Chuyển đổi số, kinh tế số bứt tốc, tạo đà để Việt Nam vươn mình

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chính phủ số, kinh tế số chuyển mình bứt tốc mạnh mẽ tạo điều kiện để đất nước vươn mình trong kỷ nguyên công nghệ số. Tuy nhiên, để tận dụng được những cơ hội này, Việt Nam cần giải quyết nhiều thách thức và đầu tư vào hạ tầng số, nhân lực số.

Chuyển đổi số trở thành cú hích thúc đẩy năng suất lao động.
Chuyển đổi số trở thành cú hích thúc đẩy năng suất lao động.

Chính phủ số, kinh tế số chuyển mình bứt tốc

Với vị thế là một trong những quốc gia hàng đầu trong khu vực về phát triển hạ tầng số, Việt Nam đang nỗ lực không ngừng để xây dựng một nền tảng số hiện đại và đồng bộ.

Theo báo cáo Chính phủ điện tử (EGDI) của Liên Hợp Quốc công bố tháng 9/2024, lần đầu tiên Việt Nam chuyển từ mức “cao” sang “rất cao”, tăng 15 bậc, từ hạng 86 năm 2022 lên hạng 71/193 quốc gia.

Liên Hợp Quốc nhận xét, việc các nước như Việt Nam được thăng hạng từ nhóm EGDI cao lên rất cao phản ánh thành công trong củng cố hạ tầng số, mở rộng kết nối Internet, áp dụng các khung Chính phủ điện tử mạnh mẽ. Đầu tư đáng kể của Việt Nam vào dịch vụ công trực tuyến được phản ánh trong thứ hạng mới.

Về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu, theo báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (Global Innovation Index - GII) 2024 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam xếp hạng 44/133 quốc gia, tăng 2 bậc so với năm 2023. Trong đó, có 3 chỉ số đứng đầu thế giới là nhập khẩu công nghệ cao, xuất khẩu công nghệ cao và xuất khẩu hàng hóa sáng tạo.

Năm vừa qua, thị trường thương mại điện tử Việt Nam ghi nhận vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, giữ vững vị trí trong top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới. Thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai rộng khắp, với tỷ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt gần 90%, vượt mục tiêu năm 2025 là 80%.

Cũng trong năm 2024, hai nhà mạng Viettel và VinaPhone đã triển khai thương mại hóa 5G với nhiều dịch vụ kèm theo. Đây là bước tiến không chỉ khơi thông "huyết mạch" của chuyển đổi số quốc gia, mà còn là hạ tầng quan trọng để phát triển kinh tế số, xã hội số của đất nước.

Nỗ lực khai thác thương mại 5G của các nhà mạng đã nâng thứ hạng internet Việt Nam trên toàn cầu. Việt Nam bứt tốc 8 bậc, lên vị trí 43 sau khi có mạng 5G đầu tiên, với mức tăng trưởng 31% - mức tăng mạnh nhất theo đánh giá của Ookla (Công ty đo kiểm dữ liệu internet, Mỹ).

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, ngành thông tin và truyền thông hiện nay có doanh thu hằng năm 150 tỷ USD, bằng 1/3 GDP của đất nước và tăng trưởng luôn cao hơn 2 lần tăng trưởng GDP.

Hạ tầng số là "xương sống" của kinh tế số trong kỷ nguyên công nghệ

Với những kết quả đã đạt được trong năm 2024, năm 2025 được kỳ vọng sẽ tiếp tục là năm bứt phá, hướng tới thực hiện thành công Chương trình Chuyển đổi Số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Theo mục tiêu Chính phủ đặt ra ngay trong năm 2025, tất cả các tỉnh, thành, các khu công nghệ cao đều có dịch vụ di động 5G; triển khai tối thiểu 2 tuyến cáp quang biển quốc tế mới; phát triển các trung tâm dữ liệu hỗ trợ Trí tuệ nhân tạo (AI). Mỗi người dân sẽ có một kết nối IoT và một định danh số; tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số đạt trên 50%. Đặc biệt, Việt Nam sẽ phát triển các nền tảng công nghệ số như IoT, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, và dữ liệu lớn, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế và xã hội.

Với các mục tiêu trên, các chuyên gia công nghệ cho rằng việc phát triển hạ tầng số giữ vai trò chiến lược, là “xương sống” của kinh tế số trong kỷ nguyên công nghệ.

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh chuyển đổi số cần hạ tầng số, hạ tầng số là hạ tầng chiến lược, giống như giao thông, điện và luôn phải đi trước, đầu tư trước, có tầm nhìn xa, có khả năng mở rộng cho hàng chục năm.

Đất nước ta đang đứng trước vận hội mới, vừa là thời cơ nhưng cũng là thách thức trên con đường phát triển. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân và của cả hệ thống chính trị, chúng ta nhất định sẽ thực hiện thành công cuộc cách mạng chuyển đổi số, đưa đất nước ta, dân tộc ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Quan điểm phát triển hạ tầng số cũng được Chính phủ xác định rõ ràng, bao gồm việc coi hạ tầng số là hạ tầng của nền kinh tế, đóng vai trò then chốt trong phát triển kinh tế số, xã hội số và Chính phủ số. Hạ tầng số của Việt Nam sẽ được phát triển với dung lượng siêu lớn, băng thông rộng, bền vững, xanh, thông minh và an toàn. Chính phủ cũng đặt mục tiêu xây dựng một hạ tầng số tiên tiến, hiện đại ngang tầm với các nước phát triển trên thế giới.

Thực tế, với những đầu tư mạnh mẽ về hạ tầng cùng nhiều chính sách, cam kết đầu tư của Chính phủ thời gian qua, Việt Nam đã thu hút và trở thành điểm đến của hàng loạt tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới. Trong đó, có thể kể đến sự kiện gã khổng lồ chip bán dẫn NVIDIA mở 2 trung tâm nghiên cứu AI tại Việt Nam.

Nhân lực số là “chìa khóa” cho thành công

Bên cạnh hạ tầng số, việc phát triển nhân lực số cũng giữ vai trò rất quan trọng, có thể xem là “chìa khóa” quyết định thành công của chuyển đổi số, phát triển kinh tế số.

base64-17344874495941697335108.png
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình

Chia sẻ về giải pháp để chuyển đổi số thành công, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cho biết các tổ chức cần tăng cường liên kết, hợp tác để nghiên cứu và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số.

“Khi chúng tôi tham khảo kinh nghiệm ở Trung Quốc, họ có chiến lược phát triển nguồn lực theo 3 cấp: thu hút nhân tài, đào tạo nhân tài và giữ chân nhân tài cho chuyển đổi số.

Trọng trách này đặt lên vai Nhà nước, nhưng cũng đặt lên vai các doanh nghiệp. Người ta đã chứng minh rằng thu hút và giữ chân nhân tài không chỉ có lương và đãi ngộ.

Hai yếu tố quan trọng hơn chính là môi trường làm việc, khả năng giao tiếp với đồng nghiệp, chia sẻ, trao đổi, để phát triển các ý tưởng; và cơ hội cống hiến cho sự phát triển của công nghệ số. Đây là 2 yếu tố để chính giữ chân và phát huy nhân tài chuyển đổi số”, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nói.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực, quan điểm xuyên suốt của Đảng, Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực phát triển. Các bộ, ngành, địa phương phải đổi mới tư duy, nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của chuyển đổi số quốc gia trong phát triển kinh tế số và xã hội số.

Chúng ta phải thấy được phát triển kinh tế số, xã hội số là động lực quan trọng để phát triển, là điều kiện để tăng năng suất lao động, là phương thức giải quyết thách thức, khó khăn trong quá trình phát triển. Đây là lời giải cho các bài toán cạn kiệt tài nguyên, già hoá dân số, phát triển bền vững, hiệu quả quản trị năng suất lao động.