Trung Quốc tung chiêu mới hòng hợp thức hóa thôn tính Hoàng Sa

Bắc Kinh có kế hoạch biến quần đảo Hoàng Sa mà họ dùng vũ lực chiếm của Việt Nam năm 1974, thành một khu du lịch giải trí tương tự như quần đảo Maldives nổi tiếng ở Ấn Độ Dương. Theo AFP, động thái này của Trung Quốc sẽ khiến tình hình khu vực thêm căng thẳng.
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc xâm chiếm bằng vũ lực
Đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc xâm chiếm bằng vũ lực

Theo nhật báo China Daily, Tiêu Kiệt là thị trưởng của cái gọi là «thành phố Tam Sa», tên đơn vị hành chính được Bắc Kinh trao quyền quản lý Biển Đông một cách phi pháp, cho biết Trung Quốc hy vọng sẽ biến khu vực quanh đảo Phú Lâm, hòn đảo chính ở vùng Hoàng Sa, thành nơi hút khách du lịch. Đó sẽ là những nơi «không có sự hiện diện của quân đội», Tiêu Kiệt nói.

Tiêu vẽ ra nhưng cảnh tượng như những chuyến bay du lịch trên biển, lướt sóng, câu cá, lặn dưới biển, hay dịch vụ đám cưới trên đảo. Tuy nhiên, Tiêu Kiệt cũng thừa nhận rằng việc này sẽ rất khó khăn.

Trong chiến lược khẳng định quyền kiểm soát thực tế tại Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), Trung Quốc đã dùng đến vũ khí du lịch.

Ngay từ năm 2013, Trung Quốc đã ngang nghiên cho mở tuyến du lịch bằng đường thủy đến Hoàng Sa, với một du thuyền duy nhất. Chiếc thứ hai sắp được đưa vào hoạt động. Theo quan chức Trung Quốc được AFP trích dẫn, cho đến nay, đã có khoảng 30.000 «du khách» Trung Quốc đi thăm Hoàng Sa theo kiểu này, với 16.000 người, riêng trong năm 2015.

Trung Quốc cũng dự định mở các đường bay thương mại thường xuyên giữa đảo Hải Nam và đảo Phú Lâm, để đẩy mạnh tuyến du lịch này. Mục tiêu chính trị của kế hoạch du lịch Hoàng Sa của Trung Quốc rất rõ khi tuyến du lịch chỉ dành riêng cho người Trung Quốc, trong lúc các quan chức chính quyền đã khuyến khích người dân thể hiện «tinh thần yêu nước» bằng cách đi du lịch Hoàng Sa.

Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như các quyền hợp pháp của Việt Nam đối với các vùng biển của mình được xác định phù hợp với các quy định trong Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Việc làm này của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam đối với các vùng biển của Việt Nam, đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).