đã đảm bảo với chúng tôi rằng vụ xâm nhập sẽ không ảnh hưởng đến tiến trình phê duyệt lưu hành thuốc”, BioNTech cho biết.
Tin tặc nhắm mục tiêu vắc xin
Tuần trước, các nhà nghiên cứu của IBM thông báo rằng tin tặc cũng đang cố gắng tấn công vào chuỗi cung ứng bảo quản lạnh được sử dụng để vận chuyển vắc xin ở nhiệt độ thấp. Các chuyên gia bảo mật nói rằng có một quốc gia có khả năng đứng sau vụ tấn công trên.
Các quan chức an ninh Mỹ hồi tháng 7 từng tuyên bố rằng tin tặc có liên hệ với chính phủ Nga đã cố gắng đánh cắp thông tin về nghiên cứu vắc xin Covid-19 của Mỹ, Canada và Anh. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Dmitry Peskov đã bác bỏ cáo buộc này.
Phản ứng với vụ việc trên, Trung tâm An ninh mạng Quốc gia của Anh (NCSC) tuyên bố rằng: “Chúng tôi luôn hỗ trợ việc nghiên cứu và sản xuất vắc xin Covid-19 của chính phủ thông qua việc ngăn chặn các vụ tấn công mạng”.
“Chúng tôi đang làm việc với các đối tác quốc tế để tìm hiểu tác động của sự cố này đến cơ quan quản lý y tế của châu Âu. Hiện tại không có bằng chứng nào cho thấy cơ quan quản lý y tế của Vương quốc Anh bị ảnh hưởng”, NCSC cho biết.