TS Phạm Anh Tuấn: Chuyển đổi số cần phòng ngừa “khúc giữa bị đóng băng”

Tổ chức, doanh nghiệp khi chuyển đổi số cần phòng ngừa hiện tượng “khúc giữa bị đóng băng”. Đó là sức ì, tâm lý ngại thay đổi, quen với quy trình vận hành cũ - TS Phạm Anh Tuấn (diễn giả, chuyên gia chuyển đổi số) chia sẻ với VietTimes.

"Số" đến gần với người dân

- Chuyển đổi số tại Việt Nam đã qua chặng đường 4 năm, ông đánh giá thế nào về quá trình này?

- Năm 2024, chúng ta thấy những kết quả rõ rệt từ các chủ trương, chính sách và chương trình hành động quyết liệt của Chính phủ nhiều năm qua trong việc thúc đẩy chính phủ số, xã hội số và kinh tế số.

TS Phạm Anh Tuấn.

Về kinh tế số, Việt Nam đứng thứ 41 về tỷ trọng kinh tế số trên GDP, tăng thứ hạng khá nhanh. Năm 2024, tỷ trọng kinh tế số nước ta đạt gần 19%, năm 2025 mục tiêu hơn 20%.

Về Chính phủ số, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong những năm qua. Quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị trong việc số hóa các thủ tục hành chính, tạo ra cơ sở dữ liệu dùng chung cho các bộ ngành.

Đặc biệt, việc tích hợp hàng loạt dịch vụ công vào ứng dụng VNeID đã tạo thuận lợi rất lớn cho người dân, làm tăng tính minh bạch của hệ thống, tăng tính kết nối giữa các bộ ngành, cơ quan quản lý Nhà nước hướng đến lợi ích tốt nhất cho người dân và tổ chức.

Về xã hội số, có thể thấy công nghệ số đã len lỏi vào mọi mặt trong cuộc sống của người dân: từ học tập, tìm kiếm thông tin, giải trí và cách con người giao tiếp, kết nối với nhau, thể hiện giá trị bản thân. Sự bùng nổ của mạng xã hội và AI - mang đến cả những tiện ích vượt trội, lẫn nguy cơ tiềm tàng cho người dùng.

Tuy nhiên, hệ lụy là rủi ro về lừa đảo, tin giả, truyền thông độc hại, ảnh hưởng đến phát triển nhân cách của giới trẻ. Thói quen tiêu thụ thông tin ngắn, nhanh hay việc lạm dụng các ứng dụng AI tạo sinh trong học tập có thể ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng học của giới trẻ.

- Mặc dù đạt được nhiều thành tựu, nhưng trong báo cáo thường niên về chuyển đổi số doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố năm 2024 cho thấy, nhiều doanh nghiệp vẫn loay hoay tìm giải pháp phù hợp, thưa ông?

- Đúng vậy. Mức độ ứng dụng số của nhiều doanh nghiệp nước ta còn thấp so với khu vực, có thể cản đà tăng trưởng của kinh tế số nói chung.

Các nền tảng số dùng chung cho doanh nghiệp còn ít về số lượng, chưa gắn với các nhu cầu kinh doanh và bị lấn át bởi các nền tảng số nước ngoài. Thực tế, chưa có mạng xã hội nào của Việt Nam thực sự thành công ngoài Zalo, dù Zalo chủ yếu được sử dụng như ứng dụng nhắn tin.

Cùng với đó, nhận thức và hiểu biết của người dân về an ninh mạng, nguy cơ tiềm tàng của mạng xã hội còn hạn chế. Đây là kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng kiếm tiền bất chính.

Thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp chuyển đổi số thành công nhưng cũng nhiều trường hợp thất bại.

- Theo ông, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong nước đang chuyển đổi số như thế nào. Khó khăn lớn nhất của họ hiện là gì?

Các DNNVV (chiếm 98%) chưa nhận thức đầy đủ và đúng đắn về vai trò của chuyển đổi số. Chỉ 31% doanh nghiệp trong đó đang ở bước đầu quá trình chuyển đổi số, 53% đang quan sát, chỉ 3% hoàn thiện cơ bản quá trình này.

Đa số DNNVV vẫn xem chuyển đổi số như việc ứng dụng một phần mềm, công cụ số nào đó vào doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu kinh doanh, vận hành cụ thể.

DNNVV đang thiếu tư duy chiến lược và phương pháp luận trong chuyển đổi số, nên chưa thể đưa ra các quyết định thực thi chuyển đổi số gắn với chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, hay phù hợp với bối cảnh thay đổi của thị trường, của ngành trong 5 đến 10 năm tới.

Nhận thức chưa đúng, chưa toàn diện dẫn đến bức tranh chuyển đổi số tại các DNNVV khá manh mún, rời rạc, khó mang lại hiệu lớn cho doanh nghiệp... ngoài việc họ đã tích cực tham gia thương mại điện tử.

Ứng dụng “đói” người dùng, doanh nghiệp “đóng băng” khúc giữa

- Ông nói chuyển đổi số không phải "vị công nghệ" và thực tế chỉ 40% doanh nghiệp Việt Nam hiểu được bản chất thực sự của chuyển đổi số?

- Chuyển đổi số là công cuộc chuyển đổi tư duy, con người, văn hóa và tổ chức, trong đó công nghệ đóng vai trò hỗ trợ.

Khi tập trung quá mức vào phần “số” hay yếu tố công nghệ, xem nhẹ yếu tố chuyển đổi tổ chức và văn hóa số cũng không thể hiệu quả. Thực tế, có hiện tượng doanh nghiệp, tổ chức bỏ tiền, hay thuê đối tác công nghệ phát triển một ứng dụng, phần mềm nào đó nhưng mức độ sử dụng khá thấp, hoặc chỉ một vài cá nhân, bộ phận sử dụng. Ứng dụng hay phần mềm mới có nguy cơ “đói người dùng” và không mang lại giá trị cho tổ chức.

Các doanh nghiệp khi triển khai chuyển đổi số cần phòng ngừa hiện tượng “khúc giữa bị đóng băng”. Đó chính là sức ì, tâm lý ngại thay đổi, quen với quy trình vận hành cũ của đội ngũ quản lý cấp trung.

Ở nhiều nơi, ban lãnh đạo rất quyết tâm chuyển đổi số, đội ngũ nhân viên thực thi chào đón công nghệ và ý tưởng mới..., nhưng đội ngũ quản lý cấp trung lại tỏ ra không hào hứng, đứng ngoài cuộc và vô tình trở thành nút thắt cho tiến trình chuyển đổi số.

Doanh nghiệp thất bại trong chuyển đổi số do quyết định vội vàng khi chưa có chiến lược, lộ trình phù hợp. Ảnh minh hoạ.

- Nhà nước đang có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Có nhiều doanh nghiệp muốn “đốt cháy giai đoạn” chuyển đổi số để hưởng ưu đãi chính sách. Họ sẽ đối mặt với nguy cơ gì?

- Đốt cháy giai đoạn có cả mặt tích cực và tiêu cực. Tích cực ở chỗ các ứng dụng “đốt cháy giai đoạn” kiểu “quickwin” có thể tạo ra tâm lý hứng khởi cho tổ chức khi thực thi chuyển đổi số, giúp thu hút sự quan tâm, ủng hộ của các bên liên quan.

Ví dụ, doanh nghiệp có thể chi tiền mua phần mềm dưới dạng dịch vụ đáp ứng nhu cầu quản lý công việc, chăm sóc khách hàng, chữ ký số, hay họp trực tuyến với chi phí hợp lý. Việc này mang lại các lợi ích mà mọi người có thể nhìn thấy ngay, từ đó họ hào hứng tham gia tích cực vào các dự án chuyển đổi số có quy mô lớn hơn sau này.

Tuy nhiên, điểm tiêu cực có thể đến từ sự vội vã mua các ứng dụng phần mềm phức tạp, ngốn nhiều ngân sách và tài nguyên, trong khi chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt tổ chức, chưa chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ, chưa có đội ngũ triển khai đủ tầm, chưa tổ chức quản trị dữ liệu khoa học. Việc này không khác gì xây lâu đài trên cát, dự án có nguy cơ vỡ vụn hoặc trở thành “ốc đảo” trong quá trình triển khai.

Ác cảm với thất bại tạo lực cản chuyển đổi số

- Để chuyển đổi số thành công trong bối cảnh hiện nay, các tổ chức, doanh nghiệp cần chuẩn bị thế nào để phát huy lực đẩy, giảm lực cản?

-Chuyển đổi số chính là tiến trình chuyển đổi tổ chức, trong đó lãnh đạo và văn hóa đóng vai trò chủ chốt, được hỗ trợ bởi các hoạt động truyền thông nội bộ bền bỉ.

Lãnh đạo phải dấn thân và làm gương trong các dự án chuyển đổi số. Để chuyển đổi số thành công, phát huy các “lực đẩy”, họ phải chỉ huy công cuộc chuyển đổi, truyền cảm hứng và tuyên dương kịp thời những đội nhóm, cá nhân đạt kết quả.

Nhiều dự án chuyển đổi số có tính chất giống với khởi nghiệp, đòi hỏi một nền văn hóa đề cao sự thử nghiệm, không ác cảm với thất bại. Nếu chính lãnh đạo ác cảm với thất bại, đội ngũ quản lý cấp trung sẽ sợ thất bại, trở thành lực cản trong tiến trình chuyển đổi số của tổ chức.

- Các tổ chức, doanh nghiệp cần lưu ý gì để phát huy những thành quả chuyển đổi số trong thời gian qua, thưa ông?

- Tôi cho rằng tiến trình tinh gọn bộ máy tạo ra hai xung lực quan trọng cho chuyển đổi số tổ chức.

Thứ nhất, yêu cầu về cải tổ và tinh gọn bộ máy tạo ra cú hích mạnh, chất xúc tác mới tiếp tục đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Sức ép từ cải tổ, tinh gọn bộ máy buộc các cơ quan, doanh nghiệp phải tăng tốc ứng dụng công nghệ số để duy trì và tăng hiệu quả công việc.

Thứ hai, việc chuẩn hóa quy trình, tinh gọn quản trị vốn dĩ là điều kiện cần cho quá trình ứng dụng công nghệ số thành công.

Theo tôi quá trình tinh gọn bộ máy có 3 giai đoạn: Phá băng, chuyển đổi và tái đóng băng. Các dự án chuyển đổi số lớn liên quan tới toàn bộ tổ chức nên được giãn tiến độ, đợi tới khi quá trình “tái đóng băng”, tổ chức hoàn tất mới trở lại tốc độ hoặc quy mô triển khai như trước đây.

Khi tiến hành tinh gọn bộ máy, tổ chức, doanh nghiệp cần có các đội nhóm thực thi liên chức năng, bao gồm các thành viên chủ chốt tham gia vào các dự án chuyển đổi số. Có như vậy mới tạo ra tính kế thừa cho các dự án chuyển đổi số và đảm bảo tính liên tục trong hoạt động quản trị vận hành, tránh những xáo trộn về mặt tổ chức khiến hoạt động chuyển đổi số bị gián đoạn, đứt gẫy.

-Xin cảm ơn ông!