Kurt Campbell, - điều phối viên các vấn đề Ấn Độ-Thái Bình Dương của Nhà Trắng – mới đây nói rằng Mỹ ủng hộ “mối quan hệ không chính thức chặt chẽ” với Đài Loan nhưng không phải độc lập. Đây là tuyên bố công khai đầu tiên của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden về cái mà Bắc Kinh gọi là “lằn ranh đỏ” của một trong “những vấn đề cốt lõi” của họ.
Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của họ và đã tuyên bố sẽ tái thống nhất với hòn đảo này, bằng vũ lực nếu cần thiết.
“Chúng tôi hoàn toàn nhận thức và hiểu được tính chất nhạy cảm trong vấn đề này” – ông Campbell nói trong một cuộc thảo luận được tổ chức bởi Asia Society hôm thứ Ba tuần này – “Chúng tôi tin rằng Đài Loan có quyền được sống trong hòa bình. Chúng tôi muốn chứng kiến vai trò quốc tế của nó, đặc biệt là trong những lĩnh vực như vaccine và những vấn đề liên quan tới đại dịch”.
“Họ nên đóng một vai trò ở đây, họ không nên bị cộng đồng quốc tế xa lánh. Đó là sự cân bằng, nhưng là sự cân bằng mà Mỹ chấp nhận và ủng hộ” – ông nói thêm.
Kurt Campbell: "Chúng tôi tin rằng Đài Loan có quyền được sống trong hòa bình" (Ảnh: AFP) |
Giới quan sát Trung Quốc cho rằng phát ngôn của ông Campbell phù hợp với quan điểm chính thức mà Mỹ đã áp dụng với Đài Loan kể từ năm 1979, thời điểm mà Washington thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, dù cho đây là tín hiệu không đáng mừng đối với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn và đảng DPP của bà, thì thực tế là hoạt động trao đổi giữa Mỹ và Đài Loan vẫn có khả năng cao là được tiếp tục tăng cường trong khuôn khổ mối quan hệ không chính thức giữa hai bên, theo cách mà Bắc Kinh xem là “khiêu khích”.
Liu Weidong – chuyên gia về các vấn đề Mỹ đến từ Viện Khoa học xã hội Trung Quốc – nói rằng Mỹ đã từng nói không ủng hộ Đài Loan độc lập trước đây, nhưng Washington luôn thể hiện quan điểm của họ một cách “rất đặc biệt”.
“Họ nói họ không ủng hộ Đài Loan độc lập, nhưng điều đó không có nghĩa là họ phản đối” – ông Liu nói – “Ông Campbell nói với điều đó có thể hiểu là thiện chí đối với Trung Quốc…nhưng nó cũng không ảnh hưởng tới việc chính phủ Mỹ thắt chặt quan hệ hợp tác với Đài Loan, bao gồm cả việc ủng hộ Đài Loan tham gia các tổ chức quốc tế - những tổ chức mà chỉ các quốc gia độc lập mới có thể tham gia”.
Ông Liu thêm rằng, hai bên chắc chắn sẽ tiếp tục tăng cường mối quan hệ, bao gồm cả trong những lĩnh vực mà trước đây chưa từng có.
Phát ngôn viên Bọ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân, phản ứng trước phát ngôn của ông Campbell, nói rằng Mỹ nên “xử lý thận trọng” với các vấn đề về Đài Loan và “ngừng gửi đi những tín hiệu sai”.
Chính quyền Bắc Kinh lâu nay vẫn cực lực phản đối các thương vụ vũ khí của Mỹ với Đài Loan, việc Mỹ điều chiến hạm băng qua Eo biển Đài Loan và sự ủng hộ của họ đối với việc Đài Loan tham gia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Chính phủ của Tổng thống Biden đã đưa ra hàng loạt bước đi để tăng cường quan hệ với Đài Loan, như với một đối tác quan trọng ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. Mỹ đã 6 lần điều chiến hạm qua Eo biển Đài Loan và cùng với các đồng minh khác – như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước thành viên G7 – đưa ra nhiều tuyên bố ủng hộ Đài Loan.
Mỹ cũng cử phái đoàn đại biểu tới Đài Loan trong tháng 4 năm nay để gặp gỡ bà Thái Anh Văn, viện trợ vaccine ngừa COVID-19 cho hòn đảo này và cả hai bên cũng đã bắt đầu các vòng đàm phán để đi đến thỏa thuận thương mại.
Li Zhengguang – Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Đài Loan thuộc ĐH Công đoàn Bắc Kinh – nói rằng Mỹ cảm thấy sức ép vì sự ủng hộ chưa từng có tiền lệ mà họ trao cho Đài Loan, điều có thể “khiến cho các thế lực ủng hộ độc lập ở Đài Loan bị lạc hướng”.
“Nếu như họ không rõ ràng về điều này, đảng DPP và những người ủng hộ độc lập sẽ lạc quan một cách mù quáng” – ông Li nói – “Giờ chúng ta có thể hiểu rằng, sự ủng hộ của Mỹ với Đài Loan sẽ hạn chế. Họ có thể tăng sự ủng hộ chính trị và làm những việc như bán vũ khí cho Đài Loan, nhưng không ủng hộ sự độc lập của Đài Loan”.