CNBC dẫn nguồn tin giấu tên của tình báo Mỹ cho biết Trung Quốc đã triển khai các tên lửa hành trình chống hạm và các hệ thống tên lửa đất đối không tại 3 đảo nhân tạo mà nước này bồi lấp, xây dựng trái phép trên đá Chữ Thập, đá Xu Bi và đá Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Hành động này sẽ tạo điều kiện cho Trung Quốc tăng cường kiểm soát tại khu vực tranh chấp.
Các tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B sẽ cho phép Trung Quốc tấn công các tàu mặt nước trong bán kính 295 hải lý quanh khu vực lắp đặt. Trong khi đó, hệ thống phòng không tầm xa HQ-9B có thể tác chiến nhằm vào máy bay, phương tiện không người lái và tên lửa hành trình trong khoảng 160 hải lý.
Tên lửa hành trình Trung Quốc.
Theo CNBC, những hệ thống phòng không này cũng xuất hiện trên ảnh vệ tinh chụp đảo Phú Lâm, tại quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Các hệ thống tên lửa đã được đưa triển khai tại 3 thực thể địa lý Trung Quốc bồi lấp phi pháp thành đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) trong 30 ngày qua, ngay sau khi Trung Quốc lắp đặt trái phép hệ thống tác chiến điện tử ở Trường Sa.
Nếu sự kiện này là đúng, những hành động khiêu khích nói trên xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và trái với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc, tinh thần Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình và không có lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.
Ảnh vệ tinh chụp những công trình xây dựng trái phép của Trung Quốc.
Ông Greg Poling, một chuyên gia về Biển Đông tại Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington cho biết việc Trung Quốc triển khai tên lửa tại khu vực Trường Sa là một sự kiện rất quan trọng: "Đây sẽ là những tên lửa đầu tiên được triển khai tại Trường Sa - dù nó là tên lửa đất đối không hay chống hạm... Trước đây, Trung Quốc theo dõi tất cả các hoạt động của những nước trên Biển đông. Giờ đây thì các nước lại phải đi lại trong tầm tên lửa của Trung Quốc. Đây là một mối đe dọa thực sự", chuyên gia Poling nhấn mạnh.
Mỹ vốn luôn lên án và phản đối việc Trung Quốc xây dựng trái phép các công trình quân sự trên Biển Đông và quân sự hóa khu vực. Tháng 7/2016, Tòa án Trọng tài quốc tế đã bác bỏ cái gọi là 'đường chín đoạn' phi pháp, bất chấp luật pháp quốc tế do Trung Quốc tự tiện vẽ ra ở Biển Đông.