Lương Việt Quốc sinh ra trong một gia đình có 9 anh chị em. Gần 50 năm trước, bố mẹ Quốc trở về TP.HCM từ vùng kinh tế mới, dựng căn nhà tạm chỉ vỏn vẹn 10 m2 tại xóm Gò Mả bên nhánh bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Thời điểm đó, xóm Gò Mả là nơi người vô gia cư kéo về dựng nhà tạm sát với các khu mộ, cuộc sống mưu sinh đầy vất vả. Tuổi thơ Lương Việt Quốc gắn bó với dòng kênh đen.
Hàng ngày, sau giờ đi học, đợi nước thủy triều trên con rạch rút xuống, Quốc xuống kênh bới rác để tìm phế liệu, ban đêm phải dầm mình dưới dòng nước đen kịt suốt 5- 6 tiếng đồng hồ để mò giun đem bán, nhưng tiền thu về cũng chỉ đủ mua 1 kg gạo. Đôi chân của ông chằng chịt những vết thương vì dẫm phải thủy tinh.
Do chu kỳ thủy triều cách nhau 25 tiếng, nên ngày hôm trước ông xuống kênh buổi tối thì hôm sau sẽ phải xuống muộn hơn vào lúc nửa đêm. Nhiều đêm trời mưa, bụng đói cồn cào nhưng ông vẫn phải xuống dưới kênh để mò phế liệu.
Ký ức tuổi thơ của ông Quốc còn là những đêm mưa to gió lớn, căn nhà dột nát phải nhồi giẻ rách để ngăn nước mưa. Chín anh em đầu che nilon, co ro ngồi ngủ ở các góc nhà.
Lương Việt Quốc may mắn hơn những đứa trẻ cùng xóm nghèo ông không phải bỏ học để mưu sinh. Trong khi những đứa trẻ cùng trang lứa bỏ học từ lớp 3 thì Lương Việt Quốc vẫn bám trụ vì nhớ lời dặn của bà nội.
“Động lực duy nhất khiến tôi không bỏ học xuất phát từ bà nội. Bà luôn dặn đi dặn lại rằng chỉ có học mới thay đổi được cuộc đời”, TS Lương Việt Quốc nhớ lại.
Không thi đỗ đại học, ông Quốc không nản chí, mà học trung cấp tại trường Trung học Tài chính TP.HCM, rồi đăng ký học tiếp lên hệ đại học, dành nhiều thời gian để học tiếng Anh. Từ một anh chàng “gà mờ” về ngoại ngữ, ông đã trở thành người có điểm TOFEL cao thứ 6 trên 150 thí sinh tại kỳ thi năm 1994 do Ủy ban Hợp tác Khoa học Kỹ thuật Việt - Mỹ tổ chức.
8 năm sau, đến năm 2002, Lương Việt Quốc đã giành được học bổng sau đại học Fulbright. Ông đã theo học chương trình thạc sĩ kinh tế tại Đại học Cornell. Trong thời gian học thạc sĩ, ông đã học tiếp các môn chuẩn bị cho chương trình tiến sĩ. Nhờ thành tích xuất sắc mà ông đã nhận được chương trình học bổng từ 8 trường đại học.
Từ năm 2004 đến năm 2011, ông Quốc đã theo học và lấy bằng tiến sĩ tại Viện đại học California-Berkeley. Sau khi tốt nghiệp, tiến sĩ Lương Việt Quốc làm việc tại Washington DC.
Là một tiến sĩ kinh tế, nhưng TS Quốc lại đam mê với lĩnh vực kỹ thuật. Nhận thấy tiềm năng trong lĩnh vực drone, ông thành lập Công ty Realtime Robotics tại Mỹ vào năm 2014. Với nền tảng kiến thức từ chương trình sau đại học và kinh nghiệm sống phong phú, ông hướng công ty đến mục tiêu phát triển các giải pháp công nghệ tối ưu phục vụ nhiều ngành công nghiệp, từ quốc phòng đến dân sự.
Năm 2017, ông mở chi nhánh sản xuất tại Việt Nam, đặt trụ sở tại Khu Công nghệ cao TP.HCM và tập hợp gần 50 cộng sự nhiệt huyết, tài năng. Họ đã thiết kế, sản xuất mẫu drone mang thương hiệu Hera, với những tính năng vượt trội so với các sản phẩm cùng loại của NATO.
So với các loại drone cùng kích cỡ, cùng phân khúc, Hera có thể gấp gọn trong balo cá nhân để mang sau lưng. Nếu như các loại drone cùng kích thước chỉ mang được vật nặng 4 kg thì Hera mang được 15 kg, gấp gần 4 lần.
Về thiết kế, trong khi các drone trên thế giới chỉ lắp được 1 camera dưới bụng, Hera có thể gắn được 4 camera phủ 360 độ, tăng hiệu quả giám sát lên 4 lần. Thậm chí các kỹ sư của Realtime Robotics còn thiết kế khung chống rung (OmniSight Gimbal) mang 2 camera, được điều khiển như 2 mắt của tắc kè, phối hợp với nhau hoặc hoạt động độc lập, thu thập hình ảnh theo thời gian thực, khiến nó được mệnh danh là “thiên lý nhãn” của Hera.
Phần lớn các bộ phận quan trọng của Hera như thân vỏ, cánh tay, bo mạch, phần mềm điều khiển do kỹ sư Việt Nam thiết kế, chế tạo. Nếu bay không tải, Hera có thể bay được 58 phút, một tải là 53 phút. Nếu bay đủ 4 tải (15 kg) là 16 phút.
Nó có thể được ứng dụng trong quốc phòng (tác chiến, trinh sát, thả vũ khí, quét lập bản đồ, dò phóng xạ), hoặc trong dân sự (quản lý rừng, phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn, vận chuyển logistic).
Trong cuộc thử nghiệm bay cứu hộ tại sân bay Manching ở Đức ngày 25/9/2023, Hera đã gây ấn tượng mạnh mẽ với các chuyên gia đến từ các công ty công nghệ nổi tiếng như Airbus Defense and Space GmbH, Skyroads AG, NetCopter Innovation, Quantum Systems, Acentis.
Idan Tessler, cựu phi công lái máy bay chiến đấu F16 trong quân đội Israel sau khi điều khiển Hera đã nhận xét rằng drone này rất nhạy, điều khiển trực quan, thoải mái và tạo ra âm thanh ấn tượng. Các chuyên gia quân sự của Israel cũng đánh giá cao Hera nhờ khả năng thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện khắc nghiệt, bao gồm chiến tranh điện tử và vượt qua hệ thống phòng không.
Ông J.T. VonLunen, Chủ tịch RMUS, công ty chuyên cung cấp dịch vụ máy bay không người lái cho các cơ quan chính phủ, tập đoàn và trường đại học khu vực Bắc Mỹ, nhận xét: “Realtime Robotics đã phát triển một loại máy bay không người lái có một không hai. Nó có sức nâng đáng kinh ngạc, thời gian bay dài và rất nhỏ gọn. Rất khó để thiết kế một máy bay không người lái có tất cả các tính năng này”.
Giá bán Hera là hơn 50.000 USD/chiếc, cao hơn 1,5 lần so với các sản phẩm cùng loại, nhưng các đối tác nước ngoài vẫn hứng thú và đặt mua mẫu drone này. Công ty của TS Lương Việt Quốc đã có hợp đồng trị giá 5 triệu USD xuất khẩu Hera sang Mỹ, và tới đây là thị trường châu Âu. Tại Việt Nam, drone này đang được Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) sử dụng thử nghiệm.
Đối với TS Lương Việt Quốc, thành công không chỉ là doanh thu hay thị phần mà còn là khả năng truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Ông nhấn mạnh rằng mỗi cá nhân đều có thể thay đổi cuộc đời mình và góp phần phát triển cộng đồng, nếu được trao cơ hội và có sự nỗ lực không ngừng.
Từ một cậu bé nhặt rác, TS Lương Việt Quốc đã vượt qua khó khăn để trở thành lãnh đạo một công ty công nghệ toàn cầu. Drone Hera, với sự sáng tạo và chất xám thuần Việt, đã trở thành biểu tượng của niềm tự hào dân tộc và sức mạnh trí tuệ. Câu chuyện của ông không chỉ mang lại cảm hứng mà còn cho thấy với ý chí và tầm nhìn, người Việt Nam hoàn toàn đủ sức sáng tạo ra các sản phẩm công nghệ cao vươn tầm thế giới.