Trung Quốc bất ngờ huy động 25 máy bay ồ ạt vào Vùng nhận dạng phòng không Đài Loan
Theo trang Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 13/4, đáng chú ý hành động này diễn ra ngay sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 11/4 bày tỏ lo ngại về hành động gây hấn của Trung Quốc đối với Đài Loan, Việc Trung Quốc huy động tới 25 máy bay quân sự bay vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở tây nam Đài Loan vào ngày 12/4 không chỉ là ngày thứ 10 liên tiếp máy bay quân sự Trung Quốc đi vào ADIZ của Đài Loan, mà đây còn là ngày có số lượng máy bay quân sự Trung Quốc gây rối Đài Loan cao nhất kể từ khi cơ quan quốc phòng Đài Loan bắt đầu tiết lộ thông tin về máy bay quân sự Trung Quốc gây rối Đài Loan vào tháng 9 năm ngoái tới nay.
Như VietTimes đã đưa tin, Trung Quốc đã điều tổng cộng 25 máy bay quân sự vào ADIZ Tây Nam của Đài Loan. Cơ quan quốc phòng Đài Loan tuyên bố Không quân Đài Loan đã điều động lực lượng tuần tra trên không để ứng phó, dùng tên lửa phòng không theo dõi và phát thanh xua đuổi máy bay quân sự Trung Quốc thông qua làn sóng.
Máy bay chiến đấu đa năng J-16 hiện là lực lượng chính của không quân PLA (Ảnh: CCTV). |
Ông Tô Tử Vân (Su Ziyun), một học giả tại Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Đài Loan, nói với Hãng thông tấn Đài Loan CNA, ông cho rằng việc Trung Quốc huy động 25 máy bay quân sự tiến hành hành động trên không có thể liên quan đến các nhóm tấn công của tàu sân bay và tàu đổ bộ của hải quân Mỹ. Ông chỉ ra rằng tàu Liêu Ninh của Trung Quốc ngày 11/4 đã di chuyển về phía bắc eo biển Đài Loan, cho thấy nó có thể tiến hành huấn luyện trên biển với 25 máy bay quân sự này.
Trước đó, hành động quân sự lớn nhất của Trung Quốc huy động nhiều máy bay quấy nhiễu Đài Loan nhất diễn ra vào ngày 26/3. Hôm đó chính là ngày Đài Loan và Mỹ ký kết “Biên bản ghi nhớ về việc thành lập Nhóm công tác tuần tra trên biển”, Trung Quốc đã cho 20 máy bay quân sự vào ADIZ Tây Nam của Đài Loan; ngoài ra, một số máy bay quân sự Trung Quốc khác cũng bay vào khu vực đông nam Đài Loan.
Sơ đồ hoạt động của 25 máy bay quân sự Trung Quốc tại ADIZ Tây Nam Đài Loan hôm 12/4 (Ảnh: CQQPĐL). |
Một phát ngôn viên giấu tên của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 12/4 nói với Hãng thông tấn CNA của Đài Loan: Mỹ đã chú ý đến các hoạt động đe dọa liên tục của Trung Quốc trong khu vực, mục tiêu của họ cũng bao gồm Đài Loan. Mỹ bày tỏ quan ngại về điều này. Quan chức này kêu gọi chính phủ Trung Quốc ngừng gây áp lực quân sự, ngoại giao và kinh tế đối với Đài Loan và tham gia vào các cuộc đối thoại có ý nghĩa với Đài Loan.
Trong cuộc phỏng vấn với hãng truyền thông Mỹ NBC vào ngày 11/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng nói Mỹ lo ngại về các hành động gây hấn của Trung Quốc đối với Đài Loan và cảnh báo rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi hiện trạng ở Tây Thái Bình Dương bằng vũ lực đều là “phạm sai lầm nghiêm trọng”. Mặc dù không muốn trả lời trực tiếp về việc liệu Mỹ có đáp trả quân sự đối với các hành động của Trung Quốc với Đài Loan hay không, nhưng ông Blinken nhắc lại rằng theo “Đạo luật Quan hệ Đài Loan”, Mỹ có cam kết lâu dài để đảm bảo rằng Đài Loan có khả năng tự vệ và duy trì hòa bình và an ninh ở Tây Thái Bình Dương.
Máy bay ném bom hiện đại nhất H-6K của không quân PLA (Ảnh: Đa Chiều). |
"Xung đột vùng xám" - Mối đe dọa lớn nhất đối với Đài Loan
Các chuyên gia mô tả chiến lược của Trung Quốc điều máy bay quân sự đến quấy nhiễu Đài Loan là một “cuộc Xung đột vùng xám”. Học giả Bonnie Glaser, chuyên gia tư vấn cấp cao về châu Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ, cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn Deutsche Welle hồi tháng trước: Mối đe dọa lớn nhất đối với Đài Loan trong vài năm tới sẽ là "Xung đột vùng xám" của Trung Quốc.
Bà Bonnie Glaser cho rằng về lâu dài, Đài Loan có thể phải trả giá lớn hơn để đối phó với sách lược “Xung đột vùng xám” của Trung Quốc, đặc biệt là sức ép đối với Không quân Đài Loan và chi phí bảo dưỡng máy bay quân sự. Bonnie Glaser nói với Deutsche Welle: "Cuối cùng, Trung Quốc muốn sử dụng sức ép của cuộc Xung đột vùng xám này để thuyết phục người dân Đài Loan rằng họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc trở thành một phần của Trung Quốc".
Giáo sư Hoàng Giới Chính (Huang Jiezheng) ở Viện Chiến lược và Các vấn đề Quốc tế tại Đại học Đạm Giang (Tamkang University), Đài Loan cho rằng mặc dù "Xung đột vùng xám" không có nghĩa là một cuộc chiến toàn diện, nhưng Trung Quốc vẫn gây áp lực lớn với Đài Loan thông qua phương thức này. Ông nói với Deutsche Welle: "Xung đột vùng xám của Trung Quốc có thể gây áp lực liên tục lên khả năng chiến đấu của Đài Loan. Tôi nghĩ Đài Loan nên đặc biệt chú ý đến các mối đe dọa do chiến thuật này gây ra".
Liên tục cho máy bay bay vào ADIZ Đài Loan được cho là hành động của Trung Quốc nhằm thực hiện sách lược "Xung đột vùng xám" (Ảnh: CCTV). |
Tổ chức tư vấn của cơ quan quốc phòng Đài Loan hôm 11/4 đã đưa ra đánh giá về "Xung đột vùng xám" của Trung Quốc, cảnh báo rằng sách lược bành trướng phi vũ trang này của Trung Quốc đại lục có thể trở thành thường xuyên trong tương lai. Cách tiếp cận như vậy cũng sẽ khiến bên bị tấn công không biết nên phản ứng với lực lượng quân đội hay cảnh sát, dẫn đến việc kéo dài thời gian ra quyết sách.
Ông Lý Tuấn Nghị (Li Junyi), một nhà nghiên cứu tại Viện An ninh Quốc gia thuộc Viện Quốc phòng Đài Loan, đã chỉ ra trong một báo cáo phân tích liên quan rằng "Xung đột vùng xám" của Trung Quốc là một hành vi gây thành sự đã rồi thông qua một cách phản ứng dần dần, không gây vũ lực; hiện tượng này không chỉ xảy ra ở Biển Đông mà còn xảy ra ở vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Ông cho rằng điều này có nghĩa là Trung Quốc cho rằng các nước láng giềng và Mỹ khó hành động chống lại "Xung đột vùng xám" một cách hiệu quả; Trung Quốc có thể quyết định tiếp tục sử dụng chiến lược này để tạo ra môi trường thuận lợi cho họ.