Trung Quốc tố Mỹ là “kẻ phá hoại hòa bình lớn nhất” trên eo biển Đài Loan

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trung Quốc chỉ trích Mỹ kịch liệt và coi nước này là mối đe dọa lớn nhất trên eo biển Đài Loan, ngay sau khi chiến hạm Mỹ lần thứ 7 băng qua vùng biển này trong năm nay.
Tàu khu trục USS Benfold băng qua eo biển Đài Loan trong hôm 28/7 (Ảnh: US Navy)
Tàu khu trục USS Benfold băng qua eo biển Đài Loan trong hôm 28/7 (Ảnh: US Navy)

Việc di chuyển qua lại thường xuyên của các chiến hạm Mỹ ở eo biển Đài Loan cho thấy “Mỹ là kẻ phá hoại hòa bình và ổn định lớn nhất…và là kẻ gây nên rủi ro về an ninh lớn nhất trên eo biển Đài Loan”, theo tuyên bố mà Chiến khu Đông bộ của quân đội Trung Quốc đưa ra chiều 29/7.

Tuyên bố nói rằng các binh sĩ thuộc Chiến khu Đông bộ luôn sẵn sàng phản ứng trước mọi mối đe dọa và hành động khiêu khích, đồng thời bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc.

Chiến khu Đông bộ chủ yếu chịu trách nhiệm thực hiện các chiến dịch ở eo biển Đài Loan – tuyến đường biển nhỏ hẹp chia tác giữa Trung Quốc đại lục và đảo Đài Loan, mà Bắc Kinh coi là một phần lãnh thổ của họ.

Tuyên bố xuất hiện sau khi tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke của Mỹ, USS Benfold, di chuyển qua eo biển Đài Loan trong hôm thứ Tư. Hạm đội 7 của Mỹ nói rằng việc điều tàu băng qua eo biển Đài Loan nhằm thể hiện cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, và rằng quân đội Mỹ sẽ “di chuyển trên không, trên biển và hoạt động ở bất cứ đâu luật pháp quốc tế cho phép”.

Trước đó 2 tuần, tàu USS Benfold có thực hiện “chiến dịch tự do hàng hải” đầu tiên trên Biển Đông. Bắc Kinh đã phản ứng bằng cách xua đuổi con tàu này, nói rằng nó “đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Trung Quốc, làm tổn hại tới sự ổn định của Biển Đông”.

Quân đội Mỹ đã tăng cường thực hiện các chiến dịch tự do hàng hải trong khu vực trong vòng 5 năm qua, theo Sáng kiến Thăm dò tình hình chiến lược ở Biển Đông, một tổ chức có trụ sở tại Bắc Kinh.

Năm 2016, 3 chiến hạm Mỹ đã đi vào trong khu vực 12 hải lý của các hòn đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Năm 2017, Mỹ thực hiện 4 cuộc tuần tra, và 5 trong năm 2018, 8 trong năm 2019 và 9 trong năm 2020.

Các hoạt động tương tự cũng diễn ra trên eo biển Đài Loan. Theo một danh sách được tổng hợp bởi Collin Koh – chuyên gia nghiên cứu đến từ Trường Nghiên cứu Quố tế S Rajaratnam, ĐH Công nghệ Nanyang, Singapore – các chiến hạm Mỹ đã thực hiện 15 cuộc di chuyển băng qua eo biển Đài Loan trong năm ngoái, tăng thêm 9 lượt so với năm 2019.

Đài Loan đã trở thành một nguồn cơn mới gây căng thẳng trong mối quan hệ vốn đã bất hòa giữa My và Trung Quốc. Bắc Kinh tỏ ra tức giận khi Washington thân thiết hơn với Đài Bắc trong những năm gần đây. Trung Quốc cũng ngày càng quyết tâm hơn trong các tuyên bố chủ quyền với Đài Loan, đẩy mạnh sức ép với hòn đảo này bằng cách thường xuyên điều máy bay quân sự đi vào vùng nhận dạo phòng không (ADIZ) của Đài Loan và tổ chức nhiều hoạt động hải quân trên eo biển Đài Loan.