Hạm đội tàu chiến Trung Quốc bị Mỹ soi kỹ , Trung Quốc thấy "vô cùng nguy hiểm"
Ngày 26/3, hãng tin Reuters dẫn hình ảnh vệ tinh của Planet Labs cho thấy có 43 tàu chiến của hải quân Trung Quốc trong đó có tàu sân bay Liêu Ninh tập kết ở khu vực đảo Hải Nam. Đây là "hạm đội mạnh nhất" của Trung Quốc cho đến nay trong lịch sử, điều này gây chú mạnh cho dư luận quốc tế.
Theo nhiều hình ảnh hơn, sự tập kết của hạm đội Trung Quốc phải bắt đầu từ ngày 21/3/2018. Khi đó nhiều tàu chiến đã xuất hiện ở quân cảng Tam Á, đảo Hải Nam.
Vào ngày 24/3, tàu sân bay Liêu Ninh đã đến quân cảng Tam Á và trực tiếp rời cảng. Ngày 25/3, ở vùng biển lân cận đảo Hải Nam, có rất nhiều tàu chiến hoạt động, nhưng khi đó hình ảnh vệ tinh không phát hiện ra tàu sân bay Liêu Ninh.
Đến ngày 26/3, hình ảnh vệ tinh đã chụp được 43 tàu chiến tập kết. Qua hình ảnh có thể thấy có sự tham gia của tàu sân bay Liêu Ninh, tàu tên lửa song thể Type 022. Đáng chú ý là có 6 tàu ngầm đi đầu trong hạm đội.
Các thông tin sau đó cho biết, ngày 27/3, tàu sân bay Liêu Ninh vẫn ở lân cận đảo Hải Nam, tàu tiếp tế siêu lớn Hô Luân Hồ và một số tàu chiến đã quay lại cảng. Do các yếu tố như trời có nhiều mây đen, từ ngày 27 - 29/3, không thể xác định được vị trí của tàu sân bay Liêu Ninh. Mặc dù vậy, cứ theo "truyền hình trực tiếp" của nhiều vệ tinh quân sự Mỹ thì khi có chiến tranh thực sự xảy ra, tình hình sẽ “vô cùng nguy hiểm”.
Tàu sân bay Trung Quốc và Mỹ sẽ "chạm trán"?
Theo công bố của trang web Hiệp hội hải quân Mỹ và tờ Thời báo Eo biển Singapore, ngày 2/4, tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Theodore Roosevelt đã đến Singapore, tiến hành thăm định kỳ. Cùng đi còn có tàu tuần dương USS Bunker Hill CG-52, tàu khu trục USS Sampson DDG-102 và liên đội máy bay số 17.
Được biết, cụm tấn công tàu sân bay USS Theodore Roosevelt rời lãnh thổ Mỹ từ tháng 10/2017, đến Trung Đông thực hiện nhiệm vụ tuần tra. Ngày 26/3, cụm tấn công tàu sân bay này kết thúc triển khai ở Trung Đông, chạy hướng đông để quay trở về bờ biển phía tây nước Mỹ, tiến vào vùng "phụ trách" của Hạm đội 7.
Trong thời gian quay trở về, tàu này sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động như an toàn hàng hải, tiến hành tập trận chung với hải quân các nước khác, đồng thời đến thăm các cảng biển.
Ngày 27/3, cụm tấn công tàu sân bay này đã tiến hành tập trận chung với tàu hộ vệ INS Tarkash của hải quân Ấn Độ. 10 binh sĩ hải quân Ấn Độ đã lên tham quan tàu khu trục USS Preble DDG 88 hải quân Mỹ, 10 binh sĩ hải quân Mỹ cũng đã tham quan tàu hộ vệ INS Tarkash.
Sau khi cụm tấn công tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tiến vào Biển Đông, Hải quân Mỹ có 3 tàu sân bay ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Tháng 3/2018, cụm tấn công tàu sân bay USS Carl Vinson cũng đến Biển Đông, nhưng hiện đang hoạt động ở vùng biển Guam. Trong khi đó, tàu sân bay USS Ronald Reagan thường trú ở Nhật Bản, đang tiến hành bảo dưỡng tại cảng, dự tính tháng tới sẽ triển khai hành động theo kế hoạch.
Ngoài tàu sân bay, tàu tấn công đổ bộ lớp Wasp lần đầu tiên mang theo máy bay chiến đấu tàng hình F-35B của Mỹ vẫn đang tiến hành huấn luyện ở khu vực Đông Á.
Theo tờ Chosun Ilbo Hàn Quốc, Mỹ có kế hoạch cử tàu tấn công đổ bộ lớp Wasp tham gia cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn, máy bay F-35B cũng xuất hiện trong cuộc tập trận.
Theo các chuyên gia quân sự, việc mang theo máy bay chiến đấu tàng hình F-35B giúp tăng mạnh khả năng tấn công, phòng thủ của tàu tấn công đổ bộ Mỹ, sức chiến đấu tổng thể tương đương, thậm chí vượt tàu sân bay hạng trung của các nước khác.
Như vậy, lần này, hải quân Mỹ lại có 3 tàu sân bay cùng xuất hiện ở khu vực Tây Thái Bình Dương. Tháng 11/2017, 3 tàu sân bay gồm USS Ronald Reagan, USS Theodore Roosevelt và USS Nimitz đã cùng 11 tàu khu trục tiến hành tập trận chung. Đây là lần tiếp theo hải quân Mỹ có 3 tàu sân bay cùng tham gia một cuộc tập trận sau 10 năm (năm 2007).
Về lý thuyết, 3 tàu sân bay đủ để ứng phó một cuộc chiến tranh cục bộ có quy mô vừa và nhỏ, vì vậy mỗi lần Mỹ tập kết 3 tàu sân bay ở khu vực Tây Thái Bình Dương đều gây chú ý đặc biệt cho dư luận quốc tế.
Tuy nhiên, khả năng hải quân Mỹ tổ chức cuộc tập trận có sự tham dự của 3 tàu sân bay trong thời điểm hiện nay là tương đối nhỏ. Theo nhà nghiên cứu Hồ Ba, Trung tâm nghiên cứu chiến lược biển, Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc, do tàu sân bay USS Ronald Reagan hiện đang tiến hành bảo dưỡng, nhìn vào tình hình bình thường, đến tháng 5 hoặc tháng 6/2018 tàu này mới ra khơi. Vì vậy, hiện nay, Mỹ khó có thể tổ chức tập trận "3 tàu sân bay" ở khu vực Tây Thái Bình Dương.
Cụm tấn công tàu sân bay USS Theodore Roosevelt có khả năng sẽ có những "động thái nhỏ" ở Biển Đông. Điều này phù hợp với cách làm nhất quán "không để uổng phí chuyến đi" của hải quân Mỹ. Sina cho rằng những hành động này chỉ mang tính tượng trưng, khẳng định sự hiện diện của quân đội Mỹ. Sau đó, cụm tàu sân bay này sẽ tiếp tục chạy hướng bắc.
Đáng chú ý, trước đó ngày 23/3, tàu khu trục tên lửa USS Mustin của hải quân Mỹ đã đi vào vùng biển lân cận đá ngầm trên Biển Đông gây phản ứng mạnh từ Trung Quốc.
Trong thời điểm cụm tấn công tàu sân bay Mỹ tiếp tục hiện diện ở Biển Đông hiện nay, hải quân Trung Quốc lại sắp tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn ở Biển Đông có sự tham gia của tàu sân bay Liêu Ninh và trên 40 tàu chiến “tiên tiến” đến từ 3 hạm đội lớn của hải quân Trung Quốc.
Theo Sina ngày 3/4, dự kiến tham gia cuộc tập trận này gồm có các tàu chiến như các tàu khu trục Type 052C/D, tàu hộ vệ Type 054, tàu ngầm Type 093A/B, Type 039A và Type 041, các máy bay chiến đấu J-11BH, máy bay chiến đấu ném bom JH-7B, máy bay chiến đấu Su-30MKK1/2, máy bay chiến đấu Su-35, máy bay ném bom H-6K, các máy bay cảnh báo sớm KJ-500 và KJ-2000, máy bay tuần tra săn ngầm Y-8Q, thậm chí tên lửa đạn đạo tầm trung Đông Phong-21D, loại tên lửa được Trung Quốc gọi là “sát thủ tàu sân bay”.
Theo thông báo của Cục hải sự Hải Nam, Trung Quốc ngày 30/3, một vùng biển duyên hải đảo Hải Nam (có 4 tọa độ là: 19-16.5N/110-38.5E, 19-13.0N/110-53.5, 18-55.0N/110-48.5E, 19-00.5N/110-31.5E) sẽ bị cấm đi lại từ sáng ngày 5/4 đến đêm ngày 11/4, theo đó, quân đội Trung Quốc sẽ tiến hành một cuộc tập trận sát thực tế chiến đấu lần đầu tiên ở Biển Đông trong năm 2018.
Thời gian tập trận được tổ chức trong thời điểm diễn ra hội nghị thường niên của Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2018 - diễn đàn này cũng tổ chức ở đảo Hải Nam.
Mặc dù Trung Quốc cho rằng cuộc tập trận này được tiến hành theo kế hoạch, nhưng báo chí Trung Quốc luôn có các bài viết phản ánh các động thái của hải quân Mỹ trên Biển Đông gắn liền với các hành động quân sự của Trung Quốc, bao gồm cuộc tập trận trên biển bắt đầu vào ngày mai (5/4/2018).
Như vậy, đây rõ ràng là lần đầu tiên các tàu sân bay Trung Quốc và Mỹ đồng thời hiện diện trên Biển Đông. Điều này rất đáng quan tâm, bởi trong chiến lược mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, Trung Quốc đang áp dụng các hành động “quân sự hóa” ở Biển Đông, đe dọa vị thế của Mỹ trong khu vực.