Trung Quốc thất bại trước Mỹ trong vụ mua công ty sản xuất động cơ máy bay Ukraine

VietTimes -- Theo Thời báo Hoàn cầu, Ủy ban Chống độc quyền Ukraine vừa tuyên bố sẽ cấm Công ty TNHH Đầu tư Công nghiệp Hàng không Thiên Kiêu (Tianjiao) Trung Quốc mua Công ty Motor Sich của Ukraine. Ngay sau khi tin tức được đưa ra, nó đã nhanh chóng làm dấy lên cuộc thảo luận sôi nổi ở trong và ngoài Trung Quốc.
Dưới sức ép của Mỹ, Ukraine đã quyết định cấm các công ty Trung Quốc mua hãng sản xuất máy bay Motor Sich. (Ảnh: Sohu)
Dưới sức ép của Mỹ, Ukraine đã quyết định cấm các công ty Trung Quốc mua hãng sản xuất máy bay Motor Sich. (Ảnh: Sohu)

Trung Quốc muốn mua lại Motor Sich để thực hiện giấc mơ chế tạo động cơ máy bay mạnh

Motor Sich là nhà máy sản xuất động cơ máy bay duy nhất ở Ukraine, đã có lịch sử hơn 110 năm. Ngay từ thời Xô Viết, các sản phẩm của nó đã được xuất khẩu tới hơn 90 quốc gia. Cho đến ngày nay, Motor Sich vẫn là một trong những nhà phát triển và sản xuất hàng không quân sự lớn nhất thế giới, được gọi là “Vua động cơ”. Sản phẩm của công ty được dùng cho cả máy bay vận tải An-225 lớn nhất thế giới. Trong khi đó, Trung Quốc hiện tuy là quốc gia duy nhất trên thế giới có toàn bộ các chuỗi ngành nghề công nghiệp, nhưng lĩnh vực hàng không vũ trụ của Trung Quốc có một lỗ hổng rất lớn, đó là động cơ hàng không công suất cao tương đối lạc hậu. Nếu Trung Quốc mua lại Motor Sich thành công, thì bằng cách tiếp thu công nghệ liên quan của Motor Sich, Trung Quốc sẽ có thể hoàn toàn thoát khỏi sự trói buộc của vấn đề động cơ hàng không công suất cao, có thể thực sự cất cánh trong lĩnh vực hàng không vũ trụ.

Sở hữu công nghệ và dây chuyền sản xuất động cơ máy bay của Motor Sich luôn là mơ ước của người Trung Quốc (Ảnh: Sohu)
Sở hữu công nghệ và dây chuyền sản xuất động cơ máy bay của Motor Sich luôn là mơ ước của người Trung Quốc (Ảnh: Sohu)

Để có thể mua thành công Motor Sich, Trung Quốc đã triển khai “nhiều mũi tấn công”. Tuy nhiên, để ngăn chặn việc Trung Quốc mua lại Motor Sich nhằm ngăn cản sự phát triển của ngành hàng không vũ trụ của nước này, ngay từ năm 2017, Mỹ đã buộc cơ quan an ninh Ukraine phải can thiệp vào việc mua lại và tạm thời đóng băng kho sản phẩm của Motor Sich, trực tiếp dẫn đến sự chậm trễ trong việc mua lại. Đồng thời, để cắt đứt hoàn toàn ý tưởng mua lại Motor Sich của Trung Quốc, Mỹ thậm chí đã cho một công ty không mấy tên tuổi mua Motor Sich.

Tuy nhiên, trong trường hợp vi phạm cam kết, Mỹ lại đề xuất buộc phía Ukraine phải một mình gánh chịu. Đối mặt với hàng trăm triệu đô la thiệt hại khi thanh lý, Ukraine, nước không đủ khả năng tài chính đã từ chối đề xuất mua công ty của Mỹ. Sau vụ việc, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Bolton đã đến thăm Ukraine và đưa ra cảnh báo cho Tổng thống Ukraine Zelensky. Cũng do sự can thiệp của Mỹ, Trung Quốc cuối cùng đã thất bại trong việc mua lại Motor Sich.

Động cơ do Motor Sich sản xuất được lắp cho máy bay vận tải lớn nhất thế giới An-225 (Ảnh: Sohu)
Động cơ do Motor Sich sản xuất được lắp cho máy bay vận tải lớn nhất thế giới An-225 (Ảnh: Sohu)

Các công ty Trung Quốc nhảy vào “giải cứu” Motor Sich

Cơ quan truyền thông Buzz Feed (Mỹ) ngày 24/2 đưa tin các quan chức của Ủy ban Chống độc quyền Ukraine đã thông báo: ủy ban này tháng 3 tới sẽ chính thức tuyên bố cấm Công ty TNHH Đầu tư Công nghiệp Hàng không Thiên Kiêu Bắc Kinh của Trung Quốc mua Công ty Motor Sich Ukraina.

Quyết định này của Ukraine đã trở thành hiện thực dưới áp lực nghiêm trọng của Mỹ. Các chuyên gia Ukraine tin rằng cách duy nhất để hủy bỏ giao dịch một cách hợp pháp là quốc hữu hóa Motor Sich và bồi thường cho người mua Trung Quốc, với mức phạt vi phạm cam kết từ 500 triệu đến 2 tỷ USD.

Nếu Công ty TNHH Đầu tư Công nghiệp Hàng không Thiên Kiêu Bắc Kinh vẫn kiên trì giao dịch, Mỹ chắc chắn sẽ dùng mọi biện pháp để đóng băng tài khoản ở nước ngoài của Motor Sich. Phía Mỹ hy vọng sẽ buộc Thiên Kiêu từ bỏ kế hoạch mua lại Motor Sich.

Mọi người đều biết rằng động cơ máy bay chiến đấu của quân đội Trung Quốc từ lâu đã là điểm yếu, bao gồm cả những loại dùng cho các loại máy bay tiêm kích, cường kích, ném bom, trực thăng và vận tải hạng nặng như J-10A / B / C, J-11B, J-15, J-20, Mi-17,  H-6K và Yun-20.

Việc không mua được Motor Sich sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch trực thăng của Trung Quốc (Ảnh: Sohu)
Việc không mua được Motor Sich sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch trực thăng của Trung Quốc (Ảnh: Sohu)

Rất nhiều lần, Trung Quốc phải dựa vào Nga hoặc Ukraine cung cấp động cơ để có thể sản xuất máy bay theo lô. Vì vậy, Trung Quốc cũng đã nỗ lực rất nhiều. Ví dụ, nhà nước Trung Quốc từng công bố sẽ dành khoản đầu tư khổng lồ 300 tỷ Nhân dân tệ cho các dự án động cơ, nhưng nỗ lực này đã không đạt kết quả thực tế trong thời gian ngắn.

Một nỗ lực có thể cho hiệu quả trong thời gian ngắn khác là mua lại công ty Motor Sich của Ukraine, được biết đến như là “Vua động cơ” đang trong tình thế khủng hoảng tài chính. Công ty này là một trong những công ty hàng đầu thế giới về động cơ hàng không quân sự. Nó đã làm chủ công nghệ cốt lõi của động cơ quân sự, có thể cho phép Trung Quốc nhanh chóng đảo ngược những chỗ yếu về máy bay quân sự.

Cuối cùng, Trung Quốc nhìn thấy cơ hội. Hai tập đoàn Thiên Kiêu và Tín Uy của Bắc Kinh sẵn sàng cùng đầu tư để mua hơn 50% cổ phần của Motor Sich và hứa sẽ đầu tư ít nhất 250 triệu đô la Mỹ cho công ty trong vài năm tới.

Phía Ukraine cũng rất sẵn lòng để có ai đó tiếp quản mớ hỗn độn này. Cuối cùng, hai bên đã thỏa thuận và đạt được ý định hợp tác chỉ trong một thời gian ngắn.

Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton tới Ukraine để gây sức ép ngăn cản việc bán Motor Sich cho Trung Quốc (Ảnh: Sohu)
Cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton tới Ukraine để gây sức ép ngăn cản việc bán Motor Sich cho Trung Quốc (Ảnh: Sohu)

Mỹ đã thành công buộc Ukraine không bán Motor Sich cho Trung Quốc  

Tuy nhiên, có người không hài lòng và Mỹ bắt đầu ra tay can thiệp. Mỹ đã đưa ra ba thủ đoạn: Thứ nhất, nước này đe dọa sẽ cắt đứt các chương trình hỗ trợ quân sự và đình chỉ việc cấp giấy phép cung cấp vũ khí để buộc Ukraine phải hủy bỏ vụ giao dịch.

Thứ hai là thúc giục cơ quan an ninh Ukraine điều tra giao dịch Trung Quốc - Ukraine, dẫn đến việc đình chỉ đóng băng quyền cổ phần và tất cả bị tạm ngừng.

Thứ ba là khuyến khích công ty Blackwater của Mỹ đứng ra để mua thay cho vốn của Trung Quốc.

Mặc dù Motor Sich đang hấp hối và mong muốn khoản đầu tư của Trung Quốc được đưa vào càng sớm càng tốt để cứu vãn tình thế tiến thoái lưỡng nan, nhưng dưới áp lực nặng nề của Mỹ, phía Ukraine phải nhìn vào sắc mặt của Mỹ để hành động, đã buộc phải nhượng bộ.

Trước sức ép của Mỹ, Ukraine đã quyết định cấm bán công ty Motor Sich cho Trung Quốc (Ảnh: AP)
Trước sức ép của Mỹ, Ukraine đã quyết định cấm bán công ty Motor Sich cho Trung Quốc (Ảnh: AP)

Để áp chế vụ giao dịch này, Mỹ đã cắt viện trợ kinh tế và quân sự và ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine. Năm 2019, hãng CNBC đưa tin ông Trump đã chính thức hủy 250 triệu USD viện trợ ban đầu dự định được cung cấp cho Ukraine. Mất đi hơn 200 triệu hỗ trợ của Trump, là đòn chí mạng đối với Ukraine, sẽ ảnh hưởng nặng nề tới sự phát triển cả về kinh tế lẫn quân sự.

Ngoại trưởng Mike Pompeo nói rằng Mỹ coi Ukraine là một dự án; là một dự án chứ không phải là một đối tác. Ông Pompeo cũng nói rằng vũ khí chúng ta đưa cho Ukraine là để họ chiến đấu với Nga.

Tuy nhiên, Ukraine hiện đang rất cần sự hỗ trợ vũ khí từ Mỹ, bởi vì nếu quân đội Ukraine không duy trì áp lực cao đối với miền Đông, thì khu vực này có thể bị mất hoàn toàn.

Ukraine cần Mỹ viện trợ radar chống pháo, tên lửa chống tăng javelin, máy bay không người lái trinh sát nhỏ, áo giáp và thực phẩm cá nhân, súng bắn tỉa và nhiều hơn nữa. Do đó, Ukraine hiện không thể tách rời khỏi Mỹ, cuối cùng đã lấn át chuyện của công ty Motor Sich.

Văn bản cấm công ty Trung Quốc mua Motor Sich sẽ được công bố vào tháng 3. Nhưng nếu điều này xảy ra, sẽ có một khoản bồi thường lớn, số tiền bồi thường sẽ lên tới từ 500 triệu đến 2 tỷ đô la Mỹ. Khoản tiền này rốt cục do Ukraine đang kinh tế khốn đốn chi trả hay người Mỹ trả thay?

Tất nhiên, Hoa Kỳ vẫn có những chiêu khác: thứ nhất, đóng băng tài khoản của Motor Sich để nó không thể hoạt động ngay cả khi việc mua lại thành công; thứ hai, buộc các công ty Trung Quốc phải từ bỏ việc mua lại.

Nếu âm mưu này của Mỹ cuối cùng cũng thành công, thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch hợp tác của Trung Quốc với Ukraine trong việc chế tạo động cơ phản lực AI-25TL (dùng cho máy bay huấn luyện JL-8), động cơ phản lực AI-222-25 (máy bay huấn luyện JL-10), TV3-117 (Mi-17/171) và động cơ cánh quạt D-136-2 (dự án hợp tác trực thăng hạng nặng Trung-Nga), động cơ cỡ lớn D-18T (dùng cho máy bay vận tải lớn trong nước lớn hơn Yun-20). Nó cũng sẽ làm gián đoạn lối đi tắt của Trung Quốc để thực hiện nội địa hóa động cơ quân sự.

Mặc dù, một số hạng mục hợp tác giữa Trung Quốc và Motor Sich đang được thực hiện ở Trung Quốc, nhưng nếu cuối cùng Ukraine phá vỡ hợp đồng dưới áp lực của Mỹ, các xí nghiệp liên doanh này sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.